Nguyễn Thùy: Ðạo Ông Bà

Ðạo Ông Bà:
– một Tín ngưỡng không Tôn giáo
– một Siêu thuyết của dân tộc Việt Nam.

Lâu nay, nói đến ‘Ðạo Ông Bà’, ta thường nghĩ đấy là việc ‘Thờ cúng Tổ Tiên’ và hàng năm, vào Tết Nguyên Ðán thường có ‘Lễ Gia Tiên’ được xem là cách thức thể hiện ‘Ðạo Ông Bà’ hầu khắp cả nước trong lúc việc ‘giỗ cúng Ông Bà, Cha Mẹ’ tại mỗi nhà thuộc từng gia đình vào từng thời gian khác nhau theo ngày tháng qua đời của ông bà, cha mẹ.
Vì quan niệm đơn giản là ‘thờ cúng tổ tiên’ nên Ðạo Ông Bà thường đồng nghĩa với ‘Ðạo Hiếu’ nơi Khổng giáo và cho rằng người VN đã tiếp thu qua Khổng giáo. Thực ra, Ðạo Ông Bà đã bao gồm Ðạo Hiếu nầy, lại còn kết hợp Hiếu với Thảo thành ‘Ðạo Hiếu Thảo’. Ðạo Hiếu của Khổng giáo hầu như không mấy nói đến Thảo. ‘Thảo’, theo người viết, có nghĩa ‘nhường nhịn, san sẻ, bù đắp cho nhau’ chứ không ganh tỵ, ích kỷ, tranh giành, giữ riêng cho mình. Như thế, ‘thảo’ chỉ cách đối xử, liên hệ giữa con cái, anh chị em luôn yêu thương, hòa thuận, tương nhượng, giúp đỡ nhau; điều nầy càng nâng chữ Hiếu lên một bậc vì khiến cha mẹ, ông bà vui lòng thấy con cháu luôn thuận hòa, gắn bó, yêu thương, không khí gia đình được vui vẻ, ấm cúng. Có lẽ, do ý nầy nên người Việt Nam ta thường gọi chung là ‘Ðạo Hiếu Thảo’ chứ không riêng chỉ có Hiếu (Hán Việt tự điển của Nguyễn Văn Khôn không có từ ‘Thảo’ hiểu theo ý vừa nói).
Do hiểu ‘Ðạo Ông Bà’ riêng theo nghĩa Ðạo Hiếu nên người Tây Phương thường gọi ‘Ðạo Ông Bà’‘Le Culte des Ancêtres’ (sự thờ cúng Tổ Tiên). Nếu chỉ ‘thờ cúng Tổ Tiên’ không thôi thì chưa thể gọi là Ðạo và dân tộc nào cũng có tục ‘thờ cúng tổ tiên’ như VN ta dù hình thức có khác. Người phương Tây tuy không có bàn thờ ông bà trong nhà, không tổ chức cúng vái, mâm cỗ, nhang đèn, không tụ họp gia đình, không mời bà con thân thích trong ngày giỗ cúng nhưng có ngày ‘Fête des Morts’ (lễ Chư Thánh tức lễ Toussain) và họ thăm viếng nghĩa trang, tu bổ mồ mả; lại có những ‘Fête des Mères, Fête des Pères, Fête des Amoureux’ (ngày Valentin) ngay lúc Cha mẹ, Vợ chồng còn sống và trao nhau tặng vật. Ðấy là những tục lệ hay đẹp; riêng về sự tưởng nhớ ông bà trong ngày ‘tưởng niệm người chết’ không lắm tính cách long trọng, thiêng liêng như ở Việt Nam. Vì thế sự ‘tưởng niệm ông bà’ của người phương Tây là một mỹ tục chứ không trở thành một ‘đạo’ như đối với người Việt chúng ta (riêng đối các anh hùng, chiến binh hy sinh vì Tổ quốc, lễ tưởng niệm được xem là ‘quốc lễ’, được tổ chức long trọng, qui mô).

Người viết nghĩ rằng ‘Ðạo Ông Bà’ của người VN mang nhiều ý nghĩa cao đẹp hơn ngoài việc ‘nhớ ơn và thờ phụng’.

1/- Trước tiên, ta gọi là ‘Ðạo Ông Bà’. Từ Ðạo vừa là Ðạo lý vừa là con đường. ‘Ðạo lý’ vì nói lên nguyên lý hướng dẫn tư duy và hành động cùng thái độ cư xử của con người trong cuộc sống cộng đồng (môi trường xã hội). ‘Con đường’ vì những nguyên lý đó đưa dẫn con người hướng đến, tìm về một thứ gì đó tốt đẹp, cao sâu, huyền nhiệm để cuộc sống thường nhật của từng người và của cả cộng đồng mang lấy một ý nghĩa cao quí huớng đến một cứu cánh nào đó..
Từ Ðạo nơi Ðạo Ông Bà không hẳn giống với từ Ðạo nơi các Tôn giáo như Ðạo Phật, Ðạo Chúa,… Từ Ðạo nơi các Tôn giáo, theo người viết, đề cập đến uyên nguyên sinh thành của vạn hữu [thuyết Sáng tạo hay Tạo dựng, người viết gọi cái uyên nguyên đó là Ðạo Thể (Être)] đuợc gọi bằng một danh xưng nào đó (Phạm thiên, Ðấng Tối linh=Brhaman), Thượng Ðế, Thể Chân Như, Vô, Thái cực,…) cùng vận hành của uyên nguyên đó nơi cõi tại thế để đưa tất cả trở về lại với cái uyên nguyên ban đầu, nói theo Ðạo học là ‘từ Một trở về với Một’. Sự công nhận có một uyên nguyên sinh thành vũ trụ cùng một nguyên lý phổ quát chi phối, điều hướng vạn hữu trở về với Ðạo Thể thoạt tiên có thể xem phát xuất từ một ‘tín ngưỡng’, một Ðức Tin hoặc từ một giả định của Lý trí thuần lý, chỉ có thể công nhận hay không công nhận chứ không thể biện giải, lý luận. Ðể quảng bá tín ngưỡng hay Ðức tin đó vào quần chúng, con người tiến đến thiết lập nên Tôn giáo bao gồm việc thờ phụng một Giáo chủ cùng những tín lý, tín điều được nêu thành qui điều, nguyên tắc, định chế, giáo luật, giới răn, giới cấm, những nghi lễ nhất định phải theo và được khuôn ép vào một hệ thống lý luận cùng sinh hoạt trong một tổ chức (giáo hội) thực hành theo từng tôn giáo. Từ Ðạo nơi Ðạo Ông Bà không có những tính cách đó. Ðạo Ông Bà thoạt tiên chỉ là một tín ngưỡng (niềm tin và sự ngưỡng vọng về niềm tin đó) chứ không là tín lý, tín điều vì không có những nguyên tắc, giới luật, giới răn, giới cấm, những nghi lễ nhất định, không tuân thủ theo một hệ thống tri thức rao giảng cùng hành động thực hiện nhất loạt thống nhất, không tổ chức thành giáo hội, không có giáo chủ, không có hàng ngũ đóng vai trò chỉ đạo, dẫn dắt, không có nơi thờ phượng nhất định như nhà chùa, nhà thờ, không có kinh kệ, không có truyền giảng cũng chẳng nhằm giáo huấn theo lối trường ốc. Dù có mở rộng sự biết ơn và thờ cúng ông bà đến cả dòng họ (những từ đường) hay đến các danh nhân, liệt sĩ bỏ mình vì Tổ quốc hay vì một lý tưởng cao cả (những đền thờ, đình miêu) thì cũng không ra ngoài tính cách tín ngưỡng chứ không là tôn giáo. Ðạo Ông Bà nặng về tình cảm hơn là tín lý, tín điều. Do đó, có thể nói ‘Ðạo Ông Bà của dân tộc VN là một tín nguỡng không tôn giáo’ hay nói cách khác Ðạo Ông Bà tiêu biểu cho tinh thần tôn giáo của dân tộc VN, một tôn giáo không kinh kệ, khôn giáo luật, giáo quy, không hệ thống, không truyền giảng, không hệ thống tổ chức và cũng không nhất thiết phải cần thiết tuân theo một lễ nghi nhất định nào. Ðạo Ông Bà thể hiện nơi tấm lòng, nơi tâm khảm, nhiều khi không cần thiết một lễ nghi và cũng không nhất thiết phải thật đúng vào ngày qua đời của ông bà, cha mẹ. Một nén huơng, một chén nước, một nhớ tưởng bất kỳ lúc nào trong tâm tưởng dù còn trong gia đình hay tha hương nơi kiều địa cũng là một thể hiện Ðạo Ông Bà nơi mình. Nhà thơ Phương Triều khi thuật lại cảnh một ông già sống lay lất nơi Xóm Mộ, một nghĩa trang nhỏ bất đắc dĩ vùng quê ông sau cuộc ‘đổi đời’ bi thảm do Cộng sản phủ trùm lên nhân dân Miền Nam từ sau 30/04/75, đã thực hiện Ðạo Ông Bà trong hiu hắt, buồn đau não nùng trong ngày Tết:
… Nghĩa địa góc quen chiều chợt Tết
Ông già mở lại gói đời quên (1)
Bên kia chân mộ còn vuông đất
Lót lá làm mâm đón tổ tiên…

Vì là ‘Tín ngưỡng không tôn giáo’ nên dân tộc ta dễ dàng dung hợp với bao tôn giáo du nhập: Phật, Khổng, Lão, Ki-Tô giáo vì các Tôn giáo nầy cũng luôn khuyên ta thờ cha, kính mẹ, hòa thuận với anh chị em, bạn bè.

2/- Ta gọi Ðạo Ông Bà chứ không gọi là Ðạo Tổ Tiên. Tổ Tiên hoàn toàn chỉ tiền nhân, lớp người quá cố. Ông Bà, hai từ thuần Việt vừa chỉ nguời đã qua đời mà còn chỉ ông bà, cha mẹ hiện còn sống với con cháu, rể dâu, chắt chít trước tiên cùng huyết thống, dòng họ, rồi mở rộng đến những người khác dòng họ với mình (bên nội, bên ngoại của con cháu, dâu rể,…). Người viết đã từng gặp nhiều gia đình VN hội đủ cả bốn năm thế hệ nối tiếp, tất cả còn tại thế từ ông bà cố đến chắt, chít nội ngoại. Chắc hẳn nhiều gia đình như thế nhất là với những người tuổi thọ đến tám chín mươi hoặc hơn nữa. Một điều cũng nên để ý là Ðạo Ông Bà không chỉ nhằm tưởng niệm những người cao tuổi đã qua đời mà còn tưởng niệm những người còn trẻ, còn bé không may qua đời trước mình như cha mẹ tưởng niệm con cháu, vợ chồng giỗ chồng, giỗ vợ, anh chị em tưởng niệm anh chị, các em không may chết trước mình, nói lên lòng nhớ nhung, thương tiếc. Trong ý nghĩa nầy, Ðạo Ông Bà nói lên mối liên tục lịch sử của cuộc sống chung, sợi dây liên đới nối kết bao thế hệ quá khứ với thế hệ hiện tại cùng mối liên hệ giũa những lớp người còn sống; mối liên hệ không chỉ vì tình thương huyết thống, dòng họ mà còn cả về công nghiệp, về thành quả dựng xây được lưu truyền và tiếp tục được kế thừa qua lịch sử. Ca dao VN có câu: «Non cao ai đắp mà cao, Sông sâu ai xới ai đào mà sâu». Non kia, sông nọ, nơi đây trong ý nghĩa gần gũi, chỉ đất nước, non sông do công nghiệp lâu dài, bền bỉ của bao đời tích tụ đến hôm nay, không chỉ về mặt vật chất mà còn là cái truyền thống văn hóa đã gìn giữ cuộc sống chung hài hòa, tốt đẹp lưu truyền từ quá khứ mà nay ta được thụ hưởng. Tất cả đều là di sản của tiền nhân, của ông bà, bao trùm lên tất cả là cái nguồn gốc xa xưa từ khởi thủy của giống nòi. Ðạo Ông Bà biểu hiện tấm lòng biết ơn, quí trọng cùng trách nhiệm, bổn phận và ý chí gìn giữ, kế thừa cùng phát huy cái di sản tốt đẹp đó. Ðiều nầy không do một quyền lực, một nền pháp chế nào áp đặt mà trước tiên xuất phát từ cái ‘não bộ đạo tâm’ (sensorum religieux), một ‘nguyên lý nội tại’ (principe interne), một yếu tố hay tính chất bẩm sinh nơi con người (2) gìn giữ mối liên hệ giữa người chết và người sống, giữa mọi người đang cùng sống với nhau trong gia đình, dòng họ, trên quê hương, tổ quốc. Ðiều nầy có thể xem như một ‘di truyền tâm linh’ giữa các thế hệ theo quan điểm Vật linh (animisme). Từ một tín ngưỡng, Ðạo Ông Bà trở thành một tập quán, một thuần phong, mỹ tục, một truyền thống văn hóa đuợc thực hiện hàng ngày của mỗi người con dân đất nước. Có dâng hương, có vái lạy, có dâng lễ vật cho ông bà, không phải để ông bà được uống, được xơi mà là hình thức xem ông bà như ‘như tại’, có nghĩa đang cùng có mặt với mình, đang sống cùng với mình.

“Trong cuộc đời của từng người có những điều “huyền diệu” xảy ra mà người thường không lý giải được, đời tôi những điều “kỳ bí” đã “ứng nghiệm” trong câu chuyện vượt biên ngay tại Thủ Đô Saigon, tôi đã thuật chi tiết rõ ràng điều “huyền bí” này trong đoản văn CÂU CHUYỆN VƯỢT BIỂN TỪ THỦ ĐÔ SAIGON, tôi tin tưởng tuyệt đối vào sự linh thiêng của người cô ruột, chết lúc còn trẻ, người cô này đã hiển linh, thường về giúp con cháu lúc hoạn nạn, từ lúc tôi có căn nhà đầu tiên, được phép ra ở riêng, tôi đã lập bài vị cô tôi để thờ cúng cùng với tổ tiên, ông bà, nhiều lần cô đã hiển hiện để con cháu biết, trong chuyện vượt biển đem cả gia đình ra đi, nếu không có người cô linh thiêng này thì 2 lần trở về, tôi đã bị bọn Việt cộng bắt giữ rồi. Đây không phải là chuyện dị đoan, hoang đường mà là sự huyền bí linh diệu của mỗi giòng tộc, khoa học không làm sao giải thích được. Bố tôi là một nhà Nho nhưng Ông không bao giờ tin những chuyện nhảm nhí, bói toán vớ vẩn, luôn luôn bài bác mê tín dị đoan, ông cũng chưa từng đi chuà chiền, thánh thất, trong nhà chỉ thiết lập bàn thờ Tổ Tiên, Ông Bà, từ thuở xa xưa, không có Hình Chụp mà chỉ có BÀI VỊ viết bằng Hán Tự để trên Ban Thờ mà thôi. Việc cúng giỗ cũng được dạy dỗ cho con cháu truyền từ thế hệ này đến thế hệ sau, một giòng họ lớn như một cây cổ thụ hàng trăm năm, cành lá xum xuê, mỗi cành là một chi, có bao nhiêu cành là họ đó có bấy nhiêu chi, nhiều đời sau, anh em con cháu không còn nhận ra nhau, nên tổ tiên, ông bà mới đặt ra “lệ” có một ngày GIỖ TỔ của giòng họ, như họ Lê nhà tôi, cứ đến ngày Giỗ Tổ, bất kể con cháu đi làm ăn xa cũng phải trở về quê quán dự Lễ Giỗ Tổ, nhờ buổi Giỗ Tổ này mà con cháu anh em gặp mặt nhau, duy trì sự gắn bó thiêng liêng người cùng một Họ, biết người chi trên chi dưới kéo dài biết bao nhiêu thế hệ, việc thiết lập “cỗ bàn” là để con cháu còn sống tụ tập về đây ăn uống, chứ tổ tiên ông bà đã tịch, thì người đã chết làm sao ăn uống được, những người không am tường Đạo Ông Bà nên thường có những ý nghĩ mang tính cách “miệt thị”, là mê tín dị đoan, tôi được dạy dỗ, chỉ cần một ly nước tinh khiết đặt trên Ban Thờ, còn Cỗ Bàn làm nhiều làm ít tùy theo số con cháu mỗi năm về họp mặt nhân ngày Giỗ hàng năm, trong ngày giỗ này, ai còn nhớ được điều gì về người quá cố, thì kể cho con cháu còn sống được biết, để cùng nhau tưởng nhớ về người đã khuất. Theo sự suy đoán của tôi, thì Đạo Ông Bà đã có từ cả ngàn năm trước, bằng chứng là các làng mạc miền Bắc đều có các ngôi đền, rất hiếm hoi họa hoằn mới có làng có ngôi chùa dù rằng sử sách ghi lại có những đời Vua sùng bái Đạo Phật.”

3/- Ðạo Ông Bà thể hiện hướng vọng về Nguồn của dân tộc VN. Ta nên để ý đến hai từ thuần Việt ’Ông’‘Bà’. Hai từ nầy chỉ hai giới tính Nam và Nữ, theo Nho giáo là hai yếu tố Dương và Âm, cặp Lưỡng Nhất đã tác động nhau qua thời gian, sinh thành vạn hữu tức vũ trụ hiện tượng. Vậy, với hai từ Ông Bà, Ðạo Ông Bà, theo người viết, đã mặc nhiên nói đến cái Cội Nguồn làm phát sinh vạn hữu, trong đó có con người cùng tâm thức luôn hướng về Cội Nguồn của dân tộc. Hướng vọng về Nguồn tức tìm về với Nguồn Cội. Nguồn Cội (Origine) trong ý nghĩa gần gũi nhất chỉ Ông bà Tiên tổ đã xây dựng nên dòng họ mình. Xa hơn chút, Nguồn Cội là tổ tiên lâu đời đã sáng dựng nên Dân tộc, Quốc gia, ta thường gọi là Quốc Tổ. Xa hơn nữa và rộng sâu hơn nữa, Nguồn Cội chỉ cái Bình minh sơ thủy do một yếu tố tiên thiên, nguyên khởi đã sinh thành vũ trụ gồm vạn hữu và con người. Cái yếu tố uyên nguyên được gọi theo nhiều danh xưng, dựa theo Ðạo học, người viết gọi là Ðạo Thể (Être), cái Hữu Thể nền tảng, cái Một nguyên khởi đã tự tác động mình, tự sắc tướng hóa mình, tự đối tượng hóa mình (nói theo triết học), tự vật chất hóa mình (se matéaraliser, nói theo khoa học) để làm phát sinh vũ trụ hiện tượng rồi chuyển dịch theo diễn trình biến hóa và tiến hóa của cõi hiện tượng để phục hồi lại mình cùng đưa vạn hữu trở về hội nhập với mình. đấy là điều Ðạo học đã nói ‘từ Một trở về với Một’. Khoa học ngày nay đang trên đường khám phá cái Nguồn Cội đó qua những giả định một Siêu lực (super force), Siêu Sợi (super Corde), một Năng lượng Chân không (énergie du Vide) qua một số lý thuyết, đặc biệt là thuyết Vật Lý Lượng Tử (physique quantique) cùng tìm ra một Lý thuyết toàn bộ (théorie du Tout) giải thích được hết sự hình thành cùng diễn biến của vạn hữu. Sự trở về với Nguồn Cội, theo thiển ý người viết, đã được nói đến qua lời đức Phật và Chúa Jésus. Phật Thích Ca bảo ‘Hồi đầu thị ngạn, Ðáo bỉ ngạn’‘Bờ bên nầy, Bờ bên kia’; Chúa Jésus nói ‘Ta là alpha và oméga, là đầu và rốt’ (từ Ta trong câu nầy chỉ Ðức Chúa Trời tức cái Ðạo Thể nguyên sơ). ‘Bờ bên nầy, Bờ bên kia’ ‘anpha, oméga’ trong giáo lý của hai Ngài ám chỉ hành trình dịch chuyển của Ðạo Thể từ Khởi thủy đến Chung cục tức từ Một trở về trong Một. Ðiều ít được nói đến là Cái Ðạo Thể, khi tự tác động mình để tạo nên vạn hữu, không đứng yên một chỗ hay biến mất mà luôn dịch chuyển về tương lai để đón chờ vạn hữu trở lại với mình. M. Heidegger đã viết ‘Bình minh của quá khứ trong ngày tới của tương lai’ (le jadis de l’aurore dans le futur de l‘avenir) và trong thiên cảo luận ‘Con dường điền dã’ đã viết: ‘Bỡi tiếng gọi từ một nguyên sơ thăm thẳm một miền cố quận được hoàn trả lại cho chúng ta’ (Par l’appel en une lointaine Origine, une terre natale nous est rendue – M. Heidegger: ‘Der Feldweg, bản dịch tiếng Pháp ‘Le Chemin de Campagne’ của André Préau, xem ‘Questions III, Gall. 1966, trang 15). Rõ hơn, M. Heidegger dùng ẩn dụ ‘Tổ quốc – Kiều địa – Cố hương’ để nói lên điều nầy. (người VN chúng ta tỵ nạn chính trị đã phải rời bỏ Tổ quốc đến lưu cư nơi xứ lạ (kiều địa) luôn mong chờ ngày trở lại với cố hương). Cái lộ trình ‘từ Một trở về với Một’ của Ðạo Thể được xem là Chương trình của Thượng Ðế (đạo thể) định ra dòng vận hành tiến hóa của vạn hữu, trước tiên là của nhân sinh nơi vũ trụ hiện tượng nầy (3).
Người VN ta, từ xưa, qua ca dao, dân ca, cũng như thơ ca ngày nay, luôn nhắc đến từ ‘Quê’ (quê hương, quê cha, quê mẹ, quê nội, quê ngoại, quê cha, quê mẹ, quê anh, quê chị, quê em) thân thương, có thể, theo nguời viêt, phần nào cũng nằm trong ý đó.

4/- Cũng do hai từ thuần Việt ‘Ông, Bà’, Ðạo Ông Bà còn nói lên cách đối xử giữa người với người trong hiện tại và về sau. Trong cuộc sống hằng ngày, gặp ai, nói với ai, viết thư cho ai, ta thường bảo ‘thưa Ông, thưa Bà’, ngoại trừ trong gia đình và căn cứ trên niên kỷ thấp cao, ta dùng những ‘đại danh xưng’ khác trong lúc xưng hô (cha, mẹ, ông bà nội ngoại, Cụ, Bác, Chú, Cô Dì, anh, chị, con, em…) hoặc căn cứ vào chức vụ, cấp bực, địa vị xã hội (Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng, Giám đốc, Thiếu tướng, Ðại úy,… Bác sĩ, Kỹ sư, Giáo sư, Luật sư, Tiến sĩ,…) nhưng dù gọi với bất cứ danh xưng nào thì cũng là ‘ông’‘bà’ tùy theo đối tượng thuộc giới tính nào. Do đó, hai từ ‘ông, bà’ nói lên mối tương giao, tương hệ thường ngày giữa mọi người trong xã hội. Giữ mối tương giao đó êm đẹp thì cuộc sống chung của cộng đồng diễn ra vui vẻ, bình an. Nhất là trong gia đình, dòng họ, giữ được mối tương giao đó hòa thuận, thân ái, gắn bó trong thương yêu, đùm bọc, tôn trọng nhau thì tổ tiên, ông bà đang còn sống hay đã qua đời sẽ rất vui lòng, sung sướng. Vì thế, Ðạo Ông Bà không chỉ nói đến đạo Hiếu của con cháu mà còn nói lên đạo Thảo không riêng của con cái, anh chị em mà còn mở rộng đến mọi người trong xã hội. Thường ngày, ta nghĩ Ðạo Ông Bà chỉ là tập quán, một mỹ tục chứ ít để ý đến ý nghĩa cao xa tiềm ẩn nơi hai từ ‘Ông, Bà’.
Với những tính chất trên: tín ngưỡng không tôn giáo, liên tục lịch sử giữa các thế hệ, huớng vọng về nguồn và thực hiện ngay trong hiện tại mối tương giao thuận hảo giữa người và người, ta có thể nói ‘Ðạo Ông Bà’ chính là ‘Ðạo Sống’ vừa tâm linh vừa thực tiễn của con người.

5/- Về mặt Tri thức luận, Ðạo Ông Bà có thể xem là một Siêu thuyết của dân tộc Việt Nam ta. ‘Siêu thuyết’ (métathéorie) theo nghĩa Toán học như định nghĩa trong Grand Larousse universel: ‘Siêu thuyết của một lý thuyết diễn dịch nghiên cứu những ý niệm không mâu thuẫn, tự thân túc lý và độc lập của những công lý’ (‘La métathéorie d’une théorie déductive étudie notamment les concepts de non contradiction, de complétude et d’indépendance des axiomes’) – Axiome=công lý, theo nghĩa triết học là ‘chân lý không thể chứng minh’ nhưng hiển nhiên đối với ai hiểu được chân lý đó’ hoặc ‘mệnh đề được nhìn nhận bởi tất cả mọi người, không cần bàn cãi’ (vérité indémontrable mais évidente par quiconque en comprend le sens – proposition admise par tout le monde sans discussion- theo Dictionnaire Le Petit Robert và Dictionnaire Hachette) – Từ một Công lý, người ta suy diễn ra những mệnh đề khác gọi là ‘định lý’ (théorème) trong Toán học). Với bốn tính chất được kể trên, ta thấy Ðạo Ông Bà của dân tộc chúng ta là ‘hiển nhiên’ (vì phát xuất từ não bộ đạo tâm), tự thân không mâu thuẫn và cũng không mâu thuẫn với một hệ thống lý thuyết hay chân lý nào khác, tự thân túc lý (tự thân trọn vẹn ý nghĩa) và độc lập có nghĩa không phải suy luận từ một định đề (postulat) hay định lý nào khác.

Trên đây là những đóng góp của người viết nhằm chứng minh một tinh hoa truyền thống Văn hóa dân tộc chúng ta. Ước mong bạn đọc và các bậc thức giả (các nhà Dân tộc học, Triết gia, Sử gia, Xã hội học,…) chỉ giáo cho người viết những điểm còn thiếu sót hoặc có tính cách cường điệu, hay ‘đại ngôn’, ngoa ngôn.

Nguyễn Thùy

Chú thích:
(1) Ðoạn thơ trích trong thi tập ‘Xóm Mộ’ (nxb Lê Huỳnh, Minnesota, USA 2001). ‘Gói đời quên’: ông già luôn mang theo bên mình một bọc trong đó có bài vị và tấm hình cha mẹ. Gói đời tha thiết nầy đành phải quên vì chế độ Cộng Sản buộc không được nhớ ông bà cha mẹ mà chỉ nhớ ơn Ðảng, Bác và Nhà nước Cộng sản thôi.
(2) Xin xem ‘Về Nguồn’, tác phẩm của Giáo sư Vũ Ký, Trung Tâm Văn Hóa Xã Hội Phật giáo VN, Cộng Hòa Liên Bang Ðức xuất bản năm 2002; chương 1: ‘Lễ Gia Tiên’, trang 13 đến trang 28.
(3) Lộ trình ‘từ Một dẫn về Một’ được nói nơi Ðạo học, nhất nơi lời Ðức Thích Ca và Chúa Jésus dù hai Ngài chưa nói thật rõ ràng theo cách lập ngôn ngày nay. Sự phát minh ra Internet cùng máy Ðiện toán càng lúc càng tinh vi sẽ đưa đến một ‘tri thức toàn cầu’ (connaissance planétaire), một trí năng chung của tất cả mọi người, (intelligence collective, universelle),một ‘webitude’ (từ của nhà triết học Derrick de Kerckhove) tức một tri thức mạng (intelligence des réseaux) vì tri thức mọi người được kết hợp (connecté) lại với nhau qua Internet, từ đó nhận ra một ‘thế giới ảo’ (monde virtuel), ảo nhưng lại thực hữu (có thể là ‘thế giới phi hiện tuợng’) trong lúc cái ‘thế giới hiện tượng’ (monde phénoménal) mà ta cho là ‘thực’ (réel) thực ra là ‘giả hữu’, giả huyễn (lời Phật) vì là sản phẩm của cái thế giới ảo kia. Trong tác phẩm ‘Le Phénomène humain’, linh mục và là nhà Cổ Sinh vật học (paléontologue) P. Teilhard de Chardin hầu như báo biểu sự ra đời của Internet khi đề cập đến thời điểm Oméga (point Oméga) cùng cảnh giới Noosphère (tạm dịch Sinh quyển) tức cảnh giới của ý tưởng (nonos, từ Hy Lạp, có nghĩa là ý tưởng) phần nào, theo người viết, tương đồng với cái thế giới ý niệm (monde des Idées) của Platon.. Cái ‘ý quyển’ đó là cảnh giới ‘sống lại’ (la survie) của loài người, một cảnh giới, theo người viết không còn bị chi phối bởi không gian, thời gian, bởi qui luật Nhân Duyên sanh (thuyết Nhân Quả), cảnh giới ‘phi hiện tượng’, cảnh giới Niết Bàn Hữu Dư hay Vô Dư (theo Phật giáo) , cảnh giới ‘huyền đồng’ theo Lão giáo, cảnh giới Nước Thiên Ðàng theo Ki-Tô giáo [xem: ‘La Société du Savoir’ nơi tạp chí ‘Sciences humaines’, hors série, tháng 3,4,5 năm 2001, phần: ‘Pierre Teilhard de Chardin aurait-il anticipé l’émergence d’une pennsée universelle dont internet serait devenu le support?’ (bài của Jean Francois Dortier)] Người viết không biết gì về khoa học nên chỉ xin trích dẫn một số tài liệu khoa học rồi thêm đôi suy nghĩ của mình.

(Ðề tài nầy được thuyết trình tại Dallas Fort Worth (Texas) nhân ngày Hội Ngộ Ðồng Hương Quảng Ðà năm 2003. Sau đó, Luật sư Nguyễn Tâm có mời người viết thuyết trình lại tại nhà riêng của Luật sư tại San José với số khách được mời trên 50 vị, trong đó có Cụ Hà Thượng Nhân.)

* * *

Ý NGHĨA CỦA LẠY
Tạp Chí Dân Văn phổ biến.

Theo Ông Lạp Chúc Nguyên Huy, ý nghĩa của lạy như sau:

– Bốn lạy để cúng người quá cố như tổ tiên, thánh thần. Bốn lạy tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, bốn phương (đông, tây, nam, bắc), tứ tượng (thái dương, thiếu dương, thái âm, thiếu âm).

– Lạy người sống chỉ lạy hai lạy như trong trường hợp cô dâu chú rễ lạy cha mẹ.

– Phúng điếu, thăm viếng người chết ta chỉ lạy hai lạy vì người chết vẫn còn ở dương thế; nhưng sau khi chôn phải lạy bốn lạy vì người chết đã về âm cảnh. Hai lạy tượng trưng cho âm dương tức là sự sống.

– Khi đi lễ Phật ta lạy ba lạy tượng trưng cho Phật, Pháp, Tăng.

– Ngày xưa người ta lạy vua năm lạy. Năm lạy tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa và thổ); vua tượng trưng cho Trung Cung là hành thổ màu vàng đứng ở giữa.

Chúng ta là con dân nước Việt, có bổn phận phải thiết lập bàn thờ Tổ Tiên trong mỗi gia đình để duy trì truyền thống văn hóa Việt, dù ta theo tôn giáo nào cũng vậy; có như thế con cháu chúng ta mới có cơ hội học hỏi cách thiết lập bàn thờ tổ tiên, ý nghĩa của việc cúng tổ tiên. Đó là cách nhớ ơn tổ tiên, bày tỏ lòng thương và hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ.

Chúng ta cũng cần duy trì cách “sá” nhau trong khi chào hỏi (có nhớ hồi con chúng ta còn nhỏ, lúc một, hai tuổi, ta hay dạy chúng “sá”). Đây cũng là đặc tính văn hóa trong cách chào hỏi của người Việt chúng ta.

Người ta quý trọng mình ở chỗ mình có duy trì được văn hóa đặc thù của mình.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*