Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine đang khiến Washington phải bối rối với mối quan hệ ngày càng khăng khít của Nga và Trung cộng.
Nhìn tổng quát, Nga và Trung cộng không phải là đồng minh chính thức, nhưng họ đã phối hợp các lợi ích kinh tế và an ninh một cách rõ ràng hơn trong vài năm qua.
Hai quốc gia này đã điều hướng một cách thuận lợi cho sự cạnh tranh về các lợi ích của họ ở “sân sau” chung của họ ở Trung Á – và chính phủ Trung cộng đã liên kết với Nga về vấn đề Ukraine.
Maria Repnikova, phụ tá giáo sư về truyền thông toàn cầu tại viện Đại học của tiểu bang Georgia (Georgia State University), cho biết: “Tôi không coi họ (Nga và Trung cộng) là một lực lượng hợp nhất, nhưng tôi thấy họ đang cùng nhau song song đưa ra những thách thức với phương Tây”.
Trong một bản tuyên bố chung được đưa ra cùng với Tổng Thống Nga Vladimir Putin vào đầu tháng này, Tập Cận Bình cho biết rằng Trung cộng “phản đối việc mở rộng của NATO” – thể hiện sự ủng hộ đối với việc Nga yêu cầu Ukraine không được gia nhập hiệp ước phòng thủ chung (NATO).
Sự ủng hộ của họ Tập dành cho Putin trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine đã khiến ngày càng nhiều nhà quan sát ở Washington báo động về một “liên minh chuyên quyền (alliance of autocracies)” Nga-Trung cộng, một “trục độc tài (axis of authoritarianism)“, hay một “trục chuyên chế (axis for tyranny)“, và các hình thức tương tự khác cho thấy sự báo động về mối quan hệ ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và Moscow.
Trên thực tế, các nhà chuyên môn cho rằng mối quan tâm như vậy là muộn màng và đồng thời có phần bị thổi phồng.
Alexander Gabuev, người đứng đầu Chương trình Châu Á – Thái Bình Dương của Nga tại Trung tâm Carnegie Moscow, nói với Axios rằng: “Khuynh hướng chung đã có ở đó” ngay cả trước khi họ Tập chính thức lập lại lời yêu cầu của Putin về NATO.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh không tăng lên đến mức độ của một liên minh thực sự, và được mô tả chính xác hơn là chỉ có tính cách “giao dịch” và như là “một cuộc hôn nhân thuận tiện” mà thôi, Gabuev nói.
Repnikova cho biết: “Giai cấp hàng đầu (giàu có và lãnh đạo) của Nga có thể nói rằng họ thân thiện với Trung cộng, thế nhưng hầu hết chỉ gửi con đến Mỹ hoặc châu Âu để du học. Trong khi đó giai cấp cầm quyền của Trung cộng cũng chọn việc gởi con đi du học ở các quốc gia Tây phương chứ không phải là Nga.”
Sự thiếu hụt của Hoa Kỳ về những chuyên gia nghiên cứu về cả Nga và Trung cộng đã dẫn đến việc thiếu các cuộc thảo luận công khai và đồng nhất về mối quan hệ song phương Nga-Trung cộng đang phát triển.
Trong các tổ chức tư vấn, học viện và báo chí, các chuyên gia khu vực có khuynh hướng cách xa nhau. Điều đó đặc biệt đúng đối với những người chuyên về Nga và Trung cộng, những quốc gia lâu nay được Hoa Kỳ xem là những lợi ích khá thích hợp, nhưng đòi hỏi phải bỏ ra một thời gian dài để học ngôn ngữ của họ.
Gabuev cho biết ngay cả vào cuối năm 2015, các nhân viên cao cấp của Mỹ vẫn bác bỏ tầm quan trọng của mối quan hệ Nga-Trung cộng. Loại điểm mù (blind spot) đó “một phần bắt nguồn từ sự tách biệt giữa hệ thống theo dõi Nga và hệ thống theo dõi Trung cộng” ở Mỹ.
Tương tự như vậy, sự phân chia trong hệ thống theo dõi Nga và Trung cộng có thể tạo ra một vòng tròn thông tin quanh quẩn, làm trầm trọng thêm vấn đề.
Điểm đáng lưu ý là chính quyền Biden tin rằng Bắc Kinh đang đánh giá phản ứng của Hoa Kỳ đối với các mối đe dọa của Nga đối với Ukraine như một thí dụ cho cách thức mà Mỹ sẽ đối phó với sự hung hăng nhiều hơn của Trung cộng đối với Đài Loan.
Lâm Viên
(Đặc San Lâm Viên – Thứ Năm ngày 17/2/2022 )
Lược dịch theo bài viết của Bethany Allen-Ebrahimian:
https://www.axios.com/washington-wakes-up-to-beijing-moscow-alignment-838d107a-728c-48bb-95f4-f7e8a612fd18.html
Be the first to comment