Tự Do Phi Tôn Giáo Là Chi ?

Minh họa: christian-buehner-unsplash

TIẾNG ANH THEO DÒNG THỜI SỰ

Một trong những bài học khó nhất cho người học tiếng Anh là cách dùng giới từ (preposition). Chẳng hạn sự khác biệt cực kỳ quan trọng giữa hai giới từ “of” và “from” khi được dùng chung với chữ “freedom.”

Cựu Phó Tổng thống Mike Pence vừa xuất hiện trên chương trình Fox Business của Larry Kudlow và tuyên bố một cách chắc nịch rằng các nhà Quốc Phụ nước Mỹ tuy muốn người dân được quyền “tự do tín ngưỡng” – freedom of religion, nhưng không cho họ quyền “vô tín ngưỡng” – freedom from religion. Chuyện vầy:

Kudlow khởi sự bằng câu mớm mồi: “These lefties want to scrap religion, Mike Pence, and I think it is a mistake.” Ý ông ta nói “bọn thiên tả muốn dẹp bỏ tôn giáo” và cho rằng họ đã tính sai. Mike Pence bèn tiếp lời: “The radical left believes that the freedom of religion is the freedom from religion. But it’s nothing the American founders ever thought of or generations of Americans fought to defend.”

Trước tiên, Mike Pence cố chêm thêm chữ “đám thiên tả quá khích” để gia tăng cường độ cho câu trả lời của mình. Pence nói những người ấy tin rằng “tự do tín ngưỡng” đồng nghĩa với “tự do vô tín ngưỡng.” Nhưng theo ông thì các nhà Quốc Phụ đã không hề suy nghĩ như vậy, và bao thế hệ người dân Mỹ cũng không hề đấu tranh để bảo vệ khái niệm ấy. (Cần phải hiểu chữ “religion” của ông Pence trong ngữ cảnh này hàm ý “Christianity”, tức Ki-tô Giáo.)

Mike Pence tuy từng làm đến chức vụ cao thứ nhì nước Mỹ, nhưng ông không nhất thiết là người am tường lịch sử Hoa Kỳ. Chỉ cần lên Internet lục vài giây là ta có ngay câu trả lời cho câu hỏi: “Các nhà Quốc Phụ theo tín ngưỡng nào?” Trang Britanica, một nguồn thông tin rất đáng tin cậy, có nguyên một bài rất dài về đề tài này, tựa đề “The Founding Fathers, Deism and Christianity – Những nhà Quốc-phụ, Thiên-giáo và Ki-tô Giáo.

Chữ Deism có nguồn gốc từ chữ Dei trong tiếng La-tinh nghĩa là Trời, do vậy trong bài này được dịch là Thiên-giáo cho sát nghĩa. Vậy thì, Thiên-giáo là gì, và những nhà Quốc-phụ Mỹ nào theo Thiên-giáo?

Trước hết Deism không phải là một đạo giáo, mà đúng hơn là một triết thuyết về tín ngưỡng và chính trị. Những người theo chủ thuyết này cho rằng vũ trụ được tạo ra bởi một Đấng Tạo Hoá [God], nhưng sau đó nó tự vận hành theo các quy luật tự nhiên; Đấng ấy không cần can thiệp vào nữa. Từ đó họ suy luận rằng niềm tin của con người cần phải được kiểm chứng bằng kinh nghiệm sống và bằng lý trí chứ không phải bằng giáo điều hay sự bí ẩn nào của tôn giáo cả.

Deism được phát sinh từ các công trình của những tư tưởng gia, khoa học gia, triết gia ở Âu Châu vào thế kỷ 18 như Isaac Newton, Jean-Jacques Rousseau, John Locke v.v. Nó đã ảnh hưởng sâu đậm đến tư duy những nhà cách mạng lớn của Mỹ như Thomas Jefferson, Benjamin Franklin, George Washington… và nhất là James Madison. Điều đáng nói là hầu hết những người theo chủ thuyết này – gọi là Deist, vẫn nhận mình là Ki-tô hữu (Christian) và vẫn thường xuyên đi nhà thờ.

Chẳng hạn như George Washington, tuy cả đời theo đạo Anh-giáo [Anglican] và vẫn đi lễ, nhưng ông không rước lễ và nhận bí tích thánh thể [communion]. Đến như một hiệp ước giữa Mỹ và Tripoli được George Washington chấp thuận còn có câu “chính phủ Liên bang Mỹ quốc hoàn toàn không được tạo dựng trên nền tảng Ki-tô giáo” (the government of the United States is in no sense founded on the Christian religion).

Thomas Paine, tác gia và nhà tư tưởng lớn nhất của Mỹ về Deism, không bao giờ dùng các thuật ngữ của Judeo-Christianity như “Đức Chúa Trời” hay “Đấng Cứu Thế” khi nói về Thượng-đế. Thậm chí bản Tuyên-ngôn Độc-lập còn dùng chữ “Nature’s God” (Đấng Tạo Hoá) của Paine – thay vì chữ “God” thông thường, để tránh bị nhầm lẫn với “Christian God”.

Thomas Jefferson, người soạn bản Tuyên-ngôn Độc-lập, nói rằng “niềm tin tôn giáo là chuyện riêng tư giữa cá nhân và Thượng-đế của họ,” “các quyền làm luật của chính phủ chỉ nên dẫn đến hành động chứ không đến quan điểm.” [religion is a matter which lies solely between man and his God… the legislative powers of government reach only actions and not opinions.]

Tổng thống thứ tư của Hoa Kỳ, James Madison, từng phản đối kịch liệt việc Quốc Hội mở đầu các cuộc họp hành bằng lời cầu nguyện. Năm 1785, khi tiểu bang Virginia ra dự luật đào tạo thầy cô giáo để dạy về đạo Thiên Chúa, James Madison đã viết một bài xã luận sâu sắc để chống đối. Ông liệt kê 15 lý do chính quyền không bao giờ nên tham gia vào các hoạt động nhằm ủng hộ bất cứ một tôn giáo nào. Tưởng cũng nên nhắc lại, James Madison còn được gọi là “cha đẻ của Hiến Pháp Hoa Kỳ” (father of the Constitution) và là người soạn bộ luật về những quyền căn bản của người dân, gọi là Bill of Rights.

Dĩ nhiên, nếu Mike Pence đã đọc bản Hiến Pháp thì khó thể nào ông không nhớ rằng tôn giáo chỉ được đề cập đến tại hai nơi duy nhất trong văn bản. Điều VI, Khoản III của Hiến Pháp Hoa Kỳ ghi: “no religious test shall ever be required as a qualification to any office or public trust under the United States” – muốn làm nhân viên nhà nước không bắt buộc phải theo đạo nào cả. Còn Tu Chính Án thứ Nhất thì viết rõ: “Congress shall make no law respecting an establishment of religion…”  – Quốc Hội không được ra luật nhằm kiến lập một tôn giáo.

Đó là nói về Lập Pháp và Hành Pháp. Hôm qua ông Pence còn dọa rằng rồi đây Tư Pháp cũng sẽ nhập cuộc. Ông nói: “Sau nhiệm kỳ bốn năm của Trump-Pence, chúng ta đã đạt được một đa số tuyệt đối trong Tối Cao Pháp Viện ủng hộ tự do tôn giáo” – “after four years of the Trump-Pence administration, I’m confident that we have a pro-religious freedom majority on the Supreme Court of the United States.” Mặc dù Pence không nói thẳng ra “tôn giáo” ấy là “tôn giáo” nào, nhưng tất nhiên những người nghe đài Fox đều hiểu Pence đang ám chỉ Christianity. Rồi ông kêu gọi mọi người hãy đi bầu cho “tự do tôn giáo” vào ngày 8 tháng 11 sắp tới.

Mỹ là xứ tự do dân chủ, bạn muốn bỏ phiếu cho ai cũng được. Nhưng điều quan trọng là nhớ đi bầu. Bà con nào ủng hộ việc biến nước Mỹ thành một quốc gia đặt trên nền tảng tôn giáo của ông Pence thì hãy cứ bầu cho đảng của ông ta. Còn ai không thích chính quyền xía vô chuyện tín ngưỡng riêng tư của mình – như George Washington hay James Madison đề xuất, thì có thể bầu cho đảng đối lập.

Freedom of religion và Freedom from religion khác nhau ở chỗ đó.

Ian Bùi
Theo SGN News ngày 27 tháng 10, 2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*