Liên tiếp trong hai ngày cuối tuần rồi, quân đội Nga hai lần tuyên bố đã dùng hỏa tiễn siêu thanh để tấn công các mục tiêu quân sự ở Ukraine, bất chấp rủi ro về mặt nhân đạo – bởi vì chỉ cần tính toán sai lầm một chút là loại vũ khí này có thể gây ra thương vong rất lớn cho những thường dân vô tội.
Lần thứ nhất, Bộ Quốc Phòng Nga hôm Thứ Bảy 19 tháng 3 ra thông cáo nói rằng vào ngày 18 tháng 3 “quân đội Nga đã sử dụng hỏa tiễn siêu thanh Kinjal để phá hủy một kho đạn ngầm trong lòng đất của quân đội Ukraine” ở gần thành phố Lviv (miền tây Ukraine).
Một ngày sau đó, Chủ Nhật 20 tháng 3, Bộ Quốc Phòng Nga lại loan báo “Một kho lớn dự trữ nhiên liệu đã bị phá hủy bởi các hỏa tiễn hành trình Kalibr bắn từ Biển Caspian, cũng như các hỏa tiễn đạn đạo siêu thanh Kinjal phóng đi từ không phận Crimea”. Thông cáo nói rằng vụ oanh kích này nhắm tới vùng Mykolaiv (miền nam Ukraine) và mục tiêu bị phá hủy là “nguồn cung ứng chính nhiên liệu cho các xe bọc thép của Ukraine”. Thông cáo còn khoe “hỏa tiễn có độ chính xác cao đã bắn trúng một trung tâm huấn luyện của Ukraine ở vùng Zhytomyr, cách thủ đô Kyiv 150 km về phía tây”, và “hơn 100 lính đặc nhiệm (Ukraine) và lính đánh thuê nước ngoài đã bị giết chết”.
Theo Pháp Tấn Xã (AFP) thì cả hai tin trên đây chỉ là do phía Bộ Quốc Phòng Nga đưa ra và chưa được kiểm chứng qua các nguồn tin độc lập, nhưng nếu đúng thì đây là đợt đầu tiên Nga dùng loại hỏa tiễn được thử nghiệm thành công hồi năm 2018 để tấn công Ukraine.
Trong khi đó hãng tin Bloomberg trích dẫn tin nhắn trên mạng xã hội của ông Mykhailo Podolyak là cố vấn của Tổng Thống Volodymyr Zelensky, viết rằng: “Vào ngày thứ 25 của chiến cuộc, vì thất bại trong cuộc tấn công, quân đội Nga đã chuyển qua dùng những vũ khí có khả năng hủy diệt dữ dội, như hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal và Bastion, để bắn vào các thành phố đang sống yên bình”.
Tin nhắn này được coi như một phản ứng chính thức của chính phủ Ukraine, cho thấy Nga đang leo thang chiến tranh – ở thời điểm ba tuần lễ kể từ lúc Tổng Thống Putin ra lệnh tấn công vào lãnh thổ nước láng giềng. Cuộc tấn công thoạt đầu diễn ra dưới hình thức chiến tranh quy ước, gồm thiết giáp, bộ binh, kế đó là cho phi cơ oanh kích các thành phố và pháo kích liên tục vào những khu cư dân với hơn 1,100 hỏa tiễn loại thường, rồi nay lại dùng tới cả hỏa tiễn siêu thanh.
Ngày 19 tháng 3, ba chuyên gia Frederick W. Kagan, George Barros, Kateryna Stepanenko thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh ở Washington (Institute for the Study of War – ICW) đưa ra nhận định: “Rõ ràng quân lực Ukraine đã đánh bại đợt tấn công đầu tiên của Nga, bởi vì mục tiêu tiên quyết của ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ là phải chiếm bằng được các thành phố lớn như Kyiv, Kharkiv, Odesa… để gây áp lực lật đổ chính phủ Zelenskiy. Thay vì vậy, hình ảnh từ vệ tinh cho thấy quân đội Nga vẫn chỉ bao vây Kyiv và có vẻ đang bị sa lầy. Tuy nhiên cuộc chiến càng sa lầy và kéo dài bao nhiêu thì càng tàn bạo và đẫm máu bấy nhiêu. Nga sẽ tiếp tục dội bom, san bằng các thành phố và tàn sát thường dân, ngay cả trong lúc quân đội Nga bị quân lực Ukraine phản công và gây thiệt hại nặng nề”.
Trung tướng Jim Hockenhull, Giám đốc Cơ Quan Tình Báo Quốc Phòng của Anh Quốc, nói với báo chí: “Chiến dịch của Nga đã thay đổi. Họ chuyển qua một chiến thuật tấn công lâu dài, sử dụng hỏa lực bừa bãi và không còn phân biệt mục tiêu quân sự với mục tiêu dân sự. Hậu quả là số thương vong của thường dân sẽ gia tăng, hạ tầng cơ sở của Ukraine sẽ bị tàn phá, và hàng triệu người tỵ nạn chiến tranh sẽ tạo thành một cuộc khủng hoảng lớn lao”.
(Theo Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức UNICEF, cho tới nay đã có trên 1 phần tư dân số Ukraine tức khoảng 10 triệu người phải bỏ nhà cửa chạy từ thành phố này đến thành phố khác để tránh bom đạn, hơn 3 triệu rưởi người đi qua các nước láng giềng tỵ nạn, và phân nửa trong số người tỵ nạn là trẻ em).
Đại tướng Lloyd Austin, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, khi trả lời phỏng vấn trên chương trình “Face the Nation” của đài CBS hôm Chủ Nhật 20 tháng 3 nói rằng ông “không thấy việc quân đội Nga tiếp tục oanh kích dữ dội vào các khu cư dân sẽ làm thay đổi cục diện chiến tranh”, mà “chỉ vì Putin đang cố gắng tìm cách động viên tinh thần binh sĩ” sau ba tuần lễ thất bại trên chiến trường. Ông Austin không đề cập tới hỏa tiễn siêu thanh (hypersonic missiles), chỉ nhấn mạnh rằng nếu Nga dùng vũ khí hóa học (chemical weapons) hoặc vũ khí sinh học (biological weapons) thì “họ sẽ thấy một phản ứng đáng kể chẳng những từ phía Mỹ mà là từ tất cả cộng đồng quốc tế”.
Ngày hôm sau, Tổng Thống Joe Biden xác nhận nguồn tin về hỏa tiễn siêu thanh, nói rằng đó là loại vũ khí duy nhất có khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ của Ukraine, và việc quân đội Nga dùng tới loại vũ khí này chứng tỏ “Tổng Thống Vladimir Putin đã bị dồn đến chân tường”. Vì vậy, ông Biden nhắc lại lời cảnh giác rằng trong thời gian sắp tới rất có thể Nga sẽ còn tung ra những chiến thuật nguy hiểm hơn nữa để cứu vãn tình thế, kể cả việc dùng vũ khí hóa học và sinh học, hoặc ra lệnh cho tin tặc phá hoại hạ tầng cơ sở của nước Mỹ – như tấn công vào hệ thống điện lực, hệ thống cung ứng nước uống v.v…
HỎA TIỂN SIÊU THANH TRONG CUỘC CHẠY ĐUA VŨ KHÍ
Mấy năm gần đây Nga được coi là đã “đi trước một bước” trong việc chế tạo hỏa tiễn siêu thanh tầm ngắn và tầm trung mang cùng lúc cả đầu đạn thông thường lẫn đầu đạn nguyên tử. Năm 2018, hỏa tiễn siêu thanh “Kinjal” (hoặc “Kinzhal”) được thử nghiệm thành công, với vận tốc từ 6,000 km/giờ (3,728 miles/giờ) đến 12,000 km/giờ (7,456 miles/giờ) và bắn trúng các mục tiêu ở khoảng cách 2,000 km (1,240 miles).
Andre Kartapolov, cựu Thứ Trưởng Quốc Phòng và là chủ tịch Ủy Ban Quân Lực Hạ Viện Nga, khoe khoang rằng “một loạt hỏa tiễn Zirkon bắn đi từ tầu ngầm hoặc từ chiến hạm trên biển có khả năng hủy diệt nhiều hàng không mẫu hạm của Mỹ”, đồng thời tỏ thái độ coi thường các quốc gia Tây phương vì đầu tư không đủ vào cuộc chạy đua vũ khí nên sẽ không có khả năng đối phó với những vũ khí tối tân của Nga.
Trước việc quân đội Nga dùng hỏa tiễn siêu thanh tấn công Ukraine, một số chuyên gia quân sự phân tích như sau:
– Hỏa tiễn hành trình Zirkon và hỏa tiễn siêu thanh Kinjal đều thuộc dòng vũ khí mới mà Tổng Thống Nga Vladimir Putin mô tả là “bất khả chiến bại”, vì có ba ưu điểm là (1) tốc độ nhanh vượt bực, (2) dễ điều khiển để đổi hướng bất ngờ, và (3) có thể né tránh hệ thống radar phòng thủ của đối phương. Tuyên bố trước quốc dân hồi năm 2018, Putin nói rằng hỏa tiễn siêu thanh Kinjal bay với tốc độ hơn 2 miles mỗi giây đồng hồ, tức nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh (761 miles/giờ) nên dễ dàng vượt qua mọi hệ thống phòng thủ. Hiện nay hỏa tiễn siêu thanh Kinjal được trang bị cho các chiến đấu cơ MIG-31, trong khi hỏa tiễn hành trình Zircon, với tầm bắn 1,000 km, được trang bị cho tàu chiến và tàu ngầm.
– Nhật báo Libération ở Pháp trích dẫn nhận định của một chuyên gia quân sự là Pavel Felgenhauer cho rằng việc dùng hỏa tiễn siêu thanh “không mang lại lợi thế cho quân đội Nga trên chiến trường Ukraine nhưng chắc chắn sẽ gây hiệu ứng tâm lý”, nghĩa là làm cho người dân Ukraind mất tinh thần, sợ hãi, và Nga có thể lợi dụng điều đó để tuyên truyền.
– Tướng Dominique Trinquand, cựu chỉ huy lực lượng Pháp của Liên Hiệp Quốc, khi trả lời Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cũng đồng ý là hỏa tiễn siêu thanh “tuy không mang lại lợi thế chiến lược thực sự cho Nga, nhưng có tác dụng tức thời về mặt tâm lý”, nói thêm rằng “loại vũ khí này Nga không có nhiều về số lượng”, và “việc sử dụng chúng sẽ không làm thay đổi chiều hướng chiến tranh”. Tướng Trinquand còn cho rằng một mục tiêu khác của việc dùng hỏa tiễn siêu thanh là để “che lấp những nhược điểm của quân đội Nga đã bị lộ rõ sau hơn ba tuần lễ đầu tiên”.
– Ý kiến trên đây được chuyên gia Héloise Fayet thuộc Viện Bang Giao Quốc Tế của Pháp (Institut Francais des Relations Internationales – IFRI) chia sẻ trên trang mạng France Info: “Nga sử dụng hỏa tiễn siêu thanh để bù đắp sự thiếu hụt về hỏa tiễn tầm ngắn và tầm trung, cũng có thể là dấu hiệu cho thấy quân đội Nga không có đủ khả năng ‘kiểm soát hoàn toàn bầu trời’, hay nói cách khác, hệ thống phòng không của Ukraine vẫn còn có thể gây tổn thất cho quân xâm lược”.
– Cũng theo chuyên gia của IRFI thì “việc trắc nghiệm phản ứng của phương Tây có lẽ là mục tiêu hàng đầu của Nga”. Bà Héloise Fayet nhận định: “Các quốc gia Tây phương không phản ứng gì sau đợt tấn công đầu tiên với hỏa tiễn siêu thanh Kinjal ở Ukraine, nhưng nếu Moscow một lần nữa sử dụng loại hỏa tiễn này thì sẽ là chuyện khác”.
Trong khi đó, về phía Mỹ, trước đây Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ có kế hoạch hoàn thiện việc chế tạo hỏa tiễn siêu thanh vào năm 2024, riêng hỏa tiễn siêu thanh trang bị cho tầu ngầm sẽ chỉ hoàn thiện vào năm 2028. Cho đến tháng 11 năm 2021, cơ quan Missile Defense Agency (MDA) của chính phủ Mỹ mới bắt đầu ký hợp đồng với ba tập đoàn Raytheon, Lockheed Martin và Northrop Grumman để phát triển hệ thống hỏa tiễn chống hỏa tiễn siêu thanh (Anti-Hypersonic Missile Contracts), trị giá $60 triệu dollars.
Nhưng trước tình hình biến chuyển đột ngột, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã phải đốt giai đoạn. Theo trang mạng Express của Anh Quốc (www.express.co.uk) thì đợt thử nghiệm vũ khí mới nhất của Mỹ mang tên AGM-183A (Air-launched Rapid Response Weapon – ARRW) sẽ được thực hiện trong 30 ngày tới đây, bằng chứng là hỏa tiễn siêu thanh đã được chuyển đến Căn Cứ Không Quân Edwards ở California hôm Thứ Ba 1 tháng 3 và nạp lên phi cơ oanh tạc B-52H Stratofortress Bomber.
Vẫn theo trang mạng Express, loại hỏa tiễn siêu thanh này của Hoa Kỳ có thể bay với tốc độ trên 15,000 miles/giờ, tức nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh (761 miles/giờ), và như vậy sẽ bắn tới thủ đô Moscow của Nga trong vòng chưa đầy 20 phút hoặc bắn tới thủ đô Bắc Kinh của Trung Cộng chỉ trong nửa giờ.
VÀI TIN CẬP NHẬT VỀ CHIẾN CUỘC UKRAINE
– Qua bài trả lời phỏng vấn báo chí trong nước, được phát đi đêm Thứ Hai 21 tháng 3, ông Volodymyr Zelensky, Tổng Thống Ukraine lần đầu tiên tuyên bố “sẵn sàng nói chuyện với Tổng Thống Nga Vladimir Putin về một thỏa hiệp liên quan đến hai vùng Donbass và Crimea” để chấm dứt chiến tranh.
Theo lời Tổng Thống Zelensky, “nếu không gặp trực tiếp Vladimir Putin thì sẽ không thể hiểu rõ những gì có thể khiến Nga sẵn sàng ngưng chiến”. Nhưng đồng thời ông nhấn mạnh, “một thỏa thuận, nếu có, về Donbass và về Crimea (là vùng đất bị Nga dùng võ lực sáp nhập hồi năm 2014) sẽ phải được thông qua trưng cầu dân ý”. Ông Zelensky nhắc lại rằng “Ukraine không thể chấp nhận bất kỳ tối hậu thư nào của Nga”.
Cũng trong cuộc phỏng vấn trên, ông Zelensky nhiều lần đề cập đến một vấn đề mấu chốt, là quan hệ với Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông cho rằng đến lúc này cần phải bình tĩnh và tìm những bảo đảm an ninh khác cho Ukraine, chứ không nhất thiết qua giải pháp Ukraine được NATO chấp thuận để trở thành một thành viên.
– Một ngày trước đó, Nga ra tối hậu thư buộc quân đội chính phủ Ukraine phải hạ vũ khí đầu hàng và giao nạp thành phố ven biển Mariupol trước 5 giờ sáng Chủ Nhật 20 tháng 3, để đổi lấy việc quân đội Nga mở một hành lang nhân đạo cho cư dân thành phố di tản an toàn. Tối hậu thư bị chính phủ Ukraine bác bỏ ngay tức khắc. Phó Thủ Tướng Iryna Vereshchuk khẳng định “không thể có chuyện đầu hàng”.
Thành phố Mariupol – một hải cảng chiến lược, kiểm soát phần lớn bờ biển phía Nam của Ukraine – đang trở thành biểu tượng cho sự thất bại của Nga, vì mặc dù nhân lực và vũ khí vượt trội nhưng quân đội Nga đã không thể buộc quân dân Ukraine phải đầu hàng. Đồng thời Mariupol cũng trở thành biểu tượng cho sự tàn bạo, vì quân đội Nga càng ngày càng nhắm vào các khu vực dân sự trong thành phố để tấn công bằng hỏa tiễn tầm xa, gây tàn phá và thương vong khủng khiếp, chỉ mong sẽ đánh gục tinh thần chiến đấu của quân dân Ukraine. Mới tuần trước, một nhà hát ở Mariupol được dùng làm nơi trú ẩn của dân chúng đã biến thành một đống gạch vụn. Để đề phòng bị ném bom, người ta viết thật lớn chữ “Trẻ Em” cả trên sân trước lẫn vườn sau của nhà hát, thế nhưng bất chấp chữ “Trẻ Em” có thể được nhìn thấy rõ ràng từ trên không, phi cơ Nga vẫn ném bom xuống. Hơn 1,000 người trú ẩn trong nhà hát đang mất tích, chưa rõ số phận ra sao.
– Theo bản tin thông tấn Reuters, Bộ Ngoại Giao Nga hôm Thứ Hai 21 tháng 3 đã triệu Đại Sứ Mỹ tại Moscow là ông John Sullivan tới để cảnh cáo rằng lời phát biểu của Tổng Thống Joe Biden về Tổng Thống Nga Vladimir Putin có thể làm sụp đổ mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia. Cùng với thông cáo báo chí viết rằng “Những lời nói như vậy từ Tổng Thống Mỹ, thật không xứng đáng với người ở chức vụ đó, và khiến mối quan hệ Nga-Mỹ gần đến chỗ đứt đoạn”, Bộ Ngoại Giao Nga còn nói với Đại Sứ Sullivan là “các hành động thù nghịch với Nga sẽ được trả lời bằng những biện pháp trả đũa cứng rắn và quyết liệt”.
Hồi tuần trước, Tổng Thống Biden phát biểu rằng Tổng Thống Putin là “tội phạm chiến tranh” vì ông ta đã đưa cả trăm ngàn binh sĩ Nga qua xâm lăng Ukraine và có hành động bắn phá bừa bãi, tàn sát thường dân vô tội.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chỉ xác nhận vắn tắt trong cuộc họp báo là “Đại Sứ Sullivan có gặp các giới chức ngoại giao Nga”, đồng thời nhắc lại rằng chính phủ Mỹ “coi việc duy trì đường dây liên lạc với Nga là điều quan trọng, nhất là trong thời gian có chiến tranh”. Theo lời ông Ned Price, “Chúng tôi tìm cách duy trì sự hiện diện ngoại giao ở Moscow, và cũng muốn chính phủ Nga có sự hiện diện tương tự ở Washington, D.C.”, nhưng “những hành động từ phía Nga khiến người ta phải đặt câu hỏi là liệu họ có muốn giữ đường dây liên lạc hay không?”
– Sáng sớm Thứ Ba 22 tháng 3, quân đội Ukraine cho biết đã giành lại được khu ngoại ô Makariv của thủ đô Kyiv sau những trận giao tranh quyết liệt. Tưởng cần nhắc lại, ngay từ lúc cuộc chiến mới bùng phát, quân đội Nga đã chiếm một phần các thị trấn vùng ngoại ô Kyiv, như Bucha, Hostomel, Irpin và Makariv. Việc tái chiếm khu vực chiến lược Makariv cho phép Ukraine kiểm soát một xa lộ trọng yếu và ngăn chận không cho Nga bao vây thủ đô Kyiv từ hướng Tây Bắc.
– Tổng Thống Joe Biden sẽ lần lượt đến Brussels và Warsaw để thảo luận với các quốc gia đồng minh tại Âu Châu về chiến cuộc Ukraine. Ngày 24 tháng 3 ông Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh bất thường của Tổ Chức NATO tại Brussels (thủ đô Vương Quốc Bỉ), sau đó sẽ đến thủ đô Warsaw của Ba Lan để họp song phương với Tổng Thống Andrzej Duda vào ngày 26 tháng 3.
MÁY BAY BOEING RỚT Ở HOA LỤC, 132 NGƯỜI THIỆT MẠNG
Các hãng thông tấn và cơ quan truyền thông đang dồn mọi chú ý để theo dõi tin tức về một máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không China Eastern bị rớt trong vùng núi ở miền nam Hoa Lục hôm Thứ Hai 21 tháng 3.
Tin sơ khởi cho biết chiếc phi cơ cất cánh lúc 13 giờ trưa từ Côn Minh (tỉnh Vân Nam) và đang trên đường bay đến Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) thì bị rớt trong vùng núi Tengxian (Đằng Huyền) ở gần thành phố Wuzhou (Ngô Châu) thuộc tỉnh Quảng Tây.
Chuyến bay gặp nạn mang số MU-5735, chở theo 132 người, gồm 9 nhân viên phi hành đoàn và 123 hành khách. Theo lời giám đốc Zhu Tao của Cơ Quan Hàng Không Dân Dụng trả lời báo chí thì cho tới giờ này vẫn chưa tìm được ai sống sót. Bộ Ngoại Giao Trung Cộng nói rằng tất cả hành khách đều là cư dân Hoa Lục, không có người ngoại quốc nào.
Được biết phi cơ bị mất liên lạc với cơ quan kiểm soát không lưu từ 2 giờ 15 phút chiều Thứ Hai. Sau đó, vào khoảng 2 giờ 30 chiều, cảnh sát được dân làng báo cáo là phi cơ rớt xuống một khu rừng rậm, nổ tung và vỡ tan thành nhiều mảnh, gây ra đám cháy lớn đến mức có thể nhìn thấy trên hình ảnh chụp từ vệ tinh của NASA.
Đài truyền hình nhà nước Trung Cộng (China Central Television – CCTV) cho biết 600 nhân viên cứu hỏa và cứu cấp từ hai tỉnh Quảng Đông Quảng Tây được điều động tới hiện trường ngay tức khắc, và đã dập tắt đám cháy trên khu đồi núi. Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi mọi người nỗ lực tối đa để tìm kiếm nạn nhân sống sót, đồng thời mở cuộc điều tra sâu rộng nhằm tìm hiểu nguyên nhân tai nạn và bảo đảm an toàn cho ngành hàng không dân sự.
Theo tin tức cập nhật hôm Thứ Tư thì sau khi phải tạm ngưng công tác một ngày vì trời mưa quá lớn, toán điều tra đã tìm thấy một trong hai hộp đen (black boxes) trong thân máy bay. Tuy nhiên chiếc hộp đen còn lại này bị hư hại quá nặng, nên toán điều tra không tin chắc có lấy được các dữ liệu về phi trình (flight data recorder – FDR) hoặc về tiếng nói của phi công (cockpit voice recorder – CVR) hay không.
Bản tin thông tấn AP ghi nhận rất nhiều gia đình tụ tập ở hai phi trường Côn Minh và Quảng Châu từ chiều Thứ Hai, chờ đợi cả ngày lẫn đêm, mặc dù khó có hy vọng thân nhân của họ còn sống sót nhưng ít nhất cũng mong thu thập được thi thể để mai táng. Hãng hàng không China Eastern đã đưa một số người đến nơi cư trú tạm thời. Cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Cộng nói rằng 5 khách sạn với 700 phòng ở thành phố Ngô Châu được dành sẵn cho gia đình các nạn nhân.
Qua thông cáo của Bộ Giao Thông, tất cả những phi cơ Boeing 737-800 của hãng hàng không China Eastern đều được lệnh tạm ngưng bay. Hãng này cũng cho biết đã hủy bỏ hàng ngàn chuyến bay khác trong ngày, và thành lập chín toán đặc nhiệm để điều tra tai nạn cũng như giúp đỡ gia đình các hành khách gặp nạn.
Theo trang mạng “FlightRadar24.com” chuyên theo dõi các chuyến bay trên toàn thế giới, chiếc phi cơ Boeing của China Eastern đã bay được khoảng một tiếng đồng hồ, đến 2:20 giờ chiều thì phi cơ đang ở cao độ 29,000 feet (8,840 mét) bỗng rơi xuống cao độ 7,400 feet, rồi lại bay lên khoảng 1,200 feet và đạt được cao độ 8,600 feet. Dữ liệu cuối cùng của FlightRadar24 cho thấy phi cơ ở cao độ 3,225 feet trước khi đâm bổ xuống vùng núi vào lúc 2:22 giờ chiều, giờ địa phương.
Đây là tai nạn hàng không thảm khốc nhất tại Trung Hoa Lục Địa trong hơn một thập niên qua. Tin tức và hình ảnh tràn ngập đài truyền hình và các trang mạng suốt mấy ngày sau đó. Một số vị nguyên thủ quốc gia như Thủ Tướng Boris Johnson của Anh, Thủ Tướng Justin Trudeau của Canada, Thủ Tướng Narendra Modi của Ấn Độ cũng bày tỏ lời phân ưu trên mạng xã hội.
Ông Dave Calhoun, Chủ tịch Điều hành công ty Boeing (trụ sở chính đặt tại Chicago, tiểu bang Illinois) phổ biến thông cáo chia buồn với gia đình các nhân viên phi hành đoàn và hành khách trên chuyến bay MU-5735, đồng thời cho biết công ty đã gửi những chuyên viên kỹ thuật đến hỗ trợ cuộc điều tra tìm hiểu nguyên nhân tai nạn.
China Eastern (Trung Quốc Đông Phương Hàng Không Công Ty) là một trong ba hãng máy bay dân sự lớn nhất tại Trung Hoa Lục Địa (hai hãng kia là China Southern và Air China). Chiếc phi cơ Boeing 737-800 do hãng Boeing sản xuất và bán cho China Eastern từ tháng 6 năm 2015, đã được sử dụng hơn sáu năm, thực hiện 8,986 chuyến bay và không xảy ra vấn đề gì.
Boeing 737-800 thuộc dòng máy bay đời trước của Boeing 737 Max – là dòng máy bay có liên quan đến hai tai nạn chết người ở Indonesia năm 2018 và Ethiopia năm 2019, do đó đã bị các quốc gia cấm sử dụng.
Hãng hàng không China Eastern có tới hơn 600 chiếc máy bay, bao gồm 109 chiếc Boeing 737-800. Vì vậy lệnh cấm sử dụng loại máy bay này chắc chắn sẽ gây trở ngại rất nhiều cho việc di chuyển của dân chúng, nhất là vào thời điểm đại dịch Covid-19 đang có dấu hiệu tái bùng phát ở một vài địa phương.
Những năm gần đây, ngành hàng không phát triển rất mạnh tại Trung Hoa Lục Địa, và nhờ những biện pháp an toàn nghiêm ngặt nên ít khi xảy ra tai nạn máy bay. Tưởng cần nhắc lại, tai nạn gần đây nhất là hồi tháng 8 năm 2010, khi chiếc máy bay Embraer ERJ 190-100 của hãng Henan Airlines khởi hành từ Cáp Nhĩ Tân bị rớt và bốc cháy ở gần phi trường Y Xuân miền đông bắc vì gặp sương mù, khiến 42 người trong số 96 người trên chuyến bay thiệt mạng.
Trước đó vào tháng 6 năm 1994 đã xảy ra tai nạn hàng không kinh hoàng nhất tại Trung Hoa Lục Địa: Tất cả 160 người (gồm 14 nhân viên phi hành đoàn và 146 hành khách) trên chuyến bay số 2303 của hãng China Northwest Airlines đều thiệt mạng, khi chiếc máy bay Tupolev 154 vừa cất cánh ở phi trường Tây An thì bị rớt và bốc cháy. Sau tai nạn này, hãng China Northwest được sáp nhập với hãng China Eastern cho tới ngày nay.
Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, AFP, BBC, RFI, NBC News, Bloomberg, Al Jazeera ngày 24/3/2022
Be the first to comment