Vương Trí Nhàn: Người Việt Và Triết Lý ‘Giàu Nhanh, Đi Tắt, Gồm Cả Phá Hoại’

Người lao động Việt Nam – Hình GETTY IMAGES

Qua câu chuyện 39 người thiệt mạng tại Anh, tôi thấy nổi lên nhiều vấn đề có liên quan đến đến toàn thể cộng đồng Việt hiện nay, trước tiên là câu chuyện cách kiếm sống của con người và triết lý ẩn sau cách kiếm sống đó.
Cụ thể là người Việt hiện rất kém về mặt nghề nghiệp để tạo nên năng suất lao động cần thiết trong khi đó nhu cầu có một cuộc sống tiện nghi lại quá mạnh mẽ và quyết liệt, khiến cho người ta sẵn sàng làm bậy kiếm tiền, những người vốn ngại ly hương thì sẵn sàng ra đi tìm cách kiếm ăn ở nước ngoài dù đôi khi phải đổi lấy mạng sống.
Mà có thoát chết chăng nữa thì tuy có một cuộc sống bề ngoài đầy đủ về mặt vật chất nhưng thật ra trong đó bao giờ cũng không thiếu những yếu tố của sự đau khổ.
Nên biết thêm tình trạng kém cỏi về mặt nghề nghiệp là tình trạng của người Việt trong lịch sử nó khiến cho một quyển sách như “Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn” đã viết đại ý 1/3 ba người dân ở đây là kẻ cướp, 2/3 còn lại sống dưới mức nghèo khổ.
Qua đó cho thấy chiến tranh đã tàn phá xã hội Việt Nam như thế nào cụ thể là làm hỏng con người Việt đi như thế nào.
Tôi cũng cần thấy thêm là trong việc kiếm sống hiện nay có một triết lý phổ biến ngấm ngầm chi phối người Việt “chỉ có những việc không làm được chứ không có những việc không được làm”
Đây cũng là dấu hiệu của sự tàn phá con người về mặt đạo đức do chiến tranh mang lại.
Nó khiến chúng ta rất khó hội nhập với thế giới hiện đại.
Về trình độ kiếm sống của người Việt và cái triết lý đi kèm với tình trạng này tôi đã từng viết nhiều lần, lần cuối là trên blog của tôi tháng 2/2018:

Kiếm sống chỉ là cách nói nôm na của khái niệm “trình độ sản xuất” của một xã hội. Trong bài này tôi muốn đi từ hoạt động của những người dân mà nghĩ dần lên tới các vấn đề tồn tại của xã hội. Đề tài quá rộng và cũng là quá sức với bản thân, tôi đưa ra ở đây với ý nghĩ “nếu không phải chúng ta thì ai sẽ nghĩ thay ta đây” và rất mong các bạn cùng nghĩ.

Kiếm sống bằng mọi giá

Thời tiết oi ả, đang nóng bỗng lạnh đang lạnh bỗng nóng, nhiều nhà đêm trước vừa mở điều hoà, đêm sau đã phải lôi chăn mùa rét ra đắp, khí trời năm nay ở đồng bằng sông Hồng độc quá!
Chẳng những con người nhoai ra mà đến cả các giống vật cũng khó sống: ở vùng ngoại ô tôi đang ở, sáng sáng trên mặt hồ vô khối cá chết nổi lềnh bềnh.
Có cá chết là có người đi vớt, bởi thứ cá này đun lên còn cho lợn cho chó ăn được.
Mấy người dậy sớm lại chuẩn bị sẵn vợt, cá vớt được dễ đến cả rổ.
Đến lượt một ông già nọ, lộc giời chẳng còn bao nhiêu, đi lui đi tới ngắm nghía mãi mới thấy một hai con sót lại.
Cá thì nằm khá xa mà trong tay ông không có lấy một cái que cái sào nào cả. Nhưng ông không chịu.
Thoạt đầu thấy ông nhặt gạch hòn to hòn nhỏ vun thành đống lùm lùm tôi chưa hiểu để làm gì. Bỗng nghe tũm tũm gạch ném xuống nước, thì ra ông lấy gạch để lái cho cá trôi dần vào bờ. Liên tiếp, có đến vài chục viên gạch được sử dụng. Khi mùi cá chết nồng nặc xông lên thì cũng là lúc tôi nghe cái túi nilon trong tay ông già sột soạt.
Có thế chứ. Thoát làm sao được khỏi tay ta, hỡi những chú cá không biết mới chết đêm qua hay từ hôm kia mà thân hình đã mủn cả ra trên mặt nước.
Tôi đứng nhìn ông già lấy gạch dồn cá mà nghĩ đến cách kiếm sống của con người hiện nay. Nào ông có khác với nhiều thanh niên trai trẻ háo hức vào đời, nhất là những thanh niên nông thôn đang đổ lên đô thị:
– Tay trắng lập nghiệp.
– Nghề ngỗng chẳng có.
– Đồ nghề không tức là công cụ không.
– Có miếng ngon miếng sốt thì lớp người đi trước dành hết cả rồi.
Thành thử có gì là lạ khi họ chỉ còn cách lăn xả vào bất cứ việc gì người ta thuê mướn dù là mồ hôi đổ ra nhiều mà đồng bạc thu về chẳng khác mấy con cá trôi nổi trên mặt hồ.
Trách họ thì oan cho họ quá.

Thế nhưng cái đáng sợ nhất vẫn là cái “triết lý” toát lên từ cái việc kiếm sống đơn giản này.
Nhìn đống gạch được ném xuống nước, tôi cứ định nói với ông già rằng như thế tức là trực tiếp phá huỷ môi trường.
Ai cũng thích thì làm, hôm nay mươi viên mai vài chục viên ném xuống hồ, hỏi còn gì là cái mặt nước thân yêu?
Chẳng phải là chỉ mấy năm nay nước hồ đã đen dần vì nước cống, lòng hồ đã bồi cao lên vì các loại phế thải xây dựng và rác rưởi?
Nhưng tôi không mở miệng nổi.
Từ cái việc mà ông già thản nhiên và hào hứng theo đuổi, tự nó đã toát ra một lời tuyên bố: để kiếm sống, con người ta có quyền làm bất cứ việc gì họ có thể làm, bất kể là có hại cho người chung quanh hoặc tàn phá môi trường sống chung quanh đến như thế nào.
Lại nhớ nhà văn Nga Anton Chekhov (1860-1904) từng có một đoản thiên kể chuyện một người mugich hồn nhiên tháo đinh bù loong trên đường sắt về rèn mấy cái đinh thúc ngựa. Sắt ê hề ra đấy mà làm gì, tháo một vài cái có sao, không tàu hoả thì đi bộ đã chết ai? – ông ta lý sự.
Còn ở ta những năm chiến tranh có những người coi kho phá cả một cỗ máy để lấy mấy cái vít.
Xét về mặt lý lẽ mà người trong cuộc đưa ra để biện hộ, giữa cái hành động của người mugich Nga thế kỷ XIX với việc người Việt thế kỷ XXI đã và đang làm:
– rải đinh trên đường cao tốc,
– bán đủ các loại rau quả vừa phun thuốc trừ sâu,
– đá bóng vào lưới nhà để thực hiện hợp đồng bán độ,
– rồi chặt phá rừng vô tội vạ,
– rồi mua bán bằng cấp và chức sắc,
– rồi kê đơn cho bệnh nhân toàn những thuốc đắt tiền để ăn hoa hồng,
– rồi đưa ma tuý vào trường học rủ rê con nhà lành vào con đường nghiện ngập cốt bán được ít hàng quốc cấm…
Các hành động ấy bắt nguồn từ những ý nghĩ có khác nhau là bao?
Ở đâu thì cũng cùng một lý lẽ ấy, lý lẽ của ông già ném gạch dồn cá, vốn đã bắt rễ trong tiềm thức nhiều người chúng ta hôm nay.
Khi độ nguy hiểm của nó ta còn chưa cảm thấy rõ ràng thì làm sao đủ sức để chống lại?

Từ kiếm sống đến hình thành tính cách

Từ trường hợp của những ông già ném cá ở phần trên, tôi xin thử nêu lên một vài đặc điểm làm nên cách kiếm sống dân ta xưa và nay:
1. Từ thời tiền hiện đại trong cuộc mưu sinh, dân ta còn đang dừng lại ở tư duy hái lượm tức là sẵn có cái gì của thiên nhiên thì nhặt lấy mang về.
Con người trong xã hội đa số là vô nghề nghiệp và không đạt tới đỉnh cao trong việc làm nghề. Các ngành nghề không được chăm lo cải tiến nên chỉ có giậm chân tại chỗ.
Khi tiếp xúc với các nền kinh tế khác chúng ta lại không chịu học hỏi đàng hoàng kỹ lưỡng nên cứ kém mãi.
2. Chiến tranh là nhân tố chủ yếu chi phối khuôn mặt của xã hội Việt Nam trong suốt trường kỳ lịch sử.
Trong các thế kỷ trước, nhất là hai thế kỷ XVII-XVIII sa vào nội chiến, ở ta, việc sản xuất nông nghiệp chỉ phát triển trong mức độ bảo đảm cho các cuộc chiến tranh giữa các phe phái được duy trì. Vậy mà nạn đói vẫn luôn luôn xảy ra.
Điều này càng rõ nếu xét tình hình từ 1945 tới nay.
Trong chiến tranh bao nhiêu con người giỏi giang đổ hết cả ra mặt trận.
Đến cả lương thực cho người dân miền Bắc cũng phải nhập của nước ngoài.
Súng ống đạn dược xe pháo dùng trong chiến tranh là của ngoại nhập tất.

Ở hậu phương mọi công việc như xây dựng nhà cửa đường xá hoàn toàn ngưng trệ.
Sau chiến tranh hầu hết chúng ta là những kẻ vô nghề nghiệp.
Để đắp điếm che giấu sự thiếu thốn này xã hội chỉ tổ chức ra một nền giáo dục “thiếu tháng”, “bất thành nhân dạng”, còn cả việc học hỏi về nghề nghiệp lẫn học kiến thức cơ bản đều chắp vá qua loa.
Trong khi không biết xấu hổ trước trình độ sản xuất nội địa ở mức lè tè thì ta lại đang lao đầu hưởng thụ, lấy việc kiếm được hàng hóa sản xuất từ các nước khác làm niềm vui thích.
3. Có lần trên mạng thấy loan tin các cơ quan khoa học quốc tế người ta đánh giá rằng nước mình là một xứ mà việc quản lý các tài nguyên khoáng sản là loại đội sổ, kém nhất thế giới.
Không cần có mặt ở các loại mỏ, chỉ từ tình hình chung cũng đoán ra hết.
Những người chủ trì công việc làm ăn ở các vùng tài nguyên đó, theo sự nhìn nhận của tôi thật cũng chẳng khác gì mọi người dân thường.
Ta chỉ trách những quan chức này là họ tham nhũng.
Ta quên rằng họ cũng đang là những người kiếm sống không có nghề ngỗng gì hết, và kiếm sống với bất cứ giá nào.
Trong khi khai thác tài nguyên theo kiểu thổ phỉ vậy, tự họ đã tước đi khả năng tồn tại và phát triển của cái nguồn lực đáng lẽ nuôi sống cộng đồng và chính họ trong một thời gian lâu dài. Họ cũng từ bỏ luôn cái cơ hội tốt để họ và con cháu họ tử tế nên người.
4. Một đặc điểm khác chi phối việc kiếm sống của người mình, nhất là con người hiện đại.
Là ta có lối suy nghĩ rất thiển cận, trong khi phấn đấu để vượt lên số phận nghèo khó đã không chịu tự nhận lỗi về mình không chịu thành tâm học hỏi theo hướng chuyên môn hóa… mà lại chỉ muốn đi tắt đón đầu nhăm nhăm tính toán sao cho có thể đạt đến mọi mục đích tầm thường của mình bằng Con đường Ngắn nhất.
Nhân danh nghèo khó, cho là mình có quyền làm mọi điều xấu xa và sẽ chẳng có thần phật nào trừng trị chúng ta cả.
Tiếp đó là bày ra đủ thứ lý luận để cãi trắng cho sự hư hỏng của mình.
Cả một đội quân tuyên truyền góp phần vào việc tự biện hộ này.
Chúng ta đã đi tới sự tự lừa dối tự lúc nào không biết.
Đến lúc này thì người ta nói rằng cả con người và xã hội đã vô phương cứu chữa.

Vương Trí Nhàn, nhà nghiên cứu văn hóa ở Hà Nội
Ngày 15 tháng 11 2019

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*