Áo Dài Em – Bóng Quê Nhà

Cô sinh viên UTA

Mấy hôm nay trung tâm thể dục và giải trí của đại học bận rộn tổ chức những chương trình cho sinh viên họp mặt mùa ra trường. Từ ngày không còn giảng dạy ở đại học nữa, tôi đã ghi danh đi học lại và tập thể dục ở trung tâm thể dục của University of Texas at Arlington (UTA) thường xuyên, một thói quen đã làm  lúc còn dạy học ở Boston. Vừa bước vào trung tâm thể dục đại học, tôi thấy lô nhô sinh viên mặc áo mũ ra trường, mặt mày rạng rỡ niềm vui. Bất chợt nhìn thấy tà áo dài phụ nữ Việt trong nhóm sinh viên đang đứng chụp hình chung.

“Chúc mừng em.” Tôi đưa tay vẫy ra hiệu cho cô gái mặc áo dài phụ nữ Việt Nam, rồi đứng lại chờ cho người chụp hình bỏ máy xuống.

“Ra đứng đây cho chú chụp tấm hình được không?” Tôi hỏi và em sinh viên cười tươi làm theo đề nghị của tôi.

“Em ra trường ngành gì?’

“Dạ, Fashion Designs ạ.”

“Chúc mọi sự tốt lành cho tương lai nhá.”

“Dạ, cảm ơn chú.” Nói rồi cô sinh viên vội chạy theo nhập lại nhóm bạn. Tôi biết em vội để tiếp tục đi với nhóm bạn nên không giới thiệu tên mình và cũng chẳng hỏi tên em.

Bốn mươi tám năm qua, lần đầu tiên tôi chứng kiến cô gái da vàng mặc áo dài phụ nữ Việt ngày ra trường đại học. Thật ra thì trong những buổi sinh hoạt văn hoá ở nhiều đại học Hoa Kỳ, các cô sinh viên gốc Việt vẫn mặc áo dài, nhưng điều ấy mang một ý nghĩa khác. Tôi đã tham dự rất nhiều mùa ra trường ở nhiều sân đại học Hoa Kỳ, nhưng chưa hề thấy bóng áo dài phụ nữ Việt trong ngày lễ ra trường, ngay cả các bà mẹ của sinh viên gốc việt đến dự lễ con mình ra trường cũng không mặc áo dài phụ nữ Việt. Gặp cô sinh viên da vàng gốc Việt mặc áo dài ngày ra trường, tôi chợt nghĩ đến con gái mình.  Ngày con gái tôi ra trường, đại học cho tôi vinh dự trao bằng cho con vì con học trường bố dạy, nhưng cả vợ tôi và con tôi đều không mặc áo dài Việt Nam. Bây giờ nghĩ lại, tôi thầm nhủ: “Nếu mình đề nghị vợ và con mặc áo dài dự lễ ra trường, có thể hai mẹ con đã làm theo ý.”

Câu ngạn ngữ cổ tiếng Pháp: “L’habit ne fait pas le moine,” được chuyển ngữ sang tiếng Việt là “Phẩm phục (cái áo) không làm nên thầy tu,” thường được dùng để ám chỉ không nên nhận xét vội vã về bề ngoài của người đối diện. Có những tài liệu cho rằng tác giả câu ngạn ngữ trên là nhà văn châm biếm và bác sỹ y khoa, Francois Rabelais, từ  thời phục hưng. Tuy nhiên xuất xứ của câu ngạn ngữ rất mù mờ. Người ta gán cho ngài Francois Rabelais nói câu này vì ông đã từng tu xuất hai lần, một lần từ tu viện dòng Franciscan và một lần từ tu viện Benedictine nên có lẽ đã thấu hiểu được người mặc áo tu sĩ chưa hẳn đã là tu sĩ chân chính. Người khoác áo cà sa có thể là nhà sư hổ mang, hay người mặc áo linh mục có thể là quỷ râu xanh. Chắc gì người phụ nữ mặc áo dài Việt có được trái tim Việt Nam? Dù biết vậy, nhưng mỗi lần thấy phụ nữ Việt mặc áo dài Việt ở Hoa Kỳ, mình vẫn cảm thấy như họ còn mang trong tim hình bóng quê xưa, hình bóng Việt Nam.

Văn hoá của một dân tộc hay xã hội bao gồm từ ngôn ngữ, tư tưởng, tín ngưỡng, phong tục, kỹ thuật, tác phẩm nghệ thuật, nghi lễ, cách ăn mặc hay thời trang và nhiều các yếu tố khác. Tôi mới học xong lớp nhiếp ảnh ở đại học cộng đồng, bài làm cuối khoá là mỗi sinh viên phải hoàn tất 5 bức ảnh nghệ thuật về một chủ đề mình yêu thích. Ngày thi cuối khoá, sinh viên phải trưng bày tác phẩm của mình để giáo sư và sinh viên trong lớp phê bình. Tôi chọn chủ để tín ngưỡng trong các cộng đồng di dân tỵ nạn Việt Nam. Những tấm hình tôi chụp từ nhà chùa đến nhà thờ đều có thấp thoáng bóng áo dài phụ nữ Việt. Cô sinh viên bên cạnh tôi chọn chủ đề thời trang truyền thống của sắc dân mình. Tôi đã hỏi cô tại sao cô chọn chủ đề thời trang truyền thống với năm trang phục màu sắc rực rỡ. Cô bé khoảng 20 tuổi nhanh nhẹn trả lời: “Em chụp năm bức hình về năm trang phục truyền thống của Mễ Tây Cơ vì cha mẹ em là người Mễ Tây Cơ.  Em chưa hề du lịch Mễ Tây Cơ, nhưng em nghĩ những bức hình này nói lên được nguồn gốc của em.” Tôi gật đầu tán thưởng rồi vỗ tay, cả lớp đều vỗ tay theo khen ngợi một công trình nghệ thuật đầy ý nghĩa.

Người Do Thái đã biệt xứ lưu lạc cả ngàn năm, nhưng dù phải lưu lạc ở đâu, họ đều mang theo quyển Kinh Torah như di sản của dân tộc mình.  Bộ Kinh Torah bao gồm những điều giảng dạy về đức tin, văn hoá và các tục lệ cần được tuân giữ. Quyển Kinh Torah là linh hồn của dân tộc Do Thái. Còn người tỵ nạn-di dân Việt mang theo được gì? Tôi nghĩ có hai biểu tượng lịch sử và văn hoá của cộng đồng tỵ nạn-di dân là Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, và áo dài phụ nữ Việt. Lá cờ Vàng gói trọn lịch sử và linh hồn của Miền Nam Việt Nam, rất cần thiết cho con cháu chúng ta khi nhìn thấy lá cờ Vàng cảm nghiệm được lịch sử cùa cha mẹ và của ông bà, để biết rằng tại sao các em được sinh ra ở Hoa Kỳ hay những quốc gia đã cưu mang dân tỵ nạn gốc di tản/gốc vượt biên/gốc thuyền nhân Việt Nam. Chiếc áo dài phụ nữ Việt cũng gói ghém tình cảm và niềm hãnh diện Việt Nam của các bà mẹ, các chị, và các em gái gái gốc Việt.

Gần đây tôi đọc bài viết của Avila & Nguyen trên tờ Ornament về nhà thiết kế thời trang áo dài đương đại Sĩ Hoàng ở Sài Gòn (Avila, Susan Taber; Nguyen, DanhOrnament , 2007, Vol. 30 Issue 4, p52-55). Theo nhà thiết kế  Sĩ Hoàng “khi người phụ nữ (Việt) mặc chiếc áo dài,  nàng được biến đổi bởi vì chiếc áo có hồn này mang biểu tượng của cả một quốc gia.” Cuộc gặp gỡ cô sinh viên UTA ngày ra trường, rạng rỡ trong áo dài Việt Nam ở sân đại học, dù bất ngờ và rất ngắn, đã làm tôi phấn khởi và hãnh diện về thế hệ tương lai, thế hệ sẽ nối tiếp nuôi dưỡng cội nguồn Việt Nam ở những miền đất không phải là Việt Nam. Hình ảnh cô sinh viên UTA mặc áo dài ấy đã thúc đẩy tôi tìm tòi thêm về nguồn gốc của áo dài phụ nữ Việt.

Áo Dài: Cách Mạng Văn Hoá và Di Sản

Áo dài cải cách xuất hiện ở thập niên 1930 tại Việt Nam.  Đây là thời điểm có nhiều biến động về lịch sử, kinh tế, văn hoá và xã hội trên thế giới.

Tại Hoa Kỳ, cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán 1929 gây ra kinh tế suy sụp toàn quốc. Bên cạnh khủng hoảng kinh tế là trận bão bụi 1931 (Dust Bowl) thật kinh hoàng đã bao phủ miền Trung Tây và Đồng Bằng Nam Bộ Hoa Kỳ. Hơn hai triệu dân Mỹ phải bỏ xóm làng vườn tược di cư tránh nạn bão bụi (https://www.history.com/topics/great-depression/dust-bowl#). Văn hào John Steinbeck sáng tác tiểu thuyết hiện thực tựa đề “The Grapes of Wrath (1939)” kể những hậu quả  kinh hoàng của kinh tế và xã hội mà nông dân Mỹ đã phải chịu đựng trong cơn bão bụi khủng khiếp chưa từng xảy ra.

Ở thời điểm đầy thất vọng này, điện ảnh Hollywood lại có cơ hội khởi đầu một thời vàng son. Nhiều người dân Mỹ đã đi xem chiếu bóng như cách đương đầu với thực thế phũ phàng. Người ta thấy thời trang của phụ nữ được thiết kế đơn giản hơn, nhưng lại phô bày được nữ tính, sự duyên dáng và khiêu gợi. Chẳng hạn như những chiếc áo đầm bó sát thân, bóng bảy, lộ lưng trần dù đã gây tai tiếng lúc đầu, nhưng chẳng bao lâu đã được yêu chuộng.

Ở Việt Nam, các phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp cũng hoạt động năng nổ như vụ khởi dậy của Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNDĐ) tại Yên Bái vào ngày 9 tháng Hai, 1930. Dù thất bại, nhưng hành động anh hùng quả cảm và lòng yêu nước của các kháng chiến quân VNDĐ đã thôi thúc nhiều thanh niên Việt Nam tham gia vào những tổ chức chống Pháp.  Trên phương diện văn hoá, nho học Việt Nam đã suy sụp trầm trọng từ đầu thế kỷ 20 như thi sĩ Trần Tế Xương diễn tả:

Nào có nghĩa gì cái chữ nho,
Ông nghè ông cống cũng nằm co.
Chi bằng đi học làm thầy phán,
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò.

Đến thập niên 1930, sự ra đời của Tự Lực Văn Đoàn khai mở một tương lai mới cho văn học Việt Nam bằng những tác phẩm tiểu thuyết và những bài in trên tạp chí như Phong Hoá và Ngày Nay. Riêng về thời trang phụ nữ, sự xuất hiện của Hoạ Sĩ Nguyễn Cát Tường, bút hiệu Lemur (le mur tiếng Pháp là bức tường) đã mở cánh cửa thế giới cho áo dài phụ nữ Việt. Năm 1928, Lemur Nguyễn Cát Tường được nhận vào khoá 4 trường École de Beaux Arts d’Indochine hay Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, và tốt nghiệp năm 1933. Ngay sau đó ông được nhà văn Nhất Linh mời cộng  tác với tờ Tạp Chí Phong Hoá, và nhận trách nhiệm của mục chuyên về vẻ đẹp của phụ nữ. Ông cho ra đời kiểu áo dài tân thời như một việc làm cách mạng đổi mới thời trang của phụ nữ Việt.

Theo nữ Giáo Sư Sử Học M.T.N. Nguyen (2016), “Lemur believed that changing what women bought and wore would lead to their embracing modern life and its capacity for perpetual change” (Lemur tin rằng việc thay đổi những gì phụ nữ mua và mặc sẽ dẫn đến việc họ chấp nhận đời sống tân thời và khả năng thay đổi không ngừng của của lối sống mới). Áo dài Lemur, người ta dùng bút hiệu của Nguyễn Cát Tường để gọi kiểu áo dài tân thời do ông thiết Kế. Mẫu áo dài Lemur phơi bày được vẻ đẹp của thân hình phụ nữ từ đường eo lưng lên tới ngực. Lần đầu tiên nét đẹp thân hình phụ nữ Việt được phô bày qua áo quần.

Hình 2: Áo Tứ Thân. (Nguồn: https://cardina.vn/blogs/news/ao-tu-than)

Hình 3: Áo Ngũ Thân. (Nguồn: https://cardina.vn/blogs/news/ao-ngu-than)

Các áo dài truyền thống như áo Tứ Thân và Ngũ Thân đều che dấu đường eo và ngực của phụ nữ Việt vì ảnh hường sâu đậm của Nho Giáo. Như vậy mẫu áo dài Lemur ra đời như một thách thức với truyền thống cũ. Ông đã dùng áo dài để giải phóng phụ nữ Việt thoát khỏi sự kiềm chế của xã hội phong kiến.

Áo dài Lemur, 1930. Người đội mũ là vợ Nguyễn Cát Tường. (Hình tải từ bài viết của giáo sư Nguyen – 2016)

Không những sáng tác kiểu áo dài mới, ông còn hướng dẫn  phụ nữ Việt cách tập thể dục thẩm mỹ qua minh hoạ bằng hình vẽ để giúp phụ nữ Việt tập luyện thân hình, tăng lên vẻ đẹp của mình. Chuyện kể lại là khi các thanh nữ Việt mặc áo dài Lemur dạo phố, họ đã bị nhiều cặp mắt bảo thủ dòm ngó lắc đầu chê bai. Giáo sư Nguyen tường thuật trường hợp phụ nữ mặc áo dài Lemur ở Sài Gòn đã bị tấn công và xé áo ngoài đường (Nguyen, 2016). Áo dài Lemur đã được nhiều nhà thiết kế sau ông Nguyễn Cát Tường cải cách và nâng cao giá trị thẩm mỹ thời trang trong suốt thế kỷ 20 sang đến thế kỷ 21.

Có người cho rằng người Việt ở Hoa Kỳ mặc áo dài là lỗi thời rồi vì đây đâu phải Việt Nam. Suy nghĩ như vậy là thiển cận, chưa hiều được văn hoá của xã hội Hoa Kỳ. Nước Mỹ là một tổng hợp của nhiều nền văn hoá thế giới. Ở thế kỷ 19 và 20, có hai chủ thuyết về sự hội nhập của các di dân vào xã hội. Chủ thuyết thứ nhất cổ võ cho di dân hội nhập vào xã hội Hoa kỳ theo mẫu mực người gốc Anh-Anglo Saxon. Chủ thuyết thứ hai tin rằng nước Mỹ là một Melting Pot hay cái nồi hầm các nguyên liệu thực phẩm đển trở thành một món ăn thuần nhất. Nói cách khác, nước Mỹ là một xã hội nơi nhiều giống dân khác nhau hòa quyện hoà tan thành một dân tộc người Mỹ. Cả hai quan niệm này đã lỗi thời và không thực tế. Sắc dân Anglo Saxon đang mất vị trí độc tôn và sự quyện nhập hoà tan của các giống/sắc dân để thành một là việc không thể thực hiện. Tuy nhiên, các sắc dân chung sống với nhau chia chung mục đích xây dựng Hoa Kỳ là việc phải làm và thực tế.

Mỗi sắc dân cần được hãnh diện và tự hào về cội nguồn mình. Làm thế nào để người Việt biểu lộ nguồn gốc mình cho các sắc dân khác trong xã hội đa sắc dân của Hoa Kỳ? Chúng ta cần có những biểu tượng để phô bầy cội nguồn của mình. Chúng ta mang theo hai biểu tượng đầy ấn tượng và ý nghĩa là là Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ và áo dài phụ nữ Việt. Cả hai biểu tượng này cần được vinh danh và phô bày cho các sắc dân khác như thái độ khẳng định về sự hiện hữu quan trọng của cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ.

Các nhà thiết kế thời trang áo dài nên tiếp tục sáng tạo ra những kiểu mẫu áo dài cho phụ nữ Việt ở mọi lứa tuổi, chiều cao, dáng, và khổ người. Điều quan trọng nhất là làm thế nào để linh hồn Việt Nam rực sáng trên tà áo dài mỗi khi phụ nữ Việt mặc lên người.

Cảm ơn cô sinh viên UTA khuyết danh đã hãnh diện mặc áo dài Việt ngày mình ra trường. Chúc em thành công và trái tim Việt nam của em vẫn luân lưu dòng máu Việt dưới tà áo dài duyên dáng đậm hồn Việt Nam. Cảm ơn Hoạ Sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường, người đã vẽ linh hồn Việt Nam trên tà áo dài phụ nữ Việt Nam ở khắp năm châu. Tôi đề nghị là từ nay trong mỗi chương trình thi đua hay trình diễn áo dài phụ nữ Việt, các ban tổ chức nên dành một phút tưởng nhớ Hoạ Sĩ Nguyễn Cát Tường.

Trần Thu Miên
tranthumien@yahoo.com
Tháng Năm, 2023
Arlington, Texas.

Đọc thêm:

– Avila, Susan Taber; Nguyen, Danh:  Si Hoang: AO DAI ARTISTRY.

https://bc-primo.hosted.exlibrisgroup.com/primo-explore/fulldisplay?

http://jeanfrancoishubert.com/en/2022/02/09/nguyen-cat-tuong-lemur-1940-mother-and-child-or-the-form-surpasses-the-background/

– MARTINA THUCNHI NGUYEN: Wearing Modernity. Journal of Vietnamese Studies

Vol. 11, No. 1 (WINTER 2016), pp. 76-128 (53 pages).
Published By: University of California Press.
https://www.jstor.org/stable/26377899?sid=primo

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*