Các cầu thủ Việt Nam gây rối loạn nhiều tuyến của đội hình tuyển Trung Quốc. (Ảnh của Hoàng Hải Thịnh)
Chiến thắng (3-1) của đội bóng đá Việt Nam với Trung Quốc đúng ngày mùng 1 Tết Nhâm Dần chắc chắn là ngoài dự đoán của nhiều người TQ, kể cả lãnh đạo.
“TQ đã xâm lược và TQ đã bị đánh bại … bởi hai người đàn bà”
(Lời Thủ Tướng Trung Quốc Chu Ân Lai)
Tấn Tài mở tỉ số trận đấu vào hiệp 1. (Ảnh của Hoàng Hải Thịnh)
Tuy chỉ là một sự kiện thể thao nhưng thể thao nhiều khi được coi là công cụ của chính trị, của ngoại giao. Chuyện bóng đá năm Nhâm Dần làm chúng tôi nhớ lại chuyện bóng bàn năm Tân Hợi.
Năm này có một sự kiện lịch sử: “Ngoại Giao Bóng Bàn” – Ping Pong Diplomacy.
Tháng 4/1971 một loạt trận bóng bàn giữa đội tuyển Hoa Kỳ và đội tuyển Trung Quốc tham dự Giải Vô Địch Bóng Bàn Thế Giới ở Nagoya, Nhật Bản. Sự vượt trội của đội Trung Quốc là rất rõ ràng: bốn huy chương vàng, ba huy chương bạc và hai huy chương đồng.
Còn đội của Mỹ thì đã ra về tay trắng. Đây là sự kiện lịch sử vì nó mở đầu cho những hoạt động ngoại giao tiếp theo giữa hai nước sau hai mươi năm thù địch. Kể từ đó TQ đã rất tự hào về thể thao.
Cú làm bàn cận thành của Tiến Linh. (Ảnh của Hoàng Hải Thịnh)
Tuy tự hào, nhưng bóng đá năm Nhâm Dần cũng là dịp thuận tiện để nhắc nhở cho TQ rằng: chớ có coi thường Người Việt Nam.
Một giáo sư người Đài Loan nói với tôi rằng: trong sách sử học của TQ, từ trung học tới đại học, người Việt nam thường được nói tới với cái tên “những người man rợ” (the barbarians). Tôi tìm đọc cuốn sách ‘The Rise of China vs The Logic of Strategy’ của học giả Edward Luttwak.
Trong sách này tác giả đã chứng minh rằng ‘mặc dù là một quốc gia đông dân nhất thế giới, lại có một nền kinh tế đứng số hai, TQ có thể đang trên đà đi tới sụp đổ.’
Về cái nhìn của TQ đối với các nước láng giềng, Luttwak viết:
“Trung Quốc luôn cho mình mang một phong cách riêng của một nền văn minh vĩ đại, nhưng bị bao vây bởi những băng nhóm thiểu số man rợ (‘minor gangs of barbarians’). Ngày nay Trung Quốc muốn khôi phục lại địa vị của họ khi ở đỉnh cao của quyền lực.
Dù không hoàn toàn thống trị tất cả các quốc gia khác, Trung Quốc vẫn muốn những quốc gia này phải phục tùng hoặc phụ thuộc vào Trung Quốc, tất cả mọi người phải tôn vinh, thể hiện sự trung thành, và đặc biệt là khuất phục quyền tối cao của Trung Quốc.
Danh từ mà Trung Quốc đặt cho khái niệm này – bắt đầu từ dưới triều Tây Hán (206-9 BC) – là Tianxia hay ‘Thiên tử’, quyền lực tỏa ra từ ngôi vị Hoàng đế. Cho nên các nước luôn phải ‘triều cống.’ Sự kiện này đã ảnh hưởng sâu xa đến một ‘tâm lý về cách hành xử đối với những ‘nhóm man rợ’ (Barbarian-handling mentality), nó đã ảnh hưởng đến sự suy nghĩ của giới lãnh đạo Trung Quốc trong nhiều thế kỷ tiếp theo…
“Tuy nhiên các lãnh đạo này quên rằng chính triều Hán cũng ít khi vượt trội về quân sự so với các ‘bộ lạc du mục man rợ’. Những bộ lạc này đã cưỡi ngựa bao quanh vùng đất của người Trung Quốc và nhiều lần đã xâm lược và thống trị TQ qua nhiều thế kỷ. Chính vì điểm yếu tương đối này là lý do Trung Quốc phải xây dựng Vạn Lý Trường Thành để ngăn chận.”
Đối với các nước vùng Lưỡi Bò thì ngày nay Trung Quốc đã dư sức để đàn áp, và để bắt phải triều cống: dâng cả mặt biển cho TQ. Nhưng có một điều chắc chắn, đó là nếu như TQ tiếp tục uy hiếp thì tối thiểu, các nước mà TQ gọi là những ‘băng nhóm man rợ’ sẽ cùng với đồng minh của họ cỡi sóng bao quanh, không để yên cho TQ tiếp tục phát triển trong ổn định, trong hòa bình như trên bốn thập kỷ nay. Có thể vì vậy mà TQ đang xây ‘Vạn Lý Trường Thành Trên Biển’ Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ bàn đến câu chuyện này trong một dịp khác.
Riêng đối với Việt Nam, có thể là các thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc ngày nay đã quên hoặc không biết đến sự kính phục mà chính thế hệ lãnh đạo cách mạng đàn anh đã dành cho con người Việt Nam.
Mời độc giả theo dõi một ghi chú cho lịch sử về tâm sự của chính người vẽ Đường Lưỡi Bò ở Biển Đông:
“Hai người nữ anh hùng ấy đã đánh bại tổ tiên của chúng tôi là những người bóc lột’ (These two heroines who defeated our ancestors who were exploiters).
Đây là câu do chính cựu Thủ tướng của Chủ tịch Mao ở Trung Quốc, ông Chu Ân Lai nói với Cố vấn Tổng thống Mỹ Henry Kissinger. Lúc ấy ông Kissinger bí mật đi gặp ông Chu để sắp xếp chuyến viếng thăm của Tổng thống Nixon vào tháng 2, 1972.
Sau đây là tài liệu của Tòa Bạch Ốc đã được giải mật ghi biên bản cuộc họp kín tại Bắc Kinh giữa hai người vào ngày 9 tháng 7, 1971:
Thủ tướng Chu: Việt Nam là một nước anh hùng.
Dr. Kissinger: Họ là một dân tộc anh hùng, một dân tộc vĩ đại.
Thủ tướng Chu: “Họ là một dân tộc vĩ đại, anh hùng và đáng khâm phục. Hai nghìn năm trước Trung quốc đã xâm lược họ, và Trung quốc đã bị đánh bại.
“Lại bị đánh bại bởi hai người đàn bà, hai nữ tướng.
“Và khi tôi sang Việt Nam với tư cách là đại diện của Tân chính phủ Trung Quốc đi thăm viếng Hà Nội, tôi đã đích thân đến tận mộ hai nữ tướng ấy và đặt vòng hoa trên những ngôi mộ để tỏ lòng kính trọng đối với hai vị nữ anh hùng, họ là những người đã đánh bại tổ tiên chúng tôi là những người bóc lột.”
Về Hai Bà Trưng, sử gia Trần Trọng Kim ghi lại: “Năm Giáp Ngọ (năm 34 công nguyên) là năm Kiến Võ thứ 10, vua Quang Vũ sai Tô Định sang làm Thái Thú quận Giao Chỉ. Tô Định là người bạo ngược, chính trị tàn ác, người Giao chỉ đã có lòng oán giận lắm. Năm Canh Tí (năm 40) người ấy lại giết Thi Sách người ở huyện Châu Diên (phủ Vĩnh tường, trước thuộc về Sơn Tây, nay thuộc tỉnh Vĩnh Yên).
“Vợ Thi Sách là Trưng Trắc, con gái quan lạc tướng ở huyện Mê Linh (làng Hạ Lôi, Huyện Yên lãng, tỉnh Phúc yên) cùng với em gái là Trưng Nhị nổi lên đem quân về đánh Tô Định. Bọn Tô Định phải chạy trốn về quận Nam Hải. Lúc bấy giờ những quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cũng nổi lên theo về với hai bà. Chẳng bao lâu quân hai bà hạ được 65 thành trì. Hai bà bèn xưng vương, đóng đô ở Mê Linh, là chỗ quê nhà.”
Rồi ông bình luận: “Hai bà họ Trưng làm vua được ba năm, nhưng lấy cái tài trí người đàn bà mà dấy được nghĩa lớn như thế, khiến cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ, ấy cũng là đủ để cái tiếng thơm về muôn đời.”
Thủ tướng Chu Ân Lai, một con người học thức uyên thâm đã biết quá rõ về lịch sử nhà Hán cũng như những triều đại khác nên rất khâm phục khí phách của người Việt.
Liệu câu chuyện bóng đá ngày mùng 1 Tết Nhâm Dần có được giới chức TQ suy nghĩ?
TS Nguyễn Tiến Hưng
Gửi tới BBC từ Hoa Kỳ ngày 3/2/2022
Be the first to comment