Không người Việt Nam nào không nhận ra thực tế rằng, suốt bề dày lịch sử, chế độ cộng sản Việt Nam nhất mực học theo Trung Quốc, từ chuyện Cải cách ruộng đất đến thanh trừng tiêu diệt trí thức dựa theo chiến dịch “trăm hoa đua nở” của Mao Trạch Đông. Đến tận nay, hầu hết chiêu thức cai trị nội an ở Việt Nam đều được truyền dạy từ những lò bát quái Trung Quốc mà Việt Nam cử người sang học đều đặn.
Việt Nam và Trung Quốc không là ví dụ duy nhất cho thấy bóng dáng “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” khi các thể chế độc tài học chiêu của nhau. Trên thế giới, Vladimir Putin, cùng với Tập Cận Bình, đang được xem là một trong những tay tổ thời chính trị hiện đại được nhiều học trò học theo và áp dụng một cách triệt để…
Sư phụ Putin
Mùa xuân 2012, Vladimir Putin cảm thấy áp lực đè nặng. Trong nhiều tháng, các cuộc biểu tình chống Putin lan rộng khắp Moscow và các thành phố khác sau cuộc bầu cử Quốc hội gian lận vào Tháng Mười Hai trước đó. Putin, lúc đó sắp tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ ba, bắt đầu hoảng sợ về nguy cơ xảy ra cách mạng “màu” trên nước mình – như cuộc Cách mạng Hoa hồng 2003 ở Georgia, Cách mạng Cam 2004-2005 ở Ukraine; hoặc các cuộc nổi dậy khác chẳng hạn Mùa xuân Ả Rập 2010-2012, trong đó bốn nhà độc tài bị lật đổ. Cho đến khi Putin nhậm chức vào Tháng Năm, chính quyền Nga vẫn nhẹ tay đối với các cuộc biểu tình. Tuy nhiên sau đó, chiến dịch đàn áp tàn bạo được tiến hành.
Ngày 20 Tháng Bảy 2012, Putin ký luật và được Quốc hội thông qua chỉ trong hai tuần, trao chính phủ quyền kiểm soát mạnh mẽ đối với các tổ chức phi chính phủ (NGO) mà Putin nghi ngờ đứng sau các cuộc biểu tình. Từ lâu, Putin luôn lo sợ về hoạt động của những tổ chức độc lập, đặc biệt các nhóm được tài trợ từ nước ngoài. Theo luật mới, bất kỳ nhóm nào nhận tiền từ nước ngoài và tham gia “hoạt động chính trị” đều phải đăng ký với Bộ Tư pháp, và phải nêu rõ rằng tổ chức của họ có “yếu tố nước ngoài”, nếu không sẽ bị phạt nặng.
Vladimir Putin trong buổi tiếp Nguyễn Phú Trọng tại Sochi, Nga, ngày 6 Tháng Chín 2018 (Ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)
Luật trên đã làm tê liệt các nhóm NGO, xương sống của một xã hội dân sự non trẻ nở rộ vào những năm 1990 ở Nga sau khi Liên Xô tan rã. Những tổ chức như vậy là nhịp tim của một nền dân chủ lành mạnh, cung cấp những kênh độc lập để người dân có thể nói lên mong muốn và nguyện vọng. Một trong những nhóm đầu tiên bị nhắm đến là “Memorial”, được thành lập trong những năm cải cách của Mikhail Gorbachev để bảo vệ hồ sơ lịch sử về sự đàn áp một thời của Liên Xô.
Chẳng mấy chốc, những luật tương tự bắt đầu xuất hiện trên khắp thế giới. Trong những năm tiếp theo, ít nhất 60 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã thông qua hoặc soạn thảo luật nhằm hạn chế các tổ chức phi chính phủ; và 96 quốc gia thực hiện các chính sách nhằm hạn chế và thậm chí đàn áp NGO, áp đặt các thủ tục đăng ký rườm rà, giám sát, quấy rối và thậm chí ban lệnh đóng cửa. Tất cả cho thấy các nhà độc tài luôn chia sẻ phương pháp, sao chép chiến thuật và học hỏi nhau; tìm ra chiêu thức để dập tắt tự do ngôn luận và báo chí độc lập, tiêu diệt các tổ chức phi chính phủ, bịt miệng giới bất đồng chính kiến và bóp nghẹt những tiếng nói chỉ trích.
Một cuộc biểu tình chống Putin bị đàn áp tại Moscow (Ảnh: Konstantin Zavrazhin/Getty Images)
Năm 2015, Nga bổ sung một luật mới, được thiết kế nhằm tấn công “hợp pháp” bất kỳ tổ chức nào được xem là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia – thực tế đó là lệnh cấm hoạt động. Một trong những tổ chức được dán nhãn như vậy là Tổ chức Xã hội Mở (Open Society Foundations) do nhà tài chính George Soros thành lập, nơi từng là nguồn trợ cấp cho các nhà khoa học Nga trong những năm khó khăn sau khi Liên Xô sụp đổ – The Washington Post cho biết.
Azerbaijan là nước đầu tiên trong số các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ sao chép luật 2012 của Nga vào năm 2013 và 2014. Sau đó là Tajikistan vào năm 2014 và Kazakhstan vào năm 2015. Ai Cập cũng đặt các tổ chức phi chính phủ vào tầm ngắm. Năm 2013, các tòa án Ai Cập kết án 43 nhân viên NGO, trong đó có người Mỹ, người Ai Cập và châu Âu; nhiều người bị xử vắng mặt, với tội danh hoạt động không có sự chấp thuận của chính phủ.
Dưới thời Tổng thống Abdel Fatah El-Sisi, chính quyền Ai Cập phong tỏa tài sản của các nhà hoạt động nhân quyền, cấm họ ra nước ngoài và thường xuyên “mời lên phường” để thẩm vấn vì nghi ngờ nhận “tài trợ từ nước ngoài”. Năm 2019, Ai Cập thay thế luật năm 2017 bằng một luật mới nhưng vẫn giữ lại nhiều hạn chế khắc nghiệt. Sử dụng những thuật ngữ mơ hồ, luật mới cấm những hoạt động liên quan “chính trị” hoặc bất kỳ hoạt động nào làm ảnh hưởng “an ninh quốc gia.”
Nguyễn Phú Trọng trong chuyến công du Bắc Kinh ngày 31 Tháng Mười 2022 (Ảnh: Zhai Jianlan/Xinhua via Getty Images)
Cách dùng từ ngữ chụp mũ mơ hồ là chiêu trò quen thuộc của những thể chế độc tài. Ở Việt Nam, người dân chẳng lạ gì những từ như “có tư tưởng phản động”, “chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, “tuyên truyền, công kích, lôi kéo người dân”, “kích động tư tưởng, thái độ thù địch”….
Nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam cũng bị tịch thu passport và bị cấm ra nước ngoài.
* * *
Campuchia, dưới sự cai trị của nhà độc tài Hun Sen trong nhiều thập niên, đã ban hành một đạo luật vào năm 2015, theo đó các tổ chức phi chính phủ có thể bị giải tán nếu hoạt động của họ “gây nguy hiểm cho hòa bình, ổn định và trật tự công cộng hoặc làm tổn hại đến an ninh quốc gia, văn hóa và truyền thống của xã hội Campuchia”.
Tương tự, Uganda, nơi có một cộng đồng các tổ chức phi chính phủ từng hoạt động tích cực, đã áp đặt luật hạn chế xã hội dân sự vào năm 2016. Các nhóm dân sự phải đối mặt với việc bị đình chỉ, đóng băng tài khoản, bị từ chối tài trợ và hạn chế quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp. Tại Nicaragua, chế độ độc tài do Daniel Ortega lãnh đạo đã thông qua luật “có yếu tố nước ngoài” vào năm 2020 và luật hạn chế các tổ chức phi chính phủ vào năm 2022. Kể từ năm 2018 đến nay, chế độ này đã hủy đăng ký pháp lý của hơn 950 tổ chức xã hội dân sự.
“Binh pháp” Tập Cận Bình
Trung Quốc, ban đầu cho phép các tổ chức phi chính phủ tồn tại trong vùng xám pháp lý, bắt đầu có đường lối cứng rắn hơn sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012. Một luật mới về tổ chức phi chính phủ có hiệu lực vào năm 2017 đã được thiết kế để có thể tăng cường kiểm soát của nhà nước đối với nguồn tài trợ trong và ngoài nước đối với các nhóm xã hội dân sự.
So với Nga, Trung Quốc láu cá và tinh vi hơn. Trong khi Nga lập danh sách đen để ngầm theo dõi và kiểm soát các tổ chức NGO, Trung Quốc lại tung ra danh sách công khai những tổ chức NGO để chứng minh rằng đất nước họ “tiến bộ”, có “dân chủ” và “văn minh” khi chấp nhận mô hình xã hội dân sự. Tuy nhiên, trong thực tế, những NGO này đều là NGO trá hình hoặc hoạt động với những thỏa thuận tương nhượng chính quyền. Cùng lúc, nhà nước cộng sản Trung Quốc cũng trừng phạt và đàn áp thẳng tay những tổ chức thuộc các lĩnh vực nhạy cảm như truyền thông, nhân quyền và tôn giáo.
Suốt chiều dài lịch sử chính trị cận đại, có thể thấy các chế độ độc tài luôn học “chiêu” của nhau, như được chứng minh trong quyển The Authoritarian International (phát hành Tháng Năm 2023) của Stephen G.F. Hall, giáo sư Đại học Bath, Anh. Theo giáo sư Hall, các chế độ độc tài phải liên tục duy trì sự kiểm soát. Lơi lỏng trong tích tắc, quyền lực có thể biến mất.
“Tất cả họ (chế độ độc tài) đều chứng kiến những gì xảy ra với những kẻ chuyên quyền nói chung – khoảnh khắc Gaddafi bị kéo lê trên đường phố và bị đánh chết bằng một ống chì… Họ dường như biết rằng nếu một quốc gia trở nên dân chủ trong một khu vực, phần còn lại gần như chắc chắn sẽ theo sau. Và cách tốt nhất để đảm bảo sự sống còn là học hỏi, hợp tác và chia sẻ những phương pháp hữu hiệu nhất, bởi vì chính quyền luôn phải đi trước một bước.” – Giáo sư Stephen G.F. Hall
Những nước lớn không phải luôn là “sư phụ” được nhiều học trò nước nhỏ noi theo. Với chính sách cai trị bằng đường lối độc tài gần tương tự nhau, đôi lúc sư phụ có thể trở thành đệ tử. Trong trường hợp Nga và Belarus, Putin từng học chiêu của đệ tử Alexander Lukashenko. Năm 2002, Alexander Lukashenko thành lập Đoàn Thanh niên Cộng hòa Belarus, một tổ chức “yêu nước” ủng hộ chế độ. Đây là một đạo quân được tung ra để có thể kiểm soát đường phố thủ đô Minsk trong trường hợp xảy ra một cuộc cách mạng màu. Sau Cách mạng Cam ở Ukraine, Kremlin cũng nhanh chóng thành lập các nhóm “thanh niên yêu nước”.
Với Trung Quốc, họ học lại lịch sử của chính họ, từ thời Mao; đồng thời “tham khảo” lịch sử Liên Xô, thời Joseph Stalin. Về bản chất, các nhà cai trị độc tài đều giống nhau, tàn ác như nhau, đối xử tồi tệ với dân như nhau và ham hố quyền lực như nhau, cho nên, họ thích thú học lẫn nhau. Riêng với Việt Nam, Hà Nội là học trò chăm chỉ nhất và học thuộc lòng nhiều nhất những chiêu bẩn nhất của ông thầy Trung Quốc.
Nhiều “chiêu hay” của những tay tổ độc tài vẫn có thể áp dụng ở thời hiện đại. Magnus Fiskesjö, giáo sư Đại học Cornell, nhận ra rằng, trong một thập niên qua, Trung Quốc đã tổ chức lại những phiên tòa giả hiệu nặng tính trình diễn, với những lời thú tội được dàn dựng, ép buộc, được mớm cung. Mô hình này vay mượn từ thời Mao lẫn thời Joseph Stalin những năm 1930. Các phiên tòa, trong đó đám thẩm phán và thậm chí luật sư, đều diễn, được sử dụng để “xử” các nhà báo, blogger, học giả, luật sư nhân quyền, nghệ sĩ giải trí…
Mô hình trên cũng được áp dụng phổ biến ở Việt Nam, nơi có rất nhiều “phiên tòa nhân dân” trong đó bị cáo “tự thú” họ “sai lầm” như thế nào và “thành khẩn” muốn được hưởng “chính sách khoan hồng nhân đạo của nhà nước” như thế nào…
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Tập Cận Bình, Bắc Kinh ngày 29 Tháng Tư 2019 (Ảnh: Madoka Ikegami – Pool/Getty Images)
Ngưu tầm ngưu
Nhìn tổng quát, trong thế giới các quốc gia độc tài, Nga và Trung Quốc vẫn là trung tâm của lực hấp dẫn. Các chiêu thức của họ y hệt nhau. Họ chia sẻ bí quyết kiểm soát internet, tạo ra thông tin tuyên truyền sai lệch, phát đi những lời nói dối giống hệt nhau cùng một lúc.
Một tài liệu, với việc thu thập email và bản ghi âm, được Radio Free Europe/Radio Liberty tiết lộ trong báo cáo ngày 5 Tháng Tư 2023 của ba tác giả Daniil Belovodyev, Andrei Soshnikov và Reid Standish, đã cho thấy Nga và Trung Quốc hợp tác chặt chẽ để giúp nhau kiểm soát chặt chẽ internet, từ hai cuộc gặp cấp cao vào năm 2017 và 2019.
Cuộc họp đầu tiên, vào ngày 4 Tháng Bảy 2017, là phiên họp kéo dài hai giờ tại Moscow giữa Ren Xianling, lúc đó là thứ trưởng Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, và Aleksandr Zharov, khi đó là người đứng đầu Roskomnadzor, cơ quan chính phủ đặc trách kiểm duyệt internet. Trong cuộc gặp, Nga cho biết họ muốn học những kỹ thuật chuyên môn của Trung Quốc về “cơ chế cho phép và kiểm soát” phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông trực tuyến và “các blogger cá nhân”, cũng như kinh nghiệm trong việc kiểm soát các ứng dụng nhắn tin, dịch vụ mã hóa và mạng riêng ảo (virtual private network – VPN). Nga cũng muốn cử một nhóm đến Trung Quốc để nghiên cứu hệ thống theo dõi công dân và kỹ thuật xây dựng tường lửa.
Tháng Bảy 2019, Nga và Trung Quốc lại gặp nhau tại Moscow. Lần này, Nga xin lời khuyên Trung Quốc về cách đối phó với các mạng xã hội chẳng hạn Telegram vốn có thể thoát được sự ngăn chặn của Nga; về việc Trung Quốc sử dụng trí tuệ nhân tạo như thế nào để xác định và chặn “nội dung bị cấm”. Tháng Mười 2019, bên lề Hội nghị Internet Thế giới tại Trung Quốc, Nga và Trung Quốc ký thỏa thuận hợp tác về chống phát tán “thông tin cấm”. Tháng Mười Hai 2019, Trung Quốc gửi ba lá thư riêng biệt tới Nga, yêu cầu Moscow chặn các trang web, trong đó có Epoch Times, và các liên kết trên GitHub (trang web phát triển phần mềm hướng dẫn cách vượt tường lửa Trung Quốc).
Cuộc biểu tình Cá tại Sài Gòn, Tháng Năm 2016 (yêu cầu nhà cầm quyền minh bạch về thảm họa cá chết dọc biển nhiều tỉnh miền Trung (Ảnh: MXH)
Trong bản Tuyên bố chung đưa ra trong chuyến đi chầu Bắc Kinh của Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30 Tháng Mười đến ngày 1 Tháng Mười Một 2022, có đoạn: “Tăng cường giao lưu cấp cao giữa cơ quan thực thi pháp luật hai nước, làm sâu sắc hợp tác về an ninh chính trị… Đối thoại an ninh chiến lược cấp Thứ trưởng, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực chống khủng bố, chống “diễn biến hòa bình”, “cách mạng màu”…
Với Việt Nam, khó có thể biết chính xác Hà Nội đã hợp tác cụ thể như thế nào với Trung Quốc trong việc học hỏi những chiêu trò khống chế hoạt động xã hội dân sự và hoạt động nhân quyền, vì báo chí chưa bao giờ cung cấp đầy đủ, nhưng có điều chắc chắn rằng, chiêu gì Trung Quốc có thì gần như Việt Nam cũng có. Trung Quốc “đả hổ” ra sao thì Việt Nam cũng “đốt lò” như vậy. Trung Quốc siết chặt báo chí ra sao thì Việt Nam cũng thực hiện y như thế… Nguyễn Phú Trọng hay gần như bất kỳ tổng bí thư đảng nào trước đó không chỉ là “học trò” của Hồ Chí Minh mà còn là đồ đệ của giới lãnh đạo chóp bu Trung Quốc, kể cả chính Hồ Chí Minh…
Như Trung Quốc, như Nga, như tất cả chế độ độc tài, giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam cũng nổi gai ốc khi chứng kiến cảnh Gaddafi có kết cục bi thảm như thế nào. Họ chưa bao giờ thật sự đứng về phía nhân dân và vì quyền lợi người dân; và đương nhiên họ biết nhân dân đối xử với họ ra sao một khi chế độ của họ bị đạp đổ…
Mỹ Anh
Theo SGN ngày 23 tháng 6, 2023
Be the first to comment