Ngũ Giác Đài ở Quận Arlington, Virginia, được nhìn từ trên cao trong một ảnh tư liệu không ghi ngày tháng. (Ảnh: Ivan Cholakov/Shutterstock)
Đến bây giờ, hẳn là hoàn toàn rõ ràng rằng các Đại công ty Kỹ thuật số (Big Digital) nổi tiếng nhất không phải là các công ty thuần túy tư nhân và hoạt động vì lợi nhuận. Như tôi đã lập luận trong cuốn sách có nhan đề “Google Archipelago: The Digital Gulag and the Simulation of Freedom” (tạm dịch: “Quần Đảo Google: Nhà Tù Gulag* Kỹ Thuật Số Và Sự Mô Phỏng Của Tự Do”), những công ty này cũng là các bộ máy nhà nước, hoặc cơ quan chính phủ, đảm nhận các chức năng của nhà nước, gồm có kiểm duyệt, tuyên truyền, và giám sát.
Bà Katherine Boyle, “một thành viên hợp danh tại Andreessen Horowitz, nơi bà đầu tư vào các công ty thúc đẩy sự năng động của Mỹ, bao gồm an ninh quốc gia, hàng không vũ trụ và quốc phòng, an toàn công cộng, gia cư, giáo dục, và công nghiệp,” đã nói rằng “các công ty khởi nghiệp về công nghệ đã bắt đầu tiếm quyền trách nhiệm của các chính phủ với tốc độ chóng mặt.” Nếu [đối với quý vị] điều này còn chưa rõ ràng, thì những tiết lộ gần đây của The Intercept rằng các quan chức chính phủ Hoa Kỳ có quyền truy cập vào một cổng thông tin đặc biệt mà qua đó họ có thể trực tiếp gắn cảnh báo các bài đăng trên Facebook và Instagram cũng như yêu cầu “bóp nghẹt hoặc đàn áp” các bài đăng đó sẽ chứng minh cho nghi vấn này.
Ông Elon Musk cũng hứa hẹn sẽ có nhiều tiết lộ hơn nữa về sự thông đồng giữa Big Tech và chính phủ, cụ thể là trên Twitter. Đến thời điểm ông Musk tiếp quản, Twitter đã hoạt động như một công cụ của chính phủ do độc đảng điều hành, dập tắt bất cứ điều gì mà chế độ này cho là “thông tin sai lệch” và “tin giả” về bất kỳ vấn đề nào — chính sách quốc tế và chiến tranh, kinh tế và suy thoái, đại dịch và vaccine, chính trị và bầu cử, những mục tiêu của giới tinh anh toàn cầu, thảm họa biến đổi khí hậu và cuộc Đại Tái Thiết đang được mở ra ngay lúc này đây.
Sự ra đời của các Đại công ty Công nghệ của chính phủ
Theo một bài báo gần đây trên tờ American Conservative của ông Wells King, giám đốc nghiên cứu của viện nghiên cứu kinh tế học theo phái bảo tồn truyền thống American Compass, điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Tác giả này khẳng định rằng ngay từ đầu Thung lũng Silicon đã là nơi chính phủ đổ các nguồn tài trợ lớn vào đó. Theo quan điểm của tác giả, chỉ những người tuân thủ “chủ nghĩa nguyên lý thị trường” (hay thị trường tự do) mới có thể khẳng định rằng “sự đổi mới, tiến bộ, và tăng trưởng như vậy là thành quả đến từ việc chính phủ không kiểm soát.” Đặc biệt, ông King khẳng định:
“Thung lũng Silicon là sản phẩm của chính sách công tích cực. Các công nghệ then chốt trong thời đại kỹ thuật số của chúng ta không phải là những sự tình cờ may mắn của ‘đổi mới không cần xin phép’ trong thị trường ‘tự điều tiết,’ mà là hành động có chủ ý và kéo dài của chính phủ.”
Hồi năm 1972, ông King lập luận rằng Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tân tiến (ARPA), đã trở thành Cơ quan quản lý các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tân tiến (DARPA), đã tài trợ và chỉ thị phát triển mọi thứ, từ mạch tích hợp đến bóng bán dẫn silicon đến các giao thức cho máy điện toán được kết nối mạng. Khách hàng chính của họ là Ngũ Giác Đài.
Gần đây hơn, như tôi đã lập luận, cả Google lẫn Facebook đều nhận được nguồn vốn khởi nghiệp — trực tiếp hoặc gián tiếp — từ các cơ quan tình báo Hoa Kỳ. Trong trường hợp của Facebook, nguồn vốn khởi nghiệp đến từ Palantir, Accel Partners, và Greylock Partners. Những nguồn tài trợ này hoặc nhận được tài trợ từ hoặc liên kết chặt chẽ với In-Q-Tel, công ty đầu tư vốn mạo hiểm thuộc khu vực tư nhân của CIA.
Năm 1999, CIA đã thành lập In-Q-Tel để tài trợ cho các công ty khởi nghiệp đầy triển vọng có thể tạo ra các công nghệ hữu ích cho các cơ quan tình báo. Như nhà phân tích Jody Chudley của St. Paul Research đã lưu ý, In-Q-Tel đã tài trợ cho Palantir, công ty khởi nghiệp của [tỷ phú] Peter Thiel, vào khoảng năm 2004. Sau đó công ty Palantir đã tài trợ cho Facebook. Như ký giả độc lập kiêm cựu phóng viên VICE Nafeez Ahmed đã trình bày hết sức chi tiết rằng mối liên hệ giữa Google với cộng đồng tình báo và quân đội rất sâu sắc. Ông Ahmed đã cho thấy rằng các mối quan hệ với các quan chức DARPA đã mang lại nguồn vốn khởi nghiệp và sau đó là nguồn tài trợ trực tiếp từ cộng đồng tình báo (IC). IC đã nhìn thấy tiềm năng chưa từng có của Internet trong việc thu thập dữ liệu, và việc đầu cơ vào các công cụ tìm kiếm mới nổi cũng là một cách then chốt để thu thập dữ liệu.
Có phải chính phủ đã tạo ra Internet?
Viết cho Tổ chức Giáo dục Kinh tế, ông Andrew P. Morriss kể một câu chuyện khác về Internet. Như ông Morriss nhận thấy, Internet có chút giống với ARPANET do ARPA tài trợ. Ông cho rằng Internet là kết quả của trật tự tự phát, không phải sự quản lý quan liêu từ trên xuống. Mặc dù chia sẻ thời gian (time-sharing) và chuyển mạch gói riêng (private packet switching) thực sự đã được phát triển thông qua sự giám sát và tài trợ của Bộ Quốc phòng, nhưng ông Morriss lập luận rằng chính phủ đã cản trở việc nghiên cứu và phát triển bằng cách lấn át hoạt động tư nhân.
Ông nói: “Các rào cản pháp lý đối với việc gia nhập, chứ không phải thiếu hoạt động kinh doanh, đã làm chậm những nỗ lực xây dựng các mạng lưới tư nhân.”
Ông lập luận rằng mạng lưới tư nhân, USENET, là nguyên bản thực sự của Internet.
Nhưng ông Morriss nhượng bộ cho chính phủ quá nhiều, do đó làm suy yếu lập luận của mình:
“Chắc chắn rằng sự sẵn có về tiền bạc không ràng buộc của các cơ quan quốc phòng liên bang đã giúp những người tiên phong về mạng ở thời điểm ban đầu dễ dàng tập trung vào các chi tiết kỹ thuật trong công việc của họ hơn.”
Với bằng chứng về nguồn tài trợ khởi nghiệp của chính phủ, chúng ta có thể phải thừa nhận lập luận rằng Internet có thể đã phát triển khác đi, chậm hơn, hoặc hoàn toàn không phát triển nếu Bộ Quốc phòng không tham gia ngay từ đầu. Có khả năng, những gì chúng ta gọi là Internet sẽ trở thành một hệ thống các mạng riêng, một chuỗi thông tin cá nhân ít nhiều được kết nối với nhau chỉ cấp quyền truy cập cho những người dùng được chọn.
Nếu đúng như vậy, các Đại công ty Kỹ thuật số (Big Digital) sẽ không phục vụ chính phủ như hiện tại mà thay vào đó, họ phục vụ người dùng cá nhân của họ. Kiểm duyệt sẽ là vấn đề của các chủ sở hữu tư nhân quyết định ai có thể lên tiếng và ở đâu. (Tất nhiên, đây là trường hợp rất phổ biến ngày nay, ngoại trừ việc chính phủ cũng quan tâm và có thể xác định những gì được phép và những gì không được phép.) Các Đại công ty Công nghệ Kỹ thuật số (Big Digital Tech) sẽ không phải chịu ơn chính phủ, và vấn đề ngôn luận sẽ không bị Bộ An ninh Nội địa quy định.
Đến thời điểm hiện tại, Big Digital không hoàn toàn tư nhân cũng không hoàn toàn thuộc chính phủ. Như Đạo luật Khoa học và CHIPS gần đây cho thấy, Big Digital đại diện cho cả lợi ích của chính phủ lẫn tư nhân. Điều này khiến hầu hết người dùng bị mắc kẹt giữa một bên là động cơ lợi nhuận và bên kia là mong muốn giám sát, kiểm duyệt, và tuyên truyền của chính phủ. Điều này lẽ ra có thể đã khác rồi.
Michael Rectenwald và Mises Institute
Nguồn: https://vietluan.com.au/93009/ai-thuc-su-so-huu-cac-dai-cong-ty-cong-nghe-ky-thuat-so/
– (*) Gulag là cơ quan chính phủ phụ trách mạng lưới các trại lao động cưỡng bức của Liên Xô được thành lập theo lệnh của ông Vladimir Lenin, đạt đến đỉnh cao dưới thời ông Joseph Stalin cai trị từ 1930 đến đầu những năm 1950. Những người nói tiếng Anh cũng sử dụng từ “gulag” để chỉ tất cả các trại lao động cưỡng bức ở Liên Xô, trong đó có các trại trong thời kỳ hậu Lenin.
– Viện Mises, được thành lập vào năm 1982, thúc đẩy việc giảng dạy và nghiên cứu trong trường phái kinh tế Áo, tự do cá nhân, lịch sử trung thực và hòa bình quốc tế, theo truyền thống của Ludwig von Mises và Murray N. Rothbard. Chúng tôi tìm kiếm một sự thay đổi triệt để trong môi trường tri thức, tránh xa chủ nghĩa thống kê và hướng tới một trật tự sở hữu tư nhân.
– Tiến sĩ Michael Rectenwald, là cựu giáo sư tại Đại học New York và là tác giả của 11 cuốn sách, trong đó có cuốn “Beyond Woke” (“Trước lúc Thức tỉnh), “The Google Archipelago” (“Quần đảo Google”) và “Springtime for Snowflakes” (“Mùa xuân cho những Bông tuyết”).
Be the first to comment