Chương trình thám hiểm không gian của NASA (Cơ Quan Không Gian Hoa Kỳ) vừa đạt được một thành công vượt bực vào lúc 3 giờ 55 phút chiều Thứ Năm 18 tháng 2 năm 2021, khi chiếc “rover” mang tên Perseverance an toàn đáp xuống Hỏa Tinh để bắt đầu thi hành sứ mạng tìm bằng chứng về sự sống trên hành tinh này.
Mặc dù ở gần Trái Đất nhất so với các hành tinh khác của Thái Dương Hệ nhưng khoảng cách trung bình từ Hỏa Tinh (Mars) đến Trái Đất cũng là 130 triệu miles tức 55 triệu cây số, đòi hỏi một phi thuyền phải bay khoảng 7 tháng. Kể từ thập niên 1960 của thế kỷ trước, việc thám hiểm “Hành Tinh Đỏ” (the Red Planet, tên thường dùng để gọi Hỏa Tinh) đã trở thành một cuộc chạy đua giữa Nga và Mỹ, rồi sau đó các nước khác – như Anh Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Cộng, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất – cũng phóng lên những phi thuyền không người lái và tìm cách đi vào quỹ đạo của Hỏa Tinh, nhưng đa số gặp thất bại. Tỷ lệ thành công không vượt quá 40%.
Ngày 22/12/1971, Nga (lúc đó còn là Liên bang Xô viết) đạt thành tích đầu tiên khi phi thuyền Mars 3 đáp xuống Hỏa Tinh, nhưng chỉ 104 giây đồng hồ sau đó đã bị mất liên lạc. Kế tiếp, Hoa Kỳ thành công với hai phi thuyền Viking 1 và Viking 2 lần lượt đáp xuống Hỏa Tinh vào tháng 7 và tháng 9 năm 1976. Kể từ đó cơ quan NASA tiếp tục phóng lên nhiều phi thuyền với mục đích đưa “rovers” hạ cánh để thu thập dữ liệu và gửi về Trái Đất.
“Rover”, tức robotic vehicle, là xe thám hiểm có trang bị những dụng cụ khoa học và được điều khiển bằng robot. Tính đến nay NASA đã đưa năm “rovers” đáp xuống Hỏa Tinh, gồm Sojourner (1997), Spirit & Opportunity (2004), Curiosity (2012), và bây giờ là Perseverance (2021).
Như vậy Perseverance tuy không phải là thành tựu đầu tiên trong chương trình thám hiểm Hỏa Tinh nhưng được coi là thành tựu quan trọng nhất, bởi vì 4 “rovers” trước đây chỉ mới hoàn tất nhiệm vụ tìm thấy dấu hiệu có nước – nghĩa là dấu hiệu của sự sống – trên “Hành Tinh Đỏ”, bây giờ Perseverance sẽ có nhiệm vụ thu thập dữ liệu để chứng minh sự sống đã (hoặc đang) hiện diện, và từ đó sẽ trả lời câu hỏi “con người có thể đặt chân lên Hỏa Tinh, như đã từng đặt chân lên Mặt Trăng, hay không?”
203 NGÀY TỪ TRÁI ĐẤT ĐẾN HỎA TINH
Để thực hiện nhiệm vụ này, phi thuyền Perseverance với chiếc “rover” dài 10 feet, nặng 2,260 pounds đã được phóng lên từ Cape Canaveral của tiểu bang Florida, bay hơn 292 triệu miles (470 triệu cây số) trong 203 ngày, với tốc độ 12,000 miles/giờ, và quan trọng nhất là phải làm sao dùng chiếc dù rộng 70 feet để đưa “rover” đáp thật chính xác xuống một địa điểm được đặt tên là “Jezero Crater” tức miệng núi lửa Jezero trên Hỏa Tinh, nơi mà các khoa học gia tìm thấy dấu hiệu cách nay khoảng hơn 3 tỷ năm trước đã có một hồ nước sâu với chu vi khoảng 31 miles.
Chuyến hạ cánh của Perseverance hôm 18 tháng 2 xứng đáng được gọi là “sự kiện lịch sử”, vì đây là bước nguy hiểm nhất để quyết định sự thành công hay thất bại của một dự án kéo dài 2 năm trị giá $2.7 tỷ dollars. Ngoài việc phải chịu đựng sức nóng lên tới 2,272 độ F do sự cọ sát với bầu khí quyển của Hỏa Tinh, còn một vấn nạn lớn hơn nữa là, nếu từ tốc độ bay vùn vụt cả chục ngàn miles/giờ mà không giảm kịp xuống 1.7 mile/giờ đúng vào thời điểm đã chọn thì chiếc “rover” sẽ rớt và vỡ tan tành. Đó là lý do các khoa học gia NASA gọi bảy phút đồng hồ hạ cánh của Perseverance – từ 3:48 đến 3:55 giờ chiều – là “bảy phút kinh hoàng”. Và đó cũng là điều để giải thích tại sao tất cả mọi giới chức NASA trong phòng điều khiển phi thuyền (Jet Propulsion Laboratory) ở California đều reo hò “mừng rỡ điên cuồng” khi nhận tín hiệu cho biết Perseverance đã đáp xuống an toàn.
Ngay sau đó Tổng Thống Joe Biden, đứng theo dõi qua màn ảnh TV, đã gửi tin nhắn chúc mừng và khen ngợi Cơ Quan Không Gian NASA, gọi đây là “một bằng chứng nói lên sức mạnh của nền khoa học kỹ thuật hàng đầu của nước Mỹ”.
Hình ảnh (và luôn cả âm thanh) về chuyến hạ cánh lịch sử của chiếc “rover” mang tên Perseverance đã được NASA phổ biến đến giới truyền thông qua một video dài ba phút đang lan truyền rộng rãi trên internet.
Được biết bắt đầu từ mùa hè năm nay, Perseverance sẽ thực hiện nhiệm vụ thám hiểm quanh khu vực miệng núi lửa Jezero trong vòng hai năm (1 năm của Hỏa Tinh tương đương với 2 năm của Trái Đất). Sau đó, từ nay đến năm 2031, những phi thuyền khác sẽ có nhiệm vụ thu gom các mẫu “vi sinh vật hóa thạch” mà Perseverance truy tầm được và mang về Trái Đất cho giới khoa học gia nghiên cứu. Giai đoạn kế tiếp này sẽ tiến hành với sự phối hợp chặt chẽ giữa Cơ Quan Không Gian của Hoa Kỳ (NASA) và Cơ Quan Không Gian của Liên Hiệp Âu Châu (ESA).
CUỘC CHẠY ĐUA THÁM HIỂM “HÀNH TINH ĐỎ”
Các bản tin thông tấn cho biết, chỉ hơn một tuần lễ trước cuộc hạ cánh của Perseverance, hai chuyến thám hiểm khác cũng được Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) và Trung Cộng thực hiện, với hai phi thuyền đi vào quỹ đạo Hỏa Tinh trong hai ngày liên tiếp.
Tưởng cần nhắc lại, hồi năm ngoái cả UAE lẫn Trung Cộng đều khởi động chương trình không gian đầy tham vọng của họ, cố gắng chạy đua để trở thành quốc gia thứ nhì sau Hoa Kỳ đưa xe thám hiểm đáp xuống “Hành Tinh Đỏ”. Hỏa tiễn mang tên Trường Chinh 5 khai hỏa vào lúc 12 giờ 40 phút trưa Thứ Năm 23/7/2020 từ đảo Hải Nam, đưa phi thuyền Thiên Vấn 1 (Tianwen-1) lên không gian. 45 phút sau đó, giám đốc chương trình phi thuyền của Trung Cộng là Trương Học Vũ (Zhang Xueyu) tuyên bố trên đài truyền hình quốc gia: “Phi thuyền không gian chinh phục Hỏa Tinh đã đi vào quỹ đạo chính xác theo đúng kế hoạch”.
Ba ngày trước đó, hôm 20/7/2020, Các Tiểu Vương Quốc Thống Nhất phóng đi từ Nhật Bản phi thuyền thăm dò đầu tiên mang tên Hope. Và tuần lễ kế tiếp, đến lượt phi thuyền Perseverance được NASA phóng lên từ Cape Canaveral.
Bảy tháng sau, phi thuyền Tianwen-1 của Trung Cộng đi vào quỹ đạo Hỏa Tinh ngày 10 tháng 2 năm 2021, cùng thời điểm với Hope của UAE và Perseverance của Hoa Kỳ. Tin tức cho biết Trung Cộng đang chuẩn bị để vài tháng nữa sẽ đưa xe thám hiểm đáp xuống một vùng đồng bằng được đặt tên là Utopia Planitia, nơi mà hồi năm 1976 phi thuyền Viking 2 của NASA đã đáp thành công.
Câu hỏi còn lại mà chỉ có tương lai mới trả lời được, là giới khoa học gia của nước nào sẽ có hân hạnh đưa ra lời khẳng định – hoặc bác bỏ – giả thuyết về “sự hiện diện của đời sống trên Hành Tinh Đỏ”?
Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NPR, USA Today, space.com ngày 25/2/2021
Be the first to comment