Hành Trình Của Joo Young Choi

Chiếc giường chuyên chở những giấc mơ (giữa) trong một tác phẩm ba chiều của Joo Young Choi. (Ảnh: ianbui/Trẻ)

Bảo tàng nghệ thuật Á-Đông Crow Museum of Asian Art – nay là một phần của đại học University of Texas in Dallas (UTD), đang có một cuộc triển lãm rất thú vị của một nghệ sĩ đa-năng/đa-diện người Mỹ gốc Hàn với câu chuyện tìm về nguồn cội khá ly kỳ.

Joo Young Choi. (Ảnh: ianbui/Trẻ)

Joo Young Choi sinh năm 1982 tại ngoại ô thành phố Seoul. Cha cô lúc bấy giờ chỉ là một cậu con trai 18 tuổi, mẹ cô chưa đầy hai mươi. Vì áp lực gia đình, mẹ cô không giữ con; hai người chia tay. Cha của Joo Young phải nhờ một người bà con của mình trông coi cô giùm trong lúc anh ta lên thành phố tìm cách kiếm tiền để nuôi con. Trong thời gian cha cô đi vắng, người bà con mà cô gọi là bà ngoại ghẻ lại quyết định giao cô cho một cơ quan chuyên tìm cha mẹ nuôi cho trẻ “mồ côi”, nói dối rằng họ tìm được cô trước cửa nhà. Và để cho cha cô không tìm được con mình, bà ta đã đổi tên và ngày sanh tháng đẻ của cô.

Thời bấy giờ, người Mỹ sang Nam-Hàn tìm con nuôi rất là nhiều, nên chẳng bao lâu Joo Young đã được một gia đình Mỹ trắng từ New Hampshire nhận làm con nuôi. Trước khi họ mang Joo Young về Mỹ, họ được giao một tập hồ sơ về thân thế của cô. Trong đó, một bà cô của cô đã lén ghi vào một số chi tiết quan trọng về cha cô như tên họ, số nhà, số thẻ căn cước v.v. Theo lời cô kể, có lẽ bà ta hy vọng một ngày nào đó, khi lớn lên, cô có thể tìm lại được cha mình.

Nhưng cha mẹ nuôi của Joo Young không cho cô biết tí gì về cha cô. Thậm chí, họ còn đổi tên cô thành Stacy — một cái tên mà cô bảo từ bé cô đã rất ghét vì cảm thấy nó không hợp với mình. Năm lên 18, cô xin phép cha mẹ nuôi được coi hồ sơ của mình nhưng bị từ chối khéo; họ nói cô phải đợi đến 21 tuổi mới được. Thế là cô đành chờ. Nhưng ngày đó rồi cũng đến. Khi cha mẹ nuôi của cô miễn cưỡng trao cho cô tập hồ sơ, họ khuyên cô đừng nên đặt quá nhiều hy vọng vào việc tìm được cha mẹ ruột. Thật ra trong thâm tâm họ vẫn không muốn cô biết gì về lai lịch của mình.

Khi nhìn thấy những chi tiết về “người đàn ông 45 tuổi” trong hồ sơ, cô ngỡ đó là ông nội của mình, và cô bắt đầu mơ đến một ngày gặp được ông ta để hỏi về cha mình. Những giấc mơ đó về sau đã được cô mang vào trong các tác phẩm nghệ thuật của mình sau này. Cô bắt đầu việc “về nguồn” bằng cách liên lạc với cơ quan con nuôi. Chỉ trong vòng sáu tháng, họ đã tìm ra được một người anh họ bên nội của cô. Người này hồi mới bốn tuổi đã từng được giao công việc giữ em, tức là chơi với cô khi cô còn nhỏ. Lúc bấy giờ cô đang học tiếng Hàn, trong khi người anh họ đang học tiếng Anh, thế là họ bắt đầu liên lạc thư từ qua lại.

Ðến lúc này, Stacy đã biết được tên thật của mình là Joo Young và cô bắt đầu gọi mình bằng tên đó. Sau khi để dành được một ít tiền, cô bay sang Nam Hàn để gặp người anh họ. Gặp cô, anh ta cho biết anh ta đã tìm ra được cha cô và hỏi cô có muốn gặp ông ngày mai hay không. Joo Young kể:

“Từ nhỏ tôi cứ nghĩ thượng đế ghét mình và vũ trụ này đã quên tôi là ai. Nhưng khi nghe vậy tôi như người lơ lửng trên không. Khi gặp mặt cha tôi, nghe ông gọi tên mình, và được ông ôm chặt vào lòng, chân tôi mới chạm đất trở lại và niềm tin của tôi về cuộc đời, về con người bỗng được hồi sinh. Tôi chưa bao giờ có cảm giác nguyên vẹn như thế. Từ đó trở đi, mỗi khi gặp bất cứ khó khăn gì trong đời sống, tôi đều hồi tưởng đến và sống lại phút giây êm ái đó để tự nhắc nhở mình rằng tất cả mọi chuyện trên đời đều có nguyên do và mục đích của nó.”

“Thế còn mẹ của cô thì sao,” tôi tò mò hỏi tiếp.

Joo Young nói một năm sau, vào mùa hè năm 2008, cô qua Nam Hàn để vừa học tiếng Hàn vừa tìm mẹ. Những nhân viên trong cơ quan nhà nước, cô kể, làm việc rất quan liêu và hách dịch, nhất là những người đàn ông. Duy có một phụ nữ nọ, khi nghe cô bị đồng nghiệp bà ta làm khó dễ, bà đã bỏ thì giờ riêng vào cơ quan trong ngày nghỉ để lục hồ sơ giúp cô. Và cuối cùng bà cũng liên lạc được với mẹ Joo Young và báo cho hay họ đã tìm ra cô con gái đầu lòng và hỏi xem bà có muốn gặp con mình không. Ngày hôm sau cô và cha cô hẹn gặp mẹ cô tại một nhà hàng Tàu.

Một phân cảnh chụp lại từ phim video “Spectra Force Vive”. (Nguồn: Crow Museum)

“Ðó là lần đầu tiên,” Joo Young kể, “tôi được gặp cha mẹ mình. Mới đầu ai cũng bồn chồn, nhưng không mấy chốc mọi lo âu tiêu tán cả. Cha tôi hãnh diện khoe với mẹ tôi rằng ông đã tìm lại được đứa con của hai người. Riêng tôi, vài giờ đồng hồ ngắn ngủi đó là những giây phút kỳ diệu vô cùng. Tôi có cảm giác như mình đang có một bữa ăn với gia đình rất ư là … bình thường, mặc dù nó không bình thường tí nào.” (Cười!)

Cha mẹ Joo Young đều lập gia đình riêng, và cô rất vui vì giờ đây cô đã có thêm một người em trai cùng cha khác mẹ và em gái cùng mẹ khác cha. Cô thường xuyên liên lạc với hai em mình và đang trong quá trình giúp cô em gái lấy bằng đại học. Phần mình, Joo Young mang hết những kinh nghiệm sống của cô vào nghệ thuật. Ngoài vẽ tranh, cô còn làm các loại thú nhồi bông để dựng lên những tác phẩm ba chiều độc đáo kể lại câu chuyện đời mình và những giấc mơ. Lớn lên ở Mỹ trong thập niên 80-90, cô là “fan ruột” của Marvel Comics và các nhân vật siêu phàm như Iron Man, Captain America v.v. Tranh của cô vì thế mang nhiều ảnh hưởng của cái thế giới giả tưởng đó. Ngoài ra Joo Young còn soạn nhạc và làm video.

Cuộc triển lãm tại Crow Museum, sẽ đưa người xem vào một thế giới nội tâm đầy màu sắc cô gọi là “Cosmic Womb”, tạm dịch là “Lòng Vũ Trụ”. Chữ “womb” đây còn có nghĩa đen là tử cung của người phụ nữ, nghĩa bóng là mẹ của thiên nhiên vạn vật. Một trong những ý tưởng độc đáo của cô là cho phép người xem tham dự vào cuộc triển lãm bằng cách dùng mực vô hình để viết một ước mơ của mình vào mảnh giấy và chia sẻ với người khác khi dùng một loại đèn pin đặc biệt chiếu lên.

Vài năm trước, Joo Young Choi cũng đã có một cuộc triển lãm nho nhỏ tại trường Richland College ở Garland, Texas. Nhưng đây là lần đầu tiên cô có triển lãm quy mô tại BTV nghệ thuật Crow Museum, ở downtown Dallas. Ðây là cuộc triển lãm thứ ba và cũng là cuối cùng trong series giới thiệu các nghệ sĩ người Mỹ gốc Á của Crow Museum.

Triển lãm sẽ kéo dài đến tháng 9 năm nay.

Vào cửa miễn phí, khẩu trang bắt buộc.

Ian Bùi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*