Một cảnh ở Hà Nội trước cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên. (Ảnh ngày 22/2/2019 của REUTERS/Kham)
Chuyến xe lửa chở Chủ Tịch Kim Jong-un đã lăn bánh từ Bình Nhưỡng, thủ đô Bắc Hàn để băng qua Hoa Lục và dừng lại nhà ga Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, Bắc Việt. Từ đó Chủ Tịch Kim sẽ dùng xe ô tô đi nốt quãng đường 170 km để đến Hà Nội họp thượng đỉnh Mỹ-Triều vào ngày 27-2-2019. Toán tiền sát của Bắc Hàn đã đến Hà Nội từ tuần trước để chuẩn bị các phương tiện và an ninh cho cuộc họp này, trong đó có ông Kim Chang-son, phụ tá về hậu cần đã có mặt tại khách sạn Metropol. Nhà nước cộng sản Việt Nam cũng loan báo rằng họ đã được sự chấp thuận của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) để cấp visa cho các quan chức cao cấp của phái đoàn Bắc Hàn đến Hà Nội – vì một số cán bộ của Bắc Hàn nằm trong danh sách những người bị cấm xuất cảnh ra ngoại quốc, nằm trong lệnh trừng phạt cấm vận của LHQ còn đang hiệu lực. Phái đoàn tiền sát của Hoa Kỳ cũng đến sân bay Nội Bài với vận tải cơ C-17 và thả xuống các trang thiết bị cần thiết kể cả chiếc trực thăng Marine One và xe hơi cho chuyến du thuyết này của Tổng Thống Mỹ Donald Trump đến Việt Nam.
Hầu như cả thế giới, đặc biệt là các nước ven biển Thái Binh Dương (Asian Pacific) đều trông đợi cuộc họp thượng đỉnh kỳ thứ hai này, bởi nếu nó đem đến sự đồng thuận như ước muốn thì nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có nhiều hy vọng thành tựu sau 66 năm hưu chiến (1953-2019), và một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa sẽ tô thêm mầu hồng cho bán đảo qua bao thập niên thù địch Nam Bắc này. Thêm vào đó, một Triều Tiên thống nhất dưới một thể chế dân chủ sẽ đem lại một bộ mặt mới cho vùng Biển Đông và chắc chắn sẽ làm cho ưu thế của Hoa Kỳ trong sách lược Ấn Độ-Thái Bình Dương chống lại Trung Cộng càng thêm vững chắc. Thành công trong thương thuyết với Bắc Hàn cũng giúp cho TT Trump có thêm chỗ đứng vững chắc hơn trong cuộc đương đầu gay go và phức tạp về mậu dịch với Chủ Tịch Tập Cận Bình.
Thế nhưng, ngay trước khi đi dự thượng đỉnh với Chủ Tịch Kim, TT Trump lại tuyên bố tại Tòa Bạch Ốc rằng đây chưa phải là lần họp sau cùng, như thế có thể hiểu là sẽ còn một hay nhiều kỳ họp nữa mới có thể hoàn tất chương trình như dự trù được. Điều này cũng cho thấy việc tiến đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trông vậy mà không đơn giản, bởi vì đây là vấn đề cột lõi mà Bắc Hàn vẫn bám vào trong thập niên qua. Trước một Nam Hàn hùng mạnh tối tân về quân đội, phát triển nhanh chóng về kinh tế, và ổn định về chính trị, lại được Hoa Kỳ tích cực yểm trợ, Bình Nhưỡng chỉ còn con bài hạt nhân để làm vũ khí đe dọa đối phương. Vì lý do đó, họ Kim đã từng lên tiếng mong muốn Mỹ hủy bỏ trước lệnh cấm vận để gây niềm tin trên đường đến phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, trước khi lên đường đi dự thượng đỉnh tại Hà Nội, TT Trump bất ngờ tuyên bố việc thương thuyết về phi hạt nhân hóa không có gì cấp bách. Dầu sao đi nữa, Bắc Hàn đã ngưng phóng thử các hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân trong 15 tháng qua, và thái độ tỏ ra hòa hoãn của Chủ Tịch Kim đáng ngạc nhiên khiến cho nhiều quan sát viên quốc tế cho rằng cuộc họp lần này sẽ đem lại nhiều triển vọng – sau lần gặp đầu tiên ở Singapore 12 tháng 6 năm 2018 mới chỉ giúp làm tan băng giá (ice breaking) giữa hai nước cựu thù mà thôi, sau cái bắt tay lần đầu tiên giữa TT Trump và Chủ Tịch Kim.
Phía nhà nước cộng sản Việt Nam cũng ráo riết chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh lần này, dù chỉ có 20 ngày so với 2 tháng cho lần họp đầu tiên tại Singapore, để cố nâng cao một chút uy tín vì đã được chọn làm nơi hội họp. Một quan tâm là đường xe lửa vốn đã quá cũ kỹ từ thời Pháp Thuộc, chẳng được tân trang, nên không biết có gì trục trặc với đoàn tầu nặng nề bọc thép từ Bắc Hàn chạy qua hay không, vì trong năm qua đã có đến 4 vụ xe lửa trật dường rầy. Ngoài ra, sự kiện Tổng Bí Thư cộng sản Nguyễn Phú Trọng đột ngột lên đường qua thăm viếng hai nước lân bang Lào ngày 24 và 25-2-2019, và Campuchia từ 25 đến 26-2019, trong thời điểm này, theo nhiếu quan sát viên chẳng qua chỉ là một hình thức che mắt thế giới rằng Tổng Trọng không mấy quan tâm đến họp thượng đỉnh này, và một phần nào nhằm xoa dịu sự bất mãn của quan thầy Trung Cộng của Tổng Trọng. Mặt khác, Bộ Trưởng Ngoại Giao cộng sản Phạm Bình minh tuyên bố cuộc họp thượng đỉnh lần 2 này tại Hà Nội là sự kiện quan trọng nhất của đất nước trong năm 2019. Lời tuyên bố này thực tế cho thấy CSVN rất cần nương vào cuộc họp thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội để rửa bớt sự lem luốc trên khuôn mặt của CSVN đã thâm đen vì bị quá nhiều công kích và lên án từ những cơ quan nhân quyền trên thế giới – vì CSVN vẫn vi phạm nghiêm trọng quyền con người, vẫn đàn áp, bắt giam, tra tấn, hành hình, hàng trăm tù nhân lương tâm vì sự hất đồng chính kiến của họ trước việc đảng CSVN đang mở cửa cho giặc Tầu tràn vào đất Việt, và đang dâng dần đất đai biển cả của tổ tiên cho giặc Tầu.
Ba vị dân biểu Hoa Kỳ: Alan Lowenthal, Zoe Lofgren (Dân Chủ của California), và Chris Smith (Cộng Hòa của New Jersey) đều lên tiếng CSVN không xứng đáng được chọn làm người tổ chức thượng đỉnh lần 2 này vì vấn đề nhân quyền. Ba vị dân cử đã đệ trình lên TT Trump một lá thư yêu cầu TT khi qua Hà Nội lên tiếng về những vi phạm trầm trọng nhân quyền của CSVN, kèm theo danh sách của 94 tù nhân lương tâm mà ba vị đã thâu thập được lên tổng thống.
Tại thủ đô Hà Nội, tin tức ghi nhận được ngoài một thỉnh nguyện thư ra thì hình như người dân chỉ chú ý đến kiếm cách nào để thu nhập thêm như các quán rượu với loại bia mới Kim Jong Ale, hoặc coctail mới Peace Negroniation, áo thun in hình họp thượng đỉnh, v.v… Hình ảnh cũng cho thấy người dân lái xe rất thờ ơ khi đi ngang qua những tấm bích chương. Nhìn kỹ các tấm bích chương (poster) này lại hiểu thêm về thủ thuật tuyên truyền của cộng sản: đề tên Bắc Hàn trước Hoa Kỳ (DPRK-USA: Bắc Hàn-Hoa Kỳ), chứ không phải Mỹ-Triều.
Phạm Gia Đại
(Tin Tổng Hợp)
Theo NGUYỆT-SAN VIỆT-NAM
Be the first to comment