Phố Phạm Văn Bạch, Hà Nội sau bão Yagi. Hàng cây bên kia phố có vẻ yếu ớt hơn vẫn còn nguyên
Cơn bão Yagi vừa rồi đã làm trốc gốc bao nhiêu cây xanh ở Hà Nội. Chưa thấy ai thống kê, bao nhiêu trong số cây bị trốc gốc ở Hà Nội có bộ rễ bị bó trong bao khi trồng xuống. Nhưng hình ảnh những gốc cây còn đang bị bó khi trốc gốc cho thấy sự bất lương trong xã hội hiện nay.
Ở nhà tôi cũng đã bị như vậy. Mình mua cây, bên bán trồng, do sơ suất không ràng buộc điều kiện bảo hành. Cây cứ héo hon dần rồi chết, đào gốc lên mới thấy, bên dưới gốc vẫn còn bị bó bao bố và nilon. Mình là người mua, chỉ biết trách cứ chỗ bán, cho rằng họ làm ăn vô lương tâm.
Người bạn tôi chuyên làm vườn, trồng cây cho người ta. Rủi ngày ấy ảnh bị bịnh, phải đi cấp cứu và nằm viện, không giám sát nhân viên. Vừa ra viện về được vài ngày là cây có chuyện. Đào lên thì y như rằng, nhân viên làm ẩu. Khắc phục lại còn hơn số tiền thu của khách trước đó.
Thậm chí, ngay cả một số nhân sự chuyên môn cao cũng chưa hẳn đã có thái độ làm việc đàng hoàng. Tôi đã từng sa thải toàn bộ các nhân sự, đóng cửa phòng xét nghiệm, dù họ đã từng là giảng viên đại học, bằng cấp chuyên môn cao, chỉ vì họ “kiên định lập trường” không tuân thủ quy trình chuyên môn, lấy lý do là để tránh tốn kém… cho tôi.
Ngoài thái độ làm việc, sự bất lương còn thể hiện ở tính tham lam của một bộ phận. Tôi đã có lần sa thải toàn bộ nhân viên lái xe và làm vườn, trong khi họ đang làm khá tốt công việc mình giao cho họ. Chỉ vì tôi tình cờ phát hiện, họ đã thu hoạch “giùm” mấy vườn hàng xóm khi thấy những vườn đó không rào chắn, không người trông coi. Mấy người biết chuyện thắc mắc với tôi, rằng tôi trả lương cũng tốt, điều kiện ăn ở cũng tốt, họ đâu có thiếu thốn mà làm như vậy?
Theo lý luận của Marx, khi CNTB phát triển, của cải vật chất dồi dào, trình độ tự giác của con người nâng cao, thì CNXH sẽ xuất hiện. Và khi trình độ tự giác của con người đạt đến mức cao hơn, thì sẽ tiến đến hình thức sở hữu “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Trên thực tế, trong xã hội XHCN của chúng ta hiện nay, của cải vật chất càng nhiều, càng dồi dào, thì sự tự giác của con người càng xuống cấp tệ hại.
Khi thái độ làm việc gian dối của một nhóm nhân viên không được phát hiện, hoặc phát hiện mà không được xử lý rốt ráo, lại còn được những nhân sự cao cấp ủng hộ, thậm chí, cả chủ cơ sở thi công cũng ủng hộ, chỉ vì áp lực doanh thu, hoặc áp lực lợi nhuận khi phải “lại quả” ở mức cao, thì những kiểu làm ăn bất lương đó phát triển.
Và, khi sự dối trá và bất lương len lỏi vô các cấu trúc thượng tầng, thì đó là nỗi bất hạnh cho đất nước và dân tộc.
Võ Xuân Sơn
Theo https://baotiengdan.com ngày 9-9-2024
Một số hình ảnh tác giả sưu tầm trên mạng:
* * *
Mưa to gió lớn, bão bùng thì hậu quả đầu tiên là cây đổ. Đâu cũng vậy, kể cả những nước giàu có, trồng đúng kỹ thuật. Bão Yagi lại là bão lớn. Thế nhưng ở ta, bên cạnh bão và vỉa hè đô thị chật hẹp, bị bó vỉa như siết cổ cây thì không thể phủ nhận chuyện ngay từ ban đầu việc trồng ẩu tả, dối trá, không “sâu rễ bền gốc” đã “góp sức” không nhỏ trong việc làm đổ mấy vạn cây. Riêng ở Hà Nội thống kê tới giờ (9-9-2024) là 25.000 cây.
Ai cũng xót xa, nhất là người Hà Nội. Dư luận bức xúc trước vô số hình ảnh cây bật gốc, lòi ra bầu đất còn nguyên bọc nhựa. Ai mua cây non về trồng đều biết: cây non được bó trong bầu nhựa cho chắc đất, chắc cây. Mua xong, các nhà vườn đều dặn tháo bầu nhựa trước khi trồng thì rễ mới ăn ra đất được.
Và vô số cây bị bên điện, nước, viễn thông, làm vỉa hè… bó gốc, chặt rễ.
Trước đó bốn năm, tháng 9-2020, trận bão số 5 quét qua Huế khiến 15.000 cây xanh, trong đó có cả ngàn cây cổ thụ bị quật ngã, bật gốc, người Huế đã không đành đoạn cưa nhánh nhỏ làm củi, nhánh lớn bán làm bàn ghế mà ra sức trồng lại hàng ngàn cây. Tới giờ, hàng ngàn cây trồng lại ấy vẫn xanh mơn mởn, cành lá sum suê làm đẹp xứ Huế, mát lòng mát dạ du khách ghé thăm Huế mộng mơ.
Đây không phải là chuyện khó với người làm vườn lẫn đơn vị trồng cây. Ngay sau bão, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã yêu cầu với cây xanh cần bảo tồn, các cây quý hiếm có giá trị bị nghiêng, đổ sau bão Yagi cần kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay.
Tôi xin góp ý thêm: Cây nào trồng lại được đều nên trồng lại chứ không chỉ cây cần bảo tồn, cây quý hiếm. Vì những mảng xanh luôn là của quý hiếm vốn thiếu nghiêm trọng trong các đô thị hiện nay.
Nhìn mấy cây bị bật gốc, tôi bỗng liên tưởng mấy chậu sung kiểng dỏm bán trên đường, vỉa hè dịp tết: Những trái sung chi chít vốn đính vô cành bằng keo dán sắt. Riêng về mấy bầu nhựa quanh gốc cây khiến rễ cây bị bó không khó truy lại đơn vị, bộ phận trồng mấy cây đó, lẫn những đơn vị làm đường, làm vỉa hè đã chặt, xén rễ… Để xử lý, kỷ luật và bồi thường về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” này. Cũng là một cách răn đe những tái phạm và kiểm tra kỹ hơn việc trồng cây.
Dựng lại nhà, dựng lại cây và quan trọng hơn là cũng cần gọi tên, dựng lại người trồng lẫn kẻ phá.
Cù Mai Công
Theo https://baotiengdan.com ngày 9-9-2024
Một cây bị đổ. Bầu nhựa bó gốc còn nguyên vẹn, rễ cây lẫn rễ cọc không chọc thủng nổi bầu nhựa. Chỉ ăn lan một chút đất phía trên
Một cây bị đổ. Ống nhựa hạ tầng bao siết quanh rễ, không mọc lan nổi. (Ảnh: Nhiếp ảnh gia Chử Hoàng Hải)
Be the first to comment