Hý hoạ: L.A.P
Suốt gần bảy thập niên độc quyền lãnh đạo đất nước, Đảng Cộng sản đã gây ra vô số những sai lầm nghiêm trọng, và những sai lầm ấy thường gắn liền với những từ ngữ, cụm từ, còn lưu giữ hoặc vẫn đang tồn tại trong ký ức lẫn đời sống của xã hội, con người, văn hóa Việt Nam.
Chẳng hạn, cứ nghe đến những cụm từ như Nhân Văn Giai Phẩm, Cải cách ruộng đất, vụ án Xét lại chống Đảng… trước ngày 30 Tháng Tư 1975 ở ngoài Bắc; cải tạo tư sản mại bản, cải tạo tư thương, học tập cải tạo, thuyền nhân, kinh tế thời bao cấp, đổi mới, mở cửa, giải phóng mặt bằng, dân oan… sau ngày 30 Tháng Tư 1975 ở miền Nam và trên toàn quốc v.v… là ngay lập tức, người Việt nhớ hoặc nghĩ ngay đến những giai đoạn khốn khổ, đau thương trong quá khứ và cả trong hiện tại.
Thuyền nhân
Trong đó đặc biệt phải nói đến hai chữ “thuyền nhân”. Tại sao vậy. Vì nó không chỉ là một trong những thảm kịch lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 20 mà còn là một trong những thảm kịch tỵ nạn dai dẳng nhất trong lịch sử thế giới, kéo dài tới 20 năm, bắt đầu không bao lâu ngay sau khi cuộc chiến VN kết thúc, khi Đảng Cộng sản đang trong tâm lý hân hoan ngạo nghễ ăn mừng chiến thắng!
Bỏ lại sau lưng nhà cửa tài sản, bỏ lại tất cả, liều mình ra đi, những người vượt biển đồng thời phải đối mặt với sự rủi ro năm phần sống năm phần chết, bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, có người bị hãm hiếp mấy chục lần trong chuyến đi, có người bị hãm hiếp đến chết, những nhục nhằn lo âu mỏi mòn trong thời gian ở trong trại tỵ nạn chờ được một quốc gia thứ ba tiếp nhận…
Ước tính có khoảng một triệu người, gồm cả người miền Bắc, đã trở thành thuyền nhân. Còn nhà cầm quyền thì nhanh chóng nghĩ ra cách kiếm tiền từ sự việc này, đó là tổ chức những chuyến đi gọi là vượt biển bán chính thức, tức là thu mỗi người mấy lượng vàng để đưa họ lên những con tàu chở ra đến hải phận quốc tế. Hàng chục nghìn người Việt gốc Hoa đã ra đi bằng cách này trong giai đoạn mà nạn Hoa kiều đang rộ lên, nhưng cũng có cả người Việt. Nhờ đó, nhà cầm quyền và tầng lớp cán bộ đã thu được rất nhiều tiền, tài sản mà các thuyền nhân bỏ lại.
Để có thể thu lợi tối đa, quan chức tại các địa phương có tổ chức bến bãi ra đi bán chính thức đã nhồi nhét càng nhiều người càng tốt trên tàu, dẫn tới vài chiếc bị đắm, vài trăm người chết, trong khi hàng chục nghìn người khác chen nhau cập bến các quốc gia láng giềng, vượt quá sức chứa của các nước.
Thảm kịch “thuyền nhân” Việt bắt đầu từ Tháng Năm 1975 cho mãi đến 1990-1995 là bắt đầu có chính sách cưỡng bức hồi hương, đóng cửa dần các trại tỵ nạn ở các nước và số người vượt biển bắt đầu giảm dần, và đến năm 2000 thì Hong Kong đóng cửa trại tỵ nạn cuối cùng.
Từ bi kịch này, thế giới có thêm từ “boat people”. Sau này khi nhìn cảnh hàng trăm hàng ngàn người dân từ các nước Trung Đông, châu Phi chen chúc nhau trên những con thuyền tìm cách vượt biển vào châu Âu, chúng ta lại nhớ đến bi kịch “thuyền nhân” của Việt Nam. Bi kịch đó vẫn chưa hết. Bởi vì suốt 47 năm qua, dòng người tìm mọi cách ra đi khỏi Việt Nam vẫn chưa bao giờ dừng lại, nhưng người ta tìm những con đường khác.
Ngoài những con đường hợp pháp như lập gia đình, đi du học rồi ở lại, đi theo con đường làm việc, đầu tư kinh doanh… thì rủi ro, nguy hiểm hơn nhiều là tìm cách nhập cư lậu vào các nước, ví dụ như đi bằng visa du lịch sang Nga rồi từ đó được các nhóm buôn lậu người đưa vào Ba Lan, Đức, Tiệp, Anh… hoặc vượt biển từ Pháp qua Anh bằng container đông lạnh, bằng thuyền cao su vượt qua English Channel. Một trong những bi kịch nhập cư lậu rúng động dư luận thế giới gần đây là việc 39 người Việt chết trong thùng của một chiếc container đông lạnh, khi tìm cách vượt biên bất hợp pháp vào nước Anh Tháng Mười 2019.
Phải gặp gỡ những người Việt từng trải qua những chuyến đi vượt rừng xuyên biên giới từ Nga qua các nước châu Âu mới thấy hết nỗi hãi hùng, tủi nhục, cay đắng, và nạn hãm hiếp, trấn lột bởi những kẻ dẫn đường thường xuyên xảy ra.
“Xuất khẩu lao động”
Một cụm từ gợi đến một bi kịch lớn khác nữa là “xuất khẩu lao động”, viết đầy đủ là “xuất khẩu lao động Việt Nam ra nước ngoài”, tức là một hình thức cung ứng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc có thời hạn. Ngay cụm từ “xuất khẩu lao động” đã cho thấy con người bị coi như một món hàng hóa rồi. Hoạt động này bắt đầu từ năm 1980, dưới hình thức hợp tác lao động với các nước xã hội chủ nghĩa, trong tình hình kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.
Người dân đi “xuất khẩu lao động”. (Ảnh Báo Thanh Tra)
Từ sau 1991, khi nhiều biến động chính trị lớn xảy ra tại các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và khủng hoảng kinh tế, Việt Nam chuyển dần sang cung ứng lao động cho các nước khác. Cho tới nay, hoạt động này vẫn tiếp tục, mỗi năm hàng chục ngàn cho tới gần trăm ngàn người lao động được đưa đi làm việc tại nhiều quốc gia khác nhau từ Trung Đông, Ả Rập, Nga, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… đem lại một nguồn lợi lớn cho nhà cầm quyền Việt Nam. Trung bình mỗi năm người lao động Việt gửi về từ $1.6 tỷ đến $2 tỷ, đồng thời cũng giúp cho nhiều người có công ăn việc làm, có thu nhập khá hơn đi làm nông, làm lao động phổ thông trong nước.
Nhưng mặt trái của hoạt động “xuất khẩu lao động” thì rất nhiều, đó là tình trạng người lao động bị lừa gạt tiền, bị bóc lột sức lao động, bị ngược đãi, thậm chí bị lạm dụng tình dục, bị cưỡng bức… Báo chí người Việt ở nước ngoài, báo chí quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong đó có Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở châu Á (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia – CAMSA) đã lên tiếng tố cáo và có những hoạt động từ nhiều năm nay để hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân buôn người, nạn nô lệ lao động. Chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ các nước phương Tây cũng đã nhiều lần chỉ trích, đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần phải lưu ý về nạn buôn người.
Phía sau những đồng tiền người lao động gửi về là mồ hôi, nước mắt, máu và biết bao nhiêu tủi nhục của thân phận đi làm thuê xứ người, nhất là nếu lại đi làm việc ở những quốc gia mà người lao động nước ngoài cũng không được đối xử văn minh, tử tế cho lắm. Đúng là chưa có bao giờ trong lịch sử Việt Nam mà người dân lại bị đem đi “xuất khẩu” làm thuê khắp bốn phương trời như thế này!
“Tự xử”
Một cụm từ khác nữa, xuất hiện nhiều trên báo chí, trong dư luận những năm 2013- 2014 là “tự xử”, nói lên tình trạng người dân “tự làm luật” với nhau và với chính quyền. “Tự xử” ví dụ như những vụ người dân hè nhau đánh đập, có khi tới chết, một kẻ bắt trộm chó. Hiện tượng này đã xảy ra nhiều lần, tại các vùng khác nhau như Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị… Có khi người dân tức giận đến mức đánh chết xong còn thiêu cả xe, cả xác của kẻ trộm chó.
Dư luận xã hội ở Việt Nam xung quanh những vụ việc như vậy vẫn chưa hoàn toàn thống nhất. Ða số lên án chuyện đánh chết người vì dù sao đi nữa mạng chó không thể đổi với mạng người, và không ai có quyền tước đi sinh mạng của người khác, nhưng vẫn có những người đồng tình, lấy lý do nạn trộm chó ngày càng hoành hành, không coi ai ra gì, còn chính quyền địa phương thì xử lý chậm chạp, không thật cương quyết, khiến người dân bức xúc, phải “tự xử”.
“Tự xử” ví dụ như có những bệnh nhân, sản phụ bị tử vong do “tai nạn nghề nghiệp”, do cung cách làm việc tắc trách, vô lương tâm của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế, khiến người nhà nạn nhân tức giận, xông vào bệnh viện đập phá đồ đạc, đuổi đánh y bác sĩ, hoặc mang xác nạn nhân tới bệnh viện để đòi làm ra lẽ. Thỉnh thoảng lại thấy những vụ như vậy xảy ra, như tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Ðồng ngày 20 Tháng Sáu 2013, tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh ngày 12 Tháng Tám 2013, tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Ðịnh ngày 22 Tháng Chín 2013 v.v…
Có những vụ người dân khiếu nại mãi nhưng chính quyền địa phương vẫn không giải quyết, buộc họ phải cùng nhau “làm luật” như vụ hàng ngàn người xuống đường phản đối việc khai thác cát gây sạt lở nặng cửa biển Cửa Ðại của sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi (“Dân xuống đường, phản đối khai thác cát”, Người Lao Ðộng). Hay hàng trăm người dân bao vây công ty cổ phần Nicotex Thành Thái để ngăn chặn không cho tẩu tán khối lượng lớn hóa chất độc hại đã được đào lên, cho đến khi chính quyền địa phương, các ban ngành phải vào cuộc xử lý (“Hàng trăm người vây hiện trường DN chôn giấu thuốc trừ sâu”, Người Lao Ðộng)…
Có những khi, vì uất ức, tuyệt vọng quá mức, người ta chỉ còn cách đem chính sinh mạng của mình ra “tự xử”. Ðã có những vụ tự thiêu mà nguyên nhân sâu xa do cách làm ăn quan liêu, coi thường tính mạng, danh dự nhân phẩm người dân của nhà cầm quyền, hay do luật pháp bất công, xét xử oan sai. Dấn thêm một bước nữa, người dân không chỉ đem sinh mạng ra để gióng lên tiếng chuông cảnh báo những sự bất công, sai trái của nhà cầm quyền mà còn đương đầu lại, phản kháng lại.
Ðiển hình là vụ hai anh em nông dân Đoàn Văn Vươn dùng súng hoa cải chống lại lực lượng công an và quân đội cưỡng chế đất tại đầm Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng vào đầu năm 2012, mà nhiều người vẫn so sánh với vụ án Ðồng Nọc Nạn thời Pháp thuộc. Vụ anh Ðặng Ngọc Viết, xuất phát từ việc bồi thường giải phóng mặt bằng không thỏa đáng của chính quyền địa phương, đã dùng súng bắn chết và bị thương năm cán bộ của Trung Tâm Phát Triển Quỹ Ðất TP Thái Bình, rồi tự sát sau đó vài giờ.
Hay vụ tranh chấp đất tại Đồng Tâm gồm hai sự kiện là “bắt giữ con tin” (người dân làng bắt giữ một số công an, nhà báo và cán bộ chính quyền) năm 2017 và “trấn áp bạo lực” năm 2020, khi nhà cầm quyền đưa công an, quân đội đến tấn công thôn Hoành, giết người nông dân mấy chục tuổi đảng, “thủ lĩnh tinh thần” của dân làng Đồng Tâm là cụ Lê Đình Kình, bắt giữ hàng chục người, dẫn đến vụ án oan dậy trời đất kết án bao nhiêu dân làng sau đó v.v… Và còn nhiều vụ nữa, mà nguyên nhân là do cưỡng chế đất đai, hoặc bồi thường không thỏa đáng.
Chưa kể những vụ lẻ tẻ như “Thanh Hóa: Phóng hỏa đốt nhà phó bí thư xã trong đêm”, 2013 (Tiền Phong), “Nhà phó công an xã bị giội bom xăng” (Thanh Niên) tại xã Tam Hiệp (Châu Thành, Tiền Giang) năm 2013, “Nhà của nguyên bí thư Huyện ủy bị ném bom xăng trong đêm”, Hà Tĩnh, 2017, Thanh Niên… Những hành vi “tự xử” liên tục xảy ra, với mức độ bạo lực ngày càng cao chứng tỏ mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn giữa nhà cầm quyền và nhân dân ngày càng sâu sắc. Về phía dân chúng, là sự mất lòng tin vào chính quyền, vào luật pháp. Về phía nhà cầm quyền là sự bất lực của bộ máy khi không thể giải quyết được những yêu cầu chính đáng của người dân.
Sâu xa hơn, nó nói lên bản chất của chế độ: sự quan liêu, xa rời dân, coi thường dân, không lắng nghe, thấu hiểu những nỗi bức xúc của dân. Một xã hội có quá nhiều hành vi dùng luật rừng để “tự xử” là một xã hội thụt lùi trở về thời kỳ mông muội, dã man, con người coi thường luật pháp, vì chính nhà nước này đã tự đặt mình, đặt đảng cầm quyền đứng cao hơn luật pháp. Âu cũng là “luật nhân quả”, chính quyền đối với dân thế nào thì dân sẽ đối lại như thế.
Giải cứu
Lúc đầu hai chữ “giải cứu” xuất hiện trên báo chí trong nước để nói đến việc một mặt hàng nào đó, thường là nông sản, bị ế đọng, phải kêu gọi cộng đồng, xã hội hoặc nhà nước mua tức “giải cứu”. Nào “giải cứu” thanh long, dưa hấu, mít, khoai lang…
Chuyện này xảy ra nhiều lần đến mức báo chí phải giật tít: “Điệp khúc ‘giải cứu’ nông sản Việt” (VNEXpress), nguyên nhân là do “Năm nào cũng có những đợt “giải cứu” nông sản, nhưng người nông dân Việt vẫn sản xuất tự phát, thiếu hệ thống, để rồi rơi vào thế bị động”, phần khác nông sản, hải sản Việt Nam quá phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ Trung Quốc nên khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu một mặt hàng nào đó là người nông dân Việt Nam lại khốn đốn.
Một ví dụ gần đây, khi Trung Quốc siết chặt biên giới để phòng dịch Covid-19, nông sản Việt bị ùn tắc nhiều ngày tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, cuối cùng phải quay về bán rẻ trong nước. Điều mà người nông dân cần là một chính sách, giải pháp bền vững chứ không phải năm nào cũng có chuyện “giải cứu”, bao nhiêu công sức mồ hôi nước mắt của người nông dân đổ ra cuối cùng lại phải bán đổ bán tháo.
Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, có nhiều người Việt đi học, đi du lịch, đi thăm thân hoặc lao động ngắn hạn ở nước ngoài bị kẹt không về được vì biên giới các nước bị phong tỏa, Việt Nam lại rộ lên chuyện “những chuyến bay giải cứu”. Lúc đầu ai cũng mừng, xúc động với hình ảnh những chuyến bay xuyên lục địa, đưa các công dân Việt Nam từ hải ngoại trở về Tổ quốc thời điểm dịch căng thẳng đó. Một số bài báo giật những cái tít rất kêu như “Những chuyến bay mang nặng ‘nghĩa tình’, xung phong vào tâm dịch cứu đồng bào”, “Vào vùng dịch đón đồng bào”… Còn trên Facebook, đám dư luận viên, “bò đỏ” bưng bô chế độ thì “hót” nào “Ngạo nghễ Việt Nam”, nào “Bay thẳng vào tâm dịch để đón công dân của mình về nước chăm sóc! Chỉ có thể là Việt Nam!” v.v…
Nhưng rồi sự thật dần dần phơi bày. Hóa ra có những cán bộ, quan chức đã lợi dụng chuyện này để trục lợi chính sách, một chuyến bay “combo” bao gồm vé máy bay, chi phí xét nghiệm, ăn ở trong thời gian cách ly… được “thổi” giá lên cao ngất, lợi nhuận lên đến vài tỷ đồng một chuyến, mà có gần 2,000 chuyến bay như vậy (“Mỗi chuyến bay giải cứu bị thu lợi vài tỷ đồng” VNExpress). Và trong thực tế, vì giá một chuyến bay “giải cứu” quá cao như vậy nên rất nhiều người đã không thể mua được vé về Việt Nam, và nhiều bi kịch đã xảy ra như người thân qua đời mà không về được. Giờ đây cụm từ “chuyến bay giải cứu” có lẽ sẽ để lại trong nhiều người những ấn tượng xấu khó phai mờ!
“Trùm cuối”
Hai chữ “trùm cuối”, không biết từ đâu ra, nhưng bắt đầu rộ lên từ khi đại án vụ test kit “đểu” Việt Á bị phanh phui. Cho đến nay, đã có 62 người bị khởi tố, bắt giam trong vụ đại án Việt Á, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao của các bộ, ngành, địa phương. Cứ mỗi lần một quan chức bị bắt là trên mạng, hoặc báo chí độc lập bên ngoài lại nổi lên câu hỏi “Ai là “trùm cuối” vụ này?”. Có nghĩa, ai là người chủ mưu, chịu trách nhiệm cao nhất của vụ đại án điển hình cho tham nhũng đã ở mức độ lũng đoạn nhà nước này.
Cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh (trái) và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long – hai cán bộ cao cấp vừa bị bắt – vẫn chưa là “trùm cuối”
Đã có những lời đồn đại, phỏng đoán nhân vật đó phải cỡ là ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, từng là Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, trực tiếp chỉ huy công cuộc phòng chống dịch trong giai đoạn từ Tháng Một 2020 đến Tháng Tám 2021 hay Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hay Thủ tướng Phạm Minh Chính! Và liệu chiến dịch “đốt lò” của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có dám đưa luôn những thanh củi bự cỡ đó?
Dù sao, chữ “trùm” khiến người ta liên tưởng tới trùm mafia, trùm băng đảng. Mà thực sự thì đảng cộng sản ngày nay có khác gì một tổ chức mafia chuyên vơ vét tài sản của đất nước, bóc lột, bóp nặn nhân dân? Còn nhiều, nhiều nữa. Chế độ này còn tồn tại thì sẽ còn nhiều chính sách sai lầm, nhiều bi kịch đau thương cho dân tộc, gắn với những cụm từ không bao giờ phai mờ trong ký ức người dân.
Song Chi
Theo SGN News ngày 18 tháng 6, 2022
Be the first to comment