(Nguồn: losspreventionmedia.com)
Tình trạng lạm phát trong nhiều tháng qua cho đến nay vẫn chưa thấy có dấu hiệu chậm lại. Theo bản phúc trình của Bộ Lao Động đưa ra hôm thứ Sáu 9/6 cho biết chỉ số giá tiêu thụ (consumer-price index – CPI) đã tăng 8.6% trong tháng 5 so với cùng tháng này một năm trước đó, là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 12 năm 1981. Con số này cũng tăng so với chỉ số CPI của tháng 4 là 8.3%.
Trong khi ít ngày trước đó tại một cuộc điều trần trước quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo rằng Hoa Kỳ có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao thêm một thời gian dài, có thể cho đến cuối năm nay.
Mức lạm phát tăng trong tháng 5 được thúc đẩy một phần bởi giá cả tăng cao ở tất cả mọi mặt hàng và dịch vụ, từ năng lượng và xe cộ cho tới hàng tạp hoá, thực phẩm và nhà hàng.
Lạm phát là một trong những vấn đề nhức nhối nhất mà các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách của chính phủ phải đối mặt, và là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ suy trầm. Nguyên nhân thì có nhiều, và các biện pháp thường được đưa ra để chế ngự áp lực của giá cả trên thị trường, trong một số trường hợp, có thể đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng suy trầm.
Định nghĩa lạm phát
Lạm phát phản ảnh tình trạng giá cả tăng hoặc sự giảm sụt giá trị của tiền tệ. Ðây thường là kết quả của mức cầu nhiều hơn mức cung (hay nói cách khác là số lượng hàng hóa cung cấp không đủ cho mức tiêu thụ), đưa đến tình trạng tăng giá. Giá cả tăng cao không nhất thiết làm tổn hại đến nền kinh tế nói chung, và do đó chỉ những người tiêu thụ khi mua hàng mới cảm thấy sự gia tăng này.
Thí dụ, giá xe cũ và mới tăng mạnh do tình trạng khan hiếm xe trên thị trường, trong đó nguyên do chính là thiếu các bộ phận lắp ráp như thiết bị bán dẫn chẳng hạn. Việc tăng giá xe không nhất thiết ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trừ khi người ta cần phải mua xe, khi ấy mới nhận thấy giá trị đồng tiền trương mục ngân hàng của mình đã bị sụt giảm.
Giá tăng cao hơn trong một khu vực nào đó cũng không nhất thiết dẫn đến tình trạng lạm phát chung trên toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, việc giá cả tăng trên nhiều loại mặt hàng cùng một lúc sẽ làm suy yếu đi sức chi tiêu của người tiêu thụ.
Bảng giá tại một trạm xăng ở California. (Nguồn: Reuters)
Nguyên nhân lạm phát
Tình trạng lạm phát bùng phát hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn có liên quan đến đại dịch. Thứ nhất, tiền tiết kiệm trong các trương mục của người tiêu tăng đáng kể do từ các chương trình kích thích của chính phủ và việc giảm chi tiêu trong thời gian đại dịch do các biện pháp đóng cửa được thực hiện, thì nay người ta có cơ hội để mua sắm mạnh khiến nguồn cung không theo kịp và hàng hóa trở nên khan hiếm.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài, cùng với việc Nga xâm lăng Ukraine và sự gia tăng gần đây của các trường hợp nhiễm Covid tại Trung Quốc đã tạo thêm áp lực cho thị trường. Giá năng lượng, trong đó có giá xăng, tăng cao. Tài xế xe tải, chỗ đổ hàng tại bến cảng và chỗ cất hàng tại các nhà kho đều đang thiếu hụt, đưa đến tình trạng chậm trễ trong việc giao hàng và chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao.
Thị trường lao động thiếu nhân công và điều này khuyến khích những người đang làm việc đòi tăng lương. Lãi suất thấp dựa trên mức ấn định của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) đã làm cho việc vay tiền trở nên rẻ hơn, khiến các khoản mua sắm lớn như xe, bàn ghế, đồ gia dụng trở nên hấp dẫn hơn. Fed hiện đang thay đổi chính sách để làm cho việc vay tiền trở nên tốn kém hơn, bằng cách sử dụng công cụ chính của ngân hàng trung ương là tăng lãi suất. Những yếu tố nói trên và nhiều yếu tố khác khiến cho các chi phí gia tăng.
Chi phí tăng, ở mỗi giai đoạn từ sản xuất đến bán hàng, đưa đến giá cả tăng cao hơn đối với người tiêu thụ.
Đo mức lạm phát
Có nhiều cách khác nhau để đo lường mức lạm phát, thậm chí ngay trong các cơ quan chính phủ cũng có sự khác biệt. Phiên bản chúng ta thường thấy được trong các bản tin là lấy từ chỉ số giá tiêu thụ CPI của Bộ Lao Ðộng, được tính bằng cách sử dụng kết quả khảo sát các gia đình và chỉ bao gồm các món chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ. CPI không tính đến các khoản chi tiêu không được thanh toán trực tiếp, chẳng hạn như chăm sóc y tế là do bảo hiểm sức khỏe chi trả. Do sự giới hạn trong việc tính toán các khoản chi tiêu như nói trên khiến chỉ số CPI có thể không được chính xác. Theo một số kinh tế gia, mức lạm phát thực sự hiện nay có thể là hơn 10%.
Giá thực phẩm tăng hơn 10% kể từ đầu năm. (Nguồn WSJ)
Những mặt hàng và dịch vụ tăng cao nhất
Giá cả tăng cao ở khắp mọi khu vực của nền kinh tế, nhưng không đồng nhất. Giá năng lượng tăng mạnh nhất, ở mức 34.6% so với một năm trước đó. Giá xe cũ trong tháng 5 đã tăng 23.4% so với năm ngoái, sau khi giảm đôi chút trong ba tháng liên tiếp. Giá hàng tạp hóa tăng 11.9%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 1979. Giá ăn uống tại nhà hàng cũng tăng cao nhất kể từ đầu thập niên 1980. Giá thực phẩm, trong đó có thịt và trứng, tiếp tục tăng ở mức hơn 10% so với cùng thời gian một năm trước.
Lương có tăng nhưng…
Trong thị trường lao động thiếu hụt nhân công như hiện nay đương nhiên là người đi làm được tăng lương cao hơn bình thường. Nhưng nếu tính theo giá trị thực sự của đồng đô la, tiền lương của họ tính ra lại không tăng bao nhiêu như trước đây. Tiền lương tăng hàng năm đang ở mức nhanh nhất so với thời gian hai thập niên vừa qua, nhưng mức lạm phát tiếp tục tăng nhanh hơn so với mức lương được tăng của hầu hết những người đi làm, khiến cho khả năng chi tiêu của họ thực ra yếu hơn so với trước khi có đại dịch.
Ý kiến từ các kinh tế gia
Hầu hết các kinh tế gia tin rằng lạm phát sẽ bắt đầu giảm bớt trong năm nay, nhưng vẫn ở mức cao hơn mức tiền đại dịch và sẽ kéo qua năm 2023. Như vẫn thường thấy có những ý kiến khác nhau trong số các kinh tế gia, cho đến nay vẫn có sự bất đồng về giá cả sẽ ổn định ở mức nào.
Kinh tế suy trầm?
Lạm phát hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm. Giá cổ phiếu sụt giảm mạnh. Ngân hàng Dự trữ Liên bang đang cho tăng lãi suất khiến cho việc vay tiền trở nên tốn kém hơn. Và nền kinh tế Hoa Kỳ thực sự có suy giảm trong ba tháng đầu năm nay. Nhưng ngay vào lúc này, ngay cả các kinh tế gia bi quan nhất cũng nói rằng chưa có dấu hiệu của một cuộc suy trầm trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, một số diễn biến đáng lo ngại trong những tuần lễ vừa qua cho thấy nguy cơ kinh tế suy trầm có thể đang gia tăng. Tình trạng lạm phát cao kéo dài lâu hơn nhiều so với dự đoán của nhiều kinh tế gia. Việc Nga xâm lăng Ukraine đã làm giá lương thực và năng lượng toàn cầu tăng cao hơn. Chính sách “zero Covid” tại Trung Quốc buộc các nhà máy sản xuất phải đóng cửa do các trường hợp lây nhiễm Covid gia tăng trong mấy tháng đầu năm khiến cho tình trạng thiếu hụt hàng hoá càng thêm trầm trọng.
Và khi Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Jerome Powell phát biểu tại một cuộc họp báo vào tuần trước, ông đã cả quyết rằng ngân hàng trung ương sẽ làm bất cứ điều gì có thể để kiềm chế lạm phát, bao gồm cả việc tăng lãi suất quá cao khiến cho kinh tế có thể bị suy yếu. Nếu điều đó xảy ra, theo ý kiến của nhiều kinh tế gia, suy trầm có thể xảy ra trong nửa cuối của năm tới.
Vũ Hiến
Theo baotreonline.com ngày 16/6/2022
Be the first to comment