(Hình: tuoitrecuoi)
Bùi Ngọc Tấn bị giam từ năm 1968 đến 1973. Khi mãn hạn tù, về đến Hà Nội, ông được chào đón và thiết đãi một bữa ăn “bằng máu” của bạn bè:
“Vũ Mạc, Lê Bàn và Hường đứng trước mặt hắn. Bốn người đứng lặng nhìn nhau. Nhìn từ đầu đến chân. Nhìn từng khuôn mặt. Cười. Sung sướng… Mùi thịt nướng thơm lừng. Rượu. Rau muống chẻ giòn tươi. Đủ các loại rau thơm… Hắn không hiểu được để có bữa bún chả, Mạc đã đi bán máu. Lúc đó Mạc đã là lính me… Phải đến năm sáu năm sau, Lê Bàn mới nói cho hắn biết chi tiết ấy. Bàn cười rinh rích: ‘Chúng tao không dám nói. Sợ mày kinh, ăn không ngon. Sợ mày nghĩ là mày đang ăn thịt nó. Nó bán máu và bán luôn cả cái phiếu đậu bồi dưỡng.” (Bùi Ngọc Tấn. Chuyện Kể Năm 2000, tập I, California: NXB Câu Lạc Bộ Tuổi Xanh).
Lính me, theo chú thích của nhà xuất bản – nơi trang 176 – là người sống bằng nghề bán máu. Cái nghề này không rõ xuất hiện ở Hà Nội tự bao giờ nhưng sau “giải phóng” thì lan vào đến Sài Gòn, thành phố đã bị đổi tên.
Ông Võ Ngọc Mẫn là một trong những anh lính me tiêu biểu, thuộc đạo quân bán máu, nơi mảnh đất mà qua đêm (bỗng) hóa vinh quang – theo ghi nhận của phóng viên Phùng Bắc:
(Hình: Báo Lao Động)
“Ông có dáng người dong dỏng cao (1.7m), nước da ngăm đen rắn rỏi, đôi mắt sáng, lông mày rậm dài và ấn tượng nhất là nụ cười luôn nở trên môi người đàn ông lao động chân tay này. Ở quê nhà Trà Vinh, ông có một cuộc sống nghèo khó, có vợ và hai người con, nhưng không đất đai cày cuốc, tài sản thì tay trắng, vốn hành nghề chạy xe kéo ở quê cũng không thấm vào đâu. Cách đây gần hai chục năm, ông Mẫn lên Sài Gòn kiếm sống bằng nghề lao động thuê mướn. Cái nghèo quấn lấy, ông Mẫn tình cờ biết đến dịch vụ ‘bán máu’, thế là hành trình bán máu nuôi thân của ông Mẫn cứ thế quay cuồng suốt gần chừng ấy năm trời sinh nhai ở đất phồn hoa đô thị Sài thành… Vì cuộc sống nghèo khó, ông Mẫn cho biết: ‘Tôi bán máu gần 20 năm nay, thấy sức khỏe vẫn bình thường, không hề có biểu hiện gì khác lạ, thậm chí là khỏe khoắn hơn nếu cứ… bán đều đều!’
Khoẻ thật nhưng không khoẻ lắm, theo cách nhìn của nhà văn Bùi Ngọc Tấn:
“Bán máu êm ả là thế mà nhiều lúc vẫn giật mình. Ví như đang ngồi nhìn cả vào người y tá chờ gọi tên mình thì người ấy bỗng bật ra những cái tên bất ngờ nhất:
Chính Yên!
Phan Kế Bảo!
Phương Nam!
Toàn những người quen. Toàn những trí thức. Ngượng nghịu nhìn nhau. Rồi cũng quen dần. Lương thiện thì rõ ràng là lương thiện rồi. Nhưng nó tố cáo bước đường cùng.” (Bùi Ngọc Tấn. “Thời Gian Gấp Ruổi.” Viết Về Bè Bạn. Fallchurch, Virginia: Tiếng Quê Hương, 2006.)
Thói đời thì ở đâu cũng thế, Bắc cũng như Nam, hễ cứ có người lâm vào bước đường cùng thì thế nào cũng có kẻ sống nhờ vào sự khốn cùng của tha nhân. Đó là bọn “ăn từng tế bào máu, uống máu đồng bào, không khác gì cầm thú” như nhận định của blogger Nguyễn Tiến Tường:
“VTV24 trình chiếu một phóng sự điều tra chân tơ kẽ tóc về việc bệnh viện Xanh Pôn cắt một que test HIV và viêm gan siêu vi B thành hai que, trộn chung 4 mẫu máu HIV vào một giếng xét nghiệm. Nếu kết quả âm tính, sẽ trả cho 4 người. Nếu dương tính, sẽ buộc 4 người đó xét nghiệm lại. Chuyên gia đầu ngành y tế trong phóng sự đã khẳng định những hành vi này sẽ làm méo mó kết quả xét nghiệm. Hàm lượng máu không đủ và bị pha lẫn sẽ cho ra kết quả sai lệch.
Cho đến sáng nay, lãnh đạo bệnh viện vẫn một mực chày cối ‘không ảnh hưởng kết quả’ và ‘trang thiết bị gian lận bán cũng không ai mua’. Tôi thật sự rợn người với tư duy này của người làm quản trị. Không cần phải bán đâu cả, mỗi que xét nghiệm, họ đã biến thành hai que và ‘ăn lời’ một que. Mỗi xét nghiệm HIV đổ chung 4 người, họ đã ăn lời 3 kết quả. Hành vi này không khác gì uống máu đồng loại theo đúng nghĩa đen cả. Nó không chỉ là ăn vặt thiết bị y tế, nó là sự suy đồi nhân cách cùng tận.
Cái mà dư luận cảm thấy bàng hoàng không phải là tiền que thử, dụng cụ mà cái cách nhân viên y tế đã xé lẻ hoặc trộn chung số phận người bệnh trong tay mình để kiếm lợi. Đó không phải là hành vi của con người mà là của ngạ quỷ. Cho dù chúng ta vẫn ngầm công nhận với nhau rằng người ta có thể ăn bất cứ thứ gì. Nhưng có lẽ không ai nghĩ họ ăn đến từng tế bào máu, nghiệt ngã như vậy… Con người dám bước qua cả nhân quả tâm linh để trục lợi thì không không khác gì cầm thú. Nó không khác việc giết người cướp của về bản chất, chỉ khác về hình dạng chiếc áo blouse mà thôi.”
Cách nhìn của FB Võ Xuân Sơn về “giới người mặc áo blouse” lại hoàn toàn khác, phóng khoáng và nhẹ nhàng hơn thấy rõ:
“Nói tóm lại, về bản chất trộm cắp thì các bạn không có gì phải xấu hổ khi việc làm của các bạn đã được rất, rất nhiều các đồng chí cán bộ lãnh đạo từ cao đến thấp thực hiện từ rất lâu. Tôi chỉ buồn là các bạn, dù có đứng đầu các ngành khi thi vô, dù có thời gian học dài đăng đẵng, dù được coi là xuất chúng, nhưng cái đầu lại bé như trái nho. Cũng là ăn cắp, mà người ta ăn cắp cả trăm tỉ, ngàn tỉ, thậm chí hàng chục ngàn tỉ. Còn các bạn? Nghe mà đắng cả lòng.
Một cái que trị giá 30,000 đồng, các bạn chẻ đôi, kiếm được 15,000 đồng. Bạn ăn cắp 1,000 cái que, được 15,000.000 đồng. Nghe nói các bạn đã từng ăn cắp tới 3,000 cái que, tính ra được 45,000,000 đồng, chưa bằng nửa chai rượu của mấy thằng cũng ăn cắp như các bạn uống ừng ực, có ngày cả chục chai, mà ngày nào cũng uống.
Hãy tập nghĩ lớn, làm lớn các bạn ạ. Đừng có làm uổng công cha nghĩa mẹ ơn thầy. Đằng nào cũng là phường trộm cắp, cướp giật. Cướp thì cướp cho đáng, cho nó oai hùng.”
Tuy vụ “cướp mấy cái que” không “lớn” nhưng cũng khiến cho BS Võ Phạm Trọng Nhân đâm ra áy náy: “Là một người trong y giới, tôi thật sự hổ thẹn vì hành động của những đồng nghiệp, khiến cho bộ mặt ngành y trở nên rất xấu xí dưới mắt cộng đồng.”
Chả việc gì phải “nhậy cảm” đến thế đâu, ông BS ạ. Bên giới dược họ còn bán cả đến thuốc giả nữa cơ mà đã có sao đâu. Bà Kim Tiến vẫn hạ cánh an toàn đấy thôi. Ở đất nước này mạng sống rẻ rề hà (mỗi ngày vài trăm người chết vì ung thư, mỗi năm mấy trăm kẻ vào đồn công an… tự tử, và chỉ cần đôi giờ đi bão bóng đá thôi cũng đã phơi thây đến mấy chục mạng rồi) thì xá chi chút máu me của đám dân đen mà phải bận tâm đến thế.
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
Ngày 18/12/2019
Be the first to comment