“Chiến Tranh Và Chiến Tranh”
Mỗi khi gia đình có sự bất hòa, chúng ta thường hay nhắc đến lời nói danh tiếng của một nhân vật nào đó: “Người đàn ông có hai ngày hạnh phúc nhất trong đời. Một là ngày lấy vợ. Hai là ngày vợ chết”. Lý do? Vì không ai ham muốn chiến tranh. Cuôc chiến tranh lạnh kéo dài mãi khiến người ta cảm thấy cuộc đời bất hạnh và vì thế họ ao ước có hòa bình trong cuộc sống, khi người yêu của họ đã âm thầm ra đi.
Chỉ cần nhìn vào một số gia đình Việt Nam ở trên đất Mỹ, chúng ta cũng có thể thấy những gì đang xảy ra: Chiến tranh và Chiến tranh. Chính nó đã khiến hàng trăm, ngàn người lấy làm ân hận hối tiếc vì đã dại dột lấy nhau. Đi xa hơn, hãy nhìn vào những gia đình Việt Nam trên thế giới, hoặc hãy nhìn về quê hương Việt Nam yêu dấu của chúng ta trong thời buổi hiện tại, và chúng ta nhìn thấy gì ngay lúc này?
Hàng triệu người đau khổ do tình yêu, hàng triệu người bị quấy rầy bởi căn bệnh ghen tương, hàng triệu người cảm thấy chán chường, bất hạnh với cuộc hôn nhân không có niềm vui, trống rỗng, cô đơn trong thanh vắng. Tình trạng này không phải chỉ riêng với những người Việt Nam mà với hầu hết mọi dân tộc trên toàn thế giới. Chính vì thế, nó không thể được cắt nghĩa là do sự không thích nghi của một vài cá nhân. Bất cứ một vấn đề nào liên quan đến một phần lớn dân chúng, chúng ta phải tìm một nguyên nhân sâu xa hơn hoặc do cách cấu trúc xã hội hoặc do môi trường không được may mắn, là những nguyên nhân chính thường mang lại ảnh hưởng trong những mực độ khác nhau. Vậy, cho dẫu là cá nhân người đàn ông hoặc người đàn bà hành động, nhưng họ biểu tượng cho phái họ.
Những rắc rối trục trặc trong hôn nhân của ông Hưng cũng như sự xung khắc giữa cô Xuân Hương và bạn trai của cô, nếu đem so với sự trục trặc của hàng ngàn người đàn ông và đàn bà khác ta thấy có sự giống nhau, và vì thế trở nên một dấu hiệu có tính cách đặc biệt của một sự xung khắc chung giữa hai phái. Ngay cả những người phủ nhận sự hiện hữu của trận chiến giữa hai phái cũng không thể tránh khỏi một sự vương vấn. Những người khác thì ý thức về vấn đề đó nhưng lại ít nhận ra lý do thật cho cuộc chiến tranh. Phải chăng cuộc chiến đó là do sự khác biệt tâm lý và sinh học tự nhiên giữa nam và nữ không? Hay là nó được gây nên bởi sự căng thẳng chung của đời sống xã hội hiện tại?
Dường như có một sự hận thù tự nhiên giữa nam và nữ là nguyên cớ đã gây nên sự xung đột và chiến tranh ở bất cứ nơi nào có đàn ông và đàn bà. Si tình, ghen tương, và ngoại tình là những chuyện cổ như con người. Nhưng sự thường xảy ra và những tín hiệu cho thấy một sự khác biệt. Chúng ta có lý do để tin rằng trong quá khứ – chúng ta chỉ cần nói một hoặc hai trăm năm cách đây thôi – cả nam và nữ đều cảm thấy thỏa mãn và gần gũi với nhau hơn chúng ta cảm thấy ngay hôm nay. Ngày nay, sự không thỏa mãn về phái tính và sự không thích nghi trong cuộc sống hôn nhân thường xảy ra hơn bao giờ hết. Trên bề mặt xem như là những yếu tố nhân chủng và địa lý quyết định những khác biệt này. Vấn đề hôn nhân ở Âu châu khác với Á châu, Nam Mỹ không giống với Bắc Mỹ, Kitô giáo khác với Hồi giáo, Phật giáo khác với Công giáo, nhưng nếu so sánh những khác biệt này, chúng ta thấy rằng một yếu tố quan trọng mà ở đâu chúng ta cũng đều gặp thấy trong những xung đột hôn nhân là: vị thế của người đàn bà trong những xã hội được kính trọng. Tiến xa hơn, tất cả những căng thẳng cũng như những trục trặc gia tăng đáng được cảnh báo trong vấn đề hôn nhân đều phù hợp với sự thay đổi trong tương quan xã hội của hai phái.
Vị Thế Xã Hội Của Người Phụ Nữ
Ngày nay, ngay lúc chúng ta nhìn, vị thế xã hội của người phụ nữ đang thay đổi và chúng ta phải hiểu bản chất và chiều hướng của những thay đổi này để đánh giá một cách thích hợp. Rõ ràng là các bà không còn lệ thuộc vào các ông như trước nữa và các bà đang vui hưởng nhiều quyền lợi hơn trước. Nhiều ông cũng như nhiều bà tin vào sự thống trị của đàn ông đều nhìn sự độc lập của các bà như là nguyên nhân của mọi sự xáo trộn. Họ tin rằng hạnh phúc của hôn nhân sẽ trở lại, hòa bình giữa hai phái sẽ được khôi phục nếu các bà được phục hồi trở lại vị thế lệ thuộc của họ ngày xưa, không có sự tự do về xã hội, phái tính, nghề nghiệp mà ngày nay họ đang hưởng. Những người chủ trương dựa vào sự khác biệt hiển nhiên giữa hai phái, nhìn sự bình đẳng đang lớn dần trong hiện tại như một tai họa và không tự nhiên. Họ viện dẫn những khiếm khuyết về thể lý của các bà như: vóc dạng, bắp thịt, và bộ não nhỏ bé như một bằng chứng đủ cho thấy các bà như là những thuộc thể. Nhà chủng học Đức Waldeyer nói rằng: “Một sự so sánh về kích thước cho thấy đàn bà có bộ óc nhỏ hơn, yếu sức hơn, có nhiều nét trẻ con hơn trong đời sống thường ngày”. Vì thế, họ đi đến kết luận: tất cả những cố gắng thiết lập bình đẳng giữa hai phái và mở cho các bà tất cả những con đường hoạt động được nhiều ông ủng hộ là một sự sai lầm và sẽ thất bại.
Tuy nhiên, lịch sử cho thấy quan niệm mặc cảm về sự thua kém của phái nữ thì không đúng. Những người chủ trương theo quan điểm trên đây không biết rằng các bà không luôn luôn là giới phụ thuộc mà nhiều người đã trở thành những rường cột chính của gia đình.
Bốn Quyền Lợi Của Phái Thống Trị
Mặc cảm tự tôn của phái này trên phái kia có thể được phân biệt bởi những đặc quyền. Nhờ những đặc quyền này, vị thế thống trị của một người được thiết lập trong cộng đồng bao gồm những quyền lợi chính trị, xã hội, kinh tế, và phái tính. Cho đến cách đây khoảng 100 năm, quyền lợi chính trị tuyệt đối nằm trong tay các ông. Đàn bà được nắm quyền lúc bấy giờ là một luật trừ và những luật trừ này chỉ xảy ra trong một số trường hợp đặc biệt mà thôi. Các bà không được nhận vào trong những văn phòng chính trị và hành chánh.
Những quyền lợi xã hội phù hợp với quyền tối thượng chính trị. Các bà không có bất cứ quyền xã hội nào. Họ chỉ hưởng được quyền này từ vị thế của người chồng, người cha, hoặc người anh. Tình trạng xã hội của các bà thay đổi với tình trạng xã hội của các ông mà họ lệ thuộc vào. Các bà tự mình không thể có địa vị trong xã hội, nhưng nhờ hôn nhân các bà có thể vươn mình lên nhờ vào vị thế của các ông.
Tình trạng kinh tế của các bà gắn liền với sự lệ thuộc vai trò xã hội của các bà. Không có sức mạnh kinh tế nào dành cho các bà. Các bà chỉ có thể làm việc cho các ông hoặc trong gia đình hoặc như người giúp việc trong nhà người khác. Các bà không thể thừa hưởng tài sản. Tiền kiếm được thuộc về gia chủ. Chỉ có chủ nhà mới có quyền giữ tài sản, làm giao kèo, kiện tụng, hay bị kiện.
Ưu Thế Của Phái Nam Đang Mất Dần
Một sự thay đổi tận căn rễ suốt hàng trăm năm gần đây là ưu thế của phái nam đang dần dần biến mất. Vị thế của các bà tuy chậm nhưng đang từ từ tiến lên. Những quyền chính trị của phụ nữ đã bắt kịp với những quyền nam giới. Các bà có mọi quyền xã hôi và kinh tế. Họ vui hưởng tình trạng xã hội và làm mọi nghề nghiệp. Nhiều đàn ông ngày nay trở nên lệ thuộc vào vợ về kinh tế và xã hội. Khoảng giữa thế kỷ 20 bắt đầu phát triển quyền phụ nữ như một phần của sự chuyển hình về kinh tế và xã hội trong cấu trúc của xã hội chúng ta. Giống như kỷ nguyên của tư sản ảnh hưởng vị thế của các bà và kết thúc tình trạng mẫu hệ, một lần nữa sự thay đổi kinh tế ảnh hưởng tình trạng của các bà. Trong ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản, mỗi cá nhân có thể có đầy đủ quyền công dân cũng như những đặc quyền như quyền sở hữu một số tiền cần thiết. Cấu trúc xã hội mới đánh giá cá nhân trong từ ngữ Mỹ kim. Điều này dẫn tới sự kết thúc chế độ phong kiến và đưa đến sự thiết lập nhân quyền.
Chủ nghĩa tự do cho mỗi cá nhân cơ hội công bằng để đạt được vị thế xã hội. Ý tưởng về: “Con người được sinh ra thì bình quyền” dẫn tới sự giải thoát và giải phóng khỏi những nhóm bị đàn áp trước đây. Công nhân, dân da màu, trẻ con, đàn bà bắt đầu được xem như là con người với tất cả những quyền lợi căn bản. Sau đó, đặc quyền dành cho người đàn ông bớt dần. Ở Âu châu, thế chiến thứ nhất đẩy mạnh sự phát triển này. Thay thế các ông, các bà đi vào làm những nghề nghiệp mà trước đây họ không được làm và dần dần họ có được nhận thức mới về xã hội. Với sự độc lập về kinh tế, họ bắt đầu phát triển cách vội vã. Tình trạng mới này đã khiến cho họ có tự do hơn trong cuộc sống xã hội cũng như trong những liên hệ phái tính với người khác phái.
Yêu Là Chiến Đấu
Vào thời mà người đàn bà bị khuất phục và coi thường, sự tranh chấp giữa hai phái có thể dễ hiểu trong từ ngữ một cuộc cách mạng của người bị áp bức chống lại bạo chúa của họ. Danh từ chiến tranh được dùng trong bất cứ ngôn ngữ nào để diễn tả sự liên hệ tình yêu. Nó phản chiếu chiến tranh muôn thuở. Một người xem ra đẹp và hấp dẫn là nguy hiểm. Sự tán tỉnh đầu tiên được gọi là chiến thuật. Người đàn bà là một pháo đài bị bao vây và cuối cùng bị chinh phục bởi người đàn ông trong khi bà phải cố gắng kháng cự. Dưới sự tấn công, bà có thể suy yếu, và chấp nhận địch thủ của bà cách hoàn toàn được gọi là ngã gục. Nếu những từ ngữ này được dùng trong trào phúng, chúng cho thấy tinh thần chiến tranh thống trị trò chơi tình yêu. Sự chiến đấu để chiếm hữu một người khác phái mang đặc tính sự hiệp nhất giữa người mạnh hơn và người yếu hơn là kẻ bị chinh phục.
Người ta tưởng rằng khi sự đàn áp của phái này đối với phái khác ngừng, sự căng thẳng giữa họ sẽ giảm một cách cân xứng. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy, và sự ngược lại thì đúng hơn. Vào lúc mà các bà phải vâng lời, họ không có sự chọn lựa và vì thế họ chấp nhận tình trạng của họ như một vấn đề đương nhiên. Chẳng hạn, trong những thế kỷ trước, không phải không thông thường xảy ra trong vài thôn làng nhỏ ở Đức là: một người chồng bị thống trị có thể nhận một chỉ thị từ những người láng giềng rằng: nếu ông không muốn hay không thể khuất phục được bà vợ, ông phải rời khỏi làng cùng với gia đình. Nếu bà thống trị chồng bà, thế đứng của những người đàn ông khác sẽ xem là rất nguy hiểm bởi mẫu gương bà. Người đàn ông luôn được xem là người thống trị trong gia đình. Đó là quyền lời và bổn phận của người đàn ông.
Trong thời buổi hiện tại, quan niệm người đàn ông phải thống trị và đàn bà phải vâng lời thì đang trở nên lỗi thời. Trong tình trạng mới, các bà nổi lên chống sự áp bức. Các bà đòi hỏi quyền lợi và sẵn sàng chiến đấu cho những quyền đó. Kết quả, sự liên hệ giữa hai phái đã trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Cuộc chiến giữa hai phái đã đến chỗ bạo động và đe dọa cắt đứt mọi cộng tác và cảm thông giữa họ với nhau.
Tình Trạng Vô Luật Lệ Hiện Tại
Trận chiến khốc liệt này đã dẫn đến một tình trạng hỗn loạn hoàn toàn trong liên hệ giữa nam và nữ. Cho đến hôm nay, cả ông cũng như bà, không ai có thể thoát được qui luật nghiêm khắc này: bây giờ với sự sụp đổ của luật lệ cũ, mỗi ông cũng như mỗi bà phải thiết lập một vị thế cá nhân trong liên hệ với phái kia. Không một bà nào bị bắt buộc mình phải phục tùng, cũng không có ông nào còn có thể dựa trên phái tính để được hưởng những đặc quyền như ngày xa xưa nữa. Như một kết quả, chúng ta nhận thấy ngày nay mỗi cặp đều có sự phân chia quyền hành. Thỉnh thoảng đàn ông có toàn quyền như trong thời gian đàn ông có quyền độc tôn, nhưng trong lúc khác đàn bà cũng có những đặc quyền mà họ được hưởng dưới thời mẫu hệ. Mỗi người phải tìm thấy chỗ đứng của mình ở một điểm nào đó giữa hai thái cực này, và ít khi họ thành công trong việc thiết lập được một sự quân bình cho họ. Quan niệm cũ kỹ ngày xưa về thế thượng phong của người đàn ông vẫn chưa bị loại bỏ hẳn, nên nhiều ông cũng như nhiều bà vẫn còn gắn liền với truyền thống cũ kỹ này. Dầu các bà thường không nhận có tình trạng thua kém, còn các ông thì nghi ngờ khả năng thống trị, nhưng vẫn cảm thấy xu hướng muốn chứng tỏ thế thượng tôn của họ. Sự phản kháng của các bà chống lại sự thượng tôn của các ông được Alfred Adler đặt cho từ ngữ: sự phản đối giới nam. Mỗi người nhìn phái kia như một sự đe dọa cho chính mình, và vì thế sự căng thẳng và thù địch giữa hai phái ngày càng gia tăng.
Chiến Đấu Cho Sự Giải Phóng Phụ Nữ
Có nhiều sự việc có thể nói được là hoàn toàn đúng cho một quốc gia hôm nay nhưng có thể không còn đúng trong một ít năm nữa. Mọi sự phát triển cách nhanh chóng nhất là trong những quốc gia văn minh và tiến bộ. Những xã hội phụ hệ với những đặc quyền dành cho các ông không còn hiện hữu nữa với những dân tộc văn minh. Quyền tối thượng của phái nam biến mất với sự xóa bỏ chế độ đa thê ở Thổ và Tàu. Sự thay đổi không chỉ vấn đề hành chánh nhưng còn diễn tả sự thay đổi trong địa vị của các bà. Tàu có thể vẫn còn được xem là chậm nhất trong việc giải phóng phụ nữ. Ngoại trừ trong những thành phố lớn, các ông vẫn còn có thể lấy vợ bé. Họ có thể lấy vợ hai mà không cần phải ly dị nếu vợ đầu không sinh con trai. Vị thế xã hội của người phụ nữ được nâng cao bởi sự có con trai. Trong những thành phố Tàu, các bà có thể tham dự những hoạt động chính trị, văn hóa, và thể dục, một cái gì cho thấy sự bình quyền xã hội.
Ở Nga khuynh hướng bình đẳng đi lên rất mau sau cuộc cách mạng, các bà được cho nhiều quyền lợi hơn họ đã được. Nhưng dầu bình đẳng về luật pháp, Nga vẫn giữ những dấu hiệu của một quốc gia của người nam. Và chiều hướng mới đây cho thấy sự đảo ngược khác hẳn với trước đây, được diễn tả trong những qui luật được phục hồi cho phép chính quyền được xen vào và điều hành đời sống riêng tư của công dân. Những cố gắng đầu tiên để nhận các bà như những chiến sĩ trong quân đội đã không được khích lệ sau đó, và vị thế của họ trong quân đội vẫn còn được tranh cãi. Sức mạnh chính trị vẫn còn trong tay đàn ông. Nói chung, có sự bình đẳng trên luật pháp nhưng trên thực tế vẫn còn kéo lê ngay cả đối với nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Chúng ta có nghĩ rằng các bà nên có quyền như các ông không? Các bà thích nghe điều đó vì họ tự hào về những điều họ hoàn thành. Một số ông đồng ý với một cái mỉm cười bảo trợ nhưng cũng có một số ông phàn nàn rằng các bà đã có quá nhiều quyền lợi rồi, nếu tiến hơn nữa đàn bà sẽ là tối cao. Chính các bà đã làm nhiều người suy nghĩ. Họ say đắm trong sự vinh quang tưởng tượng được cung cấp bởi những con người ủng hộ. Giờ đây, chúng ta thử đối diện với những sự kiện mà chúng ta gọi là 4 quyền lợi: chính trị, xã hội, kinh tế, và phái tính để thử xem có thật sự là bình đẳng giữa hai phái không?
– Chính trị: Hiến pháp cho các bà quyền như các ông. Nhưng các bà có thể làm cho chính mình xem ra hữu dụng không? Các bà có toàn quyền ứng cử và bầu cử, nhưng thực tế các bà có đủ tài đức để được chọn vào trong guồng máy chính quyền thì rất giới hạn. Ngay cả các bà tưởng tượng các bà có thể là tổng thống tốt của một quốc gia. Nhưng ngay cả những ông ngưỡng mộ các bà cũng phải suy nghĩ về sự nhạy bén sâu sắc về vấn đề chính trị của các bà.
– Xã hội: Trong lãnh vực này, các bà xem ra bình đẳng hơn và xem ra đã tiến xa hơn. Nhưng sở dĩ có được như vậy là vì sự coi thường của các ông về mặt không mấy quan trọng của lãnh vực xã hội. Như một ví dụ: đàn ông độc thân thì dễ chấp nhận hơn đàn bà độc thân. Về chức năng xã hội: đàn bà làm một việc gì quá đáng thì đáng sợ trong khi đàn ông quá đáng thì không sao. Một người đàn bà cưới một người kém hơn mình thì nguy hiểm hơn người đàn ông trong trường hợp như vậy, và các bà lấy tên các ông chứ không có sự ngược lại.
– Kinh tế và nghề nghiệp: Dầu thống kê cho thấy rằng hầu hết tài sản của người Mỹ được làm chủ bởi các bà, nhưng ai quản lý tiền? Dĩ nhiên là các ông. Đa số những người được chỉ định để điều hành kinh tế là các ông. Nhiều người nghĩ răng có một số bà có địa vị cao trong ngành thương mại, nhưng họ vẫn là luật trừ. Và như một qui luật, công việc của các bà thường được xem là ít giá trị hơn, điều đó được biểu lộ trong mức lương thấp hơn mà các bà nhận cho dầu làm một sự việc như đàn ông. Các bà đã bị loại ra khỏi nhiều nghề trong thực tế hơn là luật lệ. Chúng ta ít tìm thấy nữ kỷ sư và trong quân đội nhiều đặc quyền vẫn còn dành cho con trai hơn là con gái dẫu đã có sự thay đổi. Hơn nữa, hầu như mọi người đều đồng ý rằng nếu phải thất nghiệp lâu dài thì nên xếp đặt để người đàn ông đi làm hơn là ở nhà nhàn rỗi. Và cũng rất tự nhiên là các ông nên lo lắng cho các bà. Chính vì thế, những người đàn ông lệ thuộc tài chánh vào các bà vợ được xem là rất kỳ khôi, khó có thể chấp nhận được. Nhiều hục hặc trong hôn nhân có nguồn gốc bởi tin rằng giới nam có bổn phận phải gánh vác vấn đề kinh tế. Các bà thành công trong doanh nghiệp thường tỏ khuynh hướng cư xử như một người đàn ông bởi họ mang mặc cảm là người đàn bà.
– Phái tính: Nhiều bi kịch trong đời sống tình ái của các bà được gây cảm hứng bởi ước muốn kính trọng người đàn ông mà họ yêu mến. Đó cũng là một tai hại vì rất khó cho các cô gái có học thức thông thái tìm được một người đàn ông khá hơn họ; và khi họ tìm thấy, họ lại hận thù sự thông thái hơn của người đó cũng như muốn thách thức người đó. Bằng chứng cho thấy rằng nhiều cô gái từ chối không đi ra ngoài với người con trai thấp hơn họ. Hôn nhân trong đó các bà có tuổi lớn hơn chồng đang có con số tăng dần nhưng con số ấy vẫn còn rất ít. Một người đàn bà xấu hổ nhận rằng chồng bà không khá mấy, điều đó có nghĩa là chàng không là một người đàn ông đúng nghĩa.
Ý Nghĩa Văn Hóa Của Việc Giải Phóng Phụ Nữ
Sự tự lập của các bà có ảnh hưởng đến cách sống của chúng ta như chúng ta đã thấy. Nó làm tăng thêm nhiều khó khăn mà các ông các bà đã từng cảm nghiệm trong cuộc sống chung. Sự bất an vì thiếu sự đứng vững của kinh tế, xã hội, chính trị khiến các ông các bà hiểu hơn về những khủng hoảng đe dọa đến tiếng tăm của họ. Sự cạnh tranh của các bà làm tăng sự nghi ngờ của các ông, và những cố gắng giữ các bà trong giới hạn làm tăng sự cay đắng đối với các bà. Mỗi người nhìn người khác như bạn thì ít hơn là thù. Họ chung sống với nhau nhưng họ không hiểu nhau. Họ không thể hiện hữu mà không có nhau nhưng họ không thể sống hòa hợp với nhau.
Sự xung khắc giữa phái nam và nữ chỉ là một phần của sự bất đồng giữa những nhóm người nói chung chẳng hạn như tranh chấp giai cấp, sự thù nghịch giữa các thế hệ, sự xung đột giữa chủng tộc và tôn giáo, chiến tranh giữa các quốc gia và giữa những ý thức hệ khác nhau. Chủ nghĩa thù nghịch được đặt nền tảng trên sự sợ và nghi ngờ lẫn nhau, bắt nguồn bởi cố gắng của những người có quyền muốn điều khiển và thống trị những người khác, nhưng rồi với sự thù nghịch và nổi dậy của hàng triệu người không muốn chịu khuất phục, nên cuộc chiến cứ thế kéo dài. Sự kết thúc của cuộc chiến không thể có cho tới khi nhân loại kết thúc tiến trình thiết lập sự bình đẳng cho mỗi phần tử của nó.
Lần đầu tiên trong lịch sử con người, chúng ta đến gần sự bình quyền giữa nam và nữ. Chúng ta chưa thiết lập được sự bình đẳng, nhưng tiến trình đến đó không phải là không thể. Tình yêu và tình dục xem ra lẫn lộn đối với con người trong suốt các thời đại, và sự bất bình đẳng không bao giờ cho phép một sự quân bình vững chắc giữa hai phái. Trong một vài văn hóa, các bà thống lãnh, trong những văn hóa khác, các ông thống trị. Sự thống trị của một giới khi bị khuất phục, quay sang phục tùng. Sự bình đẳng không bao giờ nói được là đã hiện hữu. Sự phát triển hiện tại đánh dấu chiều hướng chung trong những thay đổi về mặt xã hội của thời đại chúng ta. Đàn ông mất quyền tối thượng nhưng đàn bà sẽ không thể thống trị lần nữa. Một khi sự quân bình mới và vững chắc giữa hai phái được hoàn thành, một sự hài hòa mới không có trong quá khứ có thể xuất hiện. Bấy giờ có lẽ sự tranh chấp phái tính sẽ không còn là một vấn nạn muôn đời. Chiến tranh giữa hai phái tính là một đe dọa đối với nền văn hóa của con người bao lâu người nam và nữ sống chung với nhau như những bạo chúa và đầy tớ. Nhưng nếu là dụng cụ cho sự hợp nhất của con người, nó có thể mang lại một sự hiệp thông, một tình yêu lý tưởng, một sự hài hòa tốt đẹp mà cả hai phái đều có thể tận hưởng. Bấy giờ, hòa bình sẽ thay thế chiến tranh và con người sẽ cùng nhau tận hưởng một cuộc sống an vui và hạnh phúc mà Thượng Đế đã dành cho con người khi tạo dựng nên người nam và người nữ để họ kết bạn và chung sống với nhau.
Lm Peter Lê Văn Quảng
Be the first to comment