Không gì có thể mô tả văn hóa chiến tranh rõ ràng hơn là tranh luận về vấn đề di dân bất hợp pháp. Từ lâu và hiện nay người ta vẫn liên tục tranh luận về vấn đề này, nhất là ở Hoa Kỳ thời giữa nhiệm kỳ của TT Donalt Trump, nhưng chẳng ai đồng ý với ai. Điều này cũng tùy thôi. Tùy lập trường của người tranh luân: luân lý đạo đức, kinh tế, chính trị, an ninh quốc gia, lập luận và ý thức hệ v.v. Cái gì cũng có lý của nó. Nhưng tựu chung có hai phe. Người chủ trương cho tự do nhập cư không giới han. Người đòi phải có điều kiện, không thể lợi dụng kẽ hở của luật rồi tràn ngập vào nước người ta một cách bất hợp pháp, trút mọi gánh nặng phí tốn lên chính phủ và người dân nước đó không cần biết đến an ninh cá nhân, xã hội, quốc gia và gia đình của người dân nước sở tại.
Khi mà sự khác biệt này tăng thì sự tranh cãi cũng tăng theo. TT Trump, trong kỳ tranh cử năm 2016 đã đặt vấn đề di dân thành một trong những đề tài chính của chương trình tranh cử của ông. Được bầu làm tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ rồi, ông phản đối vấn đề DACA và hứa sẽ dùng quyền của hành pháp/tổng thống hủy bỏ quyền “birthwright citizenship” của những trẻ sinh ra bởi những bà mẹ di dân bất hợp pháp. Ý kiến đã bị phản đối và gây tranh cãi khá nhiều.
Ngoài ra phe Dân Chủ cực tả lại phản đối dữ dội bộ An ninh quốc nội di dân (ICE) và yêu cầu hủy bỏ.
DIỆN MẠO DI DÂN THAY ĐỔI
Dĩ nhiên Hoa Kỳ là một quốc gia được thành lập do di dân. Tổ tiên của đa số dân Mỹ đã cập bến Hoa Kỳ từ những quốc gia khác để tìm cuộc sống mới tự do tốt đẹp hơn. Không kể những người ở thế kỷ 17 hay 18 đã bỏ neo dương buồm vượt biển cập bến Virgina và Massachusetts hoặc qua Ellis Island vào thế kỷ 19 hay đầu thế kỷ 20 đã vào Hoa Kỳ một cách hợp pháp. Họ phải qua mọi thủ tục, đòi hỏi phải học tiếng Anh, hiểu biết cách thức tổ chức hành chánh kinh tế chính trị, xã hội… của Hoa Kỳ và thề phục vụ dưới cờ Hiệp Chủng Quốc.
Đối với di dân hợp pháp, thủ tuc đó vẫn còn tiếp tục. Nhưng chừng 40 năm trước đã có cả hàng triệu người đến Hoa Kỳ bất hợp pháp, không qua những thủ tục pháp định về di dân đã có từ lâu.
Một khi vào được miền đất hòa bình thay vì hỗn loạn, con người được luật pháp bảo vệ không bị ức hiếp đàn áp, họ sẽ có nhiều cơ hội để phát triển về mọi mặt của một con người nhân bản và tự do mà ở quê hương họ không có. Biết vậy họ không muốn đi theo nguyên tắc. Họ đốt giai đoạn, xâm nhập Hoa Kỳ bằng cách vượt qua biên giới ở những đoạn dài cả ngàn cây số tương đối dễ dàng vì thiếu kiểm soát hoặc không được bảo vệ. Một khi thoát vào được Hoa Kỳ, họ lợi dụng những trợ giúp xã hội sẵn có để thụ hưởng và kiếm việc làm.
Tệ hơn nữa có một số người trở thành những tên khủng bố hoặc bị những phe phái quá khích chỉ biết oán hận, thù ghét, lợi dụng lòng hào hiệp giang tay bảo trợ của Hoa Kỳ đánh phá lại Hoa Kỳ. Nên nhớ Hồi Giáo khủng bố đã giết hơn 3,000 người Hoa Kỳ trong khoảng chừng 20 vụ khủng bố trên mảnh đất Hiệp Chủng Quốc hòa bình này.
Vấn đề di dân đã gây chia rẽ trầm trong trong dân chúng. Nhiều người động lòng thương xót vì họ bị đàn áp trấn lột ở nhiều quốc gia trên thế giới, muốn mở rộng biên giới cho một số người hay tất cả những ai muốn nhập cư Hoa Kỳ. Nhiều người nhìn xa hơn, thấy trước cả một làn sóng đe dọa khủng khiếp sẽ đổ vào đất nước, cương quyết ngăn cản và buộc người di tản phải được thanh lọc theo đúng thủ tục pháp luật.
Dĩ nhiên giúp đỡ là quyền cá nhân, nhưng nghĩ đến những khủng hoảng đe dọa và bất ổn nội địa vẫn là một thực tế hiển nhiên – không chỉ thấy ở Hoa Kỳ mà ở mọi nước trên khắp thế giới như Anh, Pháp, Úc, Gia Nã Đại, Thụy Điển, Đức, Ý, Hy Lạp, Nga, Ấn Độ….
T.T. Reagon hơn 30 năm trước đã cảnh cáo, “Một quốc gia mà không kiểm soát được biên giới thì không phải là một quốc gia.” [1] Thống đốc nhiều tiểu bang phiá Tây Nam Hoa Kỳ đã nhận thấy thảm họa đó. Thống đốc Arizona Jan Brewer đã nhắc lại lời TT Reagon: “Một quốc gia mà không có biên giới thì như nhà không có tường – nó sẽ xụp đổ. Và nó đang xẩy ra cho Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ hùng vĩ của chúng ta.”[2]
CÁI GIÁ PHẢI TRẢ
Sự thực chẳng ai biết chắc chắn là có bao nhiêu di dân bất hợp pháp ở Hoa Kỳ. Người ta phỏng đoán từ 11 đến 13 triệu người, tức 4% dân số Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nghiên cứu của Đại Học Yale mới đưa ra hồi tháng 9, 2018 thì con số cao hơn nhiều – khoảng 16 đến 30 triệu người. Nhưng theo Bộ An Ninh Nội địa Hoa Kỳ thì con số tăng rất nhanh, từ 8 triệu năm 2007 mà đỉnh cao nhất là năm 2016. Vì kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn cộng với việc trục xuất về nước do văn phòng di dân bộ di trú (ICE) con số nhập lậu từ đó đã giảm đi nhiều.
Nhiều di dân bất hợp pháp coi Hoa Kỳ như “Đất hứa / Promised Land” là nơi họ có thể được chính phủ phát phiếu thực phẩm, sức khỏe, nhà ở, tất cả đều miễn phí. Thực ra, những ơn huệ này không phải là miễn phí. Con số gần đây nhất do chương trình di trú cải tổ (FAIR)[3] đưa ra, tất cả những phí tổn đó đều đổ lên đầu Liên Bang và Tiểu Bang. Và họ đã phải chi hơn 134 tỷ Mỹ kim mỗi năm.
Ước đoán chi hàng năm cho di dân bất hợp pháp là 19 tỷ lấy từ tiền thuế liên bang và tiểu bang mà những người đi làm phải chịu. Nói đơn giản là mỗi di dân bất hợp pháp ăn mất $8,000 của người dân Hoa Kỳ đi làm và trả thuế, năm này qua năm khác.
Rồi còn tiền học cho hàng triệu trẻ em di dân bất hợp pháp. Chúng có thể theo hoc tại các trường công. Nếu chúng không nói được tiếng Anh thì chánh phủ lại phải trả tiền học tiếng Anh cho chúng. Tiền này nhà nước phải chi ra $44 tỷ mỗi năm cũng là từ tiền thuế người đi làm phải đóng. Vì vậy ngân quĩ quốc gia đã bị thâm thụt trầm trọng. Số tiền này đúng ra là để dùng cho những trẻ Hoa Kỳ thực sự không may bị chậm trí so với những trẻ đồng lứa ỡ những quốc gia tân tiến khác.
Cộng với phí tổn trực tiếp này còn có những tốn kém mà ít người biết đến. Người dân Hoa Kỳ mất việc vì bị di dân lậu dành. Lương của họ không được tăng vì lương của di dân lậu bị chủ ép trả thấp. Có kinh tế gia cho rằng số lớn các di dân lậu làm việc trong hãng xưởng kỹ nghệ có lương bổng thấp nên không có sự cạnh tranh khiến kỹ thuật xuống thấp.
NHỮNG ƯU TIÊN KHÁC NHAU
Vấn đề trở nên phức tạp vì đa số phe tả, và một số phe hữu muốn cho di dân lậu vào Mỹ vì nhiều lý do khác nhau. Một số phe Cộng Hòa có cảm tình với phía làm thương mại thì coi di dân lậu là nguồn lao động rẻ, nhất là về canh nông và xây cất. Nhiều chính trị gia dân chủ muốn có nhiều di dân lậu bởi vì sẽ có nhiều người phải sống nhờ vào trợ giúp của chính phủ, và khi những người này trở thành công dân, có quyền bầu cử thì họ ủng hộ các ứng viên dân chủ và những chương trình rộng lớn của mình.
Điều này đặt phe tự do cấp tiến mà đa số thuộc phe Dân Chủ vào tình trạng trái ngược. Họ thường xuyên đòi hỏi lương cao, phụ cấp nhiều, quyền lợi tốt cho giới công nhân. Nhưng cương quyết đòi mở cửa biên giới không giới hạn di dân lại là những điều đi ngược với những đòi hỏi của họ. Họ không hiểu rằng tràn ngập thị trường lao động với những nhân công thiếu khả năng thì chủ hãng buộc phải hạ lương công nhân kém tay nghề xuống đồng thời nạn thất nghiệp sẽ nhiều hơn trong giới lao động ít khả năng. Phe cấp tiến không thể đòi hỏi cả hai cùng một lúc.
Tuy nhiên cũng phải công nhận có những phần kinh tế Hoa Kỳ đã phụ thuộc vào đám di dân lậu, vì họ cần người làm. Tại nhiều thành phố lớn, đám trẻ gốc Hispanic đã lập thành nhóm làm khung ảnh, lợp nhà, làm đường. Họ cũng làm những việc nặng nhọc dưới trời nóng như thiêu như đốt suốt ngày không than van, 9-10 giờ một ngày, 7 ngày một tuần mà dân Mỹ không chịu làm.
Phe dân chủ cấp tiến cũng đã rơi vào cùng một bất lợi khi họ hô hào quyền lợi cho phái nữ. Khi kêu gọi tự do bình đẳng nữ giới, không được quấy nhiễu tình duc, họ đã đi ra ngoài con đường họ cần phải bảo vệ của những di dân thuộc những quốc gia Trung Đông và Phi Châu. Những người nước này vào Hoa Kỳ là những người đã lạm dụng, sách nhiễu nữ giới, coi nữ giới như công dân hạng hai hoặc tệ hơn.
TỪ CHỐI HỘI NHẬP
Nhiều nhà xã hội học và quan sát đã nhận thấy ngày nay những người di dân không muốn hội nhập vào xã hội mà họ hăm hở muốn vào để sống. Ở nhiều thế kỷ trước, những di dân hợp pháp đã hăm hở được hội nhập vào đời sống Hoa Kỳ, hãnh diện được sống với những giá trị văn hóa mới ở Mỹ. Họ chăm chỉ hoc tiếng Anh, vui sướng vẫy tay chào là quốc kỳ Mỹ. Họ tỏ vẻ hãnh diện là công dân Hoa Kỳ khi viết thư về nước cho thân nhân và những người quen biết.
Trong niềm khao khát muốn xây dựng cuộc sống mới tươi đẹp hơn nơi quốc gia có nhiều cơ hội này, họ chăm chỉ làm việc và sản xuất đã tạo được nhiều công trình sáng kiến góp phần làm cho quốc gia sở tại trở nên tươi đẹp và giầu sang phong phú hơn. Khi Hoa Kỳ lâm cảnh chiến tranh, hàng trăm ngàn người trẻ tự nguyện nhập ngũ để chiến đấu bảo vệ quê hương, bảo vệ những giá trị đặc thù và văn minh của Mỹ quốc.
Đó không phải là trường hợp hiện nay số người di dân ngày càng tăng. Họ nhập lậu vào Hoa Kỳ là để kiếm việc làm, mong có nhiều lợi ích về kinh tế và những chương trình xã hội, dân sinh, y tế, học dường, giáo dục của chính phủ sẵn sàng dâng hiến cho họ. Nhưng họ từ chối, không chấp nhận những giá trị và hệ thống kinh tế của Mỹ. Họ không thèm học tiếng Anh vì họ tự coi là không cần.
Những khu xóm di dân kiểu này thấy ở hàng trăm thành phố ở Hoa Kỳ. Họ sống chụm với nhau, làm thành một khu riêng. Họ sinh hoạt giống như ở quê hương họ. Họ nói tiếng mẹ đẻ, ăn uống thức ăn kiểu riêng của họ. Nghĩa là họ vẫn giữ văn hóa và giá trị riêng của họ, nhất định không hòa đồng với xã hội mới mà họ vừa vào. Ở khu buôn bán thì những cửa hàng của họ đều treo bảng hiệu bằng tiếng riêng của nước họ, không phải là tiếng Anh.
Tuy nhiên, cũng có một số di dân đã hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ rất nhanh. Họ nhanh chóng thoát khỏi hệ thống dân sinh “miễn phí” với phiếu thực phẩm, giáo dục, nhà ở, y tế… Dĩ nhiện chuyện này cũng thấy ở những dân Hoa Kỳ sinh ra tại đây. Nhưng vấn đề là có hàng ngàn di dân mới tới.
NHỮNG TIỂU BANG Ở TÂY NAM HOA KỲ
Ở phía Tây Nam Hoa Kỳ, những làn sóng khổng lồ di dân đến từ Mexico, Guatemala, Honduras và các nước ở Trung Mỹ đã làm thay đổi tính đặc thù và văn hóa của nhiều thị trấn và tiểu bang. Dân gốc Hispanic hiện giờ đã chiếm hơn 1/3 dân số California, Texas, Florida và New Mexico. Công dân Hoa Kỳ gốc Hispanic bây giờ chiếm đa số ở những thành phố lớn như Anaheim và Oxnard, California (53 và 73 %) và Mc Allen và El Paso, Texas (60 và 81%).
Hơn thế nữa, những di dân bất hợp pháp hiện đang đưa vào Hoa Kỳ những trẻ vị thành niên nhanh đến độ không ai ngờ. Theo tờ The Washington Examiner, chỉ nguyên năm 2014 đã có gần 300,000 trẻ sinh ra do những di dân bất hợp pháp, tương đương với số trẻ sinh ra của cả thành phố Cincinnati, Ohio (Paul Bidard, Shock Report: US Paying More for Illegal Immigrant Births than Trump’s Wall,” Oct.9, 2018 / Hoa Kỳ chi tiêu cho những trẻ em do những di dân bất hợp pháp sinh ra nhiều hơn số tiền Trump đòi hỏi để xây tường biên giới).
Riêng California, số trẻ sinh ra theo kiểu này chiếm chừng hơn 1/5 tức khoảng 65,000, Texas chừng 51,000, Florida 16,000, Illinois 14,000, Georgia 13,000, New York 12,000, New Jersey và North Carolina 11,000 mỗi tiểu bang. Đặc biệt là khoảng giữa 2/3 và ¾ những trẻ sinh ra theo kiểu này được cấp dưỡng chi trả bởi tiền thuế của những người đi làm (ibid.).
Điều ngược đời là số trẻ sinh ra đời kiểu này – về phưng diện dân số – chắc chắn sẽ nhanh chóng vượt quá số trẻ sinh ra do công dân Hoa Kỳ thực thụ. Và chẳng bao lâu di dân bất hợp pháp sẽ chiếm đa số và họ sẽ chiếm luôn những tiểu bang này.
Những người lãnh đạo Hoa Kỳ gốc Hispanic biết rất rõ việc này, và một số người đã khuyến khích cổ động nó. Dân biểu Los Angeles Richard Alatorre vào năm 1996 đã nói: “Người ta sợ chúng ta đang từ từ chiếm những cơ quan nhà nước và nhiều cơ sở khác. Họ nghĩ đúng. Chúng ta sẽ thay thế, chiếm đóng những cơ quan cơ sở đó….Chúng ta đang ở tại đây mà”. (Latino summit conference in Los Angeles, September 1996).
Augustin Cebada, lãnh tụ chiến binh Mũ Nâu ở Aztlan, thế hệ con cháu của phong trào MEChA (Movement of Chicano Students of Aztlan/Phong trào sinh viên Chicano ở Aztlan) còn hung hăng hơn nữa, trong cùng một năm, trước đó đã phát ngôn: “Hãy trở về Boston đi! Trở về Plymouth Rock đi, hỡi những tên hành hương! Đi khỏi đây đi. Chúng tao mới là tương lai. Các ngươi già cả và mệt mỏi rồi. Đi đi. Chúng tao đang đánh các ngươi. Đi đi như lũ chuột bị đánh. Những tên da trắng già nua, bổn phận các người là phải chết…. Yêu nhau để sinh con cái, chúng ta sẽ chiếm đoạt, thay thế chúng” (Rally at Federal Building in Westwood, Calif., July 4,1996)[4]
Thập niên trước đây, tờ báo Mễ Exselsior đã viết là miền Tây Nam Hoa Kỳ “xem ra đang từ từ trở lại thuộc quyền của Mexico mà không mất một viên đạn nào” (Carlos Loret de Mola, “The Great Invasion: Mexico Recovers Its Own,” July 20, 1982).
Ở California hiện giờ dân Hispanic đã chiếm 39% dân số và trẻ nít Hispanic sinh ra chiếm ½ số trẻ mới sinh. Cứ đà này thì trong ít năm nữa dân Hispanic sẽ chiếm đa số. Mario Obledo, đồng sáng lập quĩ bảo vệ Pháp lý và Giáo dục Hoa Kỳ-Mễ và là cựu bộ trưởng Y Tế &An Sinh năm 1998 đã phát biểu tỉnh bơ là California sẽ trở thành tiểu bang Hispanic; Ai không thích thì cứ việc đi khỏi đây và trở về Âu Châu (Ray Briem and Tom Leykis radio talk shows).
Những thủ lãnh hoạt động Hispanic có tư tưởng đó đang chủ trương sửa lại lịch sử mà họ cho là bất công. Họ quan niệm Hoa Kỳ hơn 150 năm trước đã chiếm Texas và miền Tây Nam Hoa Kỳ của Mexico một cách bất hợp pháp. Bây giờ họ tính chuyện lấy lại bằng di dân. Thực vậy, Maisen đã viết từ 3000 năm trước: “Dân ngoại kiều giữa anh em sẽ đi lên, đi lên mãi vượt hẳn anh em. Còn anh em sẽ đi xuống, xuống mãi” (Dnl 28:43).
DI DÂN TỪ TRUNG ĐÔNG
Trong khi mọi người để ý đến số lượng lớn di dân gốc Hispanic cả bất hợp pháp lẫn hợp pháp thì sự xáo trộn ở Trung Đông và nhiều nguyên cớ khác đã nhanh chóng gây nên làn sóng di dân từ những quốc gia Hồi Giáo. Bao nhiêu người Hồi đã đến Hoa Kỳ thì chúng ta không biết chắc kể từ khi sở kiểm tra dân số bỏ đi câu hỏi về tôn giáo. Nhưng trung tâm nghiên cứu tôn giáo (Pew Rechearch Center) phỏng đoán năm 2017 dân Hồi có chừng 3.45 triệu người đủ mọi lứa tuổi, tức chiếm 1.1% dân số Hoa Kỳ.
Thay vì sống rải rác, dân Hồi Giáo sống tụm lại thành cộng đồng quây quần chung quanh thánh đường của họ (mosque). Nhưng người ta cũng biết tại thành phố Dearborn thuộc Michigan mà dân số chừng 100,000 thì dân Hồi Giáo chiếm đa số.
Số lớn người ghi tên tăng để học hỏi và giữ luật sharia, cách cắt nghĩa luật Quran kêu gọi hành quyết hay chặt tay chân… những tội nhân, được “vinh dự giết” những cô gái làm ô danh gia đình, ném đá những tên đồng tình luyến ái, cho phép đa thê ngay cả lấy vợ là con gái mới chỉ 12 tuổi.
PHẢN ĐỐI VIỆC CANH PHÒNG BIÊN GIỚI
Việc canh phòng biên giới khắt khe hơn đã bắt được thêm nhiều di dân lậu mới. Giữa năm 2016 và 2017 số di dân bất hợp pháp đã tăng vọt lên 1/3. Năm 2017 chính phủ Trump đã trục xuất về nguyên quốc số di dân lậu gấp đôi năm 2016 của chính phủ trước. Nhờ vào luật lệ mới, việc canh phòng biên giới có hiệu quả khá hơn nên phe tả muốn hủy bỏ luật mới đó.
Nhưng kêu gọi hủy bỏ luật đó thì phe tả đã tự mâu thuẫn với mình, bởi vì vấn đề liên hệ đến cả nước nên câu trả lời cũng đưa tới việc thành lập một cơ quan liên bang khác.
Buồn thay trong khi thi hành luật liên bang về di dân có kết quả, một số tiểu bang và thành phố lại tuyên bố vùng “cấm địa” (sanctuary cities), từ chối hợp tác với liên bang. Có nơi trú ẩn an toàn, đám di dân bất hợp pháp coi thường luật lệ, không sợ bị trục xuất về nước, không sợ bị bắt trao cho nhân viên liên bang dù chúng phạm những tội hình sự.
Tháng 7 năm 2015 ở San Francisco, một di dân bất hợp pháp là Jose Garcia Zarate bắn chết cô Kate Steinle đã làm chấn động cả nước. Nhưng hơn một năm sau, Zarate được tha bổng về tội giết người, cho là vô ý, là ngộ sát… Thật tàn ác! Một tòa án bất công. Tôi gọi là tòa án bất lương. Nạn nhân là một sinh viên trẻ, đời còn nhiều tương lai sáng lạn. Di dân Zarate là kẻ nhập Mỹ bất hợp pháp, đã từng có án giết người. Sau khi cãi cho tên Zarate được tha bổng, luật sư của bị can còn buông lời hỗn xược thách thức TT Trump. Chính trị đi vào tòa án thì công lý đội nón ra đi. Chính trị của phe tả!
Trước khi bắn chết người, thành phố San Francisco đã liên tục từ chối trao Zarate cho chính quyền di trú liên bang để trục xuất về nước, dù hắn có nhiều tiền án hình sự.
Bộ trưởng tư pháp Hoa Kỳ Jeff Sessions đã nói: “Tôi yêu cầu những vị lãnh đạo các cộng đồng của cả nước hãy nghĩ đến kết quả của vụ án này và cẩn thận xem xét sự tổn thương mà quí vị đang gây ra cho những công dân của quí vị khi từ chối cộng tác với cơ quan quyền lực liên bang” (Dept of Justice press release, Nov. 30, 2017)[5]
Nhưng việc thi hành gắt gao đã dấy lên nỗi lo sợ trong những cộng đồng di dân mà trong quá khứ có người còn chế nhạo luật di chú của Hoa Kỳ. Mark Krikorian – thuộc trung tâm nghiên cứu di dân, một nhóm chủ trương kiểm soát rất chặt chẽ di dân – đã nói: “Nói thẳng ra, đám di dân bất hợp pháp họ rất sợ bị khám phá” (trích bởi Haley Edwards, Time mazagine, March 8, 2018).
Dĩ nhiên, thi hành kiểm soát biên giới cũng gồm cả việc kiểm soát ma túy, là việc rất khó kiểm soát hết được. Những ông vua ma túy đã đưa thuốc vào Hoa Kỳ qua ngả biên giới Mỹ-Mễ, trà trộn vào đám di dân, đồng thời chuyện buôn người cũng thường xẩy ra ở biên giới, nhất là biên giới Mexico. Phần lớn ma túy, thuốc bất hợp pháp được bán tại Hoa Kỳ đều đến từ Mexico. Heroin là thuốc hiện đang thịnh hành trở lại. Rõ ràng nhất là năm 2017. Hơn 72,000 người Mỹ chết vì thuốc quá liều – chừng 200 người một ngày, hơn cả số lính chết tại hai chiến trường Việt Nam và Iraq cộng lại.
CÁI GÌ Ở SAU NHỮNG BẤT ỔN NÀY?
Như ở nhiều quốc gia khác, va chạm giữa những giá trị sống của Hoa Kỳ chính là căn cơ của vấn đề di dân bất hợp pháp. Hăng say chống đối bức tường biên giới, hủy bỏ ICE, thả lỏng vấn đề di dân bất hợp pháp cũng như hợp pháp, cho những di dân bất hợp pháp đang sống ở Hoa Kỳ trở thành công dân ngay lập tức. Tất cả những chuyện này đều do xu hướng vô luật lệ đang lớn mạnh và tràn lan khắp Hoa Kỳ.
Hiện nay hàng triệu dân Hoa Kỳ từ bỏ quan niệm về luật tuyệt đối. Như một quốc gia, chúng ta thẳng thắn vất bỏ Kinh Thánh là sách dạy chúng ta phải kính trọng và sống theo luật của Thiên Chúa, là đường dẫn tới hòa bình và thịnh vượng. Chúng ta đã thay thế những luật đó theo cách suy tư của con người, cho rằng con người có thể giải quyết được tất cả mọi sự không cần một quyền lực tối cao nào khác. Chúng ta đang tôn sùng chủ nghĩa tương đối, vứt bỏ mọi điều tuyệt đối, và gọi đó là luân lý đạo đức!
Cách suy nghĩ như vậy hiện đang muốn hủy bỏ biên giới của Hoa Kỳ và luật lệ dựa vào Hiến pháp Hiệp Chủng Quốc và những văn kiện khác vẫn còn giá trị. Nhưng chúng ta ai cũng biết, không có luật lệ và biên giới không được bảo đảm thì không thể gọi là quốc gia.
KINH THÁNH LÀ KIM CHỈ NAM
Sự thật là chúng ta cần có Thiên Chúa giúp chúng ta nhìn ra vấn đề để giải quyết. Lời Chúa là kim chỉ nam cho chúng ta di. Kinh Thánh đã chỉ ra luật cho chúng ta áp dụng vào việc di dân và nhập quốc tịch. Nó cũng có những chỉ dẫn để chúng ta áp dụng. Việc đầu tiên là người ngoại quốc khi vào một nước nào một cách hợp pháp thì phải chấp nhận những giá trị và cách sống của người nước đó và phải được kính trọng.
Trước khi trở thành một quốc gia, dân Israel – theo kinh thánh – vẫn là người ngoại quốc khi ở trong một lãnh thổ xa lạ. Dân Ai Cập bắt họ làm nô lệ. Khi họ trở thành một quốc gia, Thiên Chúa đã ra lệnh cho dân Israel như sách Leviticus ghi: “Nếu một ngoại kiều sống trong nước ngươi, ngươi không được đối xử tàn tệ với nó. Khi người ngoại quốc sông với ngươi, ngươi phải đối xử với nó như một người bản xứ, phải yêu thương nó như chính mình, vì khi xưa ngươi cũng là người ngoại quốc lúc còn ở Ai Cập. Ta là Thiên Chúa, Chúa của ngươi.”(Lv 19:33-34).
Sau này Thiên Chúa còn đưa ra những nguyên tắc khác buộc các công dân phải thi hành sit sao những luật lệ đã ban. Sách Leviticus ghi: “Các ngươi chỉ có một luật cho người ngoại kiều và cho người bản xứ như các ngươi thôi”. (Lv 24:22). Dù nhiều người thuộc phe tả đã yêu cầu hủy bỏ, nhưng luật của Hoa Kỳ vẫn dựa trên luân lý Judeo-Kito giáo. Những ai từ nước khác đến đều phải được huấn luyện và giáo dục theo nguyên tắc đó.
Những ai vi phạm luật, len lỏi vào Hoa Kỳ một cách bất hợp pháp, phạm tội ác chống lại công dân Hoa Kỳ thì phải bị trừng phạt theo luật như bất cứ một công dân nào khác.
Áp dụng luật luân lý theo kinh thánh là không được làm gì trái với luật Thiên Chúa, như thánh Phao lô nói trong sách Công Vụ Tông Đồ: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm”(Cv5:29). Di dân thì không được sống theo luật trái với luật của quốc gia dung dưỡng họ. Nếu họ đòi hỏi thì sẽ không bao giờ được phép nhập nội hay sẽ bị trục xuất về nơi họ xuất phát.
Dĩ nhiên, chúng ta cũng biết rằng họ đến đất nước Hoa Kỳ là muốn có một cuộc sống dễ chịu sung sướng hơn cho họ và gia đình. Là Kitô hữu, chúng ta phải mở rộng hai tay đón nhận họ chừng nào họ tuân giữ và sống an bình theo luật lệ và văn hóa của Hoa Kỳ, biết cống hiến tài năng sức lực của mình cho Hoa Kỳ hơn là chỉ biết hưởng thụ những gì đất nước Hoa Kỳ ban cho họ.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD
Fleming Island, Florida.
February 4, 2019
Đêm Giao Thừa Xuân Kỷ Hợi
Be the first to comment