BIẾN THỂ OMICRON BA.2 ĐANG CÓ DẤU HIỆU LAN TRÀN
Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC) hôm Thứ Ba 22 tháng 3 cho biết hơn một phần ba (34.9%) trong tổng số những trường hợp lây nhiễm Covid-19 hiện nay là do virus biến thể BA.2 gây ra. Đây là biến thể phụ (subvariant) mới nhất của coronavirus biến thể Omicron mà từ tháng 12 năm 2021 đến cuối tháng 1 năm 2022 đã từng lan tràn khắp nước Mỹ khiến gần 4,000 bệnh nhân tử vong.
Nói chung, trong những tuần lễ gần đây tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 trên toàn quốc đã giảm rất nhiều, do đó hầu hết các biện pháp hạn chế sinh hoạt để phòng chống đại dịch đã được Trung Tâm CDC nới lỏng, kể cả việc bắt buộc mang khẩu trang cũng chỉ còn áp dụng ở một số địa phương. Tuần vừa qua, trung bình mỗi ngày nước Mỹ có 27,747 trường hợp mới lây nhiễm và 1,916 người phải vào bệnh viện chữa trị Covid, nghĩa là giảm gần 18% so với tuần lễ trước đó.
Nhưng sở dĩ Trung Tâm CDC phải công bố dữ liệu nêu trên và nhắc nhở dân chúng Mỹ cảnh giác đề phòng, là vì hai lý do.
Lý do thứ nhất, biến thể phụ BA.2 lây nhiễm với tốc độ mau lẹ gần gấp đôi so với biến thể Omicron cũng như biến thể phụ BA.1. Hơn nữa, BA.2 lại khó bị phát giác qua kết quả thử nghiệm PCR, do đó các khoa học gia đã gọi BA.2 là “biến thể ăn trộm” (stealth variant).
Lý do thứ hai, mặc dù chưa lan tràn nhiều ở Mỹ, nhưng BA.2 đang trở thành mối lo ngại lớn ở châu Á và châu Âu. Chỉ trong vài tuần lễ gần đây biến thể phụ này đã lan tràn rất nhanh từ nước Anh qua nước Pháp rồi tới nước Ý, nước Áo, và tới nay đã có mặt ở 106 quốc gia trên thế giới.
Trong bản phúc trình mới nhất, vừa phổ biến hôm Thứ Ba 22 tháng 3, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization – WHO) cho biết “đang theo dõi rất chặt chẽ đường đi nước bước” của biến thể BA.2.
Theo bản phúc trình của WHO, con số những trường hợp mới lây nhiễm Covid-19 do biến thể BA.2 đã tăng 7% liên tiếp trong hai tuần lễ vừa qua.
Căn cứ vào các dữ liệu thu thập được, Tổ Chức Y Tế Thế Giới cảnh giác rằng biến thể BA.2 “lan tràn từ vùng Đông Nam Á, qua miền Đông Địa Trung Hải, tới Phi Châu, rồi qua Âu Châu, và bắt đầu lan tràn ở Mỹ Châu và Châu Mỹ La Tinh”.
Tại Hoa Kỳ, các khoa học gia của Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC) cũng đang theo dõi ráo riết và vừa công bố vài dữ liệu mới nhất, cho thấy biến thể BA.2 là nguyên nhân gây ra phân nửa (50%) trong tổng số những trường hợp mới lây nhiễm Covid-19 tại các tiểu bang vùng Đông Bắc, bao gồm New Jersey, New York và Massachusetts.
Khi so sánh hai tuần lễ gần đây nhất, CDC nói rằng tuần lễ từ 6 đến 12 tháng 3, tỷ lệ lây nhiễm do BA.2 gây ra trên toàn quốc là 23.1%, nhưng qua tuần lễ từ 13 đến 19 tháng 3 thì tỷ lệ lây nhiễm do BA.2 gây ra đã tăng lên thành 34.9%.
Theo bác sĩ John Brooks, trưởng khối chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung Tâm CDC, thì “cho dù con số lây nhiễm Covid-19 gia tăng do biến thể BA.2, cũng không có nghĩa là số người phải vào bệnh viện chữa trị và số bệnh nhân tử vong cũng sẽ tăng như các đợt bùng phát trước đây”, một phần vì chương trình chích ngừa vẫn đang được tiếp tục, phần khác bởi vì “nhiều người đã bị lây nhiễm do biến thể Omicron và nhờ đó cơ thể họ có sức đề kháng khá cao, giúp tránh được bệnh tình nghiêm trọng và tử vong”.
Vì giới khoa học cho rằng các virus biến thể có thể lan tràn qua nước thải (wastewater), do đó công ty Biobot Analytics đã thực hiện cuộc kiểm tra toàn bộ hệ thống nước thải kể từ đầu tháng 3 năm 2020 tới nay, gồm 200 địa điểm trong 40 tiểu bang. Giám đốc điều hành công ty Biobot Analytics là bà Mariana Matus nói với báo chí: “Cho đến thời điểm này, chúng tôi không thấy dấu hiệu nào chứng tỏ có virus trong nước thải, so với thời điểm biến thể Omicron lan tràn hồi tháng 12 năm 2021”.
Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Nghiên Cứu Dị Ứng Và Bệnh Truyền Nhiễm (National Institute of Allergy and Infectious Diseases – NIAID) và là Cố Vấn Trưởng về y tế tại Tòa Bạch Ốc, hôm Thứ Ba 23 tháng 3 nói rằng “trong tuần lễ tới đây chúng ta có thể thấy một sự gia tăng các trường hợp mới lây nhiễm Covid-19 do BA.2 gây ra”. Tuy nhiên, ông Fauci “không tin rằng biến thể BA.2 sẽ đưa tới một đợt bùng phát dữ dội ngay tức khắc, trừ khi xảy ra một sự thay đổi quan trọng”.
Bác sĩ Daniel Kuritzkes, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm của Bệnh Viện Phụ Khoa Brigham tại Boston, cũng cho biết ông chưa thấy dấu hiệu cụ thể về một đợt bùng phát do biến thể BA.2, nhưng nhắc nhở mọi người vẫn nên quan tâm và đề cao cảnh giác, bởi vì “hiện nay chúng ta đang nới lỏng những biện pháp hạn chế sinh hoạt để phòng chống đại dịch như là mang khẩu trang hoặc tránh tụ tập đông người, và điều này có nghĩa là chúng ta tạo cơ hội để BA.2 cũng như các chủng loại biến thể khác dễ lan tràn”.
Viện Nghiên Cứu và Thẩm Định Tiêu Chuẩn Y Tế (Institute for Health Metrics and Evaluation – IHME) thuộc Đại Học Washington, vốn thường xuyên cập nhật các dữ liệu y tế, cũng đưa ra nhận định tương tự. Bác sĩ Ali Mokdad là giáo sư của viện đại học này gửi tin nhắn trên mạng xã hội viết rằng “mặc dù không có dấu hiệu một đợt bùng phát, nhưng thái độ vội vã quay trở lại sinh hoạt giống như lúc chưa xảy ra đại dịch Covid-19, cộng với sự lan tràn của biến thể BA.2 trên thế giới, rất dễ đưa tới những con số lây nhiễm gia tăng”.
Theo bản tin Tổng Hợp của Phố Nhỏ Online ngày 24/3/2022
Be the first to comment