Huyền Thoại Về Người Đàn Bà Thép

Vào đầu tháng 10 năm 2024, vô tình mở youtube thấy một film tài liệu có tựa đề nêu trên, chắc là Ban Tuyên Giáo của Đảng Cộng Sản Việt Nam phát hành. Dễ hiểu vì không có một nhà sản xuất tư nhân nào có được hình ảnh minh họa cuộc đời của bà Nguyễn Thị Bình từ năm 1954 đến giờ: những hình ảnh và những dòng chữ thuyết minh này tuy nhiều (= đầy) nhưng lại không đủ, cho nên theo quan điểm của tôi tài liệu này chỉ mang tính cách tuyên truyền chứ chưa đáng được gọi là sử liệu!

Những gì được chính quyền Việt Cộng trình chiếu về con người và vai trò chính trị của bà Nguyễn Thị Bình cũng như của Đảng Cộng Sản Việt Nam và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chỉ có 25% sự thật cho nên những thế hệ kế thế của nước Việt Nam chúng ta sau này có thể “bị lạc đường vào lịch sử” mặc dù có rất nhiều tài liệu để tra cứu. Tôi không nói bài viết này là đã “mở toang lịch sử của Chiến Tranh Việt Nam” nhưng nếu độc giả có thêm dữ kiện xác thực để thấu hiểu những động thái hành xử của những lãnh tụ chính trị của Việt Nam Cộng Hòa như Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Thống Trần Văn Hương, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Tổng Thống Dương Văn Minh… thì sẽ hiểu rõ và thông cảm, hơn là trách móc những người đã khuất.

Khi Việt Nam Cộng Hòa bị sụp đổ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi mới chỉ được 25 tuổi và đang là một viên chức hành chính tại một tỉnh nhỏ ở miền Tây (tỉnh Chương Thiện, giáp ranh với 4 tỉnh Phong Dinh, tỉnh Ba Xuyên, tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Kiên Giang). Tôi may mắn hiếm có đã được tiếp cận khá nhiều chính khách và một số sĩ quan cao cấp trong lĩnh vực tình báo và lĩnh vực phản gián cho nên quý độc giả nào đòi hỏi bài viết này phải được dẫn chứng bằng những tài liệu thích ứng với chủ đề nghiên cứu hay biên khảo (có tính cách academic) thì tôi không thể có được. Tuy nhiên đây là những biến cố lịch sử nên mọi người đều có thể kiểm chứng dễ dàng, nói như vậy có nghĩa là tôi không thể đặt điều hay dựng dứng các biến cố này được. Đa số những chính khách và các sĩ quan tình báo hay phản gián mà tôi sắp kể sau đây đều đã qua đời vì tuổi tác hay vì bạo bệnh (số thứ tự do người viết sắp xếp dựa trên năm qua đời của các nhân vật lịch sử nói trên).

  1. Chánh án Nguyễn Hữu Hùng (1930-2000), nguyên Tổng Trưởng Bộ Lao Động trong chính phủ của Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương Nguyễn Cao Kỳ thời 1965-1967. Từ 1968, ông qua làm Chánh Án Tòa Hòa Giải Rộng Quyền ở An Giang. Chánh Án Nguyễn Hữu Hùng qua đời vào năm 2000 tại Pomona, Nam California.
  2. Luật sư Nguyễn Hữu Hiệu, năm sinh 1938, qua đời vào năm 2008 vì bị ung thư bao tử tại bệnh viện UCI Nam California, thọ 70 tuổi. Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu là luật sư cho Tổng Liên Đoàn Lao Công của ông Trần Quốc Bửu từ 1960, năm 1966 ông là dân biểu của Quốc Hội Lập Hiến, tới năm 1971 ông là dân biểu của Hạ Nghị Viện đơn vị Long Xuyên.
  3. Trung Tá Nguyễn Hữu Hải (1932), tốt nghiệp Khóa 4 Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức,chức vụ sau cùng là Phụ Tá Đặc Biệt của Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Vùng 2 Chiến Thuật. Ông cũng là sĩ quan cao cấp nhất của Cảnh Sát Đặc Biệt bàn giao cho Cao Đăng Chiếm tại Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát (trại Võ Tánh) vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, trong khi biện lý Triệu Quốc Mạnh tiếp thu Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Đô Thành trên đường Trần Hưng Đạo sau khi Chuẩn Tướng Trang Sĩ Tấn lên tàu rời Sài Gòn sáng ngày 28 tháng 4 năm 1975. Trung Tá Nguyễn Hữu Hải qua đời khoảng năm 2012 tại Santa Ana, nam California, thọ 80 tuổi.
  4. Trung Tá Nguyễn Mâu sinh năm 1932, tốt nghiệp khóa 11 Trường Võ Bị Dalat, ông đã từng là tỉnh trưởng Thừa Thiên thay thế Thiếu Tá Đặng Sĩ vào năm 1963 sau biến cố ở đài phát thanh Huế. Sau 1 tháng 11 năm 1963, ông trở về đơn vị gốc là Nha An Ninh Quân Đội. Khi Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan được Thủ Tướng Phan Huy Quát bổ nhiệm giữ 2 chức vụ Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội (thay thế Đại Tá Trang Văn Chính) và Cục Trưởng Cục Trung Ương Tình Báo (thay thế Trung Tá Lê Văn Nhiều). Ngày 16 tháng 2 năm 1965, chính phủ của Thủ Tướng Phan Huy Quát lên nắm chính quyền sau một thời gian chính trị rối loạn dưới sự lãnh đạo của Tướng Nguyễn Khánh. Ba ngày sau, ngày 19 tháng 2 năm 1965, hai Tướng Dương Văn Đức và Tướng Lâm Văn Phát đem quân đội từ vùng 4 chiến thuật kéo về thủ đô Sài Gòn “biểu dương lực lượng”, mọi người lầm tưởng là 2 ông Tướng này tranh dành quyền lực, thực sự Tướng Dương Văn Đức và Tướng Lâm Văn Phát gây áp lực với Thủ Tướng Phan Huy Quát để tống xuất troublemaker Nguyễn Khánh ra ngoại quốc. Sau đó, Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu ký sắc lệnh vinh thăng trung tướng Nguyễn Khánh lên cấp bậc Đại Tướng và Thủ Tướng Phan Huy Quát ký giấy bổ nhiệm Đại Tướng Nguyễn Khánh làm “đại sứ lưu động”. Thủ Tướng Phan Huy Quát bổ nhiệm Trung Tá Phạm Văn Liễu làm Tổng Giám Đốc Tổng Nha Cảnh Sát và giao toàn quyền sắp xếp nhân sự của khối AN NINH – TÌNH BÁO cho Trung Tá Phạm Văn Liễu. Nhờ sự tiến cử của Trung Tá Phạm Văn Liễu, Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan đã nhanh chóng được Thủ Tướng Phan Huy Quát bổ nhiệm vào chức Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội và Cục Trưởng Cục Trung Ương Tình Báo (có lẽ nhãn quan của Thủ Tướng Phan Huy Quát và Trung Tá Phạm Văn Liễu đồng ý với nhau là Đại Tá Trang Văn Chính và Trung Tá Lê Văn Nhiều đã giúp Tướng Nguyễn Khánh gây rối trong chính trường miền Nam).Thời gian ngắn sau đó, Trung Tá Phạm Văn Liễu được vinh thăng lên cấp bậc Đại Tá, nhận thấy ngành Cảnh Sát quá thiếu sĩ quan nên đích thân Đại Tá Phạm Văn Liễu yêu cầu Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan chuyển một số lớn sĩ quan trong Nha An Ninh Quân Đội qua ngành Cảnh Sát. Bởi vì Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan học khóa MỘT Thủ Đức – Nam Định của Trường Sĩ Quan Trừ Bị nên các bạn bè đồng khóa rất đông, trong khi Đại Tá Phạm Văn Liễu tốt nghiệp khóa 5 của Trường Võ Bị thì bạn bè đồng khóa tương đối còn ít.

    Chính trong thời kỳ Tổng Giám Đốc Phạm Văn Liễu, 2 sĩ quan từ Nha An Ninh Quân Đội là Thiếu Tá Nguyễn Mâu và Thiếu Tá Nguyễn Hữu Hải đã chuyển sang Tổng Nha Cảnh Sát.

    Trong Tết Mậu Thân, sau tai nạn tại trường Phước Đức trong Chợ Lớn, Thiếu Tá Nguyễn Mâu tạm thời thay thế cố Trung Tá Nguyễn Văn Luận trong chức vụ Giám Đốc Nha Cảnh Sát Đô Thành rồi chính thức nhậm chức Phụ Tá Đặc Biệt của Tổng Giám Đốc Cảnh Sát. Trung Tá Nguyễn Mâu giữ chức vụ này cho đến năm 1971 khi ngành Cảnh Sát được thay đổi và cải tiến dưới quyền của Tư Lệnh Cảnh Sát Nguyễn Khắc Bình thì Trung Tá Nguyễn Mâu trở lại quân đội. Sau Hiệp Định Paris, Trung Tá Nguyễn Mâu là Trưởng Khu 6 của Ban Liên Hợp Quân Sự Hai Bên và người viết gặp Trung Tá Nguyễn Mâu tại Chương Thiện (Khu 6 của Ban Liên Hợp Quân Sự Hai Bên bao gồm các tỉnh Phong Dinh, Chương Thiện, Ba Xuyên, Bạc Liêu, Kiên Giang, và An Xuyên). Hiện nay Trung Tá Nguyễn Mâu được 93 tuổi vẫn còn sống ngay tại San José nhưng sức khỏe rất yếu, ông phải di chuyển bằng xe lăn ngay trong nhà và ông còn bị điếc nặng nên người viết chỉ liên lạc được với Trung Tá Nguyễn Mâu bằng email trên internet mà thôi.

  5. Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, năm sinh 1930, tốt nghiệp khóa MỘT Thủ Đức – Nam Định, năm 1960 khi Đại Tá Nguyễn Chánh Thi đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, chính Đại Tá Trần Thiện Khiêm, tư lệnh sư đoàn 7 Bộ Binh đem quân từ miền Tây về “cứu giá” Tổng Thống Ngô Đình Diệm, lúc đó Thiếu Tá Nguyễn Khắc Bình đang là Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 7. Sau 1960, Thiếu Tá Nguyễn Khắc Bình được bổ nhiệm làm Tỉnh Trưởng Định Tường. Nhưng sau năm 1963, vì được liệt kê là thành phần Cần Lao nên Thiếu Tá Nguyễn Khắc Bình bị “thất sủng”, ông có thời gian làm tùy viên quân sự tại Tây Đức. Năm 1968, khi Tướng Trần Thiện Khiêm đảm nhận chức Thủ Tướng của chính phủ VNCH, Trung Tá Nguyễn Khắc Bình được bổ nhiệm vào Cục Trưởng Cục Trung Ương Tình Báo thay thế Trung Tướng Linh Quang Viên. Năm 1971, Thiếu Tướng Trần Thanh Phong rời Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát để ra làm Tổng Trưởng Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Đại Tá Nguyễn Khắc Bình được cử làm Tư Lệnh Cảnh Sát thay thế Thiếu Tướng Trần Thanh Phong. Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình được sự tin cậy của cả Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm lẫn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng như giới chức tình báo của CIA. Ông rời Sài Gòn sau Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, sau khi hoàn tất nhiệm vụ là đích thân đến Dinh Hoa Lan vận động với Đại Tướng Dương Văn Minh chịu ra nhận chức Tổng Thống cuối cùng của đệ nhị Cộng Hòa. Hiện tại ông đã được 95 tuổi, tuy đi đứng có khó khăn nhưng vẫn còn lái xe được, vẫn sử dụng internet và smart phone rất tốt. Và may mắn, người viết bài thỉnh thoảng vẫn đến tận nhà của ông để trao đổi “thời sự chính trị”.

Chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1954-1975 thực chất xuất phát từ Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Khi Tưởng Giới Thạch phải chạy ra Đài Loan vào năm 1949, Mao Trạch Đông cứ đinh ninh ông ta là Tần Thủy Hoàng của thế kỷ 20 (coi tất cả các nước khác trên thế giới tương tự như các nước Tề, Triệu, Sở, Tấn, Yên đã bị nước Tần đánh bại). Căn cứ vào những dữ kiện thực tế, Mao Trạch Đông là người rất cao ngạo, coi thường những trí thức khoa bảng (chả thế mà Mao đã từng tuyên bố: “trí thức không đáng giá bằng cục phân”), chưa bao giờ sử dụng máy bay để xuất ngoại (chỉ sử dụng xe lửa sang Liên Sô thăm Stalin). Và Mao không hề biết (hay không thèm biết) thế giới sau năm 1945 đã biến chuyển khác với thời Tần Thủy Hoàng rất xa, nhất là Mao không biết rằng Hoa Kỳ đã nghiễm nhiên trở thành một SIÊU CƯỜNG mà tất cả các thế lực đế quốc (bao gồm đế quốc Anh, đế quốc Pháp, đế quốc Tây Ban Nha, đế quốc Bồ Đào Nha, đế quốc Bỉ, đế quốc Hà Lan, đế quốc Đức, đế quốc Nhật, đế quốc Italia) họp lại cũng không địch nổi.

Trong sự suy nghĩ cùa Mao, ông ta nghĩ rằng 2 nước Liên Sộ và Trung Hoa gộp lại sẽ dư sức đánh đổ đánh tan đế quốc Hoa Kỳ.

Khi Trung Cộng giúp Kim Nhật Thành chiếm gần trọn bán đảo Triều Tiên thì chỉ Đại Tướng Mac Arthur điều động các lực lượng cơ hữu đã đánh tan đạo quân của Kim Nhật Thành trong cuộc đổ bộ tại Inchon, bắt sống hơn 77 ngàn tù binh Bắc Hàn và đuổi quân Bắc Hàn tới tận sông Áp Lục. Mao liền cử Nguyên Soái Bành Đức Hoài đem 1 triệu chí nguyện quân Trung Cộng sang cứu viện, với chiến thuật biển người, quân Trung Cộng đã đẩy lui quân Hoa Kỳ xuống dần phía Nam. Tướng Mac Arthur yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ sử dụng bom nguyên tử và dùng bộ binh bọc hậu đánh sang lãnh thổ Trung Hoa, vì vũ khí quy ước không thể tiêu diệt được quân số quá đông của Trung Cộng. Nhưng Tổng Thống Truman cất chức Tướng Mac Arthur thay bằng Tướng Ridgway vì ông không muốn Hoa Kỳ bị sa lầy tại Á Châu để rồi mất Tây Âu vào tay Stalin.

Địa hình của bán đảo Triều Tiên 3 mặt là biển, chỉ dính vào lục địa Trung Hoa qua biên giới thiên nhiên là sông Áp Lục, nên Tướng Ridgway sử dụng Hải Lục Không quân Hoa Kỳ chận đứng quân của Bành Đức Hoài tại vĩ tuyến 38 (đây cũng là nơi quân đội Liên Sô và quân đội Hoa Kỳ dừng lại theo thỏa ước Postdam quy định).

Mao Trạch Đông bị buộc phải ký thỏa ước ngưng bắn tại Bàn Môn Điếm vì tổn thất quá lớn (400,000 chí nguyện quân Trung Cộng bị tiêu diệt). Hiệp định ngưng bắn Bàn Môn Điếm là một thất bại lớn của Mao vì chiến tranh Triều Tiên không được “quốc tế hóa” (chỉ có 3 nước tham chiến ký với nhau và ký ở một nơi hẻo lánh trên bán đảo Triều Tiên) và nhất là Trung Cộng vẫn không chiếm được chiếc ghế đại diện cho nước Trung Hoa trong tổ chức Liên Hiệp Quốc!!!

Ngay sau khi thu đạt quyền lực tại Trung Hoa Lục Địa, Mao chỉ thị cho quân đội Trung Cộng giúp đỡ quân của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đánh bại quân đội Pháp tại biên giới Hoa-Việt khiến quân Pháp mất Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Hải Ninh – Đông Triều… rồi quân của Võ Nguyên Giáp bao vây tỉnh Vĩnh Yên (lúc đó do Đại Tá Vanuxem làm chỉ huy trưởng secteur Vĩnh Yên – một tỉnh miền trung du Bắc Việt, cách Hà Nội không quá 100 km).

Biết rõ nước Pháp không có khả năng đối đầu với Trung Cộng mà Hoa Kỳ đang kẹt 250 ngàn quân tại chiến trường Triều Tiên không thể giúp nước Pháp được, nên Hoa Kỳ cử đặc sứ sang Paris yêu cầu chính phủ Pháp cố giữ Đông Dương bằng cách sẽ giúp quân đội Pháp vũ khí đạn dược, quân trang, quân dụng, tiền bạc… Chính phủ Pháp cử Thống Tướng De Lattre De Tassigni làm Cao Ủy Đông Dương kiêm Tư Lệnh đạo quân viễn chinh của Pháp đem 180 ngàn quân từ Âu Châu và Bắc Phi sang Đông Dương (cộng thêm 40 ngàn quân đã trú đóng sẵn).

Thống Tướng De Lattre De Tassigni đến Việt Nam vào năm 1951, ông đã giải vây Vĩnh Yên bằng bom napalm do Hoa Kỳ viện trợ, nên quân Việt Minh của Võ Nguyên Giáp phải tháo chạy qua bên kia biên giới Hoa-Việt để tránh bị phi cơ của Pháp truy kích. Rồi ông đi Hoa Kỳ ngay để ký kết những thỏa ước với chính phủ Hoa Kỳ mà trước khi sang Đông Dương ông mới chỉ được “hứa miệng”: Thống Tướng De Lattre De Tassigni được biết rõ là Hoa Kỳ viện trợ cho đạo quân viễn chinh của ông không phải để nước Pháp chiếm lại thuộc địa Đông Dương mà là nhiệm vụ của quân đội Pháp chính yếu là đánh tan quân Việt Minh của Võ Nguyên Giáp để khi chia hai phần theo giải pháp chính trị mà thỏa ước Postdam năm 1945 đã quy định, miền Nam từ vĩ tuyến 17 tới mũi Cà Mau mới có cơ hội “tồn tại”.

Tôi không nêu những diễn biến của Chiến Tranh Việt Nam lần thứ nhất (1945-1954) vì mọi người đều biết rõ. Hiệp Định Genève 1954 được ký ở một nơi có thế giá chính trị hơn hẳn Bàn Môn Điếm, tuy nhiên, Trung Cộng vẫn chưa được Hoa Kỳ công nhận là đại diện của Trung Hoa trong tổ chức Liên Hiệp Quốc và tuy quân đội Pháp thất thủ tại cứ điểm Điên Biên Phủ nhưng các mặt trận khác quân đội Pháp vẫn giữ vững cũng như quân Việt Minh của Võ Nguyên Giáp cũng không còn sức để quét sạch quân của Đế Quốc Pháp ra khỏi Đông Dương như Việt Cộng thường hay tuyên truyền láo khoét như là: “chiến thắng long trời lở đất, quân dân ta anh hùng đã đánh bại quân xâm lược”…

Đứng về mặt lý luận, kẻ chiến bại phải “bồi thường” cho kẻ chiến thắng, nhưng Hiệp Định Genève 1954 thuần túy chỉ là hiệp định ngưng bắn của 2 quân đội tham chiến, nghĩa là chính phủ Pháp không có “bổn phận pháp lý“ nào để bồi thường cho chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Theo như hồi ký của Đại Tướng Henri Navarre – vị Tư Lệnh cuối cùng của quân đội Pháp tại Đông Dương, chiến phí cho chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất 1945-1954 đã tiêu tốn hết 8 tỷ dollars mà chính phủ Hoa Kỳ Hoa Kỳ đã trợ giúp tới gần 80% chiến phí.

Như đã hứa, chính phủ Hoa Kỳ đã giúp chính phủ Pháp phục hồi kinh tế theo kế hoạch Marshall nên tới năm 1960, dưới thời của Tổng Thống Charles De Gaulle, nước Pháp đã cho nổ thử nghiệm quả bom hạt nhân của Pháp ở lãnh thổ hải ngoại tại phía nam Thái Bình Dương gần Australia (gần đảo Tahiti), trong khi vào năm 1960 nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vẫn còn trong thời kỳ “đồ đá”.

Phê bình Hiệp Định Genève 1954, Mao cho rằng vương quyền Việt Nam sẽ giữ được nửa nước và Hồ chí Minh không cách gì “giải phóng” miền Nam Việt Nam được. Lúc đó, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm biết chắc chắn Hoa Kỳ sẽ can thiệp vào Việt Nam nên ông ra lệnh cho Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ không ký tên vào Bản Hiệp Định, cũng như sau đó ông tổ chức Trưng Cầu Dân Ý truất phế Vua Bảo Đại và thay đổi quốc hiệu từ Quốc Gia Việt Nam sang Việt Nam Cộng Hòa (do đó Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không thể có lý cớ gì để kiện cáo Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Việt Nam Cộng Hòa trước Tòa Án Quốc Tế La Haye, bởi vì trong Bản Hiệp Định Genève 1954, danh xưng quốc gia Việt Nam Cộng Hòa và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không hề hiện hữu).

Đối với Mao, muốn “giải phóng Nam Việt Nam”, phải mở ra “chiến tranh giải phóng”. Do đó trong năm 1955, Hồ chí Minh cử Võ Nguyên Giáp 2 lần sang Trung Cộng cầu viện, được Trung Cộng hứa giúp 450 ngàn khẩu súng trường, lựu đạn và chất nổ. Cũng như lần trước, để chúng tỏ “đàn em” trung thành với đường lối của đàn anh, Hồ chí Minh ra lệnh phát động chiến dịch CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT lần thứ hai vào năm 1958: quân khu Quảng Đông và quân khu Vân Nam chịu trách cung ứng vũ khí đạn dược cho quân đội của Bắc Việt.

Sau khi nhận vũ khí đạn dược cất vào kho, Võ Nguyên Giáp mới cắt cử Đoàn 66 (đây là đơn vị công binh của quân đội Bắc Việt) chịu trách nhiệm mở rộng Xa lộ Trường Sơn nhưng khoác dưới danh xưng Đường Mòn Hồ Chí Minh. Rồi sau đó cuối năm 1959, mới chính thức ra mắt Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tại Hà Nội, lúc đầu không thấy bà Nguyễn Thị Bình được nêu tên trong thành phần Ban Lãnh Đạo của Mặt Trận Giải Phóng, người ta chỉ biết tên của bà sau Hội Nghị Paris vào năm 1968.

Nhưng năm đó, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chối tham dự nên ứng cử viên Hubert Humphrey của đảng Dân Chủ bị thua phiếu ứng cử viên Richard Nixon của đảng Cộng Hòa. Sau khi Richard Nixon chính thức nhậm chức, Hòa Đàm Paris mới được tái tục và bà Nguyễn Thị Bình được thế giới biết được dưới danh xưng “Ngoại Trưởng của Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam”.

Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam chỉ mới thành lập sau Tết Mậu Thân 1968, đại diện cho tổ chức Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam với những đặc điểm mà từ trước đến giờ chưa bao giờ xảy ra:

  • Một chính phủ mà văn phòng nội các đặt trong Cục R bí hiểm nằm trong lãnh thổ Cambodia.
  • Bà Ngoại Trưởng của chính phủ này di chuyển từ Hà Nội đến Paris bằng phương tiện và chi phí của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
  • Chính phủ của bà Ngoại Trưởng Nguyễn Thị Bình chưa bao giờ tiếp kiến Ngoại Giao Đoàn của bất cứ quốc gia nào khác.

Những chuyện vô lý như vậy vẫn diễn ra vì Hoa Kỳ cần phải rút chân ra khỏi Việt Nam sau khi đã đạt được những mục đích chiến lược toàn cầu của họ.

Video mô tả “người đàn bà thép Nguyễn Thị Bình” đã không trình bày những sự thật về nhân thân và xuất xứ của bà:

Ẩn dấu thứ nhất: tên thật của bà là Phan Thị Châu Sa quê quán ở Quảng Nam, bà là cháu của nhà Cách Mạng Phan Châu Trinh, thủ lĩnh của Phong Trào Duy Tân (cụ Phan Châu Trinh qua đời tại Sài Gòn năm 1926, con cháu của cụ thờ cụ trong căn nhà trong chợ Dakao, bên ngoài dân buôn bán mở quán bán bánh cuốn không có bảng hiệu, những thực khách chỉ gọi hiệu là “Bánh Cuốn Tây Hồ” vì quán này đặt bàn ghế bên ngoài đền thờ cụ Phan Chu Trinh  – Tây Hồ là bút hiệu của cụ. Sau 1954, bà Phan Thị Châu Sa “tập kết ra Bắc”, như vậy Nguyễn Thị Bình chỉ là bí danh, không phải tên thật.

Ẩn dấu thứ hai: bà thành hôn với ông Đinh Khang, năm 1956 sinh con trai đầu lòng rồi tới năm 1960 bà hạ sinh đứa con gái thứ thứ nhì. Video “người đàn bà thép Nguyễn Thị Bình” chỉ nêu hình ảnh gia đình của cặp đôi Đinh Khang – Nguyễn Thị Bình nhưng không hề đề cập đến hoạt động chính trị của ông.

Sau năm 1954, anh trai của ông Đinh Khang là Kỹ Sư Canh Nông Đinh Phụng và em trai của ông Đinh Khang là Luật Sư Đinh Trịnh Chính di cư vào Nam. Kỹ Sư Đinh Phụng làm Giám Đốc Nha Khuyến Nông khoảng năm 1964-1965, còn Luật Sư Đinh Trịnh Chính làm Tổng Trưởng Bộ Thông Tin trong chính phủ của Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương Nguyễn Cao Kỳ thời kỳ 1965-1967.

Ẩn dấu thứ ba: theo sự mô tả của Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, cả anh em của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu cũng như tập đoàn lãnh đạo Bắc Việt gồm cả Hồ chí Minh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp đều không biết và không hiểu đường lối chính sách của Hoa Kỳ. Nói theo ngôn ngữ thời thượng của Cộng Sản, chiến tranh Việt Nam do Trung Cộng xúi dục và hỗ trợ Bắc Việt phát động chỉ là DIỆN, mà ĐIỂM là chiến trường sắp xảy ra tại Indonesia.

Ẩn dấu thứ tư: nói theo Tôn Tử trong binh pháp, hơn nửa triệu quân Hoa Kỳ đổ vào Việt Nam trong thời kỳ chính phủ của Thủ Tướng Phan Huy Quát “mời vào Việt Nam” chỉ là KỲ BINH, Hoa Kỳ sử dụng quân đội và Cảnh Sát của Tướng Suharto mới là CHÍNH BINH.

Tháng 9/1965, CHÍNH BINH của Tướng Suharto trong vòng một tuần lễ đã tàn sát hơn nửa triệu quân Cộng Sản Indonesia.

Ẩn dấu thứ năm: năm 1966, Mao phát động CUỘC CÁCH MẠNG VĂN HÓA tại Hoa Lục để hạ bệ Lưu Thiếu Kỳ và phe “phản cách mạng”. Tuy thành công trong việc giữ vững ngôi vị cai trị trong tay Mao và Chu, nhưng Trung Cộng phải từ bỏ vai trò “xuất cảng chiến tranh giải phóng” ra các quốc gia lân cận vì không còn cán bộ.

Ẩn dấu thứ sáu: lúc đó Trung Ương Tình Báo của VNCH dưới thời Tướng Nguyễn Ngọc Loan đã nhờ Luật Sư Đinh Trịnh Chính tiếp xúc với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam qua bà Nguyễn Thị Bình (chị dâu của Luật Sư Đinh Trịnh Chính). Nhưng phía Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cho hay là quyền bính đã nằm trọn trong tay Lê Duẩn – Lê Đức Thọ. Ngay cả Hồ chí Minh và Võ Nguyên Giáp cũng bị cho ra rìa huống hồ là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chỉ là “tấm bình phong” không có chút thực lực nào cả.

Ẩn dấu thứ bảy: chính phủ VNCH biết chắc chắn là Hoa Kỳ sẽ rút quân vì sau khi đã đạt được 2 mục tiêu chiến lược ở Indonesia và ngay tại Hoa Lục, chính phủ của Tổng Thống Nixon không thể duy trì một đạo quân viễn chinh hơn nửa triệu người trú đóng tại Việt Nam cách xa Hoa Kỳ hơn 11 ngàn cây số đã quá tốn kém.

Ẩn dấu thứ tám: chính phủ Hoa Kỳ biết chắc chắn những “thủ lĩnh biết điều” như Hồ chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã bị “cho ra rìa” mà chỉ còn những kẻ mù quáng như Lê Duẩn và Lê Đức Thọ nên tình báo chiến lược của Hoa Kỳ đã “đạo diễn” dàn dựng ra kịch bản Tết Mậu Thân 1968 để có cớ rút lui trong danh dự. Kết quả thì mọi người đều thấy rõ quân đội VNCH chiến thắng trong Trận Mậu Thân 1968, nhưng thua trên truyền hình và báo chí.

Đó là ý muốn của những THINK-TANKS của Hoa Kỳ mà Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Đại Tướng Cao Văn Viên, Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, Đại Tướng Dương Văn Minh, Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Trung Tướng Lê Nguyên Khang, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị, Trung Tướng Phan Trọng Chinh, Trung Tướng Phạm Quốc Thuần, Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai… đều giữ thái độ IM LẶNG không thể giãi bầy cho hậu thế VNCH hiểu được. Đúng như Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai đã từng tâm sự: “bại tướng có giãi bầy thế nào đi nữa thì người đời cũng cho là ngụy biện”.

Để chấm dứt bài viết này tại đây, ngay cả thời điểm Đại Tướng Trần Thiện Khiêm còn tại thế, Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình cũng cho người viết biết ý định của 2 vị Tướng dính líu rất nhiều đến các biến cố lịch sử của Việt Nam Cộng Hòa là chính 2 ông đã từ chối không nhận trả lời phỏng vấn của các cơ quan truyền thông ngoại quốc cũng như của người Việt Hải Ngoại vì 2 ông nghĩ rằng sau khi qua đời họ sẽ edit và phát ra những tuyên bố “có lợi” cho chiều hướng của phe nhóm của họ mà cả 2 ông không thể cải chính. Giải pháp hay nhất là Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình cung cấp cho người viết những biến cố và dữ kiện lịch sử mà người viết không có cơ hội tham dự hay không thể bẻ cong lịch sử như bọn truyền thông thổ tả (fake news) thường hay làm.

Trân trọng kính chào.

San José ngày 12 tháng giêng năm 2025

Trần Trung Chính

Theo http://www.dslamvien.com ngày 13/1/2025

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*