Bắc Kinh 2022 Và 2008: Hai Kỳ Olympics Và Hai Nước Trung Quốc Khác Nhau

Một người đàn ông đeo mặt nạ và mặc áo khoác đi ngang qua một tòa nhà có biểu tượng Thế vận hội. (Ảnh của REUTERS)

Bắc Kinh sẽ trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới đăng cai cả hai kỳ Thế vận hội mùa hè và mùa đông.

Tuy nhiên, nhiều thứ đã thay đổi kể từ Thế vận hội mùa hè năm 2008.

Sau 14 năm, thái độ, quan điểm của nước chủ nhà Trung Quốc, cũng như sự kỳ vọng của quốc tế đã rất khác. Không khí của Thế vận hội năm 2022 không giống như trước.

Thế vận hội mùa hè luôn luôn quan trọng hơn Thế vận hội mùa đông, đơn giản bởi vì có nhiều quốc gia tham dự hơn. Đại dịch Covid cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quy mô và không khí của Thế vận hội sắp diễn ra.

Việc tổ chức một thế vận hội “bình thường” là điều không thể vào lúc này khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Bắc Kinh, đặc biệt ở một đất nước vẫn theo đuổi chiến lược “Zero Covid” như Trung Quốc. Đây có lẽ là kỳ Thế vận hội duy nhất mà công chúng không thể mua vé.

Thay vào đó, các doanh nghiệp nhà nước hoặc các hội đoàn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ phân phối vé cho một số người nhất định với kỳ vọng họ sẽ tuân thủ các biện pháp hạn chế Covid, bao gồm việc cách ly nghiêm ngặt và xét nghiệm nhiều lần trước khi tham dự.

Tuy nhiên, kể cả không có Covid đi chăng nữa, đó cũng không còn là Trung Quốc của năm 2008.

Năm 2008 bắt đầu khó khăn với một trận bão tuyết càn quét toàn bộ khu vực phía nam Trung Quốc. Sau đó là cuộc nổi dậy của các nhà sư ở Tây Tạng rồi trận động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên cướp đi sinh mạng của 70.000 người.

Trận động đất và cuộc chạy đua trong tuyệt vọng để cứu những người sống sót đã khiến cái nhìn của quốc tế trở nên thiện cảm hơn với Trung Quốc.

Vào thời điểm Thế vận hội bắt đầu, các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng thiện chí này để quảng bá về một Trung Quốc với sức mạnh kinh tế bùng nổ, các công trình kiến trúc nổi bật, những thành phố nhộn nhịp vui vẻ và một xã hội đã trở nên cởi mở hơn với nghệ thuật, các ban nhạc đường phố và sự hào hứng đón nhận các ý tưởng mới từ phương Tây.

Trung Quốc thay đổi chóng mặt.

Tới năm 2022, dàn lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản có những ưu tiên khác 14 năm về trước.

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, thái độ của Trung Quốc đối với quốc tế cũng đã thay đổi theo hướng: Chúng tôi đã chịu đựng ‘Thời kỳ Ô nhục 100 năm’ (Bách niên Quốc sỉ) trong thế kỷ 20, thời của chúng tôi đã tới, các người sẽ phải quen dần đi với vị thế xứng với tầm cao của Trung Quốc trên thế giới.

Một Trung Quốc “hướng tới tương lai” của năm 2008

Sau cuộc đàn áp đẫm máu ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989, Bắc Kinh đã thất bại trong cuộc đua giành quyền đăng cai Thế vận hội 2000 với thành phố Sydney (Úc).

Để đảm bảo cho Thế vận hội 2008, Trung Quốc đã công bố một số thay đổi để thể hiện đất nước trên một tỷ dân đang hướng tới tương lai và là một quốc gia nước chủ nhà xứng tầm.

Một trong những thay đổi đó là giảm bớt các hạn chế đi lại đối với phóng viên nước ngoài. Trước đó, phóng viên phải xin phép chính chuyền địa phương khi đến bất cứ địa điểm nào trên khắp đất nước. Tôi đã ở Trung Quốc vào năm 2008, và cùng với một số phóng viên khác trò chuyện với ông Tần Cương của Bộ Ngoại giao, người hiện là đại sứ Trung Quốc tại Mỹ.

Vào năm 2008, có vẻ như Trung Quốc chỉ có một lựa chọn duy nhất là tiến về phía trước. Chúng tôi đã hỏi ông Tần liệu rằng các quy tắc dành cho phóng viên nước ngoài sẽ trở lại như cũ sau khi Thế vận hội kết thúc.

People skate on the frozen canal in front of the Birds Nest national stadium in Beijing in January 2022Trượt băng dưới bóng Sân vận động Tổ yến. (Ảnh của REUTERS)

“Không thể nào”, ông ấy cười và làm động tác mô tả việc chuyển số trên ô tô. “Trung Quốc chỉ có một thiết bị và nó đang đi về phía trước”.

Và vào thời điểm đó, quả đúng là Trung Quốc đã tiến về phía trước. Nếu du khách đến Bắc Kinh vào kỳ Thế vận hội 2008 và chỉ quay lại vào thời gian này, họ sẽ thấy sự khác biệt rõ ràng.

Ví dụ, hạ tầng giao thông của thành phố đã thay đổi vượt bậc. Vào năm 2008, hệ thống tàu điện ngầm của Bắc Kinh chỉ có 4 tuyến, với hai tuyến và một số thay đổi nhỏ được bổ sung ngay trước Thế vận hội.

Hiện tại, Bắc Kinh có 27 tuyến tàu điện ngầm và 459 bến và đang trở thành mạng lưới giao thông ngầm lớn nhất thế giới.

Không còn nhiều trí thức và luật sư nhân quyền còn tự do để lên tiếng

Tuy nhiên, nếu du khách tìm hiểu sâu thêm chút nữa, họ sẽ phát hiện ra rằng sự cởi mở đối với các ý tưởng không được Đảng Cộng sản ủng hộ đã giảm đi đáng kể. Một số người nói điều đó đã biến mất.

Trong mấy tuần gần đây, những người bất đồng chính kiến đã bị gây áp lực để không lên tiếng khi mọi con mắt đang đổ dồn về Trung Quốc. Điều này cũng diễn ra vào năm 2008. Điều khác biệt là hiện tại, Trung Quốc không còn nhiều trí thức hoặc luật sư nhân quyền để mà bị miệng. Họ đã bị công an lôi đi từ lâu rồi.

Ngay cả các học giả bình thường cũng e ngại trả lời phỏng vấn bởi vì những nhận xét của họ có thể bị quy chụp là đang chỉ trích đất nước.

Thực tế, một nhóm trí thức, được coi là những kẻ gây rối, vừa bị xoá khỏi nhóm chia sẻ trên WeChat, mạng xã hội quan trọng nhất ở Trung Quốc.

Trương Di Hà từ nhóm này nói với BBC: “Lúc đầu, tôi cảm thấy tức giận vì tôi không thể lên tiếng. Nhưng sau đó, tôi quyết định rằng sự giận dữ đó là vô ích và nó chỉ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của tôi.”

Cô ấy nói rằng cô ấy không kỳ vọng những sự hạn chế mới với cô ấy và những người khác – được đưa ra vì Thế vận hội sắp tới – sẽ được nới lỏng khi Thế vận hội kết thúc.

Đây không phải là bức tranh duy nhất về sự thay đổi.

Trước Thế vận hội 2008, Bắc Kinh có một cuộc sống về đêm độc đáo. Bất kỳ du khách nước ngoài nào cũng có thể bị cuốn vào sự sôi động của khu phố đêm. Tất cả đã từng xảy ra. Thành phố này vẫn còn nhiều thứ dành cho bạn chọn nhưng các đợt phá huỷ liên tiếp đã xóa tan các điểm sáng tạo nhỏ trong không gian đô thị.

Mới đây, khi tôi nói chuyện với một kiến trúc sư người Trung Quốc, anh ấy đùa rằng 10 năm trước, có cảm giác như anh ấy ra ngoài hàng đêm. Anh ấy cười và nói thêm: “Có thể vì lúc đó tôi còn trẻ”. Dừng một lát, anh ấy suy nghĩ rồi nói: “Thành phố lúc đó rất khác. Tôi đã có rất nhiều bạn bè người nước ngoài.”

Vào thời kỳ đó, các kiến trúc sư được coi là những ngôi sao của thành phố. Hàng loạt công trình kiến trúc ngoạn mục được hoàn thành như tháp CCTV (Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc) theo phong cách của Escher (hoạ sĩ thị giác người Hà Lan), mái vòm tuyệt đẹp của Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Quốc gia, hay thiết kế lấy cảm hứng từ hình rồng của sân bay Bắc Kinh.

People bundled up in winter clothes walk down snow-covered streets in central BeijingBắc Kinh thay đổi chóng mặt về xây cất đô thị những năm qua. (Ảnh của REUTERS)

Ông Tập ‘cảnh cáo’ các kiến trúc’ kì quái’

Nghệ sĩ đương đại Ngải Vị Vị là cố vấn nghệ thuật cho công trình Sân vận động Tổ yến Bắc Kinh. Vào thời điểm đó, tôi đã phỏng vấn ông ấy về những công trình nổi bật của thành phố, cũng như ông ấy nghĩ gì về việc các công trình kiến trúc hiện đại có thể trở thành tương lai của Bắc Kinh.

Không, không, tất cả đã kết thúc. Ngải Vị Vị nói.
Tôi không hiểu.
Cửa sổ đó, khoảnh khắc đó đã khép lại rồi. ông ấy nói.

Ngải Vị Vị hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài, ám chỉ rằng không gian cho phép sự táo bạo trong nghệ thuật kiến trúc trước Thế vận hội 2008 đã thực sự kết thúc. Nó kết thúc thậm chí trước ngày cuối cùng của Thế vận hội.

Tôi hơi hoài nghi quan điểm của ông cho đến khi nghe Chủ tịch Tận Cận Bình công khai nói rõ quan điểm này tại một hội nghị chuyên đề về văn hoá. Ông Tập nói rằng ông đã chán ngấy “kiến trúc kỳ dị” rồi.

Tuy nhiên, rất nhanh chóng, mọi con mắt của thế giới sẽ lại đổ dồn về Sân vận động Tổ yến cho lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông 2022. Sẽ có ít đại diện chính phủ các nước hơn sau một loạt các cuộc tẩy chay ngoại giao để phản ứng lại tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, đặc biệt là ở Tân Cương, nơi chính quyền địa phương bị cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ).

Và cũng như thái độ cứng rắn của Bắc Kinh đối với chính quyền các nước trong những năm gần đây, nhiều chính phủ nước ngoài cũng giữ lập trường tương tự đối với Trung Quốc. Ít khi thấy họ sẵn sàng làm ngơ trước tình cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc đối xử tệ đối với công dân của chính TQ.

Thế vận hội 2022 sẽ được nhìn như thế nào?

Ở mức độ nào đó, gương mặt văn hoá cho các buổi lễ tại Thế vận hội sẽ không thay đổi. Đạo diễn nổi tiếng của Trung Quốc Trương Nghệ Mưu sẽ làm tổng đạo diễn phần khai mạc và bế mạc của Thế vận hội 2022.

Một số người cáo buộc ông ấy đã bán lương tâm sau thành công của những bộ phim gai góc về Cách mạng Văn hoá và Đại Nhảy vọt làm hàng triệu dân đã chết đói.

Nhưng nhà đạo diễn nhận được sự hoanh nghênh nhiệt liệt từ bữa tiệc hình ảnh ngoạn mục trong Thế vận hội 2008.

Trương có lập luận rằng Thế vận hội chỉ đơn giản là nền cảnh để vẽ một bức tranh về Trung Quốc, từ xưa tới nay.

Với vị thế khác biệt của Trung Quốc trong những năm gần đây, sẽ rất thú vị khi xem những hình ảnh được Trương Nghệ Mưu trình làng trong lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội. Nó có thể định hình cách thế giới nghĩ về toàn bộ Thế vận hội được đăng cai bởi chủ nhà Trung Quốc.

Đây cũng sẽ là một sự kiện truyền hình. Thời tiết sẽ lạnh cóng. Người xem không nhận được vé. Những người nước ngoài duy nhất có mặt là những vận động viên tham gia thi đấu hoặc người sống, làm việc ở Bắc Kinh. Những gì họ nhìn thấy chỉ là phần bên trong một ‘khu cách ly’ khổng lồ chống dịch Covid.

Nhưng nếu lần đầu tiên trong lịch sử, người dân phải ngồi yên trong nhà xem Thế vận qua truyền hình thì hóa ra sự kiện này lại trúng ý chính quyền vốn đang lo lắng về mọi sai sót khó lường trước.

Stephen McDonell
Phóng viên BBC ở Bắc Kinh, Trung Quốc
Theo BBC tiếng Việt ngày 25 tháng 1, 2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*