Ca sĩ Thanh Mai và nhạc sĩ Quốc Dũng tại thác Niagara Falls. (Hình: Yersin cung cấp)
Hôm nay ngày Thứ Ba, 26 Tháng Chín, 2023, lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng, Mai viết thư này đến anh, nhạc sĩ Quốc Dũng, vì Mai nghĩ theo thuyết Phật Giáo, người vừa mất sẽ còn ở lại đâu đây 49 ngày. Mai biết anh sẽ đọc thư, Mai muốn kể lại kỷ niệm của một thời, lúc mà anh em mình còn rất trẻ.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (ngồi, trái) và nhạc sĩ Quốc Dũng đàn trong đám cưới của Thanh Mai và Yersin. (Hình: Yersin cung cấp)
Đó là vào năm 1972, Mai được gặp anh ở nhà thầy của Mai là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Anh gặp Mai lần đầu nhưng Mai đã thấy và biết anh trên truyền hình, bởi lúc đó anh đã là một nhạc sĩ trẻ, tài năng. Chú Nguyễn Ánh 9 đã đệm đàn cho Mai và anh hát chung để thử hai giọng hát có hợp nhau không? “Ai Đưa Em Về” ra đời từ đó, một sáng tác mới nhất của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bay xa với hai tiếng hát lần đầu kết hợp và đây cũng là ca khúc đầu tiên hai anh em hát chung với nhau trên truyền hình. Ca khúc thứ hai, Mai còn nhớ là bài “Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời”, của nhạc sĩ Phạm Duy. Đây là hai ca khúc đầu tiên mà Mai và anh cùng hát với nhau.
Mai vẫn nhớ mãi lời anh nói với Mai là từ bây giờ trở đi, anh muốn tự sáng tác những bài hát theo chất giọng của Mai. “Quê Hương Và Mộng Ước” là sáng tác đầu tiên anh viết riêng cho Mai. Bài hát được viết thành bốn đoạn, anh viết lời hai đoạn đầu, lời hai đoạn sau anh bảo Mai viết.
Thời đó, mỗi tối anh đánh đàn ở Phòng Trà AU BACCARA nên ban ngày anh có thể đem nhạc khí về nhà. Anh chơi được nhiều loại nhạc cụ: organ, guitar, bass, trống… nên sau khi thực hiện xong phần nhạc, anh gọi Mai đến nhà để thâu tiếng hát. Là một nhạc sĩ sáng tác tài năng, anh còn có thiên phú về hòa âm phối khí, biệt tài là biết xoay trở trong hoàn cảnh thiếu thốn nhất. Từ những miếng móp trắng góp nhặt từ những thùng đựng TV, tủ lạnh… anh đã làm nên một phòng thu nhỏ xíu, giống như một chiếc phi thuyền.
Hai anh em đứng chen nhau mỗi người nép một bên, mồ hôi mồ kê ướt hết mặt mày, hát xong vội chạy ra ngay. Kỷ niệm thật vui, nhưng cũng nhiều xót xa của một thời gian nan… Thu tiếng xong, hai anh em chỉ cần thu hình trên truyền hình. Đó là ca khúc đầu tiên do anh sáng tác và tự hòa âm để hai anh em cùng hát với nhau. Làm sao mà Mai quên được những tháng ngày đẹp đẽ đó, anh em mình đã sống rất tốt cho một đời âm nhạc của riêng mình.
Quốc Dũng (phải) và Thanh Mai hát song ca thời xa xưa ở Sài Gòn. (Hình: Yersin cung cấp)
Mai còn nhớ lịch sử ra đời ca khúc “Biển Mộng”. Anh đưa cho Mai một băng cassette nhạc để nghe và xin Mai cho biết cảm nhận. Mai nhớ giai điệu nhạc lạ, quá là hay cứ ngỡ đó là nhạc ngoại quốc. Thật bất ngờ anh nói là của anh, sau đó anh viết lời và nói rằng ca khúc “Biển Mộng” anh viết riêng cho Mai hát.
Không biết anh có biết không? Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có lần nói với Mai rằng những ca khúc Quốc Dũng sáng tác riêng cho con hát như “Quê Hương và Mộng Ước,” “Anh Về Giữa Mùa Xuân,” “Cơn Gió Thoảng,” “Bên Nhau Ngày Vui,” “Biển Mộng,” “Điệp Khúc Mùa Xuân…” chú thích nhất là bài “Biển Mộng”, vì bài hát này rất hợp với giọng của con. Đó là niềm vui của một cô học trò được thầy mình khen mà Mai sẽ nhớ mãi, nhớ mãi.
Đến cuối năm 1974, tình hình chiến sự ở Việt Nam rất hỗn loạn. Để gây quỹ giúp cô nhi quả phụ từ Phước Long, phu nhân Trung Tướng Trần Văn Trung, tổng cục trưởng Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, tổ chức một buổi Đại Hội Nhạc Trẻ diễn ra tại Thảo Cầm Viên ngày 1 Tháng Giêng, 1975, và đó cũng là đại hội nhạc trẻ cuối cùng của nền nhạc trẻ VNCH.
Chắc anh cũng như Mai, làm sao mà quên được những ngày loạn lạc này. Anh đã cho ra đời ca khúc “Điệp Khúc Mùa Xuân” trong thời gian đó. Ban nhạc Quốc Dũng trình diễn bài hát này cùng với tiếng hát Thanh Mai. Đây cũng là lần cuối cùng hai anh em hát chung với nhau trên sân khấu, phải không anh?! Chật kín khán giả. Ngập tràn cảm xúc, âm nhạc, chiến tranh, tình người. Mai còn nhớ là có sự góp mặt của rất đông ban nhạc ngày đó như The Dreamer, CBC, Mây Trắng, Interprise…
Rồi biến cố 30 Tháng Tư, 1975 ập đến với với bao thay đổi biển dời. Mai lấy chồng qua Pháp sinh sống, còn anh ở lại Việt Nam. Mãi đến 25 năm sau, Mai về Việt Nam thăm gia đình, thăm thầy Nguyễn Ánh 9 và gặp lại anh với biết bao nỗi niềm buồn vui lẫn lộn. Mai vẫn nhớ buổi cơm họp mặt, sau thời gian dài xa cách. Chú Nguyễn Ánh 9 mời vợ chồng Mai, gia đình anh và Bảo Yến tại nhà chú. Biết bao là chuyện vui buồn anh em mình đã hàn huyên. Hôm đó có cháu Cà Pháo (tên thường gọi ở nhà của cháu Bảo Châu), khi đó khoảng 12 tuổi, cùng đến với ba mẹ.
Ông xã Mai – anh Yersin, vốn rất vui tính khích cháu: “Cháu không biết đàn piano phải không?” Không nói một tiếng, cháu tiến tới và đàn cho mọi người nghe trọn vẹn ca khúc “Mai”. Mai và mọi người đều ngạc nhiên vì cứ tưởng là cháu không biết đàn. Cháu đã làm cho anh và Bảo Yến rất vui này hôm đó.
Vài năm sau, nếu Mai nhớ không lầm là năm 2002, chú Ánh được visa qua Mỹ, chú vui quá nên rủ anh và nhạc sĩ Mặc Thế Nhân cùng đi. Ba ông nhạc sĩ lần đầu tiên qua Mỹ, thay vì chọn Los Angeles lại đáp xuống San Francisco. Mai và ông xã phải lái xe lên đón một đoạn đường dài khoảng 8 tiếng về Little Saigon, Orange County. Dịp đó, vợ chồng Mai, chị Phương Hồng Quế và anh Trần Quốc Bảo đã tổ chức Đêm Nhạc Nguyễn Ánh 9 tại Majestic. Những ngày ấm áp tình âm nhạc thật vui, làm sao quên được, phải không anh?!
Những ngày ở Mỹ, mỗi ngày anh và chú Ánh thường ra nhà hàng của Mai ở đường Moran. Còn nhớ, khi đó thật đông các anh em nghệ sĩ đến thăm và đưa anh đi chơi, mời anh đi ăn, Mai nghĩ chắc khoảng trên 50 người đứng chật kín trước nhà hàng. Chưa bao giờ các nghệ sĩ đến đông như vậy, đủ hiểu là tình cảm mọi người dành cho anh nhiều biết dường nào! Anh hiền lành, tốt với mọi người, ai mà không quý mến!
Ca sĩ Thanh Mai và nhạc sĩ Quốc Dũng trong đêm nhạc Nguyễn Ánh 9 tại phòng trà Majestic, Huntington Beach, California, năm 2002. (Hình: Yersin cung cấp)
Còn nhớ câu chuyện anh nói với Mai rằng, anh em mình biết nhau đã lâu rồi, lúc cả hai còn rất trẻ, anh chỉ vừa 20 tuổi, còn Mai thì mới 16 trăng tròn. Từ giờ trở đi, anh coi Mai như người trong gia đình, bất cứ bài hát nào của anh mà Mai thích thì cứ hát, không cần phải gọi điện thoại xin phép anh. Đó là tình cảm quý báu rất chân tình của anh dành cho Mai, Mai luôn rất trân quý và cảm động. Mai thật sự may mắn quen biết và được hát chung với anh, được anh sáng tác cho những ca khúc riêng để hát, thật sự may mắn được là một người em thân thiết của anh, một nghệ sĩ tài hoa, hiền lành.
Trong cuộc đời, có người suốt đời không gặp được tri kỷ. Riêng Mai thì rất may mắn có được người thầy là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và sau đó được gặp anh-nhạc sĩ Quốc Dũng, một người anh hiền lành, tài đức vẹn toàn, thực sự đáng được gọi là “tri kỷ trong âm nhạc”.
Anh còn nhớ không? Lần sau cùng Mai gặp anh là năm 2019. Mai, ông xã, và cháu Fatima đến chia tay anh. Dù rất vội cho kịp chuyến bay, trong lòng Mai vẫn muốn gặp để chia tay anh, ba tiếng đồng hồ chia sẻ vui buồn vẫn còn muốn nói mãi, đâu ngờ rằng đó là lần cuối cùng Mai gặp anh.
Các thành viên trong gia đình nhạc sĩ Quốc Dũng và ca sĩ Thanh Mai. (Hình: Yersin cung cấp)
Số trời đã định, mọi chuyện là do ông trời sắp đặt, con người không thể thay đổi được nên dẫu rất buồn cũng đành chấp nhận mà thôi. Cầu mong linh hồn anh được siêu thoát về cõi an lành. Cầu mong cho gia đình Bảo Yến, cháu Khải Ca và vợ, cùng cháu Bảo Châu sớm vượt qua nỗi đau đớn và mất mát to lớn này.
Mai viết những lời này đến anh như một nén nhang lòng gửi đến “tri kỷ trong âm nhạc” và cũng từ đáy lòng mình, Mai xin gửi lời cảm ơn chân thành đến những người đã từng yêu tiếng hát của Thanh Mai và Quốc Dũng trong những năm 1970 ở Sài Gòn, cũng như những tình cảm tốt đẹp mà khán giả đã luôn dành cho nhạc sĩ Quốc Dũng và ca sĩ Thanh Mai.
Ca sĩ Thanh Mai
Theo Saigon Nhỏ ngày 7/10/2023
Be the first to comment