Thẩm Phán Juan Merchant và Tổng thống Tân cử Donald Trump
Chúng tôi xin đề cập đến 3 vấn đề thời sự đáng chú ý trong tuần, ngoài 2 tin tức sau đây:
1. Vị Tổng Thống Thứ 39 của Hoa Kỳ, ông Jimmy Carter đã từ trần vào ngày 29/12/2024, hưởng đại thượng thọ 100 tuổi. Lễ quốc tang đã diễn ra tại Washington DC từ ngày 7/1/2025 cho đến ngày 9/1/2025 và lễ an táng cũng diễn ra cùng ngày 9/1 tại Plains, tiểu bang Georgia là quê hương của ông. Quốc kỳ tại các công sở, cơ sở quân đội trên toàn quốc được hạ xuống 1/2 một nửa trong 30 ngày, từ ngày 29/12/2024 đến ngày 29/1/2025.
Tổng Thống Jimmy Carter là một người đạo đức và nhân hậu, mặc dù ông chỉ được 1 nhiệm kỳ. Di sản của ông phải cần một bài đặc biệt.
2. Vụ hoả hoạn tại vùng Los Angeles Nam California. Đây là vụ hỏa hoạn gây nhiều thiệt hại nhất từ trước đến nay, cho đến bây giờ đang lan rộng đến những vùng lân cận. Lần đầu tiên khu nhà cửa của tài tử Hollywood bị thiệt hại nặng nề
* * *
1. Dự Luật Lake Riley
Chiều 7-1, Hạ Viện Mỹ đã thông qua một dự luật để trục xuất những người nhập cư không có giấy tờ bị buộc tội dùng bạo lực. Đây được coi là một hành động mở màn của phe Cộng Hòa chiếm đa số tại Hạ Viện, những người đã tuyên thệ nhậm chức sẽ thực hiện cam kết trấn áp người nhập cư trái phép và thắt chặt kiểm soát biên giới của Tổng Thống đắc cử Donald Trump.
Dự luật này được đặt theo tên của Laken Riley, nữ sinh viên 22 tuổi đã bị một người di cư vượt biên vào Mỹ bất hợp pháp sát hại hồi năm ngoái ở tiểu bang Georgia. Những biện pháp này sẽ bao gồm những dự luật tăng cường trục xuất, giữ người xin tị nạn ở bên ngoài nước Mỹ và cắt nguồn tài trợ liên bang cho các địa phương không hợp tác với các cơ quan thực thi di trú liên bang. Dự Luật này có dễ dàng được Thượng Viện Mỹ do Đảng Cộng Hòa thông qua ngày 10-1? Ông Biden có thể nào đảo ngược trước khi ông rời Bạch Ốc không?
Đáp:
Vào ngày 9/1/2025, Dự Luật “Laken Riley Act” đã được Thượng Viện bỏ phiếu 84/9 để bắt đầu cuộc tranh luận, và chưa biết cuộc tranh luận sẽ kéo dài bao lâu trước khi được thông qua.
Nếu được Thượng Viện thông qua trước ngày 20/1/2025 thì Laken Riley Act sẽ được chuyển qua Tòa Bạch Ốc để TT Joe Biden quyết định. Có 3 trường hợp xảy ra:
1. Nếu TT Joe Biden ký tên thì Dự Luật sẽ thành Luật,
2. Nếu TT Biden không ký tên thì Dự Luật cũng sẽ tự động thành Luật sau 10 ngày với điều kiện Quốc Hội vẫn đang làm việc như hiện nay.
3. Nếu Joe Biden phủ quyết (veto) thì Dự Luật sẽ gởi trả về Quốc Hội với các lý do đính kèm. Nếu Quốc Hội vẫn muốn Dự Luật trở thành Luật thì cần phải có 2/3 số phiếu của Lưỡng Viện Quốc Hội để vô hiệu hóa sự phủ quyêt của TT.
Tóm lại, TT Biden có thể phủ quyết Dự Luật, cũng như ông vẫn còn quyền ký những Sắc Lệnh Hành Pháp và ban hành những đạo luật để gây khó dễ và cản trở nghị trình của TT Trump như ông đã làm. Đó là:
– Ký Sắc Lệnh Hành Pháp cấm khai thác dầu hỏa trên toàn cõi lãnh hải Hoa Kỳ, tổng cộng 625 triệu mẫu, là 1 khu vực rất rộng gồm toàn bộ duyên hải Đông và Tây nước Mỹ, phía đông Vịnh Mễ Tây Cơ và một phần Biển Bering ở Alaska. Đây là hành động nhằm mục đích củng cố cái gọi là “di sản Khí Hậu” của Joe Biden, nhưng mục tiêu sâu xa là để ngăn cản nghị trình phát triển và tạo thế độc lập năng lượng cho Hoa Kỳ như trong nhiệm kỳ 1 của TT Trump.
– Ban hành Luật HR 82, cho phép thành phần lãnh hưu bổng rất cao vẫn được lãnh thêm tiền SSA, tạo thêm gánh nặng cho người đóng thuế.
Dưới thời TT Reagan, ông đã ra luật cấm các nhân viên chính phủ không được lãnh tiền SSA vì tiền hưu bổng của họ đã rất cao rồi.
Thí dụ hai trường hợp điển hình là bà Pelosi nếu về hưu lúc nầy thì sẽ lãnh được $180 ngàn đô la/1 năm tiền hưu bổng và ông bác s̃ĩ Fauci sẽ lãnh được $400 ngàn đô la/1 năm.
Với số tiền hưu bổng cao như thế mà họ còn được lãnh thêm tiền SSA vài ba ngàn nữa thì không thấm vào đâu đối với họ, nhưng sẽ là một thiệt thòi và là một gánh nặng cho những người đóng thuế, ngân quỹ quốc gia phải tốn thêm một ngân khoản rất lớn, điều này làm khó về tài chánh không những cho nhiệm kỳ của TT Trump mà còn cho những nhiệm kỳ TT về sau, bất kể là Cộng Hòa hay Dân Chủ.
Ngoài ra, nhiệm kỳ của TT Trump còn phải hốt những đống rác khổng lồ do chính quyền Biden& Harris để lại, điển hình như sau:
– Ma túy tràn vào nước Mỹ do chính sách mở cửa biên giới phía Nam và biên giới Gia Nã Đại. Đó là lý do TT Trump áp lực tăng quan thuế lên hàng hóa của Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ nhập vào Hoa Kỳ.
– Băng đảng lộng hành, điển hình là nhóm băng đảng Tren de Aragua ở Denver, Colorado.
– Khủng bố và sự tắc trách của FBI
Đây là một đe dọa lớn lao cho an toàn công cộng nói riêng và cho an ninh quốc gia nói chung.
Chúng ta đã chứng kiến 2 vụ tấn công khủng bố trong ngày đầu năm 2025 tại New Orlean và Las Vegas. Là cơ quan điều tra cao cấp trong chính phủ, FBI đã không làm tròn trách nhiệm trong 4 năm qua, ngay cả vào lúc này khi nhiệm kỳ của chính quyền Biden sắp kết thúc.
Đơn cử vụ tấn công tại New Orleans. Khi vừa xảy ra, FBI nhanh chóng nhận trách nhiệm dẫn đầu cuộc điều tra, nhưng tuyên bố rằng vụ tấn công không phải là một hành động khủng bố.
Tuy nhiên, trong cùng buổi họp báo, Thị Trưởng LaToya Cantrell của thành phố New Orleans đã bác bỏ tuyên bố này và mạnh mẽ khẳng định rằng thành phố đã trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công khủng bố. Bà nói: “Thành phố New Orleans đã phải hứng chịu một cuộc tấn công khủng bố. Tất cả vẫn đang trong quá trình điều tra“, FBI ngay sau đó đã thay đổi giọng điệu và tuyên bố rằng vụ tấn công được điều tra như một hành động khủng bố. Họ cũng xác nhận rằng một lá cờ của tổ chức khủng bố ISIS đã được tìm thấy trên xe của nghi phạm Shamsud-Din Jabbar, là một công dân Hoa Kỳ 42 tuổi cư ngụ tại Texas, tên này đã lái một chiếc xe truck tông vào đám đông đang vui chơi sau giao thừa 2025 khiến 14 người chết và 35 người bị thương. tên sát nhân là một cựu quân nhân Hoa Kỳ nhưng là một thành viên của tổ chức khủng bố ISIS.
Cách hành xử của FBI đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ từ các viên chức đắc cử đồng minh của ông Trump, cũng như đông đảo cử tri trên mạng xã hội, họ chỉ trích FBI rằng cơ quan này đã dồn hết mọi nguồn lực vào các vấn đề tào lao như đào tạo và tuyển dụng nhân viên theo chính sách DEI của cánh tả (đa dạng, công bằng và bao dung) thay vì chú trọng vào việc điều tra và ngăn chặn tội phạm.
“FBI có sứ mệnh không được phép thất bại. Không có chỗ cho bất kỳ sai sót nào. Một khi họ thất bại, người Mỹ sẽ phải trả giá bằng sinh mạng. Điều cần thiết là ông Kash Patel phải được Thượng Viện phê chuẩn càng sớm càng tốt”,
Ông Kash Patel là người được TT Trump đề cử vào chức vụ Giám Đốc FBI. Ông này là một người rất cứng rắn, đã không ngần ngại nói rằng, trong ngày đầu tiên nhận nhiệm sở, ông sẽ điều động 7 ngàn nhân viên FBI trong tòa nhà J. Edgar Hoover Building ra ngoài để điều tra tội phạm. Tòa nhà Edgar Hoover là trụ sở của cơ quan FBI tọa lạc tại Washington DC.
Ngoài những điều vừa kể, chính phủ Trump -Vance còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác do chính quyền Biden & Harris để lại, mà trước mắt là vật giá vẫn còn cao, kinh tế vẫn trì trệ.
Trở lại Dự Luật Laken Riley Act, nếu Thượng Viện thông qua sau ngày 20/1/2025, TT Trump chắc chắn sẽ ký thành Luật.
2. Tòa Án New York tuyên án ông Trump
Tòa phúc thẩm ở New York hôm 7/1 đã bác bỏ yêu cầu của ông Trump về hoãn tuyên án vụ chi tiền bịt miệng cho sao phim khiêu dâm Stormy Daniels, dù luật sư của Tổng Thống đắc cử lập luận rằng quyền miễn trừ truy tố với tổng thống đương nhiệm có thể áp dụng trong cả giai đoạn chuyển tiếp, từ thời điểm ứng viên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đến lễ nhậm chức. Theo cô nhận xét thì vụ án khiến ông Trump trở thành người đầu tiên làm Tổng Thống Mỹ với tư cách là người mắc trọng tội và bị kết án, chĩ một mục đích là làm nhục ông Trump trong hồ sơ hay không? Và có ảnh hưởng gì với tư cách tổng thống của ông?
Đáp:
Ông Trump phải đối đầu với trận chiến pháp lý do đảng Dân Chủ phát động ngay khi tuyên bố ra tranh cử TT. Bộ Tư Pháp của chính quyền Joe Biden ráo riết tấn công ông Trump bằng các tòa án hình sự tại 4 nơi:
1. Tòa Án Florida, với tội đem các tài liệu mật về tư gia
2. Tòa Án Quận Fulton, Georgia, tội âm mưu gian lận bầu cử
3. Tòa Án Washington DC, tội kích động bạo loạn ngày 6/1/2021 để đảo ngược kết quả bầu cử TT.
4. Tòa Án New York, tại đây, ông Trump đối đầu với 4 vụ kiện: 2 vụ kiện dân sự của bà E. Carrol về tội hãm hiếp và phỉ báng bà ta.
Hai vụ hình sự: 1 là Trump sửa đổi hồ sơ làm ăn để trả tiền bịt miệng cô đào khiêu dâm Stormy Daniel, 1 vụ khác là công ty Trump khai khống tài sản để vay tiền ngân hàng và gian lận thuế.
Cả 3 vụ ở Florida, Georgia và Washington DC đều có kết cục thuận lợi cho ông Trump, riêng vụ trả tiền bịt miệng cô đào khiêu dâm của Tòa Án New York thì ông Trump bị phạm 34 tội danh.
Vào lúc 10 giờ sáng nay, 10/1/25, Chánh Án Juan Merchant đã tuyên án “unconditional discharge” cho ông Trump, nghĩa là trên nguyên tắc ông Trump đã phạm tội theo quyết định của Bồi Thẩm Đoàn, nhưng ông Trump không phải vào tù, không phải trả tiền phạt, không bị quản thúc vô điều kiện.
Ngay sau đó, TT Trump viết trên Truth Social đại ý rằng: Ông sẽ kháng cáo vụ “lừa đảo” này. Bồi Thẩm Đoàn thật sự là những người dân Hoa Kỳ, là những cử tri đã bầu cho ông với lá phiếu áp đảo. Sự kiện hôm nay là một trò hề đê tiện, và giờ đây khi nó kết thúc, tôi sẽ kháng cáo trò lừa bịp vô căn cứ này và khôi phục lại niềm tin của người dân Mỹ vào Hệ Thống Tư Pháp vĩ đại trước đây của chúng ta.
Như đã nói, việc tuyên án chỉ nhằm mục đích duy nhất là làm nhục ông Trump với hồ sơ ghi rằng Donald Trump, là một tội phạm hình sự đầu tiên giữ chức vụ TT Hoa Kỳ.
Dĩ nhiên, những kẻ thù của ông sẽ căn cứ vào việc tuyên án trên đây để tiếp tục hạ nhục ông như họ đã làm kể từ năm 2016. Tuy nhiên, qua kết quả cuộc bầu cử và những gì xảy ra trong thời gian chuyển giao quyền lực, chứng tỏ cái trò hèn hạ này không gây một ảnh hưởng nào đối với tư cách TT của ông Trump, dù là ảnh hưởng đối với thế giới cũng như trong nội bộ nước Mỹ.
1. Trong nước, bên cạnh sự kiện ông Trump đã thắng phiếu cử tri đoàn cũng như phiếu phổ thông một cách vẻ vang, còn có những người từng chống đối ông đã trở thành người trợ giúp đắc lực như tỷ phú Elon Musk hoặc hoan hỉ hợp tác với ông như tỷ phú Mark Zuckerberg đã công bố bãi bỏ kiểm duyệt, tôn trọng quyền tự do ngôn luận trong các phương tiện truyền thông xã hội do ông làm chủ, và 2 tỷ phú Jeff Bezos, Bill Gate cũng đã đến Mar-A-Lago gặp TT Trump. Rất nhiều cá nhân và công ty kỹ nghệ cũng đóng góp tài chánh vào lễ nhậm chức TT của ông Trump.
2. Nhiều nguyên thủ quốc gia cũng tới Mar-a-Lago gặp TT đắc cử Donald Trump.
Những sự kiện này cho thấy tầm ảnh hưởng của ông Trump như thế nào!
Hành động của Thẩm Phán Juan Merchant cũng chỉ là trò gở gạt cho đảng Dân Chủ mà thôi!
Cũng cần nói thêm ở đây, trong lúc Bộ Tư Pháp của Joe Biden bằng mọi giá biến ông Trump thành một tội phạm hình sự, thì chính Joe Biden lại ân xá những tên tội phạm hình sự, trong đó có con trai Hunter Biden, và giảm án 37 tội phạm hình sự mang án tử hình xuống còn tù chung thân. Những tử tội này đã phạm những trọng tội không thể chấp nhận, và hành động giảm án của ông TT Vịt Què Joe Biden là những cái tát vào mặt và là những cú đấm vào tim những nạn nhân và thân nhân những nạn nhân của những tên tử tội đó.
Ngoài ra, Biden cũng ân thưởng Huy Chương Tự Do của Tổng Thống cho bà Hillary Clinton, một người đã thủ tiêu 30 ngàn emails trong thời gian làm Tổng Trưởng Ngoại Giao, bà Ngoại Trưởng Clinton cũng không đáp ứng lời kêu cứu của ông Christopher Steven Đại Sứ Hoa Kỳ tại Lybia khi tòa Đại Sứ tại Benghazi bị tấn công vào ngày 11/9 năm 2012, khiến cho ông và 3 nhân viên bị giết chết.
Một nhân vật luôn ủng hộ tài chánh cho đảng Dân Chủ trong các cuộc bầu cử và để đưa các thẩm phán thiên tả vào các Tòa Án Hoa Kỳ là tỷ phú George Soros cũng được Biden ân thưởng Huy Chương Tự Do của Tổng Thống.
3. TT Trump có “ý đồ bành trướng lãnh thổ”?
Trong thông điệp Giáng Sinh năm nay, ông Trump đã có tuyên bố nhắm vào Canada, Panama, Greenland và những đối thủ chính trị của mình. Tổng Thống Mỹ đắc cử sau đó tiếp tục ngỏ ý muốn mời Canada trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ. ông Trump đã khiến dư luận xôn xao khi tuyên bố muốn giành lại quyền kiểm soát Panama và Greenland. Chính quyền Panama và Đan Mạch đã lên tiếng phản đối công khai những bình luận này. Vậy tuyên bố của ông Trump có phải chỉ “tố”/Bluffing” hay ông thật sự muốn như thế? Chưa gì hết người ta đã đồn ông sẽ dùng quân sự cho Greenland và Panama?
Đáp:
Trước hết, cần kiểm điểm lại các vụ mua đất mở rộng lãnh thổ của Hoa Kỳ.
Nhìn lại lịch sử, đây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ tìm cách mở rộng lãnh thổ. Trong quá khứ, Hoa Kỳ đã mua nhiều thuộc địa từ các cường quốc thực dân Châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha, Đan Mạch và mua Alaska của Nga.
– Năm 1803, Hoa Kỳ mua Louisiana của Pháp với giá 15 triệu mỹ kim, tính theo thời giá bây giờ là 420 triệu. Lãnh đạo Pháp lúc bấy giờ là Napoleon Bonaparte đồng ý bán Louisiana vì kinh tế khó khăn và lo ngại về an ninh ở Châu Âu.
Lãnh thổ Louisiana đã trở thành 13 tiểu bang hiện nay của Hoa Kỳ.
– Năm 1819, Hoa Kỳ mua Florida là thuộc địa của Tây Ban Nha thông qua Hiệp Ước Adam-Onis với giá 5 triệu mỹ kim, lý do Tây Ban Nha không thể kiểm soát khu vực này do hậu quả các cuộc chiến tranh tại Âu Châu và những xung đột với dân bản địa.
– Năm 1867, Hoa Kỳ mua Alaska của Nga với giá 7,2 triệu mỹ kim, tính thời giá bây giờ là 153 triệu. Lý do là Nga gặp khó khăn tài chánh từ cuộc chiến tranh Crimea (1853-1856) nên đề nghị bán Alaska cho Mỹ.
Giá trị của Alaska tăng lên khi tài nguyên ở đây được khám phá và trở thành một địa điểm du lịch. Tầm quan trọng về mặt địa lý chính trị của Alaska và vùng Bắc Cực cũng trở nên rõ ràng hơn theo thời gian. Alaska đã cung cấp một tiền đồn chiến lược cho Hoa Kỳ trong khu vực Bắc Cực.
– Vào năm 1917, Hoa Kỳ mua quần đảo Tây Ấn Đan Mạch với giá 25 triệu mỹ kim, hiện nay có tên là Virgin Island. Đây là một địa điểm chiến lược của Mỹ trong vùng biển Caribe và cũng là một địa điểm du lịch nổi tiếng.
Ngoải những vụ mua đất thành công kể trên, Hoa Kỳ cũng có những vụ mua đất không thành công như không mua được Cuba của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã thuê được và quản trị một phần lãnh thổ Cuba tại Vịnh Guatanamo kể từ năm 1903.
Ngoài Cuba, Hoa Kỳ cũng từng mong muốn mua đảo Greenland vào năm 1946 dưới thời TT Harry Truman. TT Truman đã trả giá 100 triệu mỹ kim với chính phủ Đan Mạch, nhưng bị từ chối, Vào năm 2019, TT Trump nhắc lại mong muốn này, nhưng cũng bị từ chối và dẫn đến sự căng thẳng ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Đan Mạch trong một thời gian ngắn.
Theo ông Uirik Pram Gad, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Đan Mạch, về mặt địa lý, Greenland là một phần của lục địa Bắc Mỹ. Do đó, Hoa Kỳ cần ngăn chận mọi cường quốc thiết lập chỗ đứng trên hòn đảo này (cũng là điều hợp lý). Thủ phủ Nuuk của Greenland thậm chí còn gần New York hơn, so với thủ đô Copenhagen của Đan Mạch. Hoa Kỳ còn có căn cứ Không Quân tại Pituffik, là một căn cứ có tính cách chiến lược trong vùng Bắc Cực.
Một cuộc khảo sát vào năm 2023 cho thấy 25/34 loại khoáng sản tại Greenland là nguyên liệu thô quan trọng, gồm nhiên liệu dùng trong pin, than chì, lithitum và đất hiếm cần dùng cho xe điện và tubin cho quạt gió.
Nói cho cùng, dự tính mua đất để gọi là “bành trướng lãnh thổ cho Hoa Kỳ” của ông Trump đâu có gì sai?
Đây là một vụ mua bán công khai và minh bạch đúng với truyền thống của nước Mỹ, rất sòng phẳng, không thể gọi đó là hành động bắt nạt. Có người chỉ trích ông Trump một cách thật vô duyên là tại sao ông Trump không mua Hồng Kông của Trung Cộng hay bán đảo Crimea của Ukraine đang bị Nga chiếm đóng?
Rất tiếc, những người này đã không nhìn thấy Tập Cận Bình xử dụng mánh khóe bẫy nợ trong kế hoạch Một Vành Đai, Một Con Đường để xâm lăng tiệm tiến các quốc gia kém mở mang.
Thật không thể so sánh việc làm minh bạch và sòng phẳng của ông Trump với manh khóe đê tiện lưu manh bắt chẹt của Tập Cận Bình!
Ý kiến về kinh đào Panama, TT Trump cũng không sai khi nói con kinh này là trọng điểm chiến lược an ninh và kinh tế đối với Hoa Kỳ. vì nó ở ngay sân sau của nước Mỹ, và hiện giờ Trung Cộng đang phụ trách một phần trong việc điều hành kinh Panama.
Nguyễn Thị Bé Bảy
(Dưới hình thức Hỏi & Đáp)
Theo https://tienglongta.com ngày 10/1/2025
Be the first to comment