Cuộc Chiến Thuế Quan Leo Thang

Sau nhiều tuần rình ràng quảng bá chính sách thuế quan mới, đặc biệt là quảng bá ngày công bố chính sách thuế quan mới như ‘Ngày Giải Phóng’ Mỹ, TT Trump hôm Thứ Tư đã công bố giá biểu thuế quan mới.

Theo lập luận của Trump, đúng ra phải nói ‘Ngày mở đầu chiến tranh giải phóng Mỹ’ bắt đầu. TT Trump cho biết thêm mức thuế quan mới sẽ áp dụng kể từ ngày 9/4/2025. Nghĩa là cho một tuần để các quốc gia điều đình với Mỹ.

Tóm gọn lại, chính sách thuế quan mới của TT Trump có những điểm đáng lưu ý như sau:

  • 10% tối thiểu trên tất cả hàng nhập vào Mỹ;
  • 20% trên hàng nhập từ Liên Âu khi khối này đánh thuế quan 39% trên hàng Mỹ;
  • 34% trên hàng nhập từ Tầu (+20% hiện hữu=54%) khi xứ này đánh thuế quan 67% trên hàng nhập Mỹ;
  • 25% trên tất cả xe ngoại quốc và phụ tùng nhập cảng vào Mỹ;
  • 25% trên sắt nhập cảng từ tất cả các quốc gia;
  • 10% trên nhôm nhập cảng từ tất cả các quốc gia;
  • 25% trên tất cả các xứ mua dầu hỏa của Venezuela;
  • 4 xứ chịu thuế quan nặng nhất là Madagascar, Việt Nam, Căm Pu Chia và Lào, cũng là 4 nước đánh thuế quan nặng nhất trên hàng Mỹ;
  • Các xứ Đông Nam Á như Thái, Indonesia, Myanmar, Đài Loan, cả Bangladesh cũng bị Mỹ trả đũa khá mạnh;
  • Canada và Mexico không có trong danh sách vì phần lớn đã bị đánh thuế mức 25%.

Xanh/trắng: thuế quan đánh trên hàng Mỹ; vàng: thuế quan mới của Mỹ đánh trên hàng nhập.

Bảng so sánh thuế quan trên gây sốc lớn vì ít ai biết các xứ khác đánh thuế trên hàng Mỹ như thế nào.

Nói chung, TT Trump đánh thuế quan đáp trả thuế quan cả thế giới đang đánh trên hàng Mỹ xuất cảng đi thế giới, nhưng chỉ đáp trả chừng một nửa thôi, chưa hẳn tương ứng 100%, chẳng hạn như Liên Âu đánh thuế 39% trên hàng Mỹ, bây giờ, Trump đánh thuế quan trên hàng Liên Âu tới 20% thôi, chứ không phải 39%.

Có nhiều người phản đối, cho rằng Trump nói láo, chẳng hạn như tỷ lệ thuế quan của Liên Âu đánh trên hàng Mỹ có 4% thôi, không phải 39% như Trump tố cáo. Nói vậy là chưa hiểu rõ cách tính của TT Trump và các chuyên gia kinh tế tài chánh của ông. TT Trump tính mức thuế quan bị đánh trên hàng nhập bằng nhiều cách:

  • Thứ nhất, mức thuế quan Trump đưa ra -chẳng hạn 39% của Liên Âu-, là trung bình tổng quát của cả ngàn, cả vạn thứ hàng khác nhau, có thể món hàng A chịu thuế quan 4%, món hàng B chịu 40%, món hàng C chịu 80%,…;
  • Thứ nhì, TT Trump cũng tính luôn những biện pháp đặc biệt, những miễn thuế địa phương, tài trợ của Nhà Nước, như những hình thức tài trợ, đưa đến cạnh tranh không sòng phẳng với hàng Mỹ sản xuất. Lấy thí dụ cụ thể: chẳng hạn một món hàng A của Tầu cộng, có giá thành thực sự là 100 đô, nhưng được nhà nước Tầu tài trợ hay miễn thuế địa phương nên giá thành chỉ là 70 đô chẳng hạn. Cũng thí dụ chính món hàng đó cũng được sản xuất tại Mỹ, nhưng vì chính phủ Mỹ không có chính sách hỗ trợ hàng Mỹ nên giá thành hàng Mỹ vẫn là 100 đô so với 70 đô của hàng Tầu. Khác biệt 30 đô giúp hàng Tầu có lợi thế hơn trên thương trường thế giới, sẽ được TT Trump lấy làm căn bản để tính thuế quan trên hàng Tầu cộng, sao cho giá thành của hai món hàng đó bớt chênh lệch trên thực tế, bớt hại cho Mỹ và bớt lợi cho Tầu cộng;
  • Thứ ba, mỗi xứ, bị tính thuế quan, một phần cũng tùy quan hệ với Mỹ, cũng như tùy thuộc nhu cầu của Mỹ, cũng như nhu cầu của xứ bị đánh thuế quan.

Cách tính thuế quan ‘tương ứng’ của Trump cực kỳ phức tạp mà nếu không phải chuyên gia tham gia vào việc tính, thì sẽ không bao giờ biết và hiểu được. Thí dụ cụ thể: theo chiết tính của Trump, trung bình Tầu cộng đánh thuế quan 67% trên hàng Mỹ, bị Trump đánh thuế 54% lại, trong khi VNCS đánh thuế quan trung bình cao hơn nhiều, tới 90% mà chỉ bị đánh trả có 46%, mà không đánh thuế quan cỡ 80% chẳng hạn.

Hậu quả dài hạn

Trên căn bản, cái ngày cả thế giới ăn bám vào Mỹ -gọi là freeloading-, vắt sữa con bò Mỹ tới chết khô đã cáo chung vì quá đủ rồi. Đó chính là nguyên nhân căn bản của chính sách thuế quan mới của TT Trump.

Theo nhiều chuyên gia, đây có thể chỉ là màn ra giá đầu tiên của Trump, để sau này sẽ có rất nhiều thảo luận, điều đình song phương.

Mục tiêu cuối cùng của TT Trump thật ra không phải tăng thuế quan chỉ để tăng thu nhập ngân sách Mỹ, hay trừng phạt một xứ nào, mà chính ra để ép thế giới công bằng hơn với Mỹ, giảm thuế quan trên hàng Mỹ bán cho thế giới, đổi lấy giảm thuế quan Mỹ trên hàng của họ. Nghĩa là nói chung thuế quan toàn thế giới sau những điều đình đó sẽ giảm dần về lâu về dài qua chính sách thuế quan tương ứng của Trump.

Cái bảng thuế quan TT Trump đưa ra sẽ không tồn tại lâu và sẽ được thay đổi nhiều qua các điều đình song phương với Mỹ. Nôm na ra, chính sách thuế quan về lâu về dài là giúp dễ dãi hóa giao dịch quốc tế chứ không phải để giết mậu dịch quốc tế.

Ở đây, cũng phải nói ngay, Trump gọi là ‘thuế quan tương ứng’ -reciprocal tariffs-, nghe có vẻ như bị thuế quan 50% sẽ bị đánh trả 50%. Trên thực tế, chính sách ‘tương ứng’ của Trump chỉ là tương ứng một nửa, khi mức thuế quan của Mỹ hầu hết chỉ bằng một nửa mức thuế quan đánh trên hàng Mỹ.

Hiển nhiên, TT Trump vẫn còn chấp nhận thế giới vẫn chưa bằng Mỹ, chưa thể tính thuế quan tương ứng 100% được.

Hậu quả ngắn hạn

Hậu quả ngắn hạn mà tất cả mọi người đều thấy ngay là thị trường chứng khoán đã rớt thê thảm trong hai ngày sau khi TT Trump công bố mức thuế quan mới. Dow Jones rớt mạnh trong hai ngày liền, mất đâu trên 3.500 điểm.

Giới tài chánh, là khối bảo thủ nhất, luôn luôn sợ hãi những thay đổi lớn mà họ không hiểu rõ hậu quả, không tiên đoán trước được ảnh hưởng lâu dài, dĩ nhiên đã hoảng hốt trước hai viễn tượng ‘khủng khiếp’: thứ nhất là giá cả trên nước Mỹ nói riêng và trên cả thế giới nói chung, sẽ tăng mạnh qua việc tăng thuế quan đồng loạt trên cả thế giới; và thứ nhì, bản đồ mậu dịch sẽ được vẽ lại hoàn toàn, sẽ như thế nào trong tương lai, là việc không ai đoán được, do đó giới tài chánh run bần bật cho tương lai túi tiền của họ. Không có gì đáng ngạc nhiên. Ngay cả TT Trump cũng đã nói trước sẽ có giao động mạnh, nhưng chỉ là chuyện nhất thời. Như Mỹ thường nói “Muốn chiên trứng, không thể không đập vỏ trứng trước”.

Không ai có thể nghi ngờ là cuộc cách mạng vĩ đại có một không hai của TT Trump sẽ để dấu ấn vĩnh viễn trên thương trường thế giới. Dow Jones có rớt một hai ngày cũng vẫn là chuyện tăng giảm nhất thời hàng ngày của thị trường chứng khoán. Ngày Trump nhậm chức nhiệm kỳ đầu, Dow Jones ở mức dưới 20.000; ngày Thứ Sáu rồi, sau khi Trump công bố thuế quan mới, Dow đóng cửa ở mức hơn 38.000, vẫn cao gần gấp hai lần! Chết ai? Nhất là khi cổ phiếu nhiều công ty Mỹ lại tăng khá mạnh:

Thị trường Dow Jones mất cả ngàn tỷ vì thiên hạ bán cổ phiếu. Câu hỏi: họ sẽ làm gì với cả ngàn tỷ tiền mặt đó? Cất dưới gầm giường chờ đô-la mất giá thêm? Hay sau ít lâu, lại đầu tư lại? Đầu tư vào đâu nếu không phải là đầu tư vào kinh tế Mỹ lại? Mua cổ phiếu Mỹ để Dow Jones tăng lại? Hay bỏ tiền mở hãng xưởng ở Mỹ để sản xuất hàng thay thế hàng nhập bị thuế quan Mỹ cản không cho vào Mỹ ào ạt như trước? Hay mang đi đầu tư vào Liên Âu đang bị đại chiến đe dọa? Hay mang đi đầu tư vào Việt Nam, vào Phi Châu, vào các xứ bị Mỹ đánh thuế quan nặng? Thị trường chứng khoán sẽ sớm hồi phục thôi.

Công bằng mà nói, biện pháp của TT Trump chắc chắn sẽ có những hậu quả tai hại lớn, ngay trong nhất thời. Giá cả một số hàng thực dụng sẽ gia tăng sớm. Chưa thể gọi là lạm phát vì lạm phát là một hiện tượng lâu dài, không phải tăng giảm hàng ngày.

Nhưng thứ nhất, chỉ là những tăng giá có tính điều chỉnh thị trường, ngắn hạn, trong khi chờ hàng Mỹ thay thế hàng nhập, thứ nhì, dù sao đó cũng là cái giá phải trả để chấm dứt tình trạng Mỹ bị khai thác tới tận xương tủy, kinh tế Mỹ đang chết lần chết mòn từ lâu nay, là cách TT Trump cho là cần thiết để phục hồi lại kinh tế Mỹ đã bị thế giới xẻ thịt hơn nửa thế kỷ qua.

Nói đi cũng phải nói lại, chính sách của Trump là một canh bạc lớn mà chính các siêu chuyên gia còn đang tranh cãi ỏm tỏi. Ở đây, có sự đụng độ lớn của hai trường phái kinh tế đang đấu đá nhau:

  • trường phái kinh tế bảo thủ: chủ trương tăng thuế quan để cản lại xu hướng toàn cầu hóa, để bảo vệ -protectionism- kinh tế, kỹ nghệ, nông nghiệp địa phương trong khi cản lại cạnh tranh phần lớn bất chính của nước ngoài; đây là chính sách của TT Trump.
  • trường phái tự do mậu dịch -neo-liberalism-, không rào cản, không thuế quan gì ráo, để xứ nào có khả năng sản xuất hàng tốt nhất, rẻ nhất thống trị, mang lại lợi thế lớn nhất cho người tiêu thụ trên thế giới, dựa trên lý thuyết ‘độc tài của tự do’ -liberal dictatorship- của Adam Smith.

Nôm na, đây là đụng độ trên thực tế giữa hai trường phái kinh tế vĩ mô. Những con vẹt chửi Trump và các phụ tá kinh tế, tài chánh là ngu si, đần độn, chỉ là đám vô học chửi sảng mà không biết mình đang chửi cái gì, ngoài việc nhắm mắt chửi Trump tưới cho ta, bất kể trời nắng trời mưa.

Lý luận trên chỉ là loại lý luận trên lý thuyết giữa các học giả, lý thuyết gia nói chuyện lý thuyết trong phòng lạnh. Trên thực tế, cái ‘tự do tuyệt đối’ của Adam Smith chưa bao giờ phản ảnh thực tế cuộc sống. Tất cả các chính quyền trên khắp thế giới, từ thời Adam Smith còn sống tới nay, đều can thiệp -không nhiều thì ít- vào vận hành kinh tế, đặc biệt là trong các xứ chậm tiến hay các xứ có khuynh hướng độc tài, Nhà Nước chỉ đạo. Riêng về thuế quan đánh trên hàng nhập, từ xưa tới nay, đó luôn luôn là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ kinh tế quốc gia, giúp quốc gia -nhất là các xứ chậm tiến- cản cạnh tranh của hàng nhập, giúp phát triển kinh tế nội địa.

Việc cả thế giới ngay từ sau Thế Chiến II chấm dứt, đánh thuế quan trên hàng Mỹ trong khi Mỹ chẳng đánh thuế quan trên bất cứ hàng nhập nào, hoàn toàn có lý và cần thiết trong nhất thời ngay sau thế chiến, để giúp cả thế giới vực dậy sau những tan hoang của thế chiến. Nhưng 80 năm sau thế chiến, chính sách thuế quan đó hoàn toàn lỗi thời, chẳng còn lý do gì tồn tại, khi kinh tế Tầu đang có triển vọng qua mặt kinh tế Mỹ như nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi tổng sản lượng nội địa -GDP- của Liên Âu lớn hơn TSLNĐ Mỹ, khi xe Nhật đã giết chết xe Mỹ từ nhiều thập niên trước. Trước những biến chuyển đó, việc cả thế giới có quyền đánh thuế quan trên hàng Mỹ trong khi hàng cả thế giới không chịu thuế quan Mỹ, nghe hiển nhiên không công bằng và hợp lý chút nào.

 Chính sách thuế quan của Trump là biện pháp cuối cùng, nếu không muốn nói là biện pháp duy nhất để Mỹ sống còn trong tình trạng cả thế giới đang xúm vào vắt sữa, xẻ thịt con bò Mỹ.

Phản ứng của dân Mỹ

Khi bài này được viết thì đã chưa có thăm dò dư luận nào về chính sách thuế quan mới của TT Trump nên phản ứng chung của dân Mỹ chưa rõ. Chỉ biết được hai chuyện:

  • một số khá lớn khách mời của TT Trump tham dự lễ công bố chính sách thuế quan mới tại Vườn Hồng -Rose Garden- của Tòa Bạch Ốc, đã là những nhân công lao động trong ngành sản xuất xe Mỹ;
  • chủ tịch nghiệp đoàn công nhân xe Mỹ United Auto Workers -UAW-, ông Shawn Fain tuyên bố ông hoàn toàn ủng hộ chính sách thuế quan của TT Trump. Ông Fain cho biết mới năm ngoái, hơn 2.000 nhân công hãng xe Stellantis làm xe RAM, đã bị sa thải khi hãng Stellantis chuyển xưởng qua Mexico vì lương nhân công Mexico rẻ mạt. Ông Fain cho biết Mỹ dư thừa khả năng sản xuất số xe thay thế xe không nhập cảng vào Mỹ vì thuế quan nặng.

https://www.realclearpolitics.com/video/2025/03/30/uaw_chief_supports_trump_tariffs_car_companies_have_capacity_to_relocate_manufacturing_back_to_us_overnight.html

Phản ứng của thế giới

Cả thế giới không vui với thuế quan mới của Trump dĩ nhiên.

Nhiều quốc gia đe dọa sẽ đánh trả (Canada, Mexico, Liên Âu, Trung Cộng), nhiều quốc gia (Anh, Úc, Thụy Sỹ, Nhật) biết điều hơn cho biết sẽ điều đình với Mỹ tức là sẽ giảm thuế quan trên hàng Mỹ, nhiều xứ khác (Do Thái, Việt Nam) bắt đầu giảm thuế quan trên hàng Mỹ.

Báo tài chánh của Anh, Financial Times chạy tít bài ý nghĩa nhất: thế giới chạy đua nhượng bộ Mỹ, sẵn sàng chấp nhận những đòi hỏi của Trump, từ giảm thuế quan tới bớt thân thiện với Trung Cộng. Nhiều quốc gia đã liên lạc thẳng với Mỹ đề nghị điều đình thương mại ngay.

Nếu có một câu có thể định nghĩa chính sách mậu dịch mới của Trump, thì câu đó phải là … Make America Great Again. Mỹ là đại cường quốc, nhưng đã để xẩy ra tình trạng bị cả thế giới, từ các đại cường Liên Âu tới các anh nhóc CSVN, Lào,… chèn ép quá đáng. Bây giờ dưới TT Trump, Mỹ đang xác nhận lại vị trí đại cường của mình. 

Tít lớn của báo Financial Times

https://www.ft.com/content/0431ef42-7386-4e19-935e-a06ae40f474c?segmentId=b385c2ad-87ed-d8ff-aaec-0f8435cd42d9

Trong một biện pháp nhằm cải thiện bang giao mậu dịch với Mỹ trước khi Mỹ tăng thuế quan, chính quyền CSVN đã ban hành quyết định giảm thuế quan ngay trên vài món hàng Mỹ vào VN:

  • Xe Mỹ: thuế quan giảm một nửa, từ 64% xuống 32%;
  • Dầu khí thiên nhiên -natural gas- từ 5% xuống 2%;
  • Ethanol từ 10% xuống 5%;
  • Thuế quan trên thịt gà, nhiều loại trái cây, và gỗ cũng sẽ giảm tuy con số cụ thể chưa được công bố.

Ngoài ra, CSVN cũng sẽ cho phép hệ thống Starlink của Elon Musk đặt trạm truyền thông tại VN để phát triển hệ thống mạng internet tại VN.

Tin mới nhất do báo The Wall Street Journal loan ra: Tô Lâm đã điện thoại điều đình với Trump, đề nghị 0% thuế quan trên tất cả hàng Mỹ nhập vào VN cùng với 0% thuế quan trên hàng Việt vào Mỹ. Được hỏi về thuế quan đối với VN, TT Trump trả lời: “Tôi rất thích Việt Nam, rất thích dân Việt Nam, nhưng không chấp nhận chính quyền CSVN lợi dụng Mỹ“. Kẻ này hoan hô hai tay việc giảm thuế quan cho VN xuống zero, với điều kiện không có hàng Tầu cộng núp lén dưới nhãn hiệu Made in Vietnam.

Trên thực tế, ta đừng nên quên một số không nhỏ hàng Việt Nam -cũng như hàng Căm Pu Chia, Lào, Myanmar- thật ra là hàng Tầu cộng, sản xuất từ Tầu cộng, mang qua VN, dán nhãn ma-dzê in Vietnam, rồi bán vào Mỹ để tránh thuế quan quá cao Mỹ đánh trên hàng TC. Tăng thuế quan hàng của VN cũng là một cách chặn bớt hàng TC. Kẻ này tin nếu CSVN điều đình với Mỹ, chặn không cho Tầu cộng núp bóng hàng Việt, mức thuế quan của Mỹ đánh trên hàng VN có thể sẻ giảm mạnh.

Phản ứng của vẹt tị nạn

Trước khi quý độc giả nghe theo truyền thông loa phường vẹt, nhẩy nhổm lên chửi Mỹ, xin suy nghĩ lại xem: tại sao khi Liên Âu đánh thuế hàng Mỹ 39% thì ô-kê, mà bây giờ Trump đánh thuế hàng Liên Âu 20% thì lại bị chửi? Tại sao Canada chỉ cho nhập cảng phó sản sữa Mỹ (bơ và phó-mát) ở mức tối thiểu, trên mức đó thì phải chịu thuế quan tới 298%? Có phải để bảo vệ nông nghiệp Canada không? Nếu phải thì tại sao Trump không có quyền bảo vệ kinh tế Mỹ? Nhìn vào bảng so sánh thuế quan trên, suy nghĩ cho kỹ, có thể chửi Trump đối xử không sòng phẳng với thế giới không?

Một con vẹt la hoảng “Mỹ đang giết dân Việt khi đánh thuế 46% trên hàng Việt“. Hả???

  • Thứ nhất: bao nhiêu dân Việt sống nhờ xuất cảng tương chao xì dầu nước mắm qua Mỹ -đó là những sản phẩm chính của VN xuất cảng qua Mỹ-? Nếu những thứ đó không còn nhập cảng được vì quá đắt không ai mua, dân tị nạn ở Mỹ có ai chết không? Dân VN ở VN sẽ có bao nhiêu người chết? Không ai chết, trái lại, dân tị nạn ở Mỹ bảo đảm sẽ ăn tương chao xì dầu nước mắm của chính dân tị nạn làm tại Mỹ, vừa sạch hơn vừa giúp đồng hương tị nạn sản xuất những món hàng này tại Mỹ (Louisiana chẳng hạn). Không bắt buộc phải mua nước mắm Phan Rang khi có nước mắm từ Louisiana cũng do người Việt sản xuất, nhưng bảo đảm đúng tiêu chuẩn y tế quốc tế hơn nước mắm Phan Rang.
  • Thứ nhì, VN xuất cảng qua Mỹ hơn 110 tỷ đô hàng qua Mỹ. Trên thực tế trên 80% chỉ là hàng Mỹ tạm ghé VN để lợi dụng mức lương lao động chết đói của VN thôi. Hầu hết là hàng Mỹ chỉ ghé để lắp ráp tại VN thôi. Lấy thí dụ, giầy Nike, tất cả từ vẽ kiểu đến vải bố, đế giầy, cao su, tất cả đều là sản phẩm Mỹ; trong giá thành, chỉ có lắp ráp là đóng góp của VN, cho dù ghi là ‘made in Vietnam’. Trump có đánh thuế cũng chỉ đánh thuế trên trị giá phần lao công VN đó thôi, chẳng hạn một đôi giầy Nike bán 200 đô có thể sẽ tăng giá lên 205 đô, trong khi người lao công Việt cũng chẳng bị đóng thêm một xu thuế hay mất một xu lương nào, mà Nike sẽ phải đóng, và dân Mỹ mua giầy ở Mỹ phải trả thuế. Giết dân VN ở điểm nào?
  • Thứ ba, theo thống kê chính thức, có khoảng 150.000 nhân công Việt làm việc cho các công ty Mỹ ở VN. Sẽ không có hãng Mỹ nào tại VN đóng cửa, chuyển về Mỹ vì dù sao lương công nhân Việt cũng vẫn chưa bằng một phần nhỏ lương nhân công Mỹ tại Mỹ.
  • Khi VN đánh thuế quan tới 90% trên hàng Mỹ, có ai la hoảng VN đang giết dân Mỹ không?

Con vẹt vietnguyên ‘hoành tráng’ tố Trump không dám đánh thuế quan trên các các xứ độc tài CS như Nga, Belarus, Cuba và Bắc Hàn. Dốt mà đừng lên tiếng thì không ai biết mình dốt.

Nga vẫn còn đang bị trừng phạt mậu dịch nặng nề gấp bội thuế quan sau khi tấn công Ukraine (muốn biết, cứ hỏi ChatGPT!). Dĩ nhiên là Mỹ-Nga còn trao đổi bạc tỷ hàng hóa, nhưng mục đích của TT Trump chưa khi nào là chấm dứt mọi giao dịch thương mại với bất cứ xứ nào. Hơn nữa, TT Trump còn để dành việc đánh thuế quan Nga như công cụ điều đình với Nga trong cuộc tìm thỏa thuận hòa bình cho Ukraine.

Một vài trừng phạt mậu dịch với Nga (theo ChatGPT) 

Ngoài ra, Belarus chẳng mua bán gì với Mỹ. Mỹ cấm vận tuyệt đối Cuba và BH, cấm giao dịch bất cứ gì, có gì để đánh thuế quan gì?

Tất cả những phỉ báng, chửi rủa rẻ tiền của đám vẹt chỉ phản ảnh ý thức chính trị nghèo nàn, lồng trong một tinh thần phe đảng mù quáng nhắm mắt chửi chết bỏ bất cứ chuyện gì liên quan tới Trump, và trong một trình độ học thức và văn hóa thấp kém. Cứ như thể mấy anh tị nạn khố rách áo ôm sống bám vào vài trăm đô tiền già, lại thông hiểu kinh tế tài chánh quốc gia của đại cường Mỹ hơn xa mấy ông tiến sĩ tỷ phủ chuyên gia cùng với tỷ phú Trump làm chính sách kinh tế tài chánh cho cả nước Mỹ. Nhiều khi đọc ‘bình luận chính trị’ công kích các chính sách của Trump của đám vẹt ngố này, nhất là bàn về thuế quan, kinh tế vĩ mô Mỹ, không nhịn được cười. Giống như nghe trẻ con tiểu học ồn ào bình luận chuyện làm hỏa tiễn lên cung trăng.

Trong cuộc chiến thuế quan này, tất nhiên là cả thế giới có quyền bực mình với Trump vì mất quyền lợi, ngoại trừ dân Mỹ và những người lo cho quyền lợi nước Mỹ.

Thế nhưng đảng DC đang vận động ra luật bắt chính sách thuế quan phải được quốc hội phê chuẩn, được một số thượng nghị sĩ CH ủng hộ, vì một cánh CH (Paul Rand) ủng hộ chính sách tự do mậu dịch không thuế quan cho cả thế giới, bên cạnh đám CH RINO luôn luôn chống Trump (Susan Collins, Lisa Murkowsky). Tuy nhiên, dự luật này ít hy vọng được thông qua, vì trước hết, sẽ không qua khỏi hạ viện, và sau đó, cho dù được cả hai viện thông qua, TT Trump sẽ phủ quyết và cả hai viện sẽ không đủ phiếu (2/3) để vượt qua phủ quyết của tổng thống.

Vũ Linh
https://diendantraichieu.blogspot.com ngày 5/4/2025

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*