Vì Sao Phải Đi “Tị Nạn Giáo Dục” Ở Nước Ngoài Và Không Muốn Quay Về?

Mỗi năm đi học chi phí chừng 50,000 đô (nếu không bay đi bay về thăm nhà). Vị chi 4 năm học sẽ mất chừng 200-250 ngàn đô. Nếu về nước đi làm mà được mức lương mơ ước của sinh viên mỗi tháng 1,000 đô đi thì sẽ phải mất 200 tháng, tức là khoảng 15-16 năm không ăn uống gì thì mới “hoàn vốn” cho cha mẹ.

Chỉ có bọn ăn cắp được tiền hoặc sau khi học xong được sắp xếp chỗ làm việc có thể ăn cắp đục khoét được thì mới muốn về thôi. Hoặc là muốn ở lại nhưng vì tiếng Anh chưa đủ nên học không vào, không đủ ngôn ngữ để hoà nhập văn hoá và không cạnh tranh xin việc nổi với sinh viên quốc tế thì đành phải về thôi.

Tóm lại là cha mẹ có nghèo thì vẫn yêu thương, tổ quốc có tang thương thì cũng không thù ghét. Nhưng công việc và cuộc sống thì phải có tính toán thực tế chứ yêu suông thì chỉ có cạp đất mà ăn như quan chức với đại gia bất động sản mới làm được thôi. Bodo hiểu chưa?

Nói thêm chút nữa là có chú bò nào sinh ra và lớn lên ở những thành phố lớn không? Hay là đều từ tỉnh nhỏ mà bươn chải ra? Có yêu quê hương cha mẹ không mà vẫn lao ra thành phố? Phải hỏi tổ quốc, hay chính xác hơn là những người lãnh đạo đất nước đã làm gì 50 năm qua để thanh niên ở nông thôn thì phải nhào ra thành phố học hành mưu sinh hoặc đi xuất khẩu lao động, chẳng ai muốn về quê cả?! Thanh niên ở thành phố thì lại phải đi “tị nạn giáo dục” ở nước ngoài và cũng không muốn quay về?

Đừng đổ tại chiến tranh nhé!!! Hàn, Nhật, Singapore, Malaysia, Thailand, Đài Loan… đều bị đô hộ và chiến tranh tàn phá nặng nề, họ đều có xuất phát điểm như ta hoặc thậm chí còn kém hơn. Vậy mà Hàn mất 20 năm sau chiến tranh để thành cường quốc. Singapore cũng chỉ cần 20 năm để từ GDP đầu người 400-500 đô những năm 1960 vươn lên 65,000 đô vào những năm 80. Malaysia đa sắc tộc, nhiều đạo Hồi cũng chỉ cần 21 năm để đạt tới 22,000 đô/đầu người… Còn ta, sau 50 năm mà tính đủ kiểu mới được vẻn vẹn 4 ngàn?!!!

Vậy đó!!! Nên dù có não bò thì chắc cũng phải biết thế giới ra sao, hay ngẫm lại bản thân mình xem đang sống thế nào rồi hãy rống chứ?! Phải tự hỏi vì sao người giàu, người giỏi họ đều có tiếng nói khác mình thế chứ? Nếu không thì gọi là bò khéo còn oan cho con bò.

Đây, vào mà đấu tố những học sinh này đi, (bây giờ là tiến sĩ ở nước ngoài rồi đấy). Nhiều lắm và họ sẵn sàng đối đáp đấy. Những người đi học nước ngoài đã khá rồi, còn trụ lại được bằng tri thức thì đều là người thực sự giỏi cả đấy. Nghe họ nói, họ trả lời mà học hỏi cho ấm vào thân mình, vào dân tộc mình thì mới thực sự là yêu nước, yêu giống nòi. Chứ đi bắt nạt trẻ con chưa có khả năng chống đỡ thì không đáng làm người đâu! Đất nước này được những kẻ yêu mồm mà không não thì chỉ có ngày càng lụn bại mà thôi.

Nguyên Tống
Nguồn: https://baotiengdan.com/2024/09/11/vi-sao-phai-di-ti-nan-giao-duc-o-nuoc-ngoai-va-khong-muon-quay-ve/ ngày 10-9-2024

* * *

Á Quân Olympia Nguyễn Thành Vinh Nêu Lý Do Không Trở Về Nước Làm Việc

“Câu chuyện của anh Doãn Minh Đăng là một trong những lý do để một số du học sinh như chúng tôi cảm thấy mình cần có những lựa chọn khác mà không nhất thiết phải về nước làm việc” – Á quân Olympia năm đầu tiên Nguyễn Thành Vinh chia sẻ.

Nguyễn Thành Vinh là Á quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia mùa đầu tiên (Ngọc Minh là quán quân). Lúc đó, Vinh là học sinh chuyên Hóa trường chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa.

Sau đó, Vinh giành được học bổng của chính phủ Úc và tiếp tục con đường du học, trở thành một trong những Tiến sĩ trẻ tuổi nhất của Việt Nam ở nước ngoài.

Vinh khá quen thuộc khi đã vào vai chàng sinh viên tên Nam trong phim truyền hình “Phía trước là bầu trời”. Hiện anh có một công việc tốt ở Úc và có một cuộc sống rất hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình ở xứ sở này.

Á quân Olympia Nguyễn Thành Vinh nêu lý do không trở về nước làm việc - Ảnh 1.Nguyễn Thành Vinh trong phim Phía trước là bầu trời

Người làm chuyên môn cần môi trường để làm việc

Là dân Olympia mùa đầu tiên cùng với Doãn Minh Đăng. Hẳn anh có theo dõi vụ lùm xùm liên quan đến thầy Đăng với nhà trường ở Cần Thơ vừa qua chứ?

Tôi có biết vụ này từ trước và cũng có dẫn vụ việc lên facebook của mình. Nhắc đến anh Đăng hầu hết dân Olympia mùa đầu ai cũng biết và ai cũng quý anh ấy.

Anh Đăng hơn tôi một tuổi. Anh ấy trẻ trung nhiệt huyết và đã gây được một ấn tượng đặc biệt về kiến thức, tư duy. Và trên hết, anh Đăng như một người anh cả bởi sự già dặn chín chắn với lối hành xử rất người lớn, rất đàng hoàng.

Có thể trong thành tích của cuộc thi mà chúng tôi được vinh danh, anh Đăng không có nhiều điều đáng nói nhưng những kiến thức chuyên môn sau này của anh Đăng, quả thật rất đáng nể.

Anh ấy đi học ở Hà Lan, học Tiến sĩ rồi về nước làm việc. Chúng tôi cũng hơi bất ngờ.

Sự bất ngờ phải chăng là vì Đăng là một trong số hiếm hoi dân Olympia đi du học mà trở về còn đa số là tìm cơ hội làm việc ở nước ngoài?

Cái này tôi phải nói rõ, thực ra dân Olympia có cơ hội du học bằng chương trình ấy thì chỉ có quán quân thôi. Á quân đa số phải tự xin học bổng, hoặc theo một chương trình nào đó của địa phương.

Hồi xưa tôi đi du học, tôi xin học bổng của chính phủ Úc.

Cho đến năm nay, quán quân có 15 người, không biết 2 bạn mới đã đi chưa. Nhưng Á quân, có người xin được học bổng, có người không nhưng đa số mọi người đều nỗ lực xin học bổng đã đi du học cả và cũng không nhiều người trở về nước làm việc.

Khi chúng tôi đã đi du học, nhất là những người chọn con đường làm chuyên môn nghiên cứu thì ít ai quay về. Đó là điều tôi bất ngờ ở trường hợp của anh Đăng. Dĩ nhiên, mỗi người có một lý do để về, điều này tôi không ý kiến.

Anh có thể cho biết lý do tại sao anh không quay về?

Tôi cũng định quay về sau khi học xong đại học. Nhưng khi đó tôi nhận thấy tôi không có một cơ hội công việc nào rõ ràng cả.

Tôi vốn thích làm nghiên cứu nên tôi tiếp tục xin học bổng Tiến sĩ và ở lại học tiếp. Rồi tôi chuyên tâm với con đường nghiên cứu giảng dạy, nên về Việt Nam khó cho tôi làm được trọn vẹn con đường tôi chọn nên tôi quyết định ở lại nước ngoài.

Có cực đoan quá không vì cũng rất nhiều người trở về và thành đạt đấy chứ, thưa anh?

Tôi vẫn nhắc lại mọi người có một lựa chọn nhưng như tôi hay anh Đăng đều chọn làm chuyên môn. Dân chuyên môn thì cần môi trường chuyên môn đúng nghĩa chứ không phải thành ông này bà nọ.

Tôi thấy suy nghĩ của tôi và cơ chế giáo dục của nước nhà không thực sự gặp nhau. Đó là lý do lớn nhất mà mỗi lần nghĩ đến chuyện quay về tôi đều cảm thấy khó có thể ổn.

Những cái tôi muốn thực hiện chắc chắn sẽ khó thực hiện, khó phù hợp. Mà khó phù hợp thì rất dễ làm mất thời gian của cả đôi bên.

Tôi đã từng tự hỏi mình rồi tự trả lời rằng nếu học xong đại học mà về ngay thì chắc chắn tôi không làm nghiên cứu nhưng nếu tốt nghiệp tiến sĩ mà về thì chắc chắn tôi sẽ theo đuổi con đường nghiên cứu.

Khi làm tiến sĩ xong, nếu tôi về chắc là dạy học ở một trường đại học nào đó. Con đường nghiên cứu chắc sẽ khó rộng mở với tôi.

Lương thì như anh cũng biết, mấy triệu một tháng. Muốn sống khỏe, muốn lo được cho gia đình thì chắc phải dạy thêm, làm thêm một số thứ như các giảng viên khác vẫn làm để kiếm thêm thu nhập thôi.

Tức là anh sợ mình bị lãng phí nếu quay về?

Lãng phí thì rõ ràng rồi. Vì chúng tôi đã bỏ hết tuổi trẻ ra để học, để đeo đuổi một con đường và muốn làm những thứ chuyên môn đúng nghĩa nhưng ở Việt Nam thì chắc chắn là khó làm được.

Nhưng còn những lý do khác. Thứ nhất, cuộc sống bên này sẽ tốt hơn cho những ai đã học xong. Gia đình tôi sẽ sống thoải mái hơn và các con tôi sẽ được hưởng một nền giáo dục tốt hơn.

Và, điều kiện, môi trường làm việc chắc chắn tốt hơn.

Bên này, tôi không phải lo lắng đến việc phải làm thêm một cái gì đó để sống cả. Làm đúng công việc của mình có thể sống khỏe, sống yên. Những người có chuyên môn chỉ cần sống với chuyên môn, không cần phải chạy đua chức tước hay gì cả.

Nên, tôi hoàn toàn hiểu lựa chọn của anh Đăng khi mà từ chối những thứ tưởng như là rất tốt đẹp mà nhà trường nơi anh ấy giảng dạy, muốn dành cho anh ấy.

Á quân Olympia Nguyễn Thành Vinh nêu lý do không trở về nước làm việc - Ảnh 2.Gia đình hạnh phúc của Nguyễn Thành Vinh

Nên nghĩ rộng hơn khái niệm quê hương và cống hiến

Anh có nhắc đến vợ con trong lựa chọn của anh. Phải chăng, lý do ở lại của anh còn là cả vấn đề an sinh xã hội?

Tôi phải nghĩ đến con tôi. Về mặt giáo dục, y tế và về mặt tương lai của các con nữa.

Khi người ta đưa ra khái niệm cống hiến cho đất nước, anh thấy thế nào?

Nói chung nơi nào tốt hơn thì cứ thế làm việc thôi vì trong lĩnh vực mà tôi làm việc thì làm ở đâu cũng là cống hiến. Tôi ở Mỹ hay Úc hay bất cứ nước nào thì cũng đóng góp cho nhân loại.

Đừng tự bó hẹp không gian sống của mình khi thế giới là của chung và chúng ta có những người Việt đáng tự hào khi họ thành công ở nước ngoài

Còn ủng hộ cho Việt Nam thì tôi có nhiều cách, không nhất thiết là phải về. Nếu tôi có học bổng làm Tiến sĩ thì có thể mời sinh viên Việt Nam sang. Nhóm tôi bây giờ cũng có một sinh viên Việt Nam sang làm Tiến sĩ.

Hay có những dự án liên kết với Việt Nam như dự án với viện khoa học vật liệu chẳng hạn, chúng tôi vẫn hợp tác tốt.

Còn nếu trở về để làm một người bình thường như bao nhiêu người khác và sự đóng góp của mình bị giảm thiểu đến mức thấp nhất thì tại sao phải chọn con đường trở về?

Còn nếu ai đó hỏi tôi khái niệm tình yêu quê hương trong sự trở về đó, tôi nói ngắn gọn thế này: quê hương- yêu thì vẫn yêu nhưng mà công việc và tình yêu quê hương là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Đem vào bàn cân đó còn nhiều thứ để đo đếm.

Bi kịch nhất của những người giỏi chuyên môn là không được làm chuyên môn của mình. Nhưng ai cũng nghĩ vì chưa được làm nên chưa về thì có cực đoan lắm không anh?

Tôi bắt đầu đi du học 12 năm trước và đi làm ở Đức, rồi về Úc.

Tôi cảm thấy rất thú vị với những nơi tôi đã đi qua, đã từng làm mà cái thú vị đó không phải ở vị thế của một người tự ti dân tộc mà chiêm ngưỡng cái cao sang nào đó như người ta hình dung.

Môi trường làm việc, đời sống an sinh, kiến thức xã hội… đều là những cái mới mà tôi khám phá hàng ngày và nhất là công việc mỗi ngày. Tôi được đam mê, được sáng tạo, được tuyển lựa những thế hệ sinh viên tiên tiến để truyền thụ.

Những điều này về Việt Nam chắc là khó.

Dĩ nhiên, tôi nhắc lại, mỗi người có một lựa chọn và ai cũng phải sống với lựa chọn đó. Một khi họ đã lựa chọn thì chẳng thể phán xét đó là sai hay đúng, đáng tiếc hay là không. Ai ở trong hoàn cảnh của chính họ thì mới có thể hiểu.

Á quân Olympia Nguyễn Thành Vinh nêu lý do không trở về nước làm việc - Ảnh 3.Nguyễn Thành Vinh – Á quân Đường lên đỉnh Olympia mùa đầu tiên

Đừng cướp đi nhiệt huyết của những người như anh Đăng

Vậy, nếu anh là Doãn Minh Đăng, anh sẽ làm gì, lúc này?

Tôi muốn nhấn mạnh ý này, cái đáng tiếc nhất của anh Đăng không phải là trở về hay ở lại nước ngoài, mà chính là anh đã lựa chọn như thế mà những tác động từ môi trường làm việc khiến nhiệt huyết biến mất.

Đau hơn, môi trường khiến những người như anh Đăng phải nghi ngờ chính lựa chọn của họ. Nó chẳng khác gì sự hủy hoại.

Những người đã từ bỏ cơ hội ở nước ngoài quay về nước làm việc, theo tôi, họ rất dũng cảm. Như anh Đăng, đã không được làm điều mình muốn làm mà dính vào ba chuyện linh tinh vớ vẩn, thì mới thực sự lãng phí một con người, một con đường.

Anh có nhận xét gì về chuyện xảy ra với Doãn Minh Đăng không?

Tôi cảm thấy hơi nực cười và vô duyên, vô lý. Từ chuyện nhỏ, như đi một cuộc hội thảo vài ngày, thì từ một phó khoa bị thôi việc không cho giảng dạy nữa, chuyển qua một phòng không liên quan đến chuyên môn.

Tôi không tin nổi. Và không hiểu sao trong môi trường đại học thời nay rồi mà còn những điều như thế.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Theo Trí Thức Trẻ ngày 3/12/2015

Nguồn: Á quân Olympia Nguyễn Thành Vinh nêu lý do không trở về nước làm việc

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*