Cựu Tổng Thống Donald Trump. (Hình: Brandon Bell/Getty Images)
WASHINGTON, DC (NV) – Đạo Luật President Records Act (Lưu Trữ Hồ Sơ Tổng Thống) ban hành năm 1978 quy định hồ sơ tổng thống là tài sản của chính phủ Mỹ phải được lưu trữ và bảo quản chứ không phải là tài sản riêng của tổng thống.
Các hồ sơ phải được lưu giữ bao gồm các tài liệu liên quan đến các hoạt động chính trị nhất định và thông tin liên quan đến các nhiệm vụ hiến định, công tác, hoạt động chính thức cùng nghi lễ khác của tổng thống. Những hồ sơ phải được lưu giữ cũng bao gồm email, tin nhắn, và thời khóa biểu gọi điện thoại, theo CBS News.
Vụ hồ sơ này bùng nổ kể từ khi Cơ Quan Lưu Trữ Quốc Gia (NARA) thu hồi 15 thùng hồ sơ ở Mar-a-Lago, nhà riêng của cựu Tổng Thống Donald Trump, cho thấy ông không tuân thủ đạo luật này.
Mặt ngoài tỏ ra hợp tác, nhưng tiết lộ mới đây của CNN cho thấy ông Trump ngấm ngầm phản kháng lệnh thu hồi các tài liệu mà ông đem đi trái phép vì tin theo lời của ông Tom Fitton, người đứng đầu nhóm bảo thủ Judicial Watch.
Vụ ông Tom Fitton kiện NARA hồi năm 2012
Không lâu sau khi NARA hồi Tháng Hai xác nhận hồi Tháng Giêng có thu hồi 15 thùng hồ sơ từ Mar-a-Lago, cựu Tổng Thống Donald Trump liên tục nhận các cú điện thoại từ ông Tom Fitton.
Ông Fitton cho rằng cựu tổng thống đã sai lầm khi giao nộp hồ sơ cho NARA và nhóm pháp lý của ông Trump đáng lẽ ra không nên để cơ quan này thu hồi 15 thùng hồ sơ đó, theo ba nguồn tin trong cuộc tiết lộ cho CNN.
Ông Fitton lập luận rằng những hồ sơ đó thuộc về cựu tổng thống, viện dẫn phán quyết trong một vụ kiện năm 2012 liên quan đến tổ chức của ông rằng một cựu tổng thống có quyền quyết định đối với các hồ sơ trong nhiệm kỳ của mình.
Năm 2012, tổ chức Judicial Watch kiện đòi NAFA chỉ định các bản thu âm mà cựu Tổng Thống Bill Clinton khi đó thực hiện với một nhà sử học tên là Taylor Branch.
Nếu thắng kiện, NARA phải cung cấp các đoạn ghi âm phỏng vấn trên cho Judicial Watch theo Đạo Luật Tự Do Thông Tin (Freedom of Information Act Request).
Nhưng vụ kiện cuối cùng bị một chánh án bác bỏ khi phán quyết NARA “không có thẩm quyền chỉ định tài liệu nào là ‘hồ sơ tổng thống’” và cơ quan này cũng “không có quyền, nghĩa vụ hoặc phương tiện nào để nắm quyền kiểm soát những tài liệu này.”
Điều khác nhau giữa vụ kiện nêu trên và vụ tịch thu hồ sơ ở Mar-a-Lago hiện nay mà ông Fitton không nói ra là các đoạn thu âm phỏng vấn của sử gia Branch với cựu Tổng Thống Clinton không phải là hồ sơ mật, đồng thời, bản chất vụ kiện của Judicial Watch là đòi NARA quy cuộc phỏng vấn của ông Clinton với sử gia là tài liệu tổng thống mà cơ quan này lại hoàn toàn không có thẩm quyền.
Còn vụ hồ sơ Mar-a-Lago là ông Trump lấy đi trái phép là tài liệu từ Tòa Bạch Ốc và đặc biệt trong đó có hơn 700 trang tài liệu được đánh giá từ mật đến tuyệt mật nguy hại đến an ninh quốc gia.
Chiếu theo Đạo Luật “President Records Act” tất cả hồ sơ từ Tòa Bạch Ốc, nếu không phải mang tính riêng tư cá nhân tổng thống, và đương nhiên các hồ sơ mật, phải giao nộp cho NARA.
Tuy nhiên, ông Fitton cố lập luận rằng phán quyết của tòa nêu trên là minh chứng cho thấy ông Trump có quyền giữ hồ sơ của mình.
Theo những nguồn tin, ông Fitton “xúi” ông Trump đừng tiếp tục trao trả thêm bất kỳ tài liệu nào khác cho NARA.
Tuy tổng thống thứ 45 công khai tỏ vẻ tiếp tục hợp tác với NARA, các nguồn tin thân cận cho biết ông Trump bắt đầu tin vào những lập luận của ông Fitton và phàn nàn với các phụ tá về 15 thùng hồ sơ đã giao nộp.
Ông Trump ngày càng cảm thấy rằng mình có toàn quyền kiểm soát các hồ sơ lấy từ Tòa Bạch Ốc về để ở Mar-a-Lago, thậm chí yêu cầu ông Fitton trình bày các lập luận cho các cố vấn pháp lý của mình, theo một người quen thuộc với vấn đề này cho biết.
“Tình hình đã tồi tệ hơn kể từ khi Tom gọi điện cho ông Trump,” một thân cận với ông Trump kể cho CNN trong tình trạng ẩn danh.
Ông Tom Fitton, chủ tịch tổ chức Judicial Watch, tại đại hội khối bảo thủ CPAC ở Orlando, Florida, hồi Tháng Hai, 2021. (Hình: Joe Raedle/Getty Images)
Fitton bị “hớ,” không ngờ Trump “thủ” tài liệu mật quốc gia?
Trong khi bí mật liên lạc với ông Fitton, trước công luận, ông Trump tiếp tục tuyên bố hợp tác với giới chức chính phủ.
Ông Trump không hoàn toàn chống đối chính phủ như lời khuyên từ ông Fitton, khi chuyển giao thêm một số tài liệu nữa vào Tháng Sáu sau cuộc họp giữa nhóm luật sư của ông với các nhà điều tra liên bang tại Mar-a-Lago.
Nhưng sau khi một luật sư của ông Trump tuyên bố tất cả các tài liệu tuyệt mật đã được trao trả, các nhà điều tra tìm ra chứng cớ, chứng minh điều ngược lại, dẫn đến vụ FBI xin trát tòa ngày 5 Tháng Tám và khám xét tư gia ông Trump ba ngày sau.
Những sự kiện trên cho thấy ông Trump biết rằng mình phải giao nộp lại các hồ sơ, nhưng vì một lý do nào đó, chưa biết được trong lúc này, ông đã “thủ” các hồ sơ, từ mật đến tuyệt mật, không giao nộp cho NARA, và chính phủ Mỹ chỉ thu hồi lại được qua vụ khám Mar-a-Lago ngày 8 Tháng Tám.
Chính những hồ sơ mật này là mối ám ảnh vi phạm pháp luật của cựu tổng thống và phe nhóm ông.
Lúng túng biện bạch
Để bào chữa cho việc “ăn cắp” hồ sơ mật, ông John Solomon, một tay viết bảo thủ, được cựu tổng thống giao trách nhiệm liên lạc với NARA, đưa ra một tuyên bố “không bằng chứng” của các luật sư đại diện ông Trump rằng cựu tổng thống đã ra một “lệnh thường trực” giải mật các hồ sơ mà ông đem ra khỏi Tòa Bạch Ốc.
Mười tám cựu viên chức của chính cựu Tổng Thống Trump xác nhận với CNN rằng tuyên bố trên là không đúng sự thật.
Sự việc càng rối rắm hơn cho cựu tổng thống khi chính ông Solomon hôm Thứ Hai, 22 Tháng Tám, lại công bố lá thư mà ông gửi cho NARA hôm 10 Tháng Năm xác nhận là phía ông Trump đã giao nộp hơn 700 trang tài liệu mật, trong đó có loại tuyệt mật.
Việc này lại đưa ra bằng chứng rõ ràng chính ông Trump biết mình giữ tài liệu mật và tuyên bố đã giao nộp hết, những vẫn tiếp tục giấu các tài liệu mật khác để rồi đổ bể vì vụ khám xét của FBI vào ngày 8 Tháng Tám.
“Điều này cho thấy ông Donald Trump và nhóm của ông biết mình đang sở hữu một lượng lớn thông tin tuyệt mật,” bà Elie Honig, cựu phụ tá Biện Lý Cuộc Địa Hạt Nam New York và là nhà phân tích pháp lý cho CNN, cho biết. “Bức thư này cho thấy nhóm của ông Trump đang cố gắng trì hoãn.”
Trump lúng túng về mặt pháp lý muốn tạo dư luận chính trị để gây quỹ?
Trước công chúng, ông Trump và các đồng minh rêu rao cựu tổng thống là nạn nhân của “lạm dụng quyền lực” nhưng phía sau hậu trường, ông và các đồng minh của ông ngày càng tỏ ra lo lắng.
Một nguồn tin thân cận cho biết ông Trump còn lo sợ các đồng minh thân cận cũng bị truy tố. Một cố vấn khác thừa nhận rằng mặc dù ông Trump từng vướng vào các vụ kiện trước đây, kể cả khi ông còn là tổng thống, ông vẫn thoát. Tuy nhiên, lần này có thể sẽ khác và nghiêm trọng hơn, đặc biệt là khi ông không còn là tổng thống, không còn đặc quyền bảo vệ hành pháp.
Cần lưu ý rằng phải mất hai tuần trước khi các luật sư của ông Trump chính thức bước vào cuộc chiến pháp lý đối với lệnh khám xét nhà khi họ đâm đơn kiện vào Thứ Hai, 22 Tháng Tám.
Đơn kiện này có nhiều sai sót về thủ tục pháp lý sơ đẳng và hứng chịu chỉ trích từ các chuyên gia pháp lý ở cả hai đảng.
Ông Trump và nhóm pháp lý của ông cho rằng bản khai hữu thệ (affidavit) xin trát tòa khám nhà ông nên được công bố.
Điều quan trọng ít người để ý rằng, dù ông Trump tuyên bố ồn ào về việc đòi phải công bố bản khai hữu thệ của FBI để xin lệnh xét nhà, nhưng các luật sư của cựu tổng thống hoàn toàn không đưa ra hành động pháp lý nào để đòi việc này.
Các cố vấn của Trump khẳng định rõ rằng họ muốn cuộc chiến này là một cuộc chiến chính trị thay vì cuộc chiến pháp lý.
Và điều này có lợi cho ông Trump vào thời điểm này bởi vì vào những ngày sau cuộc khám xét của FBI, cựu tổng thống huy động được hàng triệu đô la và nhận được ngày càng nhiều sự ủng hộ, bao gồm của chính các đối thủ ông trong đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
“Các cử tri đảng Cộng Hòa đang nhìn nhận vấn đề này và nghĩ rằng nếu họ có thể ủng hộ ông Trump,” một nguồn tin thân cận với ông Trump nói với CNN. “Và đó chính là điều chúng tôi muốn.”
Mai Phi Long
Theo Người Việt online tổng hợp ngày 28/8/2022
Cụu TT Bush,Clinton, Obama… đều lấy tài liệu từ Toà Bạch-ốc về Thư viện riêng tư mà không ai lo tài liệu mật hay không mật! Obama lấy 33.000.000 tài liệu đang chứa trong kho tại Chicago! Biden lấy cả 1000 thùng tài liệu về lưu trử tại Delaware University và không cho báo chí hay Tom Filton xem nên đang có vụ kiện ra toà! Dĩ nhiên không ai quên Hillary dùng Server ở nhà riêng để chức bí mật Quốc gia lên đến 33.000 emails và tự huỷ cũng như đập nát các điện thoại bằng búa tạ!
Thứ Sáu vừa qua 20/30 trang Affidavit cho vụ lục soát nhà Trump bị Bộ Tư Pháp bôi đen ! Vậy có gì mà phải xoá sổ nhiều như thế?
Cái bệnh hoạn của vài Truyền thông Việt là hay buộc tội trước khi chứng minh có tội!
Nghe quen quen hen?