Sau ngày 30 Tháng Tư, năm 1975, một công việc mới xuất hiện tại Bưu Điện Sài Gòn, đó là giúp bà con viết thơ, viết đơn, dịch thuật các hồ sơ, tài liệu. Lúc ban đầu có khoảng năm, sáu người làm công việc này. Cuối cùng, chỉ còn duy nhất một người. Đó là ông Dương Văn Ngộ.
Ông đã ra đi nhẹ nhàng và bình thản tại Sài Gòn ở tuổi 93 vào ngày Thứ Ba 1 Tháng Tám, năm 2023. Và được an táng tại Nghĩa Trang Hoa Viên, tỉnh Bình Dương.
Ông Dương Văn Ngộ chụp với tác giả. (Hình: Trần Đình Phước gửi)
Nhắc đến tên ông, hầu như những người Sài Gòn và ở xa, khi cần viết thơ làm đơn hay cần dịch thuật các tài liệu, hồ sơ bằng tiếng Anh và Pháp đều đến gặp ông nhờ giúp đỡ. Ông rất vui và sẵn lòng khi được bà con tìm đến ông.
Mỗi lần có dịp về thăm Sài Gòn, tôi vẫn thường ghé Bưu Điện Sài Gòn. Việc đầu trên là tôi đến chào ông Dương Văn Ngộ. Ông là một người mà tôi rất trân quý ở tính hiền hòa, đạo đức và giúp bà con rất nhiệt tình trong việc viết thơ, viết đơn và dịch thuật các hồ sơ, tài liệu bằng hai thứ tiếng Pháp và Anh với lệ phí rất tượng trưng. Ông rất được bà con quý mến tin cậy, nên lúc nào cũng đông khách. Có khi ông phải đem về nhà làm và hẹn khách hôm sau đến lấy.
Tôi nhớ lại, vào khoảng 3 giờ chiều Thứ Sáu 3 Tháng Giêng, năm 2020, tôi ghé Bưu Điện Sài Gòn. Đến chào ông tại cái bàn nhỏ nằm phía bên trong bưu điện mà ông được ban giám đốc ưu ái đặc biệt dành riêng, coi như tặng thưởng, sau nhiều năm ông phục vụ trong ngành Bưu Điện.
Vừa cất tiếng chào thì ông đã nhận ngay ra tôi, vì tôi cũng đã từng đứng trước Bưu Điện làm công việc viết thơ, viết đơn mướn, nhưng tôi chỉ làm được một thời gian ngắn, vì sau đó tôi tìm được công việc khác gần nhà và thích hợp hơn. Mỗi khi thấy ông vắng khách, tôi thường lân la đến trò chuyện với ông. Nghe ông tâm sự và học hỏi kinh nghiệm nơi ông. Nhờ đó, tôi có dịp quen biết ông và ông vẫn còn nhớ tôi.
Tôi thấy trên bàn, nơi hành nghề của ông có đặt một tấm bìa cứng màu trắng dựng đứng ghi:
– Nơi chỉ dẫn và viết giúp
– Public Writer
– Écrivain Public
Bốn quyển từ điển: Anh Việt-Việt Anh và Pháp Việt Việt Pháp, mấy cây viết nguyên tử một xấp giấy trắng, một bịch bao thơ, những tấm thiệp về Việt Nam và Sài Gòn, một chai nước lọc, một cái kính lúp, một cái kính lão… và các bài báo cũ viết bằng tiếng Anh và Pháp viết khen ngợi về công việc đặc biệt mà ông làm. Sau khi hỏi thăm sức khỏe ông như thường lệ, lần này tôi xin phép được phỏng vấn và ông đã vui vẻ trả lời các câu hỏi của tôi. Tôi xin được gọi ông bằng bác.
Bằng giọng nói miền Nam, ông chậm rãi cho tôi biết. Ông tên là Dương Văn Ngộ. Họ Dương, tên Ngộ. Sanh ngày 3 Tháng Ba, năm 1930, tuổi Canh Ngọ, người gốc Triều Châu. Bà xã ông cũng 90 tuổi. Bà ở nhà có hai con gái săn sóc, thích xem tivi và không làm gì do bệnh.
Ông có sáu người con gồm hai trai và bốn gái. Con trai đầu tên là Dương Văn Ái sanh năm 1952, đang ở Bến Tre là quê của bà ngoại để giữ ruộng đất và giúp bà con ở địa phương. Con trai kế tên Dương Minh Đức là giáo viên đang dạy Anh Văn ở Chợ Lớn.
Bốn người con gái theo thứ tự là: Dương Xuân Diễm, Dương Thị Băng Tâm, Dương Thị Thanh Trúc và con gái út tên Dương Thị Yên.
Nhà ông ở phía bên kia cầu Thị Nghè vừa qua khỏi chợ. Ông ở chung với vợ và hai con gái. Ông làm việc năm ngày từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, nghỉ hai ngày cuối tuần. Ông ra khỏi nhà bằng xe đạp lúc 7 giờ rưỡi sáng. Bắt đầu công việc lúc 8 giờ đúng, có khi sớm hơn, và đúng 3 giờ rưỡi chiều thì về. Nếu như có bà con đến trễ cần giúp thì về chậm một chút. Ông đạp xe từ từ khoảng nửa tiếng.
Ông Dương Văn Ngộ (áo trắng) và tác giả. (Hình: Trần Đình Phước gửi)
Tôi hỏi ông: “Xin bác cho biết cơ duyên nào bác đến với ngành Bưu Điện?”
“Vì hoàn cảnh gia đình, nên tôi đành phải nghỉ học sớm, trong khi đang theo học ở trường Trung Học Pétrus Ký. Năm 1944 tức năm Giáp Thân, khi vừa được 16 tuổi, tôi xin vào làm việc ở Bưu Điện Thị Nghè. Công việc chỉ lo dọn dẹp vệ sinh và phụ những gì ai cần đến,” ông nói.
“Năm 17 tuổi, xin được công việc Thơ Ký Công Nhựt. Đến năm Bính Tuất (1946) vừa đúng 18 tuổi, hội đủ điều kiện theo yêu cầu nên được Bưu Điện Sài Gòn nhận vào làm nhân viên chính thức. Tôi được giao phụ làm những công việc lặt vặt với vài người đồng nghiệp lớn tuổi. Họ thương tôi vì tôi nhỏ tuổi nhất, ai cần gì tôi cũng đều sẵn lòng giúp đỡ. Trong thời gian phục vụ ở Bưu Điện, tôi đã cố gắng phấn đấu học hỏi, trau dồi thêm hai sinh ngữ Anh và Pháp, để có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, và cũng chính nhờ nó mà bây giờ tôi đã có thể giúp bà con viết thơ, viết thiệp, làm đơn từ, làm hồ sơ bảo lãnh đi nước ngoài bằng tiếng Anh và Pháp tương đối dễ dàng.”
“Bác có thể cho biết tại sao bác nghĩ ra công việc này?” tôi hỏi tiếp ông.
“Năm 1990, khi được 60 tuổi tôi nghỉ hưu, sau hơn 40 năm phục vụ cho ngành Bưu Điện. Với tiền hưu, các phụ cấp cũng như tiết kiệm dành dụm được nên tôi không gặp khó khăn nhiều về kinh tế. Thêm phần các con tôi vẫn có thể lo được cho vợ chồng tôi.
Nằm ở nhà một thời gian cảm thấy buồn chán, nên tôi nghĩ phải tìm một công việc gì có ý nghĩa, không nặng nhọc lắm, hợp với sức khoẻ, khả năng và có thể giúp ích được phần nào cho bà con, nên tôi làm đơn xin Ban Giám Đốc Bưu Điện Sài Gòn một chỗ ngồi để viết thơ, viết đơn giúp bà con làm nguồn vui cho qua ngày.”
Ông nói mình không thể tài nào nhớ nỗi mình đã viết bao nhiêu lá thơ hay làm bao nhiêu đơn từ mà bà con nhờ giúp đỡ. Chỉ biết là rất nhiều vì được bà con thương mến và tin cậy. Thời gian đầu rất ít khách vì còn mới lạ đối với bà con. Dần dần, có được một số khách quen.
Lúc thịnh hành nhất là khi bà con có thân nhân ở nước ngoài gửi thư, gửi quà và cần làm thủ tục xin đi nước ngoài. Lúc đó, công việc làm không xuể. Đa số khách hàng là ở các tỉnh, hoặc bà con không biết viết thơ hay bận rộn không viết được. Họ chỉ cần đọc cho ông biết một số ý tưởng, ông căn cứ theo đó viết nháp và đọc lại cho họ. Khi bà con đồng ý thì ông mới viết chính thức.
“Về các giấy tờ, hồ sơ, đơn từ liên quan đến bảo lãnh thì tôi xin phép bà con được mang về nhà nghiên cứu trước và hôm sau sẽ trả lời cho chính xác hơn,” ông nói.
Nhìn đồng hồ Bưu Điện sắp đến 3 giờ rưỡi chiều, tôi xin phép chào tạm biệt và kính chúc ông có nhiều sức khỏe. Ông cho biết, bây giờ sức khỏe quý hơn vàng bạc, của cải.
Ông nói: “Tôi chỉ mong Ơn Trên cho có sức khỏe để còn phục vụ bà con thêm một thời gian nữa!”
Bước chân ra gần tới cổng Bưu Điện, tôi quay cổ lại nhìn thấy ông đang lom khom thu dọn đồ nghề cho vào cái túi xách nhỏ để chuẩn bị trở về ngôi nhà yêu dấu ở Thị Nghè.
Đây cũng là hình ảnh cuối cùng tôi nhìn thấy ông Dương Văn Ngộ.
Hôm nay, đang ở cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất. Nhận được tin ông Dương Văn Ngộ mất, lòng tôi cảm thấy bùi ngùi, xúc động. Xin được đốt một nén nhang lòng để tưởng nhớ đến ông. Một người đã dành suốt cuộc đời phục vụ cho ngành Bưu Điện, sau đó tiếp tục giúp đỡ bà con bằng tấm lòng và luôn luôn nở một nụ cười hiền hòa mỗi khi được bà con báo tin nhờ ông giúp, nên họ đã liên lạc được với người thân ở xa và được những kết quả tốt đẹp trong việc làm đơn xin đi đoàn tụ gia đình, hay du lịch thăm thân nhân.
Còn đâu nữa hình ảnh một ông già tóc bạc trắng, dáng dấp gầy còm. Quanh năm, suốt tháng chỉ mặc áo sơ mi trắng cụt tay, quần dài đen, đi dép, và tận tụy đạp chiếc xe đạp cọc cạch, với cái túi xách nhỏ để sau Pọt Baga (Porte Bagage), mỗi ngày rong ruổi trên đường thiên lý từ nhà ở Thị Nghè ra đến Bưu Điện Sài Gòn đúng thời khóa biểu dù mưa hay nắng để giúp bà con viết thơ, làm đơn hay dịch thuật. Càng làm cho mọi người và tôi ngưỡng mộ và kính phục ông vô vàn. Có lẽ trên cõi đời này “không có người thứ hai giúp bà con bằng chữ tâm như ông.”
Xin vĩnh biệt ông Dương Văn Ngộ, người viết thư tay cuối cùng của Sài Gòn, một “Sài Gòn” trong ký ức của rất nhiều người.
San José, California – Tháng Chín, năm 2023.
Trần Đình Phước
Theo Saigon Nhỏ ngày 30/9/2023
Be the first to comment