Một Tấm Hình Có Thể Thay Đổi Thế Giới

Một tấm hình có thể góp phần chấm dứt chiến tranh? Tôi biết thế vì tôi đã chụp một bức hình làm được điều ấy.

Những tấm hình từ Ukraine do các nhiếp ảnh gia chiến trường, như nhiếp ảnh gia theo hợp đồng James Nachtwey và các phóng viên nhiếp ảnh Felipe Dana, Mstyslav Chernov và Evgeniy Maloletka của thông tấn xã Associated Press (AP), chụp đã phơi bầy những hậu quả kinh hoàng của cuộc xâm lăng của Nga và những hành xử tán tận lương tâm đối với các thường dân vô tội.

Cách đây năm mươi năm, tôi ở cùng hoàn cảnh của các nhiếp ảnh gia ấy, làm việc cho Associated Press ở Việt Nam.

Người đã cho tôi cảm hứng theo nghề phóng viên nhiếp ảnh là anh trai tôi, anh cộng tác với AP trước tôi và được phóng viên chiến trường nổi tiếng Horst Faas dẫn dắt. Anh dạy tôi sử dụng máy ảnh và trước khi mất trong một trận đánh anh tháp tùng, anh bảo tôi: «Anh hi vọng một ngày nào đó em sẽ có một tấm hình làm chiến tranh chấm dứt.»

Horst phản đối kịch liệt khi tôi quyết định bước theo dấu chân anh tôi. Ông bảo ông không muốn phải gọi điện cho mẹ tôi và thông báo bà đã mất thêm một đứa con trai. Tôi trả lời là tôi hiểu sự rủi ro và đấy là lựa chọn của tôi.

Anh tôi tin rằng nghề nhiếp ảnh có thể phục vụ mục đích công bằng xã hội và tôi chia sẻ suy nghĩ ấy nhưng không hiểu một bức ảnh làm sao có thể có ảnh hưởng như anh nói. Ngày hôm nay, nhiều người nghĩ rằng tấm hình «cô bé napalm» của tôi đã có công làm chiến tranh Việt Nam kết thúc sớm hơn. Điều tôi biết chắc là nó biểu hiện sự kinh khủng tuyệt đối của chiến tranh – một bé gái trần truồng chạy giữa huỷ diệt và chết chóc.

Ngày 7 tháng 6 năm 1972, tôi nghe tin đang có trận đánh ở Trảng Bàng, một làng nhỏ cách Sài Gòn khoảng 48 cây số về phía tây bắc. Tôi vẫn nhớ rõ chuyến đi sáng hôm sau lái xe lên Trảng Bàng, những xác người nằm la liệt ven đường và hàng trăm người lánh nạn trốn chạy ra khỏi vùng. Đến nơi là một làng bị tàn phá sau mấy ngày hứng chịu bom. Dân làng kiệt sức vì các trận đánh liên tục, bỏ làng đi trú ẩn, trên mặt đường, dưới gầm cầu, bất cứ nơi nào có thể cho họ một lúc yên lặng.

Đến trưa tôi đã có những tấm hình tôi nghĩ cần chụp. Đang sửa soạn ra về tôi thấy một người lính Việt Nam Cộng hoà bắn một pháo khói vàng, dùng để báo hiệu mục tiêu, gần một xóm nhà. Tôi cầm máy ảnh lên và vài giây sau chụp được một máy bay thả bốn bom napalm lên làng.

Lúc bom nổ, chúng tôi không biết có ai bị thương không. Suốt buổi sáng, làng như không còn ai ở. Nhưng có nhiều người ẩn náu trong chùa làng.

Lại gần, chúng tôi thấy một đám người trốn chạy khỏi chỗ bom. Tôi kinh hãi thấy một phụ nữ chân trái bị phỏng nặng. Trong ký ức tôi vẫn thấy rõ bà cụ ẵm một trẻ sơ sinh chết ngay trước ống kính của tôi và một phụ nữ khác bế một đứa bé da tróc ra từng mảng.

Và tôi nghe một tiếng trẻ con la to «Nóng quá! Nóng quá!» Trong kính ngắm của máy ảnh tôi thấy một cô gái nhỏ đã cởi tung quần áo bị bốc cháy và chạy về phía tôi. Tôi bắt đầu chụp hình con bé.

Rồi con bé la lên với anh nó là em sắp chết, em phải uống nước. Tôi để ngay máy ảnh xuống để giúp nó, chụp hình không còn quan trọng. Tôi đưa bi đông nước của tôi cho con bé uống, đổ nước lên người nó cho bớt nóng nhưng lại làm nó càng đau hơn nữa. Lúc ấy tôi không biết là phải tránh đổ nước lên một người bị phỏng nặng.

Vẫn còn sốc và giữa sự hỗn độn của bao nhiêu tiếng kêu la, tôi cho tất cả mấy đứa trẻ lên xe van của AP.

Tôi lái xe đưa chúng đến bệnh viện Củ Chi, gần Trảng Bàng nhất. Con bé vẫn khóc và hét «Con sắp chết! Con sắp chết?» Tôi nghĩ thế nào nó cũng sẽ chết trong chiếc xe van này.

Ở bệnh viện, tôi được biết con bé tên là Phan Thị Kim Phúc, bị bỏng cấp độ ba trên hơn 30% cơ thể. Trong bệnh viện quá tải với vô số binh lính và thường dân bị thương đã đưa vào, các bác sĩ thoạt tiên không nhận và bảo tôi đưa con bé đến bệnh viện lớn hơn ở Sài Gòn. Nhưng tôi biết nó sẽ chết nếu không được cứu chữa ngay. Tôi giơ lên thẻ nhà báo và nói: «Nếu một trong mấy đứa này chết thì tôi sẽ nhất quyết làm cho cả thế giới biết.» Họ bèn đưa Kim Phúc vào. Tôi chưa bao giờ hối tiếc quyết định này.

Khi trạng thái đã ổn định, Kim Phúc được chuyển đến bệnh viện nhi ở Sài Gòn và khoa phỏng ở đó. Nhưng thương tích không phải là tổn thương duy nhất cô bé phải chịu trong vụ oanh kích: hai cháu trai chết và một đứa anh cũng bị thương nặng.

Sau một năm ở khoa phỏng Kim Phúc được phép về nhà trong một ngày. Tôi đến thăm hôm ấy, đem đến đồ chơi và sách của hội Hồng Thập Tự, trái cây và bánh của văn phòng AP. Căn nhà của gia đình đã bị phá huỷ nhưng Kim Phúc tươi cười. Tôi vui thấy cô bé quây quần với cả gia đình và lại được chơi với những đứa trẻ khác trong làng.

Sau khi Sài Gòn thất thủ năm 1975, tôi không gặp lại Kim Phúc cho đến năm 1989 ở Cuba. Tôi đi công tác và cô là du học sinh đang học dược và tiếng Tây Ban Nha. Kim Phúc giới thiệu tôi với chồng chưa cưới tên là Toàn. Cho đến khi gặp Toàn, cô nghĩ là với những vết bỏng trên người, cô sẽ không bao giờ có người yêu và sẽ chẳng bao giờ có ai muốn cưới cô.

Cả hai muốn rời bỏ Việt Nam. Sau đám cưới, một người bạn biếu họ tiền đi trăng mật ở Moscow, và họ tìm được cơ hội. Trên đường về Cuba khi máy bay dừng lại ở Gander, Newfoundland, để tiếp nhiên liệu, Kim Phúc và Toàn bỏ hành lý, đến nói với hải quan: «Chúng tôi xin tị nạn». Nhà chức trách Canada lúc đầu từ chối nhận họ nhưng sau khi họ biết Kim Phúc là cô bé trong bức hình nổi tiếng, cả hai được đặc xá.

Ngày nay hai vợ chồng Kim Phúc sống ở Toronto với hai đứa con. Kim Phúc là đại sứ thiện chí của UNESCO. Trong nhà có nhiều sách về chiến tranh nhưng cô không muốn nhìn hình ảnh chiến tranh, bất cứ gì gợi nhớ lại cơn ác mộng đã sống. Cô vào đạo Thiên Chúa và đi lễ mỗi tuần. Tuy lúc nào cô cũng tươi cười, tôi thấy nỗi đau của cô và những gì cô và tôi đã thấy và phải chịu đựng cách đây 50 năm.

Kim Phúc lúc đầu căm ghét tấm hình nhưng ngày nay cô nghĩ nó đã cho cô một ý chí. Cô cống hiến tiếng nói của mình cho hoà bình và giúp đỡ những người cùng số phận trong những nước bị chiến tranh tàn phá.

Kim Phúc và tôi là hai người gắn bó với nhau trong lịch sử. Cho tới ngày hôm nay tôi vẫn coi cô như người ruột thịt. Cô gọi tôi là «Chú Út» và chúng tôi thường xuyên nói chuyện với nhau. Nhưng tôi sẽ luôn luôn oán thù cái hoàn cảnh đã cho chúng tôi gặp nhau.

Thấy tận mắt những kinh khủng của chiến tranh cho một tầm nhìn mà chỉ một ít người có thể trải nghiệm. Song, giữa chết chóc và huỷ diệt của chiến tranh, vẫn bừng sáng sự kiên cường của con người – và tôi nhớ đến điều này mỗi lần nhìn một tấm hình người dân Ukraine đùm bọc nhau trong những lúc đầy thử thách này.

Với niềm lạc quan ấy trong tim, tôi hi vọng là trước một bé gái Ukraine ngây thơ cần được cứu giúp, người lính Nga sẽ phản ứng như tôi ngày ấy, đặt súng xuống để chăm lo cho một đồng loại.

Tôi tự hào về tấm hình của tôi, về những cảm xúc và trao đổi đã nảy sinh từ nó trên khắp thế giới. Sự thật vẫn cần thiết. Nếu một tấm hình đơn nhất có thể tạo ra sự khác biệt, thậm chí góp phần chấm dứt chiến tranh thì việc làm của chúng tôi cũng cốt yếu ngày hôm nay như từ trước đến giờ.

Nick Út
Đỗ Tuyết Khanh dịch

Nick Út là một nhiếp ảnh gia nghỉ hưu
Nguồn: The Washington Post 2.6.2022

1 Comment

  1. Thế thì khi csvn pháo kích vài trường Tiểu-học Cai-lậy giết chết các em học sinh thì Nick Út ở mô? Nick Út có đến Đại lộ kinh hoàng tại Qủang-Trị cũng năm 1972 để chụp hình em bé bú sửa trên thân xác người mẹ đã trúng đạn pháo kích chết?

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*