Mai Khôi – Chân Dung Nữ ‘Chiến Binh’ Nhận Giải Roosevelt Four Freedoms

Đỗ Nguyễn Mai Khôi, nữ ca sĩ hiếm hoi trong làng nghệ thuật Việt Nam dám dấn thân vào hoạt động đấu tranh cho các quyền tự do cơ bản của người dân, vừa được Viện Roosevelt trao giải thưởng Four Freedoms (tạm dịch “Tứ Tự do”) vì những thành tích đóng góp của cô trong thời gian qua.

“Quá bất ngờ vì Khôi thấy giải thưởng này rất lớn. Được biết rằng những người được nhận giải thưởng này trước đây toàn những người nổi tiếng, những nhà hoạt động và cả những lãnh đạo nổi tiếng”, Mai Khôi bày tỏ cảm xúc với VOA.

Giải thưởng Roosevelt Four Freedoms được trao mỗi năm cho những người có thành tích thể hiện những nguyên tắc mà Tổng thống Roosevelt đã tuyên bố trong bài phát biểu lịch sử của ông trước Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 6/1/1941. Đó là bốn điều cần thiết cho một nền dân chủ: Tự do ngôn luận và biểu đạt, tự do tín ngưỡng, tự do mong muốn, và tự do khỏi nỗi sợ hãi.

Cho đến nay, những người đã nhận giải thưởng Four Freedoms của Viện Roosevelt bao gồm nhiều tên tuổi lớn của mọi thời đại, trong đó có thể kể Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, các tổng thống Mỹ như Harry S. Truman, John F. Kennedy, Jimmy Carter, Thượng nghị sĩ J. William Fulbright…

“Giải thưởng này là động lực rất lớn để Mai Khôi tiếp tục con đường đấu tranh của mình cho quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận và tự do nghệ thuật. Khôi thấy rằng ở Việt Nam không phải ai cũng biết ý nghĩa của những quyền này, bởi vì hệ thống giáo dục ở Việt Nam không cung cấp đầy đủ những kiến thức này cho người dân”, Mai Khôi nói.

Tự nhận mình là một “nữ chiến binh” rất phù hợp để tham gia vào “chiến trường” giành quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận cho người dân Việt Nam, Mai Khôi cho biết:

“Khi Khôi quyết định tham gia vào ‘chiến trường’ tự do ngôn luận này thì Khôi thấy mình rất phù hợp để hoạt động trong lĩnh vực này bởi vì âm nhạc là một công cụ rất mạnh và nó giúp rất nhiều trong việc thể hiện chính kiến, những cảm xúc của mình. Chính vì vậy, nó giúp Khôi hoạt động trên con đường tự do ngôn luận, tự do biểu đạt một cách rất thuận lợi”.

Trong mắt Khôi, “ai cũng có thể trở thành một nhà hoạt động” nếu họ chịu dấn thân, tìm hiểu, học hỏi để mở rộng kiến thức của mình. Còn Khôi, “có âm nhạc, Khôi giống như có thêm đôi cánh” nhờ sức truyền tải mạnh mẽ của nó.

“Tự do” đã được Khôi nỗ lực thể hiện từ trong cách sáng tác, chọn bài hát, chọn trang phục, lối biểu diễn, cách nói chuyện hay thể hiện trước công chúng.

Báo chí Việt Nam từng gán cho cô biệt hiệu “Lady Gaga của Việt Nam” với cá tính nổi loạn, hơi ngông, dám đi ngược với đám đông để làm điều mình thích. Thế nhưng, cô cũng được xem là một nghệ sĩ tử tế, ít quan tâm đến tiền tài danh vọng cho bằng sự tự do sáng tạo và cống hiến những tinh hoa nghệ thuật cho công chúng.

Cũng chẳng sao. Nếu sự nổi loạn của cô không lấn sân sang chính trị, có lẽ sự nghiệp và cuộc sống của cô ca sĩ có khả năng sáng tác cũng sẽ như bao nghệ sĩ khác, được công chúng ái mộ và nhung lụa bao quanh.

Nhưng ngã rẽ bắt đầu kể từ khi Khôi tự ra ứng cử làm đại biểu quốc hội vào tháng 3/2016 giữa lúc đang là một ca sĩ có lượng fan khá lớn. Chỉ hai tuần sau, Khôi bị công an “tấn công” sô ca nhạc của mình.

“Họ đến và bắt ngưng buổi biểu diễn của Khôi, rồi họ đưa tin lên báo Công An Nhân Dân làm cho các sô của Khôi bị huỷ hết. Và từ đó, mình bị cấm xuất hiện, cấm diễn ở trong nước”, Khôi cho biết.

Năm đó, Khôi tiếp tục tham gia tuần hành phản đối Công ty Formosa đã gây ra thảm họa môi trường ở Hà Tĩnh khiến hàng trăm ngàn hộ dân mất kế sinh nhai và ngành du lịch của khu vực gần như bị phá huỷ khi doanh thu bị sụt giảm đến 90%.

Như một hậu quả đương nhiên ở đất nước độc đảng, mức độ đàn áp của nhà cầm quyền đối với Khôi ngày càng tăng, đến cả nhà trọ cũng chịu sức ép buộc phải đuổi vợ chồng cô ra khỏi nhà.

Tiếp theo đó là những mất mát, từ người hâm mộ cho đến bạn bè, đồng nghiệp. Giới nghệ sĩ cũng ngấm ngầm loại cô ra khỏi “danh sách bạn bè”.

“Mất hết! Họ rất ngại giao tiếp với Khôi. Khi Khôi còn ở Việt Nam, họ thậm chí còn rỉ tai nhau là ‘Bây giờ mà gần Khôi, dây dưa đi chơi với Khôi rồi bị chụp ảnh một cái là sẽ bị an ninh theo dõi thì rầy rà lắm, phiền lắm’. Họ hầu như xa lánh Khôi, rất ngại gặp, ngại chụp hình chung, kiểu vậy”.

Nhưng mất mát lớn nhất đối với nữ “chiến binh” Mai Khôi là hai lần mà cô nói là “bị thương nặng” kể từ lúc tham gia vào chiến trường giành quyền tự do.

“Khôi bị thương nặng hai lần. Khán giả của mình quay lưng lại với mình. Đó là một vết thương rất lớn. Trước đây, Khôi biết có nhiều khán giả thương Khôi, quý Khôi. Nhưng khi Khôi tham gia hoạt động, thì họ không dám, rồi nhiều lý do khác như họ bất đồng chính kiến với mình chẳng hạn, thì họ quay lưng lại, họ không là fan của Khôi nữa, không theo dõi Khôi nữa. Mình đã mất một lượng fan rất lớn trong đợt đó. Nhưng bù lại, sau này mình cũng có rất nhiều người yêu mến mình vì mình đã dấn thân vào con đường này”.

Lần “bị thương” thứ hai, theo lời Khôi, là khi cô phản đối Tổng thống Donald Trump vì ông đã không đề cập đến vấn đề nhân quyền khi ông đến Việt Nam vào năm 2017. Rất nhiều người từ yêu thương cô đã chuyển sang chống đối, chỉ trích, “mắng nhiếc” và phủ nhận toàn bộ những nỗ lực đấu tranh lâu nay của cô. Lần “bị thương” này, với Khôi, có lẽ đau hơn rất nhiều vì trong đó có rất nhiều người “cùng chiến tuyến” với cô trong công cuộc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam.

Mai Khôi là một trong những nhà bất đồng chính kiến mà Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã gặp trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2016. Để thực hiện được cuộc gặp, cô đã phải lẩn trốn trước trước đó để tránh bị chính quyền ngăn cản và bắt giữ.

Năm 2018, Tổ chức Ân xá Quốc tế đưa Mai Khôi vào danh sách “12 nhà hoạt động nhân quyền truyền cảm hứng để theo dõi”.

Sau lần bị câu lưu 8 tiếng tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, và bị tịch thu toàn bộ các bản sao album mới Dissent (“Bất đồng”) sau chuyến lưu diễn châu Âu vào cuối năm 2018, Khôi đã được sắp xếp sang Mỹ sống.

Thừa nhận tình trạng bị hạn chế của các nhà hoạt động khi ra khỏi đất nước, Mai Khôi cho biết hướng hoạt động chính của cô khi ở nước ngoài là “khuyến khích, tạo cảm hứng để tất cả mọi người trở thành nhà hoạt động”.

“Nếu được ở trong nước thì mình có thể có nhiều cơ hội gặp gỡ mọi người và gây dựng phong trào dễ hơn. Còn khi mình ở nước ngoài thì công việc vận động có thuận lợi hơn, nhưng để kết nối và gây dựng phong trào thì phải là ở trong nước. Mọi người cần có nguồn cảm hứng để trở thành những nhà hoạt động giỏi và Khôi đã dùng âm nhạc để làm việc đó. Khôi thấy mỗi ngày có nhiều người trẻ được truyền cảm hứng từ Khôi và họ đã bắt đầu muốn trở thành những người hoạt động phục vụ cho xã hội của họ”.

Giải thưởng Roosevelt Four Freedoms được trao cho Mai Khôi ngay vào thời điểm cô đang thực hiện dự án âm nhạc có tên “Bad Activist” (tạm dịch “Nhà hoạt động dở tệ”) theo thể loại nhạc kể chuyện.

Hỏi tại sao lại tự nhận mình “dở tệ”, Khôi chỉ cười giòn tan, rồi bảo: “Chuyện dở hay giỏi không phải là vấn đề. Vấn đề là dù mình có dở hay giỏi thì mình đã trở thành nhà hoạt động”.

“nhà hoạt động dở tệ” ấy lại tiếp tục độc hành trên con đường truyền cảm hứng bằng âm nhạc, thức tỉnh những người chưa bao giờ biết đến những quyền tự do cơ bản mà họ vốn có…

Khánh An
Theo VOA tiếng Việt ngày 21/2/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*