Căng Thẳng Kênh Đào Panama

Trong hơn 100 năm hoạt động, kênh đào Panama ít khi gặp sóng gió nhưng nay bỗng dưng trở thành một biểu tượng địa chính trị trong cuộc đối đầu giữa hai cường quốc hàng đầu trên thế giới để giành ảnh hưởng toàn cầu.

Sau khi tin tức loan đi cho biết công ty CK Hutchison của Hồng Kông đạt một thỏa thuận để bán lại các bến cảng của họ tại kênh đào Panama cho một liên doanh đầu tư đứng đầu bởi BlackRock của Hoa Kỳ đã khiến cho lãnh tụ Tập Cận Bình của Trung Quốc rất tức giận, một phần là do công ty CK Hutchison đã không xin phép Bắc Kinh trước.

Theo những nhân vật thân cận với nhóm lãnh đạo ở Bắc Kinh thì ban lãnh đạo của Tập ban đầu đã có kế hoạch sử dụng vấn đề bến cảng Panama để làm con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán trong tương lai với chính quyền Donald Trump, nhưng rồi bất ngờ phải chứng kiến con bài đó bị rút ra khỏi tầm tay của mình.

Tổng thống Donald Trump, ngay sau khi quay trở lại nắm quyền đã lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ nên lấy lại quyền kiểm soát kênh đào, đã lên tiếng ca ngợi thỏa thuận mua bán này và xem nó như một chiến thắng trước quyền lợi của Trung Quốc ở sân sau của Hoa Kỳ.

Sự bất mãn của Tập cho thấy ông ta cũng nhìn nhận kênh đào như một phần địa chính trị trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ và không muốn bị coi là kẻ thua cuộc. Chính quyền Bắc Kinh hồi trung tuần tháng 3 đã cho đăng lại một bình luận mô tả thỏa thuận trên như là một sự phản bội đối với nhân dân Trung Quốc.

Thỏa thuận mua bán

Một bến cảng tại kênh đào. (Ảnh của Reuters)

Theo thỏa thuận được công bố vào ngày 4 tháng 3, tập đoàn CK Hutchison, do gia đình tỷ phú Hồng Kông 96 tuổi Lý Gia Thành kiểm soát, sẽ bán tài sản cảng toàn cầu cho nhóm đầu tư do công ty quản lý tài sản Hoa Kỳ BlackRock đứng đầu với giá $22.8 tỷ. Trong thỏa thuận đó có quyền sở hữu phần lớn tài sản cảng và quyền kiểm soát hoạt động của hai cảng nằm ở hai đầu kênh đào Panama.

Tại Bắc Kinh, theo một giới chức hiểu biết về vấn đề này cho biết, một số cơ quan chức năng của Trung Quốc bao gồm Cục Quản lý Thị trường Nhà nước và Bộ Thương mại đã được yêu cầu nghiên cứu thỏa thuận này với mục đích xem xét coi chính quyền Bắc Kinh có thể làm được gì để cản trở việc mua bán. Cơ quan truyền thông Bloomberg trước đó cũng đã đưa tin về việc xem xét lại thỏa thuận của chính quyền Bắc Kinh.

Mặc dù Bắc Kinh không hài lòng, nhưng để ngăn chặn thỏa thuận này sẽ không phải là một công việc đơn giản. Lý do là vì tất cả các tài sản được bán đều nằm bên ngoài Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, và các bên tham gia giao dịch đã bày tỏ sự tin tưởng rằng thỏa thuận có thể hoàn tất.

Thỏa thuận mua bán này đã đẩy Tập Cận Bình vào thế khó xử. Một mặt, theo một số giới chức thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc, Bắc Kinh phải tỏ rõ sự tức giận của họ đối với quyết định của công ty Hồng Kông, được đưa ra mà không có thông báo trước, để bảo vệ cho hình ảnh lãnh tụ độc tôn của của Tập. Mặt khác, họ cho biết, Bắc Kinh nhận thức được rằng bất kỳ nỗ lực đáng kể nào nhằm phá hoại thỏa thuận nói trên đều có nguy cơ làm leo thang tình trạng căng thẳng với chính quyền Trump. Cho đến nay, Trung Quốc tương đối tự kiềm chế trong việc trả đũa các mức thuế quan mới của chính quyền Trump đối với Trung Quốc, và điều này cho thấy họ cũng muốn giữ cho tình trạng căng thẳng giữa hai quốc gia nằm trong vòng kiểm soát.

Chỉ vài giờ sau khi thỏa thuận được công bố, Tổng thống Trump đã nhắc đến sự kiện này trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội vào hôm thứ Ba ngày 4 tháng 3. Ông Trump nói: “Chính quyền của tôi sẽ đòi lại kênh đào Panama và chúng ta đã bắt đầu thực hiện điều đó”.

Tổng thống Trump cũng đã nói trong bài diễn văn nhậm chức của ông vào ngày 20 tháng 1 rằng “Trung Quốc đang điều hành kênh đào Panama”, một sự ám chỉ nhắm đến vai trò của công ty CK Hutchison của Hồng Kông tại đó.

Nếu mọi việc suôn sẻ và sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan giám sát chính phủ, các công ty tham gia vào thỏa thuận cho biết họ hy vọng có thể ký kết các văn bản chính thức vào ngày 2 tháng 4 để hoàn tất thỏa thuận mua bán trị giá $22.8 tỷ này.

Lập trường của Bắc Kinh

Một số giới chức thân cận với nhóm lãnh đạo Trung Quốc cho biết ông Tập Cận Bình đã nổi giận về thỏa thuận nói trên là vì ông ta tin rằng ông Lý Gia Thành của công ty CK Hutchison đang có những hành động chống lại các quyền lợi của Bắc Kinh. Họ cho biết Bắc Kinh đã không hài lòng với ông Lý trong nhiều năm qua, vì nhà tỷ phú Hồng Kông này đã cố gắng làm giảm sự phụ thuộc các công việc kinh doanh của công ty ông vào Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, và qua đó là giảm bớt sự kiểm soát từ phía Bắc Kinh.

Một bài báo đăng trên tờ Đại Công Báo của nhà nước Trung Quốc có trụ sở tại Hồng Kông cho biết các tàu Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với các hạn chế, phụ phí và lệnh cấm vận nếu việc mua bán được thực hiện và hoạt động của kênh đào Panama có thể bị chính trị hóa. Bài báo cũng nói rằng: “Nếu các công ty Hồng Kông nhắm mắt làm ngơ trước việc này, thì cũng giống như trao con dao cho đối thủ ở điểm chiến lược này”.

Một bài bình luận trước đó trên cùng tờ báo nói rằng thỏa thuận mua bán và những cá nhân tham gia là đã “phản bội và bán rẻ” tất cả nhân dân Trung Quốc. Bài bình luận này đã được đăng lại trên trang mạng của Văn phòng Công tác Hồng Kông và Macao của đảng cộng sản Trung Quốc và trên một trang mạng của chính phủ, cho thấy nó phản ảnh đúng lập trường chính thức của Bắc Kinh.

Vấn đề địa chính trị

Căng thẳng địa chính trị tại kênh đào. (Ảnh của Alamy stock)

Bài bình luận của tờ báo Trung Quốc về việc người Mỹ kiểm soát các cảng Panama có thể đe dọa đến quyền lợi của Trung Quốc cũng chính là hình ảnh phản chiếu lập luận của Tổng thống Trump cho rằng với tình hình hiện tại, Trung Quốc có thể buộc hai bến cảng ở hai đầu kênh đào hạn chế các tàu chở hàng đến Hoa Kỳ. Hai bến cảng nói trên đã giải quyết khoảng 40% số thùng hàng đi qua tuyến đường thủy này vào năm ngoái.

Các giới chức Panama điều hành công việc giao thông qua tuyến đường thủy này nói rằng các cơ sở của Trung Quốc không gây ra mối đe dọa quân sự hoặc vi phạm đến tính trung lập của kênh đào.

Tổng giám đốc Larry Fink của BlackRock cũng đã tìm cách làm giảm bớt tính chính trị của thỏa thuận tại một hội nghị gần đây, ông nhấn mạnh rằng các cảng Panama chỉ chiếm một phần nhỏ trong thỏa thuận giao dịch có liên quan đến hơn 40 cảng tại 23 quốc gia. Nếu hoàn tất việc mua bán, CK Hutchison sẽ bán hầu hết các công việc kinh doanh bến cảng của công ty nằm bên ngoài Trung Quốc.

Cho dù những lời tuyên bố từ các bên về thỏa thuận mua bán bến cảng có là thế nào đi nữa thì một điều rõ ràng là kênh đào Panama đang trở thành một vấn đề địa chính trị được thế giới chú ý bên cạnh những điểm địa chính trị khác, từ Biển Đông đến các tuyến đường thủy xuyên qua Bắc Băng Dương, nằm trong cuộc tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc.

Vũ Hiến
Theo https://baotreonline.com ngày 4/4/2025

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*