Nhạc phẩm “Trả Lại Em Yêu” của Phạm Duy. (Hình: Tài liệu)
SANTA ANA, California (NV) – Có thể nói bản nhạc tình mùa chinh chiến “Trả Lại Em Yêu” của Phạm Duy đã nói lên tâm tình chân thật nhất của những chàng sinh viên đang say sưa với giấc mộng đèn sách bỗng bị lệnh Tổng Động Viên của miền Nam Việt Nam, được ban hành sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, bắt phải lên đường nhập ngũ, tòng quân.
Không đề cập gì nhiều tới những gian lao, nguy hiểm nơi chiến trường mà tương lai các chàng trai này phải đối mặt, nhạc phẩm của Phạm Duy xoáy sâu vào nỗi buồn ray rứt của chàng trai khi phải xa lìa người tình sinh viên của mình nơi trường đại học, với biết bao kỷ niệm xa xưa cùng những dấu yêu ngày cũ, để rồi nhìn về tương lai mà lòng băn khoăn không biết đến bao giờ mình mới có thể làm trỏn nhiệm vụ để trở về dưới mái nhà xưa, chứ chẳng dám mơ mộng gì nữa tới mái trường xưa.
“Trả lại em yêu, khung trời đại học/ Con đường Duy Tân cây dài bóng mát/ Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát/ Vết chân trên đường vẫn chưa phai tàn.”
Xin trả lại những kỷ niệm buồn vui của những ngày đôi ta sánh vai nhau trong khuôn viên trường đại học thân yêu trên con đường Duy Tân rợp bóng Hạ buồn, trong những buổi chiều xanh ngát màu mây trời chơi vơi cùng màu nắng thủy tinh vàng, và trên bàn tay em thỉnh thoảng lại xanh xao đón ưu phiền. Ôi! Những dấu chân địa đàng lúc chúng mình dạo bước dường như vẫn còn lại đâu đó trên đường xưa, lối cũ!
“Trả lại em yêu, khung trời mùa Hạ/ Ngọn đèn hiu hiu nỗi buồn cư xá/ Vài giọt mưa sa hôn mềm trên má/ Tóc em thơm nồng, dáng em hiền hòa.”
Anh cũng xin trả lại em yêu kỷ niệm của những ngày Hè về, Hè về nắng tung nguồn sống khắp nơi và những đêm đèn hiu hắt ngọn tương tư trong cư xá âm thầm, rả rích những giọt mưa trên lá và trên má ai, với mái tóc dạ hương chao ôi màu suối tóc buông mềm trên dáng gầy còn đứng nghiêng nghiêng của người em hiền như ma soeur.
“Anh sẽ ra đi về miền cát trắng/ Nơi có quê hương mịt mù thuốc súng/ Anh sẽ ra đi về miền mênh mông/ Cơn gió cao nguyên, từng đêm lạnh lùng.”
Rồi anh sẽ lên đường như bao chàng trai thế hệ, lúc đất nước muốn bao người con thân yêu ra đi giúp núi sông, cho dù hàng hàng lớp lớp chưa về. Đó là những chiến trường gai lửa sặc mùi thuốc súng, đó là những chốn địa đầu miền cao nguyên hoang lạnh, ơ hờ như đôi môi góa phụ nhạt mờ vết son.
“Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó/ Đem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ/ Đem nỗi thương yêu vào niềm thương nhớ/ Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về.”
Vâng, anh sẽ ra đi với mớ hành trang kín vai gầy, từng bước, từng bước thầm, đi cho hết tuổi hoa niên ngây dại, với tâm tư nặng trĩu những niềm yêu, nỗi nhớ trong khi ngày về quê xa lắc, lê thê, biết đến bao giờ!
“Trả lại em yêu con đường học trò/ Những ngày thủ đô tưng bừng phố xá/ Chủ nhật uyên ương, hẹn hò đây đó/ Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt.”
Cũng xin trả lại cho em những kỷ niệm buồn vui khi ngày xanh đã theo thời gian qua mất rồi trên những con đường mình cùng dìu nhau bước đi thời anh còn là sinh viên, với biết bao kỷ niệm xa xưa của những ngày dạo phố Sài Gòn đông vui những chiều thương đô thị. Lại nhớ về những chiều anh hẹn em cuối tuần chờ nhau nơi cuối phố, lúc hai đứa uống chung ly chanh đường, và cũng là lúc anh thừa cơ uống luôn đôi môi em xinh xinh dưới đôi mắt em vẫn tình.
“Trả lại em yêu mối tình vời vợi/ Ngôi trường thân yêu, bạn bè cũ mới/ Đường buồn anh đi bao giờ cho tới?/ Nỗi đau cao vời, nỗi đau còn dài.”
Thật tình thì anh cũng không biết có nên trả lại cho ngưởi anh yêu mối tình diệu vợi đang còn dang dở của đôi ta dưới mái trường thân yêu, nơi vẫn còn những người bạn sách đèn ở lại. Ôi! Con đường tình mộng mơ ta đi thì coi như đã cách biệt rồi, nhưng còn con đường buồn anh sắp bước đi trong nỗi đau chồng chất thì biết đến bao giờ mới tới đích đây?
“Trả lại em yêu! Trả lại em yêu!/ Mây trời xanh ngát…”
Thôi nhé, anh đi áo vương bụi đường. Xin trả lại cho em tất cả những gì thuộc về kỷ niệm một thời hoa mộng xa xưa. Trước mặt anh, nay chẳng cón gì ngoài những đám mây trời lang thang, xanh ngắt…
* * *
Khác với nhạc phẩm “Mười Sáu Trăng Tròn” của Trần Thiện Thanh, trong đó chàng trai trẻ lên đường tòng quân với niềm phấn khởi của một người có ý hướng chọn binh nghiệp làm lẽ sống cho đời mình, chàng sinh viên trong ca khúc “Trả Lại Em Yêu” của Phạm Duy tỏ ra nuối tiếc, buồn rầu khi phải xa lìa mái trường xưa, nơi mình và người yêu cũng là sinh viên đang trải qua một cuộc tình êm ả và đẹp như mơ của những “thư sinh gối mộng ôm chồng sách” trong xã hội Việt Nam ngày xưa.
Có điều, trong cái nghiệp lính gian lao, hiểm nguy và đầy bất trắc kia vẫn có điều màu nhiệm, khởi đầu ngay chính từ nơi quân trường. Có rất nhiều chàng trai trẻ đang ở ngoài dân sự mà do hoàn cảnh đưa đẩy phải bước vào quân ngũ, dù lúc đầu tỏ ra bỡ ngỡ, bối rối và miễn cưỡng, bỗng cảm thấy lòng mình tràn đầy khí thế hiên ngang của một chàng “lính mà em.” Đó là phút giây ngay sau khi người tân binh khoác vào mình bộ đồ treillis còn thơm mùi chỉ mới và trên lưng đeo chiếc ba lô chất đầy hành trang, rồi cùng tập thể tân binh được lệnh chạy đôi ba vòng quanh vũ đình trường để thử sức trai hùng, dưới ánh nắng trời gay gắt chiếu thẳng vào người, khiến cho những giọt mồ hôi đầu tiên nơi “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” làm ướt đẫm cả thân mình.
Nhạc sĩ Phạm Duy tên thật là Phạm Duy Cẩn, sinh năm 1921 và mất năm 2013. Phạm Duy xuất thân từ một gia đình văn nghiệp ở Hà Nội, xứ ngàn năm văn vật. Cha ông là Phạm Duy Tốn, được coi là một nhà văn xã hội đầu tiên của nền văn học Việt Nam, trong khi anh ruột của ông là Phạm Duy Khiêm, cũng là một văn sĩ và từng là Đại Sứ Việt Nam Cộng Hoà tại Pháp. Anh họ của Phạm Duy, Nguyễn Văn Ngọc, là tác giả cuốn sách nghiên cứu “Tục Ngữ Phong Dao” nổi tiếng.
Thuở nhỏ, Phạm Duy theo học các trường tiểu học Hàng Thùng và Hàng Vôi, và sau đó học thêm một năm tại trường trung học Thăng Long ở Hà Nội. Năm 1941, Phạm Duy trở thành ca sĩ tân nhạc trong gánh hát cải lương Đức Huy-Charlot Miều, có dịp gặp gỡ nhiều tên tuổi lớn trong làng văn học và ca nhạc, như thi sĩ Lưu Trọng Lư, các nhạc sĩ Lê Thương và Văn Cao. Năm 1942, Phạm Duy khởi nghiệp sáng tác nhạc với tác phẩm đầu tay là “Cô Hái Mơ,” phổ từ thơ Nguyễn Bính trong thời kỳ tân nhạc Việt Nam bắt đầu nở rộ.
Năm 1945, sau biến cố Nhật đảo chánh Pháp tại Đông Dương, Phạm Duy đi theo kháng chiến, trở thanh một cán bộ văn nghệ của Việt Minh và được coi là một nhạc sĩ thành công nhất vào lúc đó. Năm 1949, ông lập gia đình với ca sĩ Thái Hằng tại Chiến Khu Việt Bắc. Năm 1951, Phạm Duy rời bỏ kháng chiến và quay trở về Hà Nội, và sau đó đưa gia đình vào Nam, sinh sống tại Sài Gòn.
Năm 1953, ông qua Pháp và theo học dự thính hai năm về âm nhạc, để rồi có dịp làm bạn với nhạc sĩ kiêm giáo sư nhạc Trần Văn Khê. Từ sau Hiệp Định Geneva 1954, dẫn đến việc đất nước bị chia đôi thành hai miền Nam, Bắc, Phạm Duy tiếp tục sáng tác và biểu diễn trong Ban Hợp Ca Thăng Long cùng với các ca, nhạc sĩ Thái Thanh, Hoài Nam, Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), và Hoài Trung tại phòng trá Đêm Màu Hồng ở Sài Gòn. Thời gian này, Phạm Duy cũng có những hoạt động trong ngành sân khấu và thông tin đại chúng, như viết nhạc kịch, nhạc phim và cộng tác với các đài phát thanh tại miền Nam Việt Nam.
Trong những năm thập niên 1960, Phạm Duy được các bộ và ngành trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cử đi Philippines, Nhật Bản và Thái Lan để giới thiệu nền văn nghệ Việt Nam với thế giới, rồi làm thành viên trong nhóm nghệ sĩ đón tiếp đoàn vũ trống của Nam Hàn (Đại Hàn Dân Quốc) và đoàn Moral Rearmement của Mỹ. Năm 1965, ông tham gia phong trào Du Ca với Nguyễn Đức Quang, Giang Châu, Ngô Mạnh Thu… đi đến nhiều nơi để giới thiệu các ca khúc nói lên thân phận của tuổi trẻ tại miền Nam tự do trong chiến tranh.
Năm 1966, ông được Văn Phòng Giáo Dục và Văn Hóa thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ mời sang Mỹ thăm xã giao và quan sát sinh hoạt tại các đài truyền hình, nhạc hội, và ban nhạc “The Beers Family.” Đặc biệt, Đài Channel 13 đã mời ông tham gia chương trình dân ca của Peter Seeger, một nhạc sĩ phản chiến hàng đầu của Hoa Kỳ. Cuối thập niên 1960, nhạc sĩ Phạm Duy cùng ban nhạc gia đình “The Dreamers” của các con ông mở những cuộc biểu diễn tại các phòng trà và nhà hàng tại thủ đô Sài Gòn.
Sau biến cố ngày 30 Tháng Tư, 1975, ông và gia đình di tản sang Hoa Kỳ và định cư tại Midway City ở miền Nam California. Thời kỳ này, Phạm Duy vẫn tiếp tục sáng tác, biểu diễn, tổ chức và tham gia những đêm nhạc trong các cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại. Năm 1990, ông bắt đầu viết hồi ký. Đến năm 1999, vợ ông, bà Thái Hằng, qua đời.
Tháng Năm, 2005, Phạm Duy cùng hai người con, là Duy Quang và Duy Cường, quay về sinh sống tại Việt Nam và cư ngụ tại Quận 11 ở Sài Gòn. Tháng Bảy năm đó, lần đầu tiên kể từ năm 1975, chỉ có chín bài hát trong số mấy trăm ca khúc của Phạm Duy được nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam cấp phép cho phổ biến trong nước.
Nhạc sĩ Phạm Duy. (Hình: Thanh Niên)
Ngày 27 Tháng Giêng, 2013, sau một thời gian ngã bệnh phải nằm bệnh viện, nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, thọ 92 tuổi, chỉ một tháng sau cái chết của ca sĩ Duy Quang, người con trai trưởng của ông.
Phạm Duy xứng đáng được coi là cây đại thụ trong nền âm nhạc Việt Nam, với hàng trăm nhạc phẩm gồm mọi thể loại, là nhạc sĩ có nhiều sáng tác nhất trong tất cả các nhạc sĩ Việt Nam thuộc mọi thời đại. Thật khó mà kể ra cho hết các nhạc phẩm do Phạm Duy sáng tác.
Sau đây là một số các ca khúc nổi tiếng và tiêu biểu nhất của người nhạc sĩ thiên tài này: “Bên Cầu Biên Giới,” “Bao Giờ Biết Tương Tư,” “Cây Đàn Bỏ Quên,” “Còn Chút Gì Để Nhớ,” “Giọt Mưa Trên Lá,” “Hẹn Hò,” “Kỷ Vật Cho Em,” “Ngày Trở Về,” “Ngậm Ngùi,” “Nhạc Tuổi Xanh,” “Phố Buồn,” “Tình Ca,” “Trường Ca Con Đường Cái Quan,” “Về Miền Trung,” “Tiễn Em,” “Viễn Du,” “Xuất Quân”…
Vann Phan
Theo Người Việt online ngày 27/8/2022
* * *
Nhạc phẩm “Trả Lại Em Yêu” của Phạm Duy
Trả lại em yêu, khung trời đại học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai tàn…
Trả lại em yêu, khung trời mùa Hạ
Ngọn đèn hiu hiu nỗi buồn cư xá
Vài giọt mưa sa hôn mềm trên má
Tóc em thơm nồng, dáng em hiền hòa…
Đ.K.:
Anh sẽ ra đi về miền cát trắng
Nơi có quê hương mịt mù thuốc súng
Anh sẽ ra đi về miền mênh mông
Cơn gió cao nguyên, từng đêm lạnh lùng
Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó
Đem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ
Đem nỗi thương yêu vào niềm thương nhớ
Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về…
Trả lại em yêu con đường học trò
Những ngày thủ đô tưng bừng phố xá
Chủ nhật uyên ương hẹn hò đây đó
Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt…
Trả lại em yêu mối tình vời vợi
Ngôi trường thân yêu, bạn bè cũ mới
Đường buồn anh đi bao giờ cho tới?
Nỗi đau cao vời, nỗi đau còn dài
Trả lại em yêu! Trả lại em yêu!
Mây trời xanh ngát…
Be the first to comment