Nga Tấn Công Ba Mặt Trận, Quân Dân Ukraine Kiên Quyết Chống Cự

Nhưng cho đến Thứ Năm tuần này, quân đội Nga chỉ bao vây mà vẫn chưa tiến được vào thủ đô Kyiv – lý do chính là vì vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân và dân Ukraine, ngoài ra còn có thể vì gặp trở ngại về mặt tiếp liệu.

Trong khi đó thì nước Nga rơi vào tình trạng cô lập vì bị cả thế giới lên án, áp đặt những biện pháp chế tài gay gắt, bao vây thị trường tài chánh và hối đoái, có thể đưa tới khủng hoảng kinh tế. Hậu quả cụ thể đầu tiên là đồng “rúp” của Nga bị mất giá đến mức kỷ lục, một “rúp” hiện chỉ còn trị giá $0.0092 U.S. dollar – tức chưa đầy 1 cent, hoặc 108.51 “rúp” mới đổi được 1 Mỹ kim.

SƠ LƯỢC TÌNH HÌNH CHIẾN CUỘC VÀ TỴ NẠN

Ukraine có dân số 44 triệu và diện tích 233,062 dặm vuông tức 603,628 cây số vuông (lớn hàng thứ nhì Âu Châu, chỉ sau Nga). Kyiv vừa là thủ đô vừa là thành phố lớn nhất nước, với 3 triệu cư dân.

Ngay từ lúc chiến tranh bùng nổ, lệnh giới nghiêm được ban hành trên toàn quốc. Tổng Thống Volodymyr Zelensky kêu gọi toàn dân quyết tâm chống lại làn sóng xâm lăng của Nga và nói rằng chính phủ sẽ cung cấp võ khí cho bất cứ ai muốn cầm súng bảo vệ đất nước.

Tin tức và hình ảnh trên các đài truyền hình cho thấy rất nhiều người dân Ukraine – cả nam lẫn nữ, từ trẻ đến già – đã tình nguyện gia nhập lực lượng tự vệ ngay tại nơi cư trú, võ trang bằng bom xăng tự chế và súng do quân đội cấp phát.

Do lệnh giới nghiêm và thiết quân luật, các nam công dân trong tuổi quân dịch (từ 18 đến 60) không được rời khỏi Ukraine. Vì vậy nhiều gia đình đã phải tạm thời ly tán, những người mẹ mang theo con cái ra đi tỵ nạn trong khi những người cha ở lại để chiến đấu.

Theo Cao Ủy Tỵ Nan Liên Hiệp Quốc, tính đến ngày Thứ Năm 3 tháng 3, khoảng 1 triệu dân Ukraine đã rời bỏ quê hương và dùng mọi phương tiện – xe hơi, xe buýt, xe lửa, kể cả đi bộ – để qua lánh nạn ở các nước láng giềng như Ba Lan (Poland) Hung Gia Lợi (Hungary), Moldova, Slovakia, Romania, Belarus. Con số cao nhất, gần 100,000 người, được ghi nhận trong ngày Thứ Tư. Chỉ riêng Ba Lan đã nhận 575,000 ngàn người tỵ nạn từ Ukraine. Hung Gia Lợi cho biết đã nhận 127,000 người.

Liên Hiệp Âu Châu (EU) ước đoán, nếu chiến cuộc Ukraine kéo dài, số dân tỵ nạn có thể sẽ lên tới 4 triệu người. Hiện nay toàn thể 27 quốc gia thành viên EU đều nới lỏng chính sách bảo vệ biên giới để mở rộng vòng tay đón nhận những người tỵ nạn từ Ukraine.

Hôm Thứ Ba 1 tháng 3, hình ảnh từ vệ tinh cho thấy một đoàn quân xa của Nga chở binh sĩ và quân cụ, với chiều dài khoảng 40 miles, đang tiến về phía Kyiv để chuẩn bị cuộc bao vây và tấn công vào thủ đô Ukraine.

Trước đó một ngày, quân đội Nga mở cuộc oanh kích làm sập tháp viễn thông của một hệ thống truyền hình ở ngay trung tâm Kyiv, khiến 5 người chết và 5 người bị thương. Vì vụ tấn công này, một số đài truyền hình phải tạm ngưng phát sóng.

Chiến cuộc cũng đang diễn ra dữ dội chung quanh thành phố Kharkiv ở miền đông bắc Ukraine. Với dân số 1.4 triệu, Kharkiv là thành phố lớn hàng thứ nhì trên toàn quốc, cách thủ đô Kyiv 250 miles tức 400 cây số và không xa hai vùng ly khai của lực lượng thân Nga (Luhansk, Donetsk).

Hôm Thứ Hai 28 tháng 2, ngay giữa ban ngày, quân đội Nga bắn hỏa tiễn vào ngay khu dân cư của Kharkiv, làm sập nhiều nhà cửa, trường học, khiến ít nhất 21 thường dân thiệt mạng và 112 người bị thương, theo tin tức sơ khởi. Các đợt pháo kích vẫn tiếp tục. Qua đến Thứ Năm 3 tháng 3, tin tức cho biết trong 24 giờ qua lại có thêm 34 thường dân thiệt mạng và 285 người bị thương.

Từ trụ sở New York, phát ngôn viên Stephane Dujarric nói với báo chí rằng Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres lên án Nga về hành động sử dụng vũ khí nặng để tấn công các thành phố của Ukraine, gây ra cái chết của những người dân vô tội. Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ước tính cho tới nay đã có ít nhất 227 thường dân chết vì chiến cuộc ở Ukraine, trong đó có 13 trẻ em, và 525 người bị thương. Nhưng phát ngôn viên Dujarric tin rằng con số trên thực tế chắc chắn cao hơn, vì rất nhiều trường hợp chưa được báo cáo. Theo chính phủ Ukraine thì trên 2,000 thường dân đã thiệt mạng.

Cũng vào ngày 28 tháng 2, quân đội Nga pháo kích vào một căn cứ quân sự ở thành phố Okhtyrka bên bờ sông Vorksla khiến 70 binh sĩ Ukraine tử thương.

Về phía thương vong của quân đội Nga, nhiều trang mạng trích dẫn tin nhắn Twitter hôm Thứ Bảy 26 tháng 2 của ông Sergiy Kyslytsya, Đại Sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc, viết rằng “đã liên lạc để xin Ủy Ban Hồng Thập Tự Quốc Tế (International Committee of the Red Cross – ICRC) giúp đưa hàng ngàn thi thể binh sĩ Nga hồi hương”, “họ xứng đáng để được gia đình chôn cất một cách tử tế”, “đừng tạo cơ hội cho Putin che giấu thảm kịch này”. Tin nhắn cho biết khoảng 3,500 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong những trận giao tranh vừa qua.

Cùng ngày, một Bộ Trưởng trong chính phủ Ukraine là bà Iryna Vereshchuk đưa ra lời kêu gọi tương tự với ICRC trên đài truyền hình.

Bà Laetitia Courtois, quan sát viên thường trực của ICRC tại Liên Hiệp Quốc, nói rằng mặc dù “Ủy Ban Hồng Thập Tự không thể xác nhận con số tử vong”, tuy nhiên “ICRC có thể đóng vai trò trung gian và trung lập để trao trả thi thể các tử sĩ Nga, cũng như hỗ trợ những vấn đề nhân đạo khác, như truy tầm tin tức người mất tích, giúp đoàn tụ gia đình, bảo vệ tù binh v.v… trong khả năng của ICRC”.

Hôm Thứ Tư 2 tháng 3, Tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Nga nói với báo chí rằng cho tới nay có 498 binh sĩ Nga tử trận và 1,597 quân nhân bị thương.

Sáng Thứ Tư, quân đội Nga nói là đã chiếm được thành phố Kherson (một hải cảng ở phía Nam, gần cửa biển Hắc Hải). Ngay sau đó tin này bị chính quyền Ukraine phản bác, cho biết giao tranh vẫn tiếp diễn. Nhưng đến hôm sau thì bản tin AP ghi nhận Kherson, với 280,000 dân, là thành phố đầu tiên của Ukraine đã lọt vào tay quân đội Nga.

Chiến cuộc đang diễn ra dữ dội tại Mariupol, một hải cảng khác ở bên bờ biển Azov. Tin tức hôm Thứ Năm 3 tháng 3 cho biết mọi dịch vụ điện, nước, điện thoại trong thành phố Mariupol đều bị cắt và thực phẩm cũng không thể chở đến cho cư dân.

Hãng thông tấn Interfax của Ukraine trích lời Tướng Tư Lệnh Không Quân Mykola Oleschuk loan báo quân đội Ukraine đã phá hủy được 536 xe bọc thép, 102 xe tăng và 15 khẩu pháo, bắn rơi 14 chiến đấu cơ và 8 trực thăng của Nga, tuy nhiên các dữ liệu này chưa được những hãng thông tấn quốc tế phối kiểm qua nguồn tin chính thức.

CHẾ TÀI, BAO VÂY KINH TẾ, TẨY CHAY NGOẠI GIAO

Mỹ là quốc gia đầu tiên loan báo quyết định chế tài Nga ngay sau khi Tổng Thống Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận hai tỉnh ly khai ở vùng Donbas là hai “nước độc lập”, để dựa vào đó lấy cớ cho quân đội Nga chuẩn bị tiến vào miền Đông Ukraine. Tổng Thống Joe Biden gọi đó là “hành động khởi sự cho một cuộc xâm lăng”, và loan báo biện pháp chế tài đợt 1 đối với những tay tài phiệt Nga thân tín với Putin, đồng thời nghiêm cấm giới doanh thương Hoa Kỳ không được thực hiện mọi dịch vụ đầu tư thương mại hoặc hỗ trợ tài chánh cho hai tỉnh ly khai Donetsk và Luhansk. Sau đó Anh Quốc và Liên Hiệp Âu Châu (EU) cũng loan báo biện pháp chế tài nhắm vào các đối tượng thuộc giới ngân hàng và doanh nghiệp Nga; trong lúc chính phủ Đức tuyên bố ngưng vô thời hạn việc chấp thuận dự án về đường ống cung cấp khí đốt “Nord Stream 2” của Nga trị giá $11 tỷ dollars.

Đợt chế tài thứ nhì được áp đặt khi quân đội Nga tấn công vào lãnh thổ Ukraine ngày 24 tháng 2. Các quốc gia thuộc Khối G7 (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Canada) cùng Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và 27 nước thành viên EU đồng loạt đóng băng tài sản các tổ chức tài chánh lớn của Nga. Chẳng những mọi hoạt động thương mại bị ngăn chận vì không được dùng các đơn vị tiền tệ hàng đầu (dollar, euro, pound, yen), Nga còn bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT của các ngân hàng trên toàn thế giới (Society for Worldwide Interbank and Financial Telecommunication tức Hiệp Hội Viễn Thông Liên Ngân Hàng Và Tài Chánh Quốc Tế). Bộ Trưởng Tài Chánh Pháp Bruno Le Maire gọi biện pháp này là “một trái bom nguyên tử tài chánh”.

Một sự kiện đáng chú ý là Thụy Sĩ (Switzerland) – đất nước mà cho tới nay luôn luôn giữ thái độ trung lập trước mọi tranh chấp quốc tế, và cũng là nơi mà những tay tài phiệt Nga giấu diếm tiền bạc trong các trương mục ngân hàng – hôm Thứ Hai 28 tháng 2 loan báo quyết định phong tỏa tài sản của Tổng Thống Vladimir Putin, Thủ Tướng Mikhail Mishustin, Ngoại Trưởng Sergey Lavrov cùng 367 công dân Nga hiện đang bị Liên Hiệp Âu Châu chế tài. (Dữ liệu từ ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ cho thấy, chỉ tính đến năm 2020, trị giá tài sản của các công ty và cá nhân Nga đã lên tới ít nhất $11 tỷ dollars).

Quyết định trên đây được công bố sau buổi họp của Hội Đồng Liên Bang Thụy Sĩ. Theo lời Tổng Thống Ignazio Cassis thì trước “cuộc tấn công xâm lược chưa từng thấy nhắm vào một quốc gia độc lập tại châu Âu”, Thụy Sĩ “phải cùng với các nước láng giềng chia xẻ nghĩa vụ bảo vệ hòa bình, an ninh và thượng tôn luật pháp quốc tế”, tuy nhiên ông Cassis cũng nói thêm là Thụy Sĩ vẫn duy trì chính sách trung lập và sẵn sàng đứng ra làm trung gian để giải quyết tranh chấp giữa Nga và Ukraine.

Sự kiện đáng chú ý khác là, cũng vì cuộc tấn công Ukraine, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đồng loạt tuyên bố tạm thời rút ra khỏi thị trường Nga, như các công ty xăng dầu BP, Exxon Mobil, hãng máy bay Boeing, các hãng xe hơi GM, Ford, Volkswagen, Volvo, công ty điện tử Apple, các nhà sản xuất phim ảnh Disney, Sony, Warner v.v…

LIÊN HIỆP QUỐC HỌP ĐẠI HỘI ĐỒNG

Buổi tối Thứ Hai 28 tháng 2, một phiên họp khẩn cấp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc gồm 193 quốc gia thành viên diễn ra tại New York. Đây là sự kiện hiếm thấy, vì kể từ năm 1950 tới nay mới chỉ có 10 lần phiên họp khẩn cấp (emergency sessions) của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc được triệu tập theo tinh thần nghị quyết 377A(V) – tức “Nghị quyết Đoàn kết vì Hòa bình”, nhằm tìm giải pháp cho những tranh chấp mà Hội Đồng Bảo An không thể giải quyết do liên quan đến 1 trong 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết.

Hai ngày trước đó, Thứ Bảy 26 tháng 2, một dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An đã bị Nga phủ quyết và trở thành vô hiệu. 11 trong số 15 thành viên Hội Đồng Bảo An bỏ phiếu thuận. Trung Cộng, Ấn Độ và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) bỏ phiếu trắng.

Tại phiên họp tối Thứ Hai, ông Abdulla Shahid (nguyên Ngoại Trưởng Maldives, được bầu làm Chủ Tịch Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc từ năm 2021) nói thẳng với các quốc gia thành viên rằng cuộc tấn công của Nga là “một sự xâm phạm chủ quyền của Ukraine”, và nhấn mạnh: “Bạo lực phải ngưng lại. Luật pháp quốc tế và nhân quyền phải được tôn trọng. Đàm phán ngoại giao phải là giải pháp hàng đầu”.

Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres lập lại lời lên án quân đội Nga về hành động oanh tạc và pháo kích các khu dân cư khiến nhiều những người dân vô tội thiệt mạng. Khi đề cập đến việc Tổng Thống Putin ra lệnh cho Bộ Quốc Phòng “đặt hệ thống võ khí nguyên tử trong tình trạng báo động”, ông Guterres tuyên bố: “Đây là một diễn tiến vô cùng đáng sợ. Chỉ riêng ý nghĩ về chiến tranh nguyên tử đã là điều không thể chấp nhận. Chẳng có lý do nào biện mình được cho việc dùng võ khí nguyên tử”.

Bản tin Pháp Tấn Xã (AFP) ghi nhận có tới hơn 100 nhà ngoại giao ghi tên phát biểu trước Đại Hội Đồng, hầu hết đều đưa ra lời yêu cầu Nga ngưng tấn công ngay tức khắc và rút quân về nước. Những luận cứ của đại diện nước Nga (Đại Sứ Vasily Nebenzya) – như “cuộc tấn công quân sự chỉ nhằm mục đích tự vệ theo điều 51 Hiến Chương Liên Hiệp Quốc”, hoặc “hành động của Nga bị truyền thông quốc tế bóp méo và xuyên tạc” – đã không thuyết phục được các quốc gia thành viên. Đa số khẳng định Nga rõ ràng đã vi phạm điều 2 của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, quy định “các thành viên không được đe dọa và dùng võ lực để giải quyết khủng hoảng”.

Hôm Thứ Tư 2 tháng 3, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Nga ngưng ngay tức khắc các cuộc tấn công và rút quân ra khỏi Ukraine. Tỷ số biểu quyết là 141 phiếu thuận, 5 phiếu chống (của Nga, Belarus, Eritrea, Syria, Bắc Hàn) và 35 thành viên bỏ phiếu trắng (trong đó có cộng sản Việt Nam). Tuy nhiên nghị quyết của Đại Hội Đồng chỉ thể hiện quan điểm của đa số quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc chứ không có hiệu lực cưỡng chế như nghị quyết của Hội Đồng Bảo An.

Lúc đang trả lời báo chí tại phiên họp khẩn cấp, Đại Sứ Nga Nebenzia nhận điện thoại báo tin 12 nhân viên thuộc phái đoàn ngoại giao Nga ở Liên Hiệp Quốc bị trục xuất và chỉ được dành cho thời hạn một tuần lễ để rời khỏi New York. Chính phủ Mỹ cho biết cuộc điều tra khởi sự từ nhiều tháng trước đã đưa tới kết luận 12 người này “lợi dụng tư cách ngoại giao để hoạt động gián điệp”. Đại Sứ Nebenzia thừa nhận “đây là một tin xấu”, nhưng theo ông, chẳng qua cũng là “hành động thù địch của chính phủ Mỹ nhắm vào nước chúng tôi”.

HÒA ĐÀM VÒNG 1 KHÔNG KẾT QUẢ

Giữa bối cảnh chiến sự đang diễn tiến ác liệt, hai chính phủ Nga và Ukraine đồng ý gửi phái đoàn đến thành phố Gomel ở khu vực biên giới giữa Ukraine và nước láng giềng Belarus để bắt đầu cuộc đàm phán hầu tiến đến một giải pháp ngưng bắn.

Tin tức cho biết trong thành phần phái đoàn của Ukraine có Bộ Trưởng Quốc Phòng Oleksii Reznikov và ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng Thống Volodymyr Zelensky. Còn người đứng đầu phái đoàn Nga là ông Vladimir Medinski, cựu Bộ Trưởng Văn Hóa.

Theo bản tin thông tấn Reuters thì sau phiên họp kéo dài 6 tiếng đồng hồ hôm Thứ Hai 28 tháng 2, hai phái đoàn nói với báo chí là họ cần về nước để “tham vấn chính phủ” mỗi bên, và đồng ý “sẽ thực hiện vòng đàm phán thứ nhì” vào ngày 2 tháng 3, ở cùng địa điểm.

Theo lời ông Podoliak thì “mỗi bên đã đưa ra một loạt ưu tiên”, và gần như chắc chắn là cuộc đàm phán đầu tiên đã không thể đạt tới điểm đồng thuận nào cho những ưu tiên khác biệt này. Phía Ukraine yêu cầu “quân đội Nga ngưng bắn ngay tức khắc và rút hết ra khỏi lãnh thổ Ukraine”. Trong khi đó thì về phía Nga, Tổng Thống Vladimir Putin nêu ra ba điều kiện tiên quyết qua cuộc điện đàm cùng ngày với Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron, đòi hỏi “Ukraine phải: 1) công nhận bán đảo Crimea (bị sát nhập năm 2014) là lãnh thổ của Nga, 2) phi quân sự và giải tán chính quyền phát-xít ở Kyiv, và 3) cam kết sẽ duy trì tình trạng trung lập”.

Tại thủ đô Kyiv, Tổng Thống Volodymyr Zelensky cho biết ông “không mấy tin tưởng” vào các cuộc đàm phán, đồng thời đưa ra lời kêu gọi quân nhân Nga nếu buông bỏ vũ khí sẽ được hưởng khoản tiền thưởng tương đương 41,000 euros.

Cùng ngày 28 tháng 2, ông Zelensky ký văn thư yêu cầu Liên Hiệp Âu Châu cho Ukraine được chính thức gia nhập qua một “tiến trình đặc biệt”. Theo các bản tin thông tấn thì trước đó, Chủ Tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen khi trả lời phỏng vấn của Eurosnews có nói rằng EU “mong muốn kết nạp Ukraine trong một tương lai gần”.

Trong cuộc phỏng vấn trên đài BBC hôm Chủ Nhật 27 tháng 2, Ngoại Trưởng Anh Quốc Liz Truss phát biểu rằng bà “hoàn toàn ủng hộ những công dân Anh muốn qua Ukraine chiến đấu với tư cách cá nhân”. Theo bà, đây sẽ là “một cuộc chiến tranh đẫm máu, có thể kéo dài vài năm”, “người dân Ukraine rất dũng cảm và họ sẽ quyết tâm chiến đấu đến cùng”. Tưởng cần nhắc lại, từ cuối tháng 1 Ngoại Trưởng Truss đã lên tiếng cảnh cáo rằng nếu quyết định xâm lăng Ukraine thì Tổng Thống Putin sẽ phạm vào một “sai lầm chiến lược” đưa tới sa lầy, hao tổn nhiều sinh mạng, và có thể là “sự khởi đầu của một kết cục” đối với ông ta.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, AFP, BBC, RFI, Al Jazeera ngày 3/3/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*