Tình Hình Kinh Tế Nga Từ Góc Nhìn Một Người Trong Cuộc

Oleg Vyugin là một trong những nhân vật nổi bật nhất trong giới tài chính Nga. Vị cựu giám đốc Ngân hàng Trung ương và giám đốc điều hành cấp cao giải thích liệu có bất kỳ lựa chọn thay thế nào cho các lệnh trừng phạt hay không, tại sao Moscow cắt giảm khí đốt bán cho châu Âu, giới thượng lưu nghĩ như thế nào về các lệnh trừng phạt, và nơi những người Nga giàu có đang cất giữ tiền của họ.

Khó có ai hiểu rõ lĩnh vực tài chính của Nga hơn Oleg Vyugin. Nhà toán học và kinh tế gia hiện 69 tuổi này là Chủ tịch ban kiểm soát của Sở Giao dịch Chứng khoán Moscow cho đến cuối tháng 6 và, cùng với Gerhard Schröder, tham gia ban kiểm soát công ty dầu khí hàng đầu của Nga Rosneft cho đến giữa năm 2021. Trước đó, vị chuyên gia ngân hàng cũng từng làm Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương, trưởng ban quản lý thị trường tài chính, và thứ trưởng tài chính.

Mặc dù Vyugin không còn giữ chức vụ trong các cơ quan nhà nước, ông vẫn sống ở Nga và vẫn được coi là một trong những nhân vật nổi bật và có mối liên hệ tốt nhất của khu vực tư nhân với chính giới.

Trong cuộc phỏng vấn, Vyugin cho biết nền kinh tế Nga có thể ít nhiều lách các lệnh trừng phạt như thế nào, tại sao Nga lại hạn chế xuất khẩu khí đốt, và những người giàu ở Nga đang làm gì với tiền của họ.

Hỏi: Ông được đánh giá là một người có suy nghĩ rất tỉnh táo. Hãy cho tôi biết ai chịu nhiều thiệt hại hơn do các lệnh trừng phạt: Châu Âu hay Nga?

Đáp: Đây là một câu hỏi khó. Nhưng trong ngắn hạn châu Âu có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn. Vì xuất khẩu dầu khí mang lại thu nhập rất cao, trong khi giá cả cao và các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực này chưa có hiệu lực. Và tác động của các biện pháp hạn chế xuất khẩu từ châu Âu, vốn ban đầu rất mạnh, đã yếu đi vì nhập khẩu đang diễn ra song song và các biện pháp kiểm soát trừng phạt còn yếu. Tuy nhiên, về trung hạn, với tầm nhìn đến năm 2023 và 2024, Nga tất nhiên sẽ phải gánh chịu nhiều thiệt hại hơn.

Hỏi: Thực tế cho thấy các lệnh trừng phạt không ngăn chặn được chiến tranh. Phải chăng vì chúng quá yếu hoặc không phải là biện pháp thích hợp?

Đáp: Tất cả phụ thuộc vào loại trừng phạt gì. Nếu người ta muốn sử dụng chúng để cô lập nền kinh tế Nga với phương Tây, thì người ta sẽ không thể làm điều đó trong vòng một năm. Xét cho cùng, nền kinh tế Nga gắn bó quá chặt chẽ với phương Tây, không chỉ về năng lượng, mà còn với các sản phẩm khác quan trọng đối với châu Âu.

Hỏi: Vậy có cách nào khác có thể ngăn chặn cuộc chiến tranh này không?

Đáp: Bằng các biện pháp kinh tế thì không. Nga hiện có đủ tiền trong ngân sách của mình. Nhưng nếu châu Âu giảm đáng kể doanh số bán dầu của Nga với kế hoạch cấm vận dầu mỏ và điều tương tự xảy ra với khí đốt, trong khi Gazprom cũng góp phần giảm xuất khẩu, thì Nga sẽ cạn tiền. Hiện tại ngân sách phụ thuộc tới 40% vào xuất khẩu dầu khí, trong khi các khoản thu thuế khác giảm trong quý 2.

Hỏi: Thưa ông, nói về cuộc khủng hoảng khí đốt đang làm châu Âu điêu đứng: liệu nước Nga có thể đơn giản cắt giảm nguồn cung như hiện nay?

Đáp: Ngắn hạn thì được, do giá khí cao bù đắp được lượng xuất khẩu bị giảm sút. Nhưng không ai có thể nói liệu giá nhiên liệu có tiếp tục cao trong năm 2023, nhất là nếu một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra. Trong bất cứ trường hợp nào, khi Gazprom cắt giảm khí đốt sẽ tạo ra tình trạng người mua quay lưng, và điều đó là một tổn thất cho nền kinh tế Nga.

Hỏi: Liệu tập đoàn Gazprom có thể ngưng hoàn toàn việc cung cấp?

Đáp: Tôi nghĩ Gazprom sẽ không làm điều đó. Đối với Gazprom, điều quan trọng là phải ảnh hưởng được đến các quyết định nào của Ủy ban EU có tác động đến Nga, và nhất là đến nền kinh tế Nga, thông qua thao túng dung lượng xuất khẩu.

Hỏi: Theo dự báo mới của Ngân hàng Trung ương Nga, sản lượng kinh tế dự kiến ​​chỉ giảm từ bốn đến sáu phần trăm trong năm nay, thay vì tám đến mười phần trăm theo dự báo trước đó. Ông có tán thành điều đó không?

Đáp: Có. Bởi vì giá xuất khẩu (năng lượng) rất cao và việc nhập khẩu, ít nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng, đã diễn ra thuận lợi hơn.

Hỏi: Nhưng Ngân hàng Trung ương Nga nói cuộc khủng hoảng còn kéo dài và GDP năm 2023 sẽ tiếp tục giảm.

Đáp: Điều đó đúng. Bởi lẽ, thu nhập từ xuất khẩu sẽ có xu hướng giảm vào cuối năm. Vì nhập khẩu có khả năng tăng, đồng rúp sẽ giảm giá mạnh, thúc đẩy lạm phát. Nhập khẩu lúc này đã tăng lên: ví dụ, một tuyến nhập ô tô của phương Tây chạy qua Dubai, qua Kazakhstan rồi đến Nga đã được hình thành.

Hỏi: Về lâu dài, lệnh cấm vận công nghệ của phương Tây có lẽ là vấn đề nghiêm trọng nhất đối với Nga. Điều tồi tệ nhất trong ngắn hạn là gì, thưa ông?

Đáp: Hậu quả sẽ diễn ra với ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp cơ khí. Các kho thiết bị, phụ tùng đang cạn kiệt dần. Điều này cũng tác động đến giao thông hàng không và đường sắt, và thậm chí cả ngành công nghiệp quốc phòng.

Hỏi: Tuy nhiên, giới tinh hoa Nga tin rằng phương Tây đang hành động một cách ngu ngốc và tự hủy hoại mình bằng các lệnh trừng phạt. Bản thân ông từng tham gia chính quyền, mong ông cho biết: ở chỗ riêng tư người ta có chế nhạo chúng tôi không?

Đáp: Tuyên truyền của Nga thì là như vậy. Nó bất chấp tư duy thông thường. Hơn nữa, tôi không thuộc giới cầm quyền. Nhưng nếu nói về những người làm ăn, kinh doanh, tôi phải nói rằng họ đánh giá đúng thực tế tình hình đang diễn ra. Nhiều người đã bị thua lỗ và đang tìm một lối thoát. Không ai ở đây cười nhạo châu Âu cả. Nhưng vì ngoài hiệp hội giới chủ vốn bị chính trị hóa, không có tổ chức nào để liên kết các nhà doanh nghiệp với nhau, nên cũng không có một lập trường chính thức, thống nhất. Đại đa số đều nhận ra những vấn đề mới đối với chính họ, nhưng một số cũng có cơ hội kinh doanh mới, ví dụ như đường dây nhập khẩu ô tô qua Kazakhstan. Đối với người tiêu dùng, mọi thứ ngày càng trở nên đắt đỏ hơn.

Hỏi: Thưa ông, lúc đầu các nhà doanh nghiệp có bị sốc không, và bây giờ là chủ nghĩa thực dụng hay cam chịu số phận?

Đáp: Không cam chịu số phận mà là thích nghi với thực tế mới. Ví dụ, hiện tại việc giao hàng mất một tháng, trong khi trước đây là năm ngày. Đây là những gì mà các doanh nhân phải thích nghi.

Hỏi: Khi nhìn những hậu quả này, câu hỏi đặt ra là: trong tình huống như hiện nay, liệu tầng lớp tinh hoa của Nga có phải là một khối thống nhất như vẻ bề ngoài?

Đáp: Ông dựa vào đâu mà cho rằng giới tinh hoa này là một khối đồng nhất? Có những người làm tuyên truyền và trăm thứ khác. Nhưng ít nhất đối với giới doanh nhân, tôi không có ấn tượng họ là một thể thống nhất. Họ cố gắng tránh xa, không dính líu đến chính trị.

Hỏi: Ý câu hỏi của tôi là đã từng có thời gian các doanh nhân có thể bày tỏ sự không hài lòng của mình.

Đáp: Nhưng thời gian đó đã qua lâu rồi.

Hỏi: Chúng tôi biết các doanh nhân hàng đầu đã từng được tiếp cận trực tiếp với Putin và có thể bày tỏ các vấn đề của họ ở đó. Hiện tại tình hình này ra sao?

Đáp: Theo như tôi biết hiện tại họ có thể truyền đạt vấn đề của mình đến lãnh đạo cấp bộ. Còn với tổng thống thì tôi không biết. Trước đây thường xuyên có các cuộc gặp gỡ, chí ít là với lãnh đạo các doanh nghiệp lớn.

Hỏi: Không biết cảm nhận của chúng tôi có đúng không khi cho rằng Điện Kremlin không quan tâm lắm đến các vấn đề kinh tế?

Đáp: Tôi không nghĩ như vậy. Tôi nghĩ, đơn giản là có sự phân công lao động. Các bộ lo về kinh tế. Điện Kremlin cũng có thể can thiệp. Ví dụ, mới đây tổng thống đã gặp các doanh nghiệp và bộ giao thông vận tải để thảo luận cụ thể về việc vận chuyển nông sản. Có thể thấy ở lĩnh vực này có vấn đề cần giải quyết. Nhưng rõ ràng là, trong nền chính trị Nga hiện nay, thì chính trị là ưu tiên số một, còn kinh tế xếp hàng thứ hai.

Hỏi: Nghe nói Putin từng cho rằng nhiệm vụ của kinh tế là giảm thiểu những hậu quả tiêu cực của chính trị?

Đáp: Nghe nói là như vậy, nhưng không có gì chứng thực ông ấy đã nói điều đó.

Hỏi: Tuy nhiên mới đây ông ấy nói Nga đang hướng hoạt động thương mại của mình tới các nước BRICS như Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Điều đó có phải là một lời đe dọa?

Đáp: Đây là một chính sách thực tế và tự nhiên. Nga đang tìm cách tăng cường quan hệ mạnh mẽ hơn nữa với khu vực này, có lẽ cả với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran nữa. Cơ hội là có, cho dù chất lượng hàng hóa có phần thua kém hơn.

Hỏi: Tuy nhiên, cho đến nay, các nước này cũng không đầu tư nhiều hơn.

Đáp: Nhưng điều đó đâu có ai đề cập đến, rõ ràng là họ không có ý định làm điều đó từ lâu rồi. Tôi khó tưởng tượng Trung Quốc, chứ chưa nói đến Ấn Độ, sẽ có lợi ích gì trong việc đầu tư này. Quá lắm là tham gia dưới dạng cổ đông trong các dự án khai thác nguyên liệu. Trung Quốc được cho là đã tạm ngừng các khoản đầu tư vào Nga dưới Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, do các sự kiện ở Ukraine.

Hỏi: Ở Nga đang có không khí lạc quan là người ta có thể thay thế mọi hàng hóa nhập khẩu bằng sản xuất trong nước. Thưa ông, điều này thực tế đến mức độ nào?

Đáp: Ta hãy xem Trung Quốc làm điều đó như thế nào. Họ đã lấy công nghệ của phương Tây, thành lập các liên doanh để nghiên cứu công nghệ, và sau đó ít nhiều tự sản xuất và có khả năng cạnh tranh. Trung Quốc đã có một số thành công đối với vấn đề này.

Hỏi: Điều đó có ý nghĩa như thế nào với Nga?

Đáp: Nga cũng có thể làm được điều này – ví dụ như trong sản xuất ô tô – nhưng kém hiệu quả hơn và cũng không trúng mục tiêu lắm. Bây giờ thì con đường này đã đột ngột bị gián đoạn. Điều này có nghĩa là khái niệm thay thế nhập khẩu đã thất bại. Không còn khả năng tiếp nhận công nghệ của phương Tây nữa. Làm thế nào bạn có thể tự phát triển công nghệ nếu bạn không tương tác với các công ty hàng đầu trong các lĩnh vực? Tôi thực tình không có lời đáp cho điều đó.

Hỏi: Cũng bởi vì Trung Quốc không thể thay thế cho phương Tây trong vấn đề này?

Đáp: Trước tiên là như vậy. Và thứ hai là cũng có thể họ không muốn chuyển giao một cách đơn giản công nghệ mạnh nhất của mình.

Hỏi: Tuy nhiên hiện tại khó có thể nghĩ Nga làm ăn với phương Tây dễ dàng hơn với Trung Quốc.

Đáp: Đúng thế. Tôi nghĩ quả thật làm ăn với Trung Quốc có phần khó khăn hơn. Đó là một nền văn hóa khác – và một cách tiếp cận khác.

Hỏi: Liệu Trung Quốc có phải là một trong những nước được hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt?

Đáp: Chỉ có thời gian mới biết cuối cùng ai sẽ thắng. Rõ ràng là các quốc gia xung quanh làm ăn với Nga hiện đang kiếm được rất nhiều lợi nhuận từ tình hình này. Còn ở Nga, các doanh nghiệp hậu cần nào có thể thiết lập được những kênh cung cấp hàng hóa mới sẽ chắc chắn vớ bở.

Hỏi: Bản thân ông là một triệu phú. Xin hỏi giới nhà giàu Nga hiện làm gì với khoản tiền mà họ có?

Đáp: Lúc này tôi không muốn nói về bản thân mình. Mọi người đối phó với tình hình khác nhau. Nhưng xu hướng chung là: Những người có tiền nhưng không còn doanh nghiệp ở Nga thì cố gắng tuồn tiền ra nước ngoài, đặc biệt là sang các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Dubai hưởng lợi lớn nhất. Một số trường hợp mua bất động sản và giấy phép cư trú rồi mở tài khoản. Ở một mức độ thấp hơn là Thổ Nhĩ Kỳ. Các doanh nhân cũng tìm đến Kazakhstan, Trung Á hoặc Armenia để tạo dựng phần nào hoạt động kinh doanh ở đó. Một vấn đề lớn là vốn, với các doanh nghiệp lớn và trung bình thì tiền đầu tư ở các nước này phải là đô la Mỹ. Đồng rúp có thể được giữ ở Nga để kiếm sống và tiếp tục kinh doanh, còn đô la thì chuyển ra nước ngoài. Những người vẫn còn có các giao dịch với các quốc gia khác cần giữ tiền ở nước ngoài vì các kênh chuyển tiền (từ Nga) hiện vô cùng khó khăn.

Hỏi: Hiện ai thực sự vẫn đầu tư vào cổ phiếu Nga?

Đáp: Các nhà đầu tư tư nhân vẫn đang mua một số cổ phiếu của Nga. Nhưng thanh khoản rất thấp. Và rủi ro cao hơn nhiều so với trước đây. Chỉ số chứng khoán hiện thậm chí còn thấp hơn so với sau ngày 24 tháng 2.

Nguồn: “Keiner lacht hier über Europa“, WELT, 30/7/2022

Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài
Ngày 4/8/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/08/03

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*