Putin Dưới Mắt Một Người Đã Du Học Và Ở Nga 11 Năm

Một phụ nữ Ukraine bị thương khi một hỏa tiển của Nga bắn vào thành phố Kharkiv.

Tôi đã từng học và nghiên cứu ở Nga (Liên Xô cũ) tổng cộng 11 năm, từ năm 18 tuổi tới năm 31 tuổi (1976-1989) (Hai năm 1985-1987 làm việc ở Việt Nam). Tiếng Nga đối với tôi cũng trôi chảy gần như tiếng mẹ đẻ. Khi còn ở Nga, các bạn Nga từng nói với tôi: “Nếu chỉ nghe tiếng mày nói ngoài hành lang, không nhìn thấy mặt, thì bọn tao tưởng đó là người Nga nói.” Nước Nga không chỉ mở cho tôi cánh cửa bước vào khoa học mà còn cả nghệ thuật.

Chính tại đây lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với nghệ thuật lớn: nghệ thuật của các bậc thày cổ điển châu Âu, như Leonardo da Vinci, Botticelli, Titian, Rembrandt, trong nguyên bản, với âm nhạc của các nhà soạn nhạc vĩ đại, qua tiếng đàn của các bậc thày trứ danh biểu diễn sống, như Leonid Kogan, Danill Shafran, Shura Cherkasky, v.v., với văn học và thi ca của Tolstoy, Turgheniev, Chekhov, Leskov, Dostoevsky, Pushkin, Lermontov, Esenin, Pasternak, Blok, Svetaeva, v.v. qua bản gốc tiếng Nga.

*

Tôi có nhiều bạn bè và đồng nghiệp là người Nga cũng như người Ukraine. Thày của tôi, cố GS Vadim Soloviev là người Nga. Phản biện luận án tiến sỹ năm 1985 của tôi, GS Anatoly Ignatyuk, là người Ukraine. Hai phản biện luận án tiến sỹ khoa học của tôi năm 1989, là GS A. Ignatyuk và GS. Grigory Yakovlevich Korenman, người Nga gốc Do Thái.
Ông Konstantin Gavrilovich, hoạ sỹ và kiến trúc sư, là người Nga đầu tiên phát hiện ra tài vẽ của tôi và đã không tiếc thời gian cũng như sức lực đưa tôi tới gặp các giáo sư tại các trường đại học mỹ thuật Surikov, Stroganov, và đại học kiến trúc.
Bạn gái đầu tiên của tôi là người Nga.
Tất cả họ đều là những con người chính trực, cao thượng, hào hiệp, tốt bụng, trí tuệ, có văn hóa học vấn cao và đáng ngưỡng mộ.
Nói vậy là để các bạn thấy nước Nga từng rất gắn bó với tôi.
Tuy nhiên đừng lẫn lộn người dân Nga, đất nước Nga với chế độ của những người cai trị họ.

Khoảng thời gian hơn một thập niên đó cũng đã cho tôi thấy rõ người Nga cũng như người dân các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, trong đó có Ukraine, đã bị o ép khổ sở về tinh thần và vật chất như thế nào dưới một chế độ quan liêu hách dịch điều khiển một nền kinh tế trì trệ. Nước Nga là một quốc gia rộng lớn, nhưng chưa bao giờ thoát khỏi mặc cảm của một nước nông dân, trong đó thủ đô Moskva được ví như cái làng của châu Âu. Người Nga trong lịch sử chưa bao giờ thoát khỏi ách áp bức từ chế độ Tsar Hoàng, tới chế độ cộng sản thời Lenin, Stalin, toàn trị thời Brezhnev, và cuối cùng là chế độ độc tài của Putin.

Sự yếu kém về kinh tế và hành chính của Ukraine là hậu quả của một thời kỳ dài dặc phụ thuộc vào Nga ở Liên Xô cũ. Cho tới năm 2006, tức 15 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, tới Kiev dự hội thảo vật lý hạt nhân, tôi vẫn thấy sự trì trệ và phong thái làm việc trịch thượng hống hách kiểu Nga ở đó, bắt đầu từ khâu nhập cảnh tại sân bay, sinh hoạt dịch vụ công cộng, tới cách điều hành hội thảo.

Lẽ dĩ nhiên, nhìn sang châu Âu, trước hết là người dân nước hàng xóm Ba Lan, người Ukraine cũng muốn một cuộc sống độc lập, tự do, dân chủ và hạnh phúc như vậy. Việc Ukraine lựa chọn gia nhập EU hay NATO là quyền tự do của một quốc gia độc lập.

Vì thế đừng vội vàng đổ lỗi cho tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hay nguyên tổng thống Petro Poroshenko về tình trạng này. Trên thực tế công cuộc “thoát Nga” của Ukraine mới chỉ thực sự bắt đầu từ cuộc nổi dậy ở Maidan từ tháng 11 năm 2013 tới tháng 2 năm 2014, tức cách đây tám năm về trước, quá ngắn để có thể tẩy rửa những căn bệnh do 74 năm chế độ cộng sản để lại, nhất là trong sự hà hiếp của chính quyền Putin.

Cá nhân tôi chưa bao giờ có thiện cảm với Putin, ngay từ những ngày đầu, khi Putin được tổng thống Nga Boris Yeltsin tiến cử. Lý do của tôi rất đơn giản: Putin nguyên là sĩ quan KGB, gia nhập KGB ngay sau khi tốt nghiệp đại học năm 1975. Vào thời perestroika của Gorbachev cho tới khi Liên Xô bắt đầu tan rã (1985-1990), Putin làm gián điệp của KGB tại Dresden. KGB khét tiếng tàn ác trong toàn bộ lịch sử của nó. Bố của Putin cũng là một sĩ quan của NKVD, tiền thân của KGB. Mẹ của Putin là công nhân. Ông của Putin nấu bếp cho Lenin và Stalin.

Tham vọng của Putin là khôi phục lại hào quang của đế quốc Nga đã mất trong đó y là độc tài bạo chúa. Nước Nga dưới chế độ Putin là một nước bị cô lập với toàn thế giới. Người dân Nga chưa bao giờ có tự do dân chủ. Các đảng đối lập bị chèn ép, các nhà đấu tranh dân chủ bị bắt bớ, đầu độc, ám sát. Cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra do Putin ra lệnh là khởi đầu của chiến dịch nhằm thực hiện mưu đồ bành trướng của Putin sang phương Tây, kéo lại đêm đen của chế độ độc tài cộng sản trong đó Nga là bá chủ. Vì thế Ukraine, từ một đất nước đứng lên chiến đấu chống ngoại xâm, nay đã trở thành biểu tượng của đại nghĩa chống lại hung tàn.

Bất kể Putin có thôn tính được Ukraine hay không, cuộc chiến tranh này do Putin khởi xướng đã, đang và sẽ khiến y muôn đời bị nguyền rủa như một tên Hitler t.k. XXI. Hay nói như đại sứ Ukraine tại Liên hiệp quốc, hắn sẽ đi thẳng xuống địa ngục vì không có luyện ngục (purgatory, nơi thanh tẩy tội lỗi sau khi chết) nào cho hắn cả.

Bản chất của tên độc tài nào cũng như vậy, nhưng Putin hiện có lẽ là kinh khủng nhất: Sau khi vừa đe doạ châu Âu rằng nếu nước nào can thiệp chống lại hắn trong cuộc xâm lược Ukraine thì hắn sẽ dùng biện pháp khủng khiếp nhất mà họ chưa từng thấy trong lịch sử của họ, tức khai hỏa vũ khi hạt nhân, hắn đã ra lệnh cho các lực lượng hạt nhân của Nga đặt trong tình trạng báo động.

Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine do Putin ra lệnh đang bị chính phủ và nhân dân nhiều nước trên thế giới lên án mạnh mẽ. Ngay tại nước Nga, nhiều người Nga đã liên tục xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến tranh này.
Nếu Ukraine rơi vào tay Putin, không chỉ người dân Ukraine sẽ lại quay lại cuộc sống nô lệ phụ thuộc Nga, mà sự yên ổn của toàn thế giới cũng sẽ bị đe dọa bởi một chế độ quốc xã mới của một tên phát-xít tàn bạo nhất.

Nguyễn Đình Đăng

Nguồn: https://saigonweeklyonline.com/en/tham-luan/putin-duoi-mat-cua-nguyen-dinh-dang-mot-nguoi-da-du-hoc-va-o-nga-11-nam.html

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*