Võ Văn Quản: 10 Năm Chờ Đợi Làm Chủ Tịch ASEAN – Việt Nam Sẽ Thúc Đẩy Vấn Đề Biển Đông Và Sông Mekong?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp nhận chức Chủ tịch ASEAN cho Việt Nam, ngày 4/11/2019 tại Bangkok. Ảnh: TTXVN.

Khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan ngày 4/11 tại Bangkok, ông mang về cơ hội 10 năm có một cho Việt Nam trong việc xác lập nghị trình của tổ chức liên chính phủ này.

Chủ tịch ASEAN là ai?

Chức danh Chủ tịch ASEAN (ASEAN Chairmanship) có căn cứ pháp lý quốc dựa trên Hiến chương ASEAN (ASEAN Charter), tại Điều 31 và 32. Theo đó, vị trí Chủ tịch ASEAN sẽ được luân phiên giữa các thành viên, theo thứ tự ABC của tên quốc gia và có nhiệm kỳ một năm. Với 10 thành viên, điều này đồng nghĩa với việc phải đến cả thập niên thì một quốc gia thành viên mới có cơ hội ngồi vào chiếc ghế nóng này.
Song ghế nóng thế nào cũng vô giá trị nếu chủ nhân của nó không có thực quyền. Vậy Chủ tịch ASEAN có những quyền hành như thế nào?

Về tổ chức, quốc gia giữ ghế Chủ tịch ASEAN sẽ đồng thời có quyền chủ trì (a) Hội nghị Cấp cao ASEAN và các Hội nghị cấp cao liên quan; (b) Các cuộc họp của Hội đồng Điều phối ASEAN; (c) Ba Hội đồng Cộng đồng ASEAN; (d) Các cuộc họp của Cơ quan chuyên ngành cấp Bộ trưởng và quan chức cao cấp; và (e) Ủy ban các Đại diện thường trực ASEAN. Như vậy, ghế chủ tịch sẽ giúp quốc gia thành viên có tiếng nói khá quan trọng, thực hiện hoạt động điều phối nhiều chế định khác nhau, từ đó có thể có những ảnh hưởng nhất định đến cương lĩnh và định hướng phát triển của toàn ASEAN.
Về chính sách, ngoại trừ những quy định chung chung như “tích cực thúc đẩy và đề cao lợi ích cũng như quyền lợi của ASEAN” hay “đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN”, vị trí Chủ tịch sẽ là bên đưa ra các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN thông qua các sáng kiến về chính sách, điều phối, đồng thuận và hợp tác. Đặc biệt hơn, vị trí chủ tịch cũng sẽ có thẩm quyền đưa ra những đề xuất nhằm “ứng phó một cách hiệu quả và kịp thời các vấn đề cấp bách hoặc các tình huống khủng hoảng tác động đến ASEAN”.
Hiển nhiên, những quyền lợi nói trên không đồng nghĩa với việc Chủ tịch ASEAN có quyền hô mưa gọi gió. ASEAN vẫn vận hành chủ yếu dựa trên nguyên tắc “đồng thuận”, tức chỉ ra nghị quyết hoặc thống nhất một cương lĩnh hành động chung nếu 100% thành viên đều tán thành. Song dù sao, việc có khả năng xây dựng chương trình nghị sự, đưa ra các sáng kiến lập pháp, đề xuất vấn đề trọng tâm để ASEAN phải cùng xem xét, giải quyết chắc chắn mang lại cho quốc gia nắm ghế chủ tịch những lợi thế nhất định.

Ảnh hưởng thực tế và cơ hội nào cho Việt Nam

Thực tế cũng cho thấy các quốc gia ASEAN thường rất xem trọng vị trí Chủ tịch ASEAN, trừ khi họ bị quá phân tâm vào các vấn đề quốc nội.
Đối với trường hợp của Thái Lan, nước giữ quyền Chủ tịch ASEAN trong năm 2019, nhiều nhà phân tích đã dự báo từ trước đó rằng nước này sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tận dụng vị thế Chủ tịch ASEAN khi mà người dân và các chính khách, quan chức Thái Lan gần như dành toàn lực chú ý vào các vấn đề trong nước.
Thật vậy, hơn nửa đầu năm 2019, không có nghị trình đặc biệt hay sáng kiến lập pháp, sáng kiến chính sách nào được Thái Lan đưa ra để giải quyết các vấn đề cấp thiết mà khối ASEAN đang hoặc sẽ phải đối mặt. Trong năm 2019, gần như toàn nguồn lực của chính phủ và người dân Thái Lan tập trung vào cuộc bầu cử đầu tiên tại nước này kể từ sau cuộc đảo chánh năm 2014. Kế đó, chính trị Thái Lan lại tiếp tục ầm ĩ với sự lên ngôi của quốc vương Maha Vajiralongkorn, vị vua mới của người dân Thái sau hơn bảy thập niên trị vì của vua Bhumibol Adulyadej.
Tuy nhiên, Thái Lan cũng có sáng kiến chính sách chung ASEAN được đánh giá cao trong nửa cuối nhiệm kỳ, nhằm thể hiện và khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong tương lai của châu Á là việc xây dựng và định hướng cho Tuyên bố chung của ASEAN về vùng “Indo-Pacific” (ASEAN Outlook on the Indo-Pacific). Bằng cách bao gồm cả vùng Ấn Độ Dương và các quốc gia Thái Bình Dương, Thái Lan – cũng như các quốc gia thành viên ASEAN – khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN cũng như sự liên thông, nối liền của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Đặc biệt hơn, Thái Lan cũng thành công trong việc đưa vào tuyên bố vấn đề tự do hàng hải, chủ quyền biển và yêu cầu các bên phải tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Nhờ vào việc xác định khu vực biển Đông Nam Á là vùng đệm liên lục địa Ấn – Á, văn bản này lôi kéo cả vai trò của Ấn Độ – một cường quốc khác luôn kèn cựa với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Châu Á, và Nhật Bản – một cựu đế quốc vẫn còn duy trì được vai trò nhất định của mình ở châu Á.
Thực tế cho thấy, Ấn Độ và Nhật Bản rất chào đón thuật ngữ “Indo-Pacific” và khả năng hợp tác chiến lược mới của họ tại Đông Nam Á, trong khi Trung Quốc thì phản đối ý tưởng, cho rằng đây là một chiến thuật cũ của Hoa Kỳ để đa phương hóa các vấn đề chính trị tại vùng biển Đông Nam Á, mà đặc biệt là Biển Đông của Việt Nam.

Biển Đông và vấn đề sông Mekong

Như vậy, có thể thừa nhận một điều rằng vai trò Chủ tịch ASEAN không chỉ là hư danh, đặc biệt khi chúng ta nhớ đến cách mà Campuchia ngăn cản khối đưa ra tuyên bố chung về các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông hồi năm 2012, khi họ nắm ghế chủ tịch.
Về vấn đề Biển Đông, người viết cho rằng việc vận dụng khôn khéo nền tảng “Indo – Pacific” mà Thái Lan để lại sẽ giúp ích rất nhiều cho việc đa dạng hoá các lựa chọn chính sách của Việt Nam tại Biển Đông, tranh thủ sự ủng hộ của nhiều cường quốc dành cho cả khối ASEAN và từ đó thống nhất được tiếng nói chung của nhóm về Biển Đông một cách gián tiếp, nhưng có chiến lược.
Thêm vào đó, chúng ta cũng hoàn toàn có khả năng đưa vấn đề sông Mekong vào nhiều nghị trình khác nhau trong các chương trình của ASEAN. Trong đó, cần đặc biệt nâng vấn đề Mekong trở thành vấn đề cấp bách chung của cả khối về an ninh lương thực, an ninh di cư, an ninh môi trường cũng như an ninh năng lượng; từ đó vận động và tìm kiếm một tuyên bố chung của ASEAN về Mekong.
Với hầu hết các quốc gia đang thụ hưởng lợi ích từ dòng Mekong là thành viên của ASEAN, việc kết hợp tiếng nói chung của cả khối sẽ giúp Việt Nam có cơ hội tốt hơn để đàm phán, đối thoại với Lào về các chương trình thủy điện của họ, cũng như đoàn kết một khối để gây sức ép lên Trung Quốc đang chiếm giữ thượng nguồn Mekong.
Nếu Việt Nam thật sự hoàn thành được những mục tiêu trên trong chỉ một năm làm Chủ tịch ASEAN, đây quả thật sẽ là một nhiệm kỳ rực rỡ về mặt ngoại giao, bõ công 10 năm chờ đợi.

Võ Văn Quản
Theo Luật khoa Tạp chí ngày 10/11/2019

Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2019/11/10-nam-cho-doi-lam-chu-tich-asean-viet-nam-se-thuc-day-van-de-bien-dong-va-song-mekong/

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*