Lá cờ phong sương 50 năm. (Hình: VHM cung cấp)
Ông Frank Snepp (trái) trong giây phút ra mắt lá cờ 50 năm phong sương. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)
GARDEN GROVE, California (NV) – Ông Frank Snepp, một cựu viên chức CIA, tặng lại lá cờ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) do ông gìn giữ và mang theo từ năm 1969 đến nay, cho Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (Vietnamese Heritage Museum, VHM) ở Garden Grove. Đến nay, lá cờ VNCH theo ông tròn nửa thế kỷ.
Từ sáng sớm Chủ Nhật, 20 Tháng Mười, khoảng 25 thành viên của VHM đã đến trụ sở để chuẩn bị cho buổi lễ, gồm nhạc sĩ Lê Văn Khoa, anh Trần Hồng Tiên, MC Thụy Vy, chị Chung Thủy Thương, Nha Sĩ Thanh Long, chị Yến Dương, cô Tú Anh, anh John Bùi và Thanh Hương, cô Ái Trinh, cùng các thân hữu khác. Dù với một diện tích khiêm nhường cho một viện bảo tàng, nhưng ước mơ của họ lại rất lớn và đáng trân trọng.
Ông Frank Snepp bước qua cửa, hai tay trang trọng, ôm một hộp bằng plastic. Bên trong hộp là lá cờ vàng ba sọc đỏ, đã bạc màu qua nhiều năm tháng. Ông mở nắp hộp và trao lại lá cờ cho ông Châu Thụy, đại diện viện bảo tàng.
Mọi người hiện diện không ngăn được nỗi xúc động khi lá cờ được trải ra trước mặt mọi người, thuộc mọi lứa tuổi, từ các em bé đến cụ già tuổi 80. Vài người nước mắt tràn mi khi quốc thiều VNCH trổi lên trong căn phòng nhỏ. Mọi người cùng cất tiếng và hát theo bài quốc ca trong bầu không khí thiêng liêng hiếm có.
Ông Frank Snepp nói giọng từ tốn: “Lá cờ nhỏ phong sương của VNCH, mà tôi để lại cho Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt tại Quận Cam ngày hôm nay, là một di tích thiêng liêng về thảm kịch tôi đã chứng kiến tận mắt tại Việt Nam và một lời nhắc nhở đáng sợ về món nợ đạo đức tôi sẽ luôn nợ bạn bè và đồng minh Việt Nam của tôi.”
Ông Frank Snepp (trái) trao hộp đựng lá cờ 50 năm cũ cho ông Châu Thụy, đại diện Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)
“Lá cờ đã ở với tôi trong suốt sáu năm làm nhân viên CIA được giao nhiệm vụ hỗ trợ cho chính nghĩa quốc gia. Đó là sự chứng kiến thầm lặng cho hầu hết mọi sự kiện lớn mà tôi đã trải qua ở Việt Nam trong giai đoạn quan trọng, 1969-1975, bao gồm cả cuộc di tản cuối cùng. Đó là một đài tưởng niệm về những cuộc đời đã mất, những giấc mơ bị phản bội và những chiến thắng lẽ ra phải có,” ông nói thêm.
Vị ân nhân của viện bảo tàng kể: “Ngay sau khi tôi đến Sài Gòn vào mùa Hè năm 1969 tôi đã mua lá cờ từ một người bán hàng rong. Trong hai năm tiếp theo, lá cờ vẫn được trưng bày trong căn hộ nhỏ của tôi trên đại lộ Nguyễn Huệ, nơi nó sống sót sau nhiều cuộc tấn công pháo kích, và cuối cùng trên tường của văn phòng CIA của tôi trên tầng thứ sáu (trên cùng) của tòa đại sứ.”
“Nó vẫn còn mãi trong suy nghĩ của tôi, một cuộc di cư liên tục của người Việt Nam bị đe dọa trong công việc của tôi, khi tôi đi khắp đất nước để thẩm vấn tù nhân, những người đào thoát và các nguồn tin tình báo, viết đánh giá chiến lược cho Đại sứ Mỹ, và báo cáo về tiến trình bình định và Việt Nam hóa,” ông kể tiếp.
Ông thao thao kể rằng: “Vào giữa năm 1971, tôi mang lá cờ này trở lại trụ sở của CIA và giữ nó bên trong bàn của tôi tại Langley khi tôi dành năm tới để phân tích các chính sách của Bắc Việt cho lực lượng đặc nhiệm Việt Nam của CIA. Khi tôi trở về Sài Gòn vào cuối mùa Hè năm 1972 để thẩm vấn một tù nhân cấp cao, lá cờ đã đi cùng tôi và tôi thường xuyên mang nó đến trung tâm thẩm vấn quốc gia để nhắc nhở các tù nhân có một nguyên nhân lớn hơn họ, một nguyên nhân được thánh hóa bằng máu của những người yêu nước Việt Nam và bắt nguồn từ vùng đất tổ tiên của tất cả người Việt Nam.”
“Vào ngày 27 Tháng Giêng, 1973, ngày ngừng bắn có hiệu lực, tôi treo lá cờ VNCH trên bàn của tôi tại đại sứ quán và uống mừng với một ly cocktail kỷ niệm, với hy vọng rằng những người có cuộc sống và giấc mơ được minh họa có thể biết đến hòa bình và tự do,” ông nhớ lại.
Ông Châu Thụy run run mở lá cờ do ông Frank Snepp trao tặng. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)
Ông nhắc đến một nhân vật tên Võ Văn Bá, điệp viên Cộng Sản làm việc cho CIA, là người cung cấp nhiều tin chính xác về cuộc di quân của Cộng Sản Bắc Việt.
“Tháng Ba, 1975, tôi nhận được báo cáo mới nhất từ Võ Văn Bá, một lời cảnh báo rằng Cộng Sản sẽ cô lập và chiếm giữ Sài Gòn trong vài tuần tới và họ đã xem tất cả các cuộc thảo luận về một cuộc dàn xếp thương lượng chỉ đơn giản là một trò chơi để giữ cho người Mỹ và Nam Việt Nam mất thế thăng bằng,” ông kể.
“Bên cạnh lá cờ trong văn phòng của tôi, tôi treo một danh sách những người Việt Nam trung thành cần được di tản trong trường hợp khẩn cấp. Các bản đồ chiến đấu cùng với lá cờ bắt đầu chảy máu đỏ khi tôi đánh dấu bằng mực đỏ sự tiến công của lực lượng Cộng Sản vào Sài Gòn,” ông kể tiếp.
Ông nói Đại Sứ Mỹ Graham Martin không tin lời Võ Văn Bá.
Ông kể thêm trong phần phỏng vấn sau buổi lễ, rằng: “Vào khoảng 9 giờ 30 phút tối, 17 nhân viên CIA cuối cùng vẫn còn bên trong khu đại sứ quán, bao gồm cả tôi, được lệnh rời khỏi bằng trực thăng từ sân thượng. Trong chiếc cặp của tôi, tôi mang theo một lá cờ nhỏ của Việt Nam, người bạn đồng hành tinh thần của tôi trong nhiều năm.”
Ông cho biết sau khi từ chức CIA vào đầu năm 1976, ông bắt đầu viết hồi ký về sự sụp đổ của Sài Gòn, cuốn sách “Decent Interval,” được viết để nói chính phủ Hoa Kỳ xấu hổ trong việc đưa ra các sáng kiến ngoại giao hoặc bí mật để cố gắng giải cứu những người Việt Nam trung thành mà người Mỹ đã bỏ lại.
“Treo trên bàn viết của tôi là lá cờ cũ của tôi từ Sài Gòn. Tôi giữ nó trong tầm nhìn dễ dàng để tưởng nhớ những người Việt Nam và người Mỹ đã hiến dâng rất nhiều nhân danh đất nước và những lý tưởng mà lá cờ đại diện. Tôi cũng đến để xem nó như một sự tôn vinh điệp viên Võ Văn Bá, người đã tận hiến thân mình cho chính nghĩa quốc gia,” ông kể.
Ông nói: “Trong cuốn sách ‘Decent Interval’ của tôi, tôi đã tiết lộ những gì anh Bá đã làm. Chỉ vài năm sau, tôi mới biết rằng anh đã bị một tù nhân người Mỹ và người Việt Nam phản bội, rằng anh bị Bắc Việt bắt trong vòng hai ngày sau khi Sài Gòn thất thủ, và anh đã tự tử ngay sau đó.”
“Đối với tôi, một phần của dải màu đỏ trên lá cờ cũ, tượng trưng cho sự tử đạo của người anh hùng Việt Nam này,” ông Frank Snepp kết luận.
Nhân dịp này, ông Châu Thụy nói với nhật báo Người Việt: “Từ một chương trình truyền hình ’60 Minutes’ phỏng vấn ông Frank Snepp phát hình ngày 20 Tháng Mười Một, 1977, tôi coi lại và nhìn thấy lá cờ VNCH treo trên tường, trong văn phòng của ông tại tư gia. Tôi đã tìm mọi cách để liên lạc với ông để xin tặng lại cho Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt. Và ông đã nhận lời.”
Ông nói kết quả một phần hôm nay và sự thành công trong tương lai là của tất cả các anh chị em thành viên của viện bảo tàng và của cộng đồng người Việt tị nạn.
Ông tâm sự: “Hơn 44 năm qua vì cuộc sống bận rộn, cho đến nay cộng đồng người Việt chúng ta vẫn chưa có được một viện bảo tàng thực thụ quy tụ tất cả những dữ liệu lịch sử của người Việt Nam tị nạn từ sau biến cố đau thương nhất của dân tộc vào ngày 30 Tháng Tư, 1975.”
Anh Hồng Tiên Trần (phải), một thành viên VHM, giải thích lịch sử của viện bảo tàng. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)
“Thời gian qua đi, chúng ta đang mất dần những nhân chứng, những di vật có giá trị lịch sử mà chúng tôi thiết nghĩ rất quan trọng, quý báu cho dân tộc và nhất là cho thế hệ con cháu chúng ta. Hiện nay, tôi cùng với một số anh chị em có chung một lý tưởng đang cố găng thực hiện ước nguyện này. Và Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt đang được thành hình,” ông giãi bày.
Ông nói thêm: “Chúng tôi tha thiết kêu gọi quý đồng hương, mọi người chúng ta hãy cùng chung một bàn tay, cùng đóng góp từ những câu chuyện trên đường vượt biên, những khó khăn trên bước đường lập cư nơi xứ người, cho đến các báu vật kỷ niệm mang theo. Đó chính là những chứng tích lịch sử trên con đường tị nạn mà con cháu trong những thế hệ mai sau cần phải biết đến, để nhớ ơn và hãnh diện. Bên cạnh đó, viện bảo tàng cũng muốn dành cho người bản xứ có cơ hội hiểu thêm về nguồn gốc, xuất xứ, sự vươn lên và những đóng góp của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.”
Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt là một tổ chức bất vụ lợi với mục đích bảo tồn và giới thiệu di sản của người Việt tị nạn. VHM sưu tập, lưu giữ, và phổ biến các tài liệu, hiện vật, và chuyện kể về người Việt Nam tị nạn trong mục đích gìn giữ những di sản này cho các thế hệ hiện tại và tương lai để biết về cội nguồn.
Viện bảo tàng tọa lạc tại 12641 Hoover St., Garden Grove, CA 92841, điện thoại (714) 846-8438 hay số toll free (833) 846-8438.
Nguyễn Việt Linh
Theo Người Việt Online ngày 8/11/2019
Liên lạc tác giả: linhnguyen@nguoi-viet.com
Be the first to comment