Trang tin của Lloyd’s List Intelligence hôm 18/2/2021 về các tàu dầu của Việt Nam vi phạm cấm vận Iran và Venezuela. Photo: lloydslist.maritimeintelligence.informa.com
Cả chục tàu dầu của Việt Nam, trong đó có tàu của các công ty thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (còn gọi là PetroVietnam hay PVN), bị phát hiện chở dầu từ Iran và Venezuela trong năm vừa qua nhưng chưa bị Hoa Kỳ trừng phạt, theo tin từ công ty phân tích dữ tình báo hàng hải Lloyd của Anh hôm 18/2.
Trang Lloyd’s List loan tin rằng 8 tàu chở dầu loại aframax và 2 tàu cổ điển nhỏ hơn của Việt Nam được xác định là có tham gia vào các hoạt động trốn tránh và lừa đảo để làm xáo trộn nguồn gốc và điểm đến của hàng hóa vận chuyển là dầu thô.
Hình ảnh các tàu dầu Việt Nam do Lloyd’s List Intelligence cung cấp cho VOA.
Theo dữ liệu của Lloyd’s List Intelligence, các tàu PVT Aurora (IMO: 9508938), Aura (IMO: 9260823), Camerona (IMO: 9247376) và Explorer (IMO: 9230098) bị phát hiện bơm dầu thô từ Venezuela kể từ tháng 8/2020.
Tương tự, các tàu chở dầu aframax Abyss (IMO: 9157765), Freedom (IMO: 9336414), Explorer (IMO: 9230098) và tàu chở dầu PVT Dolphin (IMO: 9288277) có tham gia hoặc chuyển tiếp dầu từ tàu chở dầu thô của Iran trong 12 tháng qua.
“Tất cả các con tàu này đều có quốc tịch Việt Nam, với các hình ảnh trong Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) có các khoảng gián đoạn không thể giải thích được khi tàu ở trong các khu vực trọng yếu trong khoảng thời gian cho phép đưa dầu ra khỏi Venezuela hay Iran,” trang Lloyd’s List Intelligence viết.
Công cụ tìm kiếm Marine Traffic và công cụ tìm kiếm trực tuyến của Cục Hàng hải Việt Nam (Vinamarine) cho biết các tàu này thuộc sở hữu của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans), trực thuộc PetroVietnam, hay của các doanh nghiệp khác mà PetroVietnam có cổ phần.
Trang PetroVietnam cho biết tàu dầu PVT Aurora được PVTrans tiếp nhận vào tháng 11/2019, có trọng tải 20.000 DWT, chuyên chở thuê định hạn cho khách hàng nước ngoài trên tuyến quốc tế.
VOA đã liên lạc với cả PetroVietnam và PVTrans để tìm hiểu thêm về thông tin như Lloyd loan báo, nhưng chưa được phản hồi.
Điểm đến đến cuối cùng của các tàu Việt Nam chở dầu từ Iran và Venezuela rất khó xác định, theo Lloyd, nhưng Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô bị cấm vận lớn nhất và các tàu dầu Việt Nam dường như tham gia vào mạng lưới phức hợp chuyển dầu từ tàu sang tàu (STS) ở ngoài khơi vùng biển giữa Malaysia và Indonesia, hay quần đảo Fujairah.
Theo Lloyd, các tàu chở dầu này của Việt Nam là một phần trong khoảng 130 tàu chở dầu được xác định là đã tham gia vào các hoạt động thương mại bị chế tài và chưa bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen hay bị trừng phạt.
Các nhà quan sát nhận định rằng nếu thông tin của Lloyd’s List Intelligence là đúng sự thật thì việc vi phạm lệnh cấm vận của các tàu dầu Việt Nam là rất nghiệm trọng, gây ảnh hưởng xấu.
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với VOA:
“Những chuyện vi phạm như thế thường có phần lời rất cao vì những việc làm như thế rất rủi ro. Khi bị phát hiện thì phải bị đối mặt với sự trừng phạt của quốc tế rất khốc liệt. Nếu việc này là thật thì hành động làm liều này là rất nguy hiểm.”
Từ Tp. HCM, ông Quang Hữu Minh, một người quan tâm đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam, phân tích:
“Việc Iran và Venezuela bị cấm vận buộc Trung Quốc phải tìm cách để có nguồn cung dầu mỏ. Và Việt Nam là quốc gia “tiếp viện” cho các nước này, cùng với mối quan hệ thân thiết giữa Việt Nam và Trung Quốc lâu nay.
“Tôi nghĩ rằng chắc chắn Mỹ sẽ cấm vận các công ty thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam vì vi phạm lệnh cấm vận này.
“Nhưng tôi cho rằng phía Việt Nam đã biết trước việc này.”
Trước đó, vào tháng 12/2020, Hoa Kỳ trừng phạt Công ty Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam (PCT) và ông Võ Ngọc Phụng, giám đốc của công ty, vì vi phạm lệnh cấm vận đối với Iran.
Hôm 16/12/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ra thông cáo đưa ông Võ Ngọc Phụng, 39 tuổi, và Công ty PCT vào danh sách Các Cá nhân và Thực thể bị Chỉ định Đặc biệt (SDN) thuộc diện quản lý của Văn phòng Quản trị Tài sản Nước ngoài (OFAC), vì Washington cho rằng công ty này đã “tham gia vào các giao dịch đáng kể trong việc vận chuyển dầu từ Iran”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng sau đó nói rằng Việt Nam “lấy làm tiếc” về việc trừng phạt này, bà cho biết thêm biết rằng quan hệ giữa Việt Nam và Iran luôn “công khai, minh bạch và hợp pháp”.
Trước đó, Công TNHH Thịnh Cường ở Hải Phòng, một doanh nghiệp vận tải khác của Việt Nam, cũng bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ chế tài vì vi phạm lệnh cấm vận đối với Triều Tiên.
Theo VOA Tiếng Việt ngày 18/2/2021
[Ghi chú: Phần dịch sang tiếng Việt từ bản gốc tiếng Anh trong bài Vietnam shipowners linked to sanctioned oil trades đã được sự đồng ý của tác giả Michelle Wiese Bockmann của Lloyd’s List Intelligence]
Be the first to comment