Thi Học Sinh Giỏi, Quái Dị Và Đau Thương

Tôi sẽ phác họa vài nét chính, để những ai không làm trong ngành giáo dục có thể hình dung. Và xuất phát điểm sẽ là nhìn từ cấp THPT để từ đó mà quan sát rộng ra.

Khi học sinh bước chân vào lớp 10, các trường phổ thông sẽ tiến hành “rà soát”, “nắm bắt đối tượng” rồi tùy từng trường mà dùng những cách khác nhau để “tuyển” lấy một đội theo từng môn học, gọi là Đội tuyển học sinh giỏi. Ở nhiều trường, nhất là trường chuyên, còn phân ra các đội khác nhau ở mỗi môn: đội tuyển thi tỉnh, đội tuyển thi Olimpic, đội tuyển thi Quốc gia…

Các đội tuyển này sẽ được dành cho những nguồn lực tốt nhất ngay từ đầu để phục vụ “công tác luyện thi” mà nhiều người vẫn gọi là luyện gà chọi. Những giáo viên “tốt nhất” được trưng dụng, thời gian được “tạo điều kiện tối đa”, mua sắm sách vở bộ đề, thuê giáo sư về dạy, dắt díu lên kinh tầm sư… Ở trường chuyên, nguồn kinh phí cấp cho một đội như thế trước các kỳ thi có thể lên đến nhiều trăm triệu đồng. Tiền không tiếc, miễn là có giải và phải có giải. Chương trình được học trước, có thể hết lớp 10 đã xong chương trình THPT, sau đó chỉ miệt mài luyện đề thi. Ngày đêm luyện đề.

Miệt mài như thế, cho đến cuối năm lớp 11, nếu em nào thật sự nổi trội thì có thể cho cho tham gia cuộc thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12 hoặc thi học sinh giỏi quốc gia; bằng không thì sẽ đợi thêm 1 năm nữa. Trong suốt 3 năm THPT, học sinh đội tuyển chỉ có luyện và luyện, thi và thi. Hết kiểm tra liên tục trong nội bộ đến tham gia các kỳ thi Olimpic, thi tỉnh, thi quốc gia. Nhóm học sinh này dường như chỉ có một sứ mạng duy nhất là đi thi, để mang giải về cho trường. Đó là một đội quân chuyên nghiệp, một mũi giáp công, là đội tiền phong, nhiệm vụ là chiến đấu và chiến đấu.

Nhiều em sau “thời trai trẻ” tham gia chinh chiến liên miên, đến cuộc thi cuối cùng là thi học sinh giỏi quốc gia cuối năm lớp 12 thì trở về, ngơ ngác trước quê nhà như một khách lạ phương xa. Vì mải tham chiến một môn nên giờ đã quên mất cấy gặt, ruộng đồng bỏ không, lâu ngày cỏ dại mọc đầy, “rêu phong dấu giày”. Thế là lao vào ôn thi tốt nghiệp, ôn thi đại học. Vắt chân lên cổ mà chạy, tối tăm mặt mũi mà học.

Áp lực đoạt giải trong các kỳ thi được gắn chặt với trách nhiệm “mang vinh quang về cho trường” đã khiến nhiều em rơi vào khủng hoảng, trầm cảm, trở nên quẫn trí, nhất là sau khi có kết quả mỗi kỳ thi. Có những em vì rớt hoặc không đạt thành tích như kỳ vọng mà đã đóng cửa không gặp ai suốt nhiều ngày, thế giới dường như sụp đổ, địa ngục hiện ra trước mắt.

Những em thi đạt, sau bao nhiêu năm “đánh thành” thì nhìn tấm huy chương, không biết treo nó lên đâu và cũng chẳng biết dùng vào việc chi. Có học sinh cầm tấm huy chương vàng Olimpic trên tay và nói với tôi rằng, bây giờ em mới biết nó chỉ là một miếng kim loại!

Không ít em sau khi mang chuông đi đánh xứ người, hoàn thành vẻ vang sứ mệnh cao cả trở về thì quay ra oán trách nhà trường đã “vắt chanh bỏ vỏ”. Khi còn là lính vào sinh ra tử thì được chiều chuộng cung phụng, được phủ lên người lớp hào quang lấp lánh; khi đã “phục viên” thì bị làm lơ, bị lạnh nhạt, có khi còn bị phản bội.

Cái cuộc chiến học sinh giỏi khốc liệt ấy trở nên quái thai nhất là ở các trường chuyên, đặc biệt là những tỉnh có 2 trường chuyên trở lên. Người ta không những khiến học sinh cả nước “nồi da nấu thịt” “gà cùng một mẹ” cũng đá nhau chí chết. Lãnh đạo tổ chức cho chúng đá nhau, như ở Quảng Nam vừa rồi. Vì sao phải đá nhau? Vì như thế mới “tuyển” được những em “tốt nhất”, dù đau thương tang tóc. Người ta không chọn cách mua đề, thuê người ngoại tỉnh ra đề, mà để giáo viên 2 trường tự chiến với nhau, và rồi học sinh 2 trường chiến với nhau. Một cuộc tang thương dâu bể,
“Đun đậu nấu làm canh
Lọc đậu để lấy nước
Cành đậu đốt dưới nồi
Hạt đậu trong nồi khóc”.
Mặc, đau thương cũng nấu, hủy hoại cũng nấu, bất công cũng nấu, độc ác cũng nấu…

Cả trường bơ phờ, cả tỉnh bơ phờ. Sáng mai có kết quả, cả đêm thức trắng. Hoặc là “vỡ òa” hoặc là bi thương. Có những năm trường như có tang. Sáng mai lên trường, một không khí u ám bao trùm, người gặp người cúi mặt. Trò khóc, cô khóc, hiệu trưởng đằng đằng sát khí. Người tránh gặp người, đi nhẹ nói khẽ, hết tiết thì một mạch thẳng ra nhà xe, bằng đôi chân chì… Cái không khí ấy kéo dài hàng tháng trời, rồi nhạt dần, nhạt dần; nhưng cứ mỗi buổi họp thì lại được mang ra nhấn vào, quyết không cho vết thương liền sẹo, cho đến kỳ thi năm sau chuộc được tội mới thôi.

Nước người ta thì đi học vui vẻ, nổi hứng thì tổ chức thi, em nào thích thì đăng ký, dạo chơi cùng nhau một chuyến để gặp, để thử, để cười, để sáng tạo… Còn ta, ta là sinh tử, là sứ mạng, là nhiệm vụ chính trị; là mất ngủ, là đổ bệnh, là nhục, là vinh, là còn, là mất…

Học để biết để dùng thì khác với học để thi. Tùy theo luật chơi, thi có thể 10 điểm nhưng không dùng được, không biết dùng vào đâu và để làm gì. Thành tích, vì thế, chỉ là một món trang sức để an ủi nhau, lừa phỉnh nhau, mị nhau. Trong một điều kiện “máu chảy đầu rơi” như thế, nhồi nhét, khủng bố, đi đêm, chạy điểm, gà bài, không gì là không thể có.

Người ta dùng những kỳ thi để đưa nhau lên hay đạp nhau xuống, để cho nở mày nở mặt hay làm cho “sỉ nhục một lần” mới thôi. Trong cuộc chiến ấy, khi áo giáp tả tơi trở về thì lòng nhân hậu, sự nhạy cảm, tình thương yêu, tự trọng và bao nhiêu nghĩa lý của giáo dục đã bị bỏ lại nơi chiến địa, nằm lẫn với những tro than đất đá.

Những cuộc thi như thế, ngoài cái vinh quang giả tạo và sự ê chề nực cười, hậu quả để lại trong nhân cách người thầy, trong tâm hồn trẻ em là không gì đo đếm được. Đó là một cuộc tàn sát lương tri, là một trận càn nhân tính. Chỉ còn thắng – thua, trên – dưới, nhục – vinh, chỉ còn sự ráo hoảnh giữa người và người.

Có người đang nghĩ rằng, chắc vì tôi là một kẻ thất bại nên mới nhìn một cuộc thi theo cách như thế. Không, tôi là người đầu tiên dạy cho khóa đầu tiên của một ngôi trường chuyên vừa thành lập có giải quốc gia, khi tất cả các môn khác đều “thất bại”. Nhưng sau khóa đầu ấy, nhìn ra sự vô nghĩa và di hại đau đớn của một lối thi cử phản giáo dục, tôi không còn “nhuệ khí” và không muốn tham dự vào những trò chơi chết chóc ấy nữa. Gắng gượng thêm chút thời gian, biết không thể thay đổi được nó, đành phải bước ra trong cay đắng. Chỉ thương những tâm hồn thơ trẻ ngày ngày bị đầu độc, bị hoen ố, bị tàn hại, mà không cách gì cứu được…

Thái Hạo
Ngày 4-11-2022

Nguồn: https://baotiengdan.com/2022/11/04/thi-hoc-sinh-gioi-quai-di-va-dau-thuong/

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*