Trong bài này tôi muốn hướng chính yếu tới những người sống ở Mỹ, nói chung ngoài Việt Nam và không có trở ngại khi đọc/nghe tiếng Anh.
Thông tin ở Mỹ đến từ những nguồn:
1) Truyền thông dòng chính (mainstream media)
Ở Mỹ có 6 hãng truyền thông lớn: Comcast (NBC, MSNBC), The Walt Disney (ABC), News Corporation (Fox News), WarnerMedia (CNN, CW), CBS (CBS, CW joint with WarnerMedia), Viacom (MTV). Đây là nhưng đại công ty, hầu hết nằm trong 500 công ty lớn nhất nước Mỹ. Thí dụ Comcast có giá trị trên thị trường chứng khoán là 203 Bil.
Khi theo dõi một bản tin, ta phải thấy có hai phần: A) tin tức (news, facts) và B) bình luận/ý kiến (opinions). Ký giả, người phỏng vấn, thông tín viên (anchors)… nói chung ai cũng có một khuynh hướng chính trị riêng, do đó sự thiên vị nếu có cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, sự thiên vị thường chỉ qua hai khía canh: qua việc loan truyền những tin tức hay không tùy theo loại tin tức mình muốn khán thính giả chú ý và qua phần bình luận/ý kiến. Ít khi nào họ dám bịa đặt tin tức A), vì sẽ đối đấu với sự kiện cáo và đánh giá của các cơ quan độc lập của người tiêu thụ. Bị thưa kiện là điều mà các công ty lớn hết sức tránh.
Khi nào đồng ý một tin tức đã loan là sai lạc, họ thường phải xin lỗi, đính chính và có những quyết định chế tài với những người làm việc dính líu vào đó.
Một hãng truyền thông lớn, ngoài khuynh hướng chính trị chính, họ hay có hướng khuynh hướng phụ để làm nổi bật và có sự so sánh ý kiến/bình luận. CNN thiên tả nhưng có cả Paris Dennard, Kayleigh McEnany thậm chí Kellyanne Conway cũng từng ăn lương CNN. Fox News thiên hữu thì có Megyn Kelly bầu cho cả Dân chủ lẫn Cộng Hòa.
Báo chí (báo giấy, báo mạng) dòng chính như Washington Post hay New York Times cũng hoạt động như những đại công ty bạc tỉ. Hai tờ bào này đã đoạt được nhiều giải thưởng Pulitzer Prize về nghề báo (journalism) nhất trong các báo chí ở Mỹ. Nhiều người “yêu Trump nồng nhiệt” theo ông ta tẩy chay hai báo này là tự bịt mắt trước những nguồn tin và bình luận quan trọng.
2) Truyền thông dòng phụ (alternative media)
Truyền thông dòng phụ (Alternative media) thì là những công ty truyền thông nhỏ, có một số khán thính giả nào đó và không cần mở rộng nhóm này (base). Vài công ty chỉ có 1, 2 người điều khiển. Họ có thế loan tin rất bừa bãi, xuyên tạc, khó kiện tụng họ vì nhiều khi họ không có tài sản đề tịch thu. Thí dụ như The Daily Caller, một truyền thông cực hữu của một cựu nhân viên của Fox News Carlson và Patel lập ra. Họ có tiếng về loan truyền những video, tin tức ngụy tạo. One American News Network (OANN), Breibart News Network cũng nổi tiếng tương tự.
Ngoài ra còn một số công ty truyền thông có một lịch trình (agenda) chính trị riêng, như The Epoch Times (Đại Kỷ Nguyên), hay The Washington Times (báo của nhóm Unification Movement, với giáo chủ Sun Myung Moon)
3) Mạng xã hội (social media – Facebook, Twitter…)
Bên cạnh tác dụng giải trí và tương tác với xã hội, đây là nguốn gốc của nhiều tin bịa đặt và xuyên tạc nhất. Đại công ty Facebook có những thuật toán (algorithms) dựa vào những gì chúng ta hay xem mà biết được sở thích, khuynh hướng chính trị, xã hội v.v.. và họ sẽ đưa chúng ta đến trang liên hệ.
Khi việc bài Hồi giáo lên cao năm 2016-2017, bản thân tôi đã nhận có khi hai ba lần trong 1 ngày, những email hay qua mạng xã hội về những chuyện như thị trưởng Dorval (hay một thành phố bên Bỉ trong một phiên bản khác) viết thư cho phụ huynh học sinh theo Hồi giáo về chuyện bán thịt heo trong căng tin của trường học. Chuyện cựu tổng thống Obama sinh ngoài nước Mỹ (birther movement) hay là theo Hồi giáo cũng loan truyền mạnh mẽ bắt đầu từ truyền thông dòng phụ sau dó qua mạng xã hội, mà cho tới nay còn rất nhiều người tin.
Có thể kể thêm về nguồn trong phần 3) này: bạn bè, trường học, chỗ làm việc…
Vậy trong thời đại ngày nay, vấn nạn lớn nhất không phải là thiếu thông tin mà là làm sao tìm được thông tin thật trong tình trạng tin thật tin giả trộn lẫn. Tôi có vài đề nghị:
a) Khi nghe/ đọc một nguồn tin nào trên truyền thông dòng phụ, phải cực kỳ cẩn thận. Nếu các nguồn tin dòng chính (mainstream media) hoàn toàn không loan tin thì có lẽ 99% đây là tin thất thiệt.
b) Khi đọc tin trên một nguồn nào đó trên truyền thông dòng chính (Fox News, CNN…) nên xem cả phần loan tin của truyền thông dòng chính với khuynh hướng đối lập. Nếu họ (truyền thông dòng chính với khuynh hướng đối lập) không đề cập hay không phản bác thì tin nay có thế tin được. Và cần đọc nhiều nguồn khác để xem, hiểu rõ hơn.
c) Khi đọc một bài báo, hay nghe một clip video, phải phân biệt phần nào là tin tức phần nào là bình luận. Trộn tất cả thành sự kiện (facts) là ta tự vào mê hồn trận thông tin, sống trong ghetto tự tạo ra.
d) Nên tìm đến thông tin thay vì chỉ để thông tin tìm đến mình. Nên xem tin tức trên truyền thông với nhiều khuynh hướng khác.
e) Ngoài ra, các bạn có thể kiểm chứng chéo với các nguồn khá đứng đắn và độc lập sau:
FactCheck.org (tống quát)
https://www.washingtonpost.com/news/fact-checker/ (của báo The Washington Post)
https://mediabiasfactcheck.com (check tính chính xác và thiên vị của nguồn)
Snopes.com (về những truyền thuyết cũ)
TruthOrFiction.com (cũng về những truyền thuyết cũ)
PolitiFact.com (về phát biểu của chính trị gia)
https://www.realclearpolitics.com/ (kiểm soát các nguồn fact checking)
Liêm
Theo Facebook LiemMai ngày 23/11/2019
Phụ chú:
1) Với các bạn sống ở nước ngoài và có trở ngại về ngôn ngữ, các bạn có thể theo dõi VOA, BBC hay báo Người Việt (một trong những báo chí hải ngoại tôi đánh giá cao về tính chuyên môn (professionalism)).
2) Với các bạn trong nước, ráng tìm cách vượt tường lửa. Những tin tức của Đại Kỷ Nguyên, trithucvn.com, Thông Tấn Việt … độ khả tín về thông tin, nhất là thông tin chính trị, rất thấp.
* * *
Ghi thêm:
Hiện tại ở Mỹ có 7 trang fact-check (kiểm chứng thông tin) đã được chứng nhận bởi Mạng lưới Kiểm chứng Thông tin Quốc tế (IFCN) trực thuộc Học viện Báo chí Poynter:
– Politifact: https://www.politifact.com
– CheckYourFact: https://checkyourfact.com
– FactCheck: https://www.factcheck.org
– Washington Post Fact Checker: https://www.washingtonpost.com/news/fact-checker/
– AP Fact Check: https://blog.ap.org/behind-the-n…/what-we-fact-check-and-why
– Snopes: https://www.snopes.com
– The Weekly Standard: https://www.weeklystandard.com
Những trang fact check tham gia vào IFCN phải cam kết tuân thủ 5 nguyên tắc sau:
– Trung lập và công bằng (Nonpartisanship and Fairness)
– Minh bạch nguồn tin (Transparency of Sources)
– Minh bạch nguồn kinh phí và tổ chức (Transparency of Funding and Organization)
– Minh bạch phương pháp (Transparency of Methodology)
– Xây dựng bộ quy tắc về cải chính cởi mở và trung thực (Open and Honest Corrections Policy)
Những trang này là nguồn thông tin quan trọng và bổ ích cho bất kỳ ai muốn đọc thông tin chính xác và phát hiện tin giả, tin sai kịp thời.
Be the first to comment