Hy vọng sau khi khởi đăng bài này kèm theo bức hình mới “nhuộm,” biết đâu tôi sẽ bỗng dưng trở nên… giàu có! (Hình: Facebook Diemnga Nguyen)
Nếu tôi nhớ không lầm thì trong tập truyện “Gió Đầu Mùa,” nhà văn Thạch Lam kể lại một đêm mùa Đông lạnh ông chợt nghe những tiếng chim kêu “chíp chíp” thật thảm thiết khiến ông cứ nghĩ đến và thương những con chim lạnh cóng ngoài hiên. Sáng hôm sau, nghe hai chị mình nói chuyện với nhau, ông mới vỡ lẽ đó không phải là tiếng chim, mà là tiếng chép miệng cho đỡ đau của hai người chị vừa mới bắt đầu nhuộm răng đen.
Thế mới biết, nhuộm răng là một sự hy sinh để làm đẹp chứ không đùa!
Thật ra, tục nhuộm răng không chỉ dành cho phụ nữ, và cũng không chỉ ở Bắc Kỳ mà còn vào đến tận đất Kinh Kỳ. Bởi vì (theo wikipedia) có một người “thầy” nhuộm răng ở Huế gọi là Bà Thầy Thại nổi tiếng vang khắp cả một vùng Trung Kỳ. Đại lý thuốc nhuộm của bà có ở chợ Đông Ba, Quảng Trị, Đông Hà vào đến Quảng Nam, Quảng Ngãi… Mỗi đợt nhuộm, bà chỉ nhận 15 người ăn ở luôn tại nhà trong thời gian nửa tháng. Buổi chiều “bà thầy” cho người đang nhuộm leo lên một đồi nhỏ trong làng, há miệng to để gió thổi vào cho thuốc nhuộm mau khô.
Con gà tốt mã về lông,
Răng đen về thuốc, rượu nồng về men (Ca dao)
Thuốc nhuộm răng là một hỗn hợp bao gồm các thành phần căn bản như sau: Bột nhựa cánh kiến, nước cốt chanh, phèn đen, và nhựa của gáo dừa.
Răng đen ai nhuộm cho mình
Cho duyên mình đẹp, cho tình anh say? (Ca dao)
(Hình: Wikipedia)
Sau đây là từng bước gian truân của tập tục “làm đẹp” lạ lùng này:
Khởi đầu, miệng và răng phải được làm vệ sinh thật sạch cho đến khi lấy tay sờ vào thân răng phải trơn láng mới được.
Trong ba ngày đầu phải đánh răng, xỉa răng bằng vỏ cau khô với than bột trộn với muối bột.
Một ngày trước khi nhuộm phải nhai ngậm chanh hoặc hạnh, súc miệng bằng rượu trắng pha nước chanh để lớp men răng “mềm” đi, axít của chanh sẽ bào mòn tạo thành những vệt lõm sần sùi trên men răng. Thời gian này là thời gian đau đớn nhất cho người nhuộm vì răng, môi, lưỡi, lợi và niêm mạc trong vòm họng sưng tấy, răng lung lay như muốn rụng.
Thuốc nhuộm răng bằng nhựa cánh kiến được điều chế trước đó 7-10 ngày theo đúng công thức với tỷ lệ bột nhựa cánh kiến và nước cốt chanh tùy theo mỗi người, chất sền sệt đó được trét lên một mảnh vải thô trắng hay lụa. Người ta trét lên lá dừa, cau hay lá ngái sau đó mới áp lên hai hàm răng. Việc áp thuốc nhuộm răng được thực hiện vào sau buổi ăn chiều, đến giữa đêm sẽ được thay bằng một miếng áp mới.
Đến sáng sẽ gỡ ra lớp nhựa sơn mới phủ lên đêm trước. Sau đó phải súc miệng bằng nước mắm, có nơi dùng nước dưa chua, để thải hết chất thuốc còn sót lại. Người nhuộm răng phải ngậm miệng suốt đêm, tránh để miếng thuốc nhuộm bong ra, phải làm như vậy mỗi đêm hai lần trong bảy đêm. Khoảng thời gian đó người nhuộm răng chỉ được nuốt chửng thức ăn chứ không được nhai.
Khi thấy răng có màu đỏ già (màu của cánh kiến) thì việc nhuộm răng sẽ bước qua giai đoạn hai là giai đoạn nhuộm đen răng bằng cách phết dung dịch bôi đen lên răng. Thuốc bôi đen là hỗn hợp phèn đen trộn với nhựa cánh kiến, dung dịch này được phết trong hai ngày.
Phải súc miệng bằng một thứ thuốc gọi là thuốc xỉa nước. Giai đoạn cuối cùng là cố định bằng nhựa của gáo dừa được đốt hay nấu chảy, chất nhựa này tạo thành một lớp men trên thân răng gọi là “giết rang.” Khi hoàn tất giai đoạn này người nhuộm răng sẽ có một hàm răng đen bóng như hột mãng cầu.
Được bảo vệ cẩn thận răng nhuộm có thể giữ màu đen bóng 20-30 năm. Muốn cho hàm răng lúc nào cũng đen nhánh thì độ một năm lại nhuộm bồi thêm một lớp. Răng không được chăm sóc sẽ bị phai màu, loang lổ gọi là “răng cải mả,” trông không đẹp.
Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công trang điểm má hồng răng đen. (Ca dao)
Có trải qua những đau đớn và kỳ công như vậy, răng đen mới đi vào ca dao, vào hồn thơ lấp lánh một thời là nét đáng yêu được xếp vào hàng thứ tư trong cái duyên của người con gái.
Trong bài “Mười thương” của ca dao Việt Nam có đoạn:
Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên,
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
Còn trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm thì:
…Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng…
Nhưng “ăn tiền” nhất vẫn là hai câu này mà tôi vô cùng tâm đắc khi ngồi hí hoáy “nhuộm” hàm răng của mình bằng photoshop:
Năm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, miệng người răng đen. (Ca dao)
Hi hi… hy vọng sau khi khởi đăng bài này kèm theo bức hình mới “nhuộm,” biết đâu tôi sẽ bỗng dưng trở nên… giàu có!
Diemnga Nguyen
Theo Người Việt online ngày 13/2/2021
Be the first to comment