Giả Danh Công An Việt Nam Lừa Đảo Cư Dân Orange County

(Minh họa: Unsplash)

Câu chuyện có thật do độc giả SGN kể lại

Sau hai ngày sống trong vòng kiểm soát của “công an Việt Nam”, tôi muốn kể với SGN, câu chuyện mình suýt bị lừa như thế nào.

Trưa ngày 7 Tháng Mười Hai, tôi nhận được cuộc gọi xưng là từ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, nói có thông tin quan trọng cần gặp tôi, và nói:

“Tôi là chuyên viên Phạm Hà Giang, đang công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ. Theo thông tin chúng tôi có được, vào ngày 11 Tháng Mười năm 2022, ông Nguyễn Văn Long xuất cảnh đi nước ngoài thì bị hải quan sân bay Tân Sơn Nhất chặn lại, kiểm tra hành lý và phát hiện ông Long mua bán thông tin của người dân ra nước ngoài, có ghi thông tin của chị ký gửi hành lý cho ông Long, nên có nghi ngờ chị quen biết với ông ta và tiếp tay cho ông ta mang giấy tờ trái phép này sang Mỹ.”

Khi ấy tôi rất hoảng, và khẳng định không biết Nguyễn Văn Long là ai. Nghe vậy, Giang hỏi: “Vậy trong thời gian qua chị có về Việt Nam lần nào không?” Tôi trả lời “Không”, bên kia nói tiếp: “Nếu chị nói như vậy thì chúng tôi sẽ phối hợp công an Việt Nam để điều tra làm rõ nhằm minh oan cho chị, vì điều này ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của chị. Hiện nay chị đang ở Mỹ, nên chúng tôi sẽ liên lạc với công an Việt Nam để chị trình báo trực tiếp.”

Người “đại diện đại sứ quán Việt Nam” cung cấp cho tôi một mã số là 0058178, và nói đừng cúp máy, chờ họ kết nối với công an Việt Nam.

Hình ảnh đại diện của bọn lừa đảo trên Viber.

Vài giây sau, trên điện thoạt phát ra tiếng tổng đài “Đây là công an TPHCM, cuộc gọi của bạn đang được kết nối, xin vui lòng chờ máy.” Sau tín hiệu “tít tít tít” tôi nghe một giọng nữ: “A lô, phòng điều tra công an TPHCM nghe đây.” Tôi kể lại vụ việc, người nữ xưng là Trương Ánh Hồng, cán bộ công an TPHCM, hỏi tiếp: “Thế họ có cung cấp gì cho chị không?

Tôi đọc lại số 0058178. Bên kia nói: “Vụ việc của chị rất nghiêm trọng nên phải lập bộ hồ sơ trình báo án, sau khi có hồ sơ trình báo án chúng tôi sẽ tiến hành điều tra giúp cho chị. Vì chị đang sống tại Mỹ, nên do khoảng cách về địa lý, tôi sẽ giúp chị trình báo cho cơ quan công an bằng cuộc gọi điện thoại với hình thức lưu âm qua điện thoại, sử dụng hệ thống ghi âm một chiều bên Bộ Công an. Cuộc ghi âm về mặt pháp lý, ngang bằng với việc chị đã đến trực tiếp cơ quan trình báo sự việc.”

Giọng nữ đưa ra yêu cầu trong quá trình làm việc chỉ có một mình tôi trong phòng kín, không có người thứ ba, tiếng ồn hoặc tiếng tạp âm quá lớn. “Để buổi làm việc có tính minh bạch, chúng tôi sẽ chuyển sang cuộc gọi video và chiết xuất camera, cùng đối chiếu với thông tin mà tên Nguyễn Văn Long khai,” đầu dây bên kia nói tiếp. “Chị đọc số điện thoại đang sử dụng Viber, đồng chí công an sẽ kết bạn với chị và gọi video cho chị, chị chờ trong giây lát.”

Đến lúc này, tôi suy nghĩ, sao cảnh sát Việt Nam bây giờ lại sử dụng cả Viber để làm việc? Cắt dòng suy nghĩ của tôi là cuộc gọi Viber, yêu cầu mở camera để kiểm tra xem có đúng là tôi đang ở một mình không. Sau đó cuộc gọi được chuyển qua một giọng khác, xưng là đại úy Hoàng Minh Tuấn, số hiệu quân nhân 176268, thuộc Phòng cảnh sát điều tra Công an TPHCM, nói sẽ lập tám bộ hồ sơ và gửi lên Phòng thông tin Công an để điều tra trực tuyến.

Vài giây sau (lúc này “đại úy Tuấn” vẫn yêu cầu tôi giữ máy), một giọng nói như phát ra từ bộ đàm, cho biết tên Nguyễn Văn Long sử dụng hộ chiếu của tôi để mở tài khoản tại Ngân Hàng Đầu Tư & Phát Triển Việt Nam (BIDV) nhằm mục đích rửa tiền cho một đường dây xuyên quốc gia với số tiền trên 20 tỉ 600 triệu VN đồng. Và đưa ra cảnh báo: “Trong quá trình làm việc nếu nhận thấy chị có thái độ bất hợp tác, không thành khẩn khai báo, ngay lập tức chúng tôi sẽ liên kết với an ninh bên đó để làm việc trực tiếp với chị đấy.”

Sau đó, “đại úy Tuấn” tiếp tục “làm việc” với tôi, nói:

Vì đây là vụ trọng án do Bộ chỉ đạo trực tiếp, Ban thi hành án yêu cầu chị giữ bí mật từ bây giờ cho đến một tuần tới, không được rò rỉ bất cứ thông tin gì kể cả chồng, con cái. Lý do, các cá nhân có liên quan có thể ở trong ngành và cả những tên tội phạm ở Mỹ, nếu rò rỉ thông tin ra ngoài sẽ gây khó khăn cho quá trình điều tra. Trong đường dây rửa tiền xuyên quốc gia này, chúng tôi đã bắt được một số tên tội phạm nhưng vẫn còn một số tên đang lẩn trốn ở nước ngoài, có thể dùng súng để uy hiếp chị. Vì sự an toàn của bản thân, gia đình chị, từ bây giờ, chị luôn phải báo cho chúng tôi biết chị đang làm gì, ở đâu.”

Sau khi nói đi nói lại “đây là vụ trọng án” và căn dặn tôi phải tuyệt đối giữ bí mật, “đại úy Tuấn” nói: “Bây giờ tôi tạm ngưng cuộc gọi để xuống trại giam, lấy khẩu cung của tên Long, rồi ngày mai sẽ tiếp tục làm việc với chị.”

Vừa tắt máy, tôi nhận được tin nhắn:“Bây giờ tôi lên họp ban chuyên án. Chị nhớ những gì tôi căn dặn và báo cáo cho tôi trước khi đi ngủ và khi thức dậy.”

Lúc này, đồng hồ chỉ 1:36 trưa. Có nghĩa bên Việt Nam là 4:36 sáng, ngày 8 Tháng Mười Hai.

Tin nhắn trên Viber, độc giả SGN cung cấp.

Sáng hôm sau, lúc 7 giờ, tôi nhận được tin nhắn: “Chị đã thức dậy chưa? Chị ăn sáng đi, khi nào xong nhắn tin tôi sẽ gọi để làm việc với chị.”

Lúc 7:34 sáng (giờ Việt Nam là 10:34 tối), khi tôi nhắn đã sẵn sàng, thì nhận cuộc gọi vẫn qua Viber của “đại úy Tuấn”:

Tôi đang ở cơ quan, có tài liệu và cả ban chuyên án ở đây, nay phổ biến với chị một số vấn đề. Trước khi phổ biến tôi nói rõ bản chất của những tên tội phạm: Nguyễn Văn Long là một trong những tên cầm đầu đường dây rửa tiền xuyên quốc gia, có rất nhiều tiền án tiền sự về tội rửa tiền, tàng trữ vũ khí, rất manh động và nguy hiểm nhưng cách đây 10 ngày đã bị bắt cùng 70 đồng bọn.

Đồng thời chúng tôi bắt Lê Thị Thu Thảo là một giao dịch viên của ngân hàng BIDV, một mắt xích rất quan trọng. Tên Long khai chị mở tài khoản và bán lại cho chúng với giá 200 triệu đồng và nhờ đàn em giao tận tay cho chị ở Mỹ.”

Tới đây, thông thường, bọn lừa đảo sẽ yêu cầu cung cấp số tài khoản để chứng minh sự trong sạch, không cấu kết với nhóm rửa tiền. Tôi đã tính cúp máy luôn cho xong để đỡ mất thời gian, nhưng cũng muốn nghe thêm bọn lừa đảo có nói “đúng bài” hay không.

Quả thật, đầu dây bên kia tiếp tục đưa ra những thông tin nhằm gây hoảng loạn cho người yếu bóng vía, và yêu cầu “hợp tác điều tra” bằng cách chứng minh nguồn tài khoản từ thu nhập chính đáng hay nhận tiền của bọn rửa tiền. Và để chứng minh, tôi phải cung cấp số tài khoản các ngân hàng ở Mỹ, số dư nợ là bao nhiêu. Tôi trả lời, do nhận thấy vụ việc nghiêm trọng, nên đã mua vé về Việt Nam để gặp trực tiếp “đại úy Tuấn”. Tới lúc này, “đại úy Tuấn” nói mạng yếu quá, không nghe rõ, và tự động cúp máy.

* * *

Thời gian qua, theo báo chí trong nước, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam liên tiếp đưa ra những cảnh báo về giả mạo để lừa đảo. Để không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo qua mạng, Trung tâm này nhắc mọi người cần cảnh giác, kể lại với người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại để tránh mắc bẫy. Cơ quan công an không bao giờ làm việc với người dân qua điện thoại, không yêu cầu người dân cung cấp thông tin và tài khoản ngân hàng, mã OTP và chuyển tiền đi bất cứ đâu.

Qua SGN, tôi muốn kể lại câu chuyện này khá chi tiết, là kinh nghiệm, trong trường hợp nhận được những cuộc gọi và lời nói tương tự, thì biết đó là của bọn lừa đảo. Vấn đề là bọn lừa đảo không chỉ lừa người dân trong nước, mà đã và đang hoạt động ở khắp nơi, xuyên lục địa.

Theo SGN News ngày 13 tháng 12, 2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*