Vụ Thảm Sát Cả Gia Đình Trung Tá Thiết Giáp Nguyễn Tuấn Hồi Tết Mậu Thân 1968

Nhân sự kiện Đại Tá Hoa Kỳ gốc Việt, Huan T. Nguyen (Nguyễn Từ Huấn) vừa được đề nghị thăng cấp lên Phó Đề Đốc Hải Quân Hoa Kỳ. Xin được đăng lại một bài viết của FB Khiet Nguyen về nhóm khủng bố F-100 của đặc công Nguyễn Văn Lém tự Bảy Lớp.
Bài viết này có nhiều chi tiết mà ít người biết liên quan đến vụ thảm sát cả gia đình Trung Tá Thiết Giáp Nguyễn Tuấn hồi Tết Mậu Thân 1968.

* * *

Trong hơn ba thập niên qua, cá nhân tôi và một số thân hữu Việt Nam cũng như Đồng Minh đã để ý theo dõi các bài viết về việc tên trùm khủng bố Nguyễn Văn Lém bí danh Bảy Lớp bị Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan xử tử. Những bài viết này nêu ra một số chi tiết khá đúng nhưng lại thiếu sót như nhau. Có vẻ như những người viết này đã viết lại của nhau nên không thấy thêm những điều cần biết. Vậy nên chúng tôi viết bài này với thêm một số sự kiện mà tất cả mọi người trong chúng ta đều nên biết.

Trước hết, chúng ta cần biết rằng Bảy Lớp là một thượng uý của đơn vị đặc công thành F-100. Đây là đơn vị khủng bố đầu tiên được Liên Xô huấn luyện và áp dụng chiến thuật của Liên Xô thường áp dụng trong thành phố. F-100 đã thực hiện chiến thuật này lần đầu tiên tại Nhà Hàng Mỹ Cảnh ngày 25 tháng Sáu 1965.

Tại các nước Âu Châu, nhất là tại Anh, quân khủng bố của Nga thường cố gắng giết được càng nhiều người càng tốt, để gây khó khăn cho chính phủ. Tại các thành phố lớn của Anh lúc bấy giờ, những người bỏ sữa làm việc rất sớm. Họ bỏ sữa trước cửa nhà khách hàng trước khi trời sáng. Họ vừa đi khỏi thì quân khủng bố Nga đến đặt chất nổ.

Khoảng 6 giờ sáng, khi trên đường đã bắt đầu có người đi làm sớm thì một số cư dân cũng đã thức dậy. Họ mở cửa ra để lấy sữa thì trái bom thứ nhất phát nổ. Khoảng 15 phút sau, khi nhân viên cứu hoả và cứu thương đã đến nơi, đang bận rộn thì trái bom thứ hai phát nổ.

Vì mục đích của chúng là gây thương vong càng nhiều càng tốt chứ không phải chỉ giết chủ nhà nên trái bom thứ hai bao giờ cũng nặng ký hơn, và sát hại nhiều hơn. Chính vì thế mà kể từ đó các nhân viên cứu hoả và cứu thương cũng như cảnh sát Anh được dặn dò rất kỹ càng rằng họ phải cẩn thận thay vì xông vội vào cứu nạn nhân. Họ phải quan sát kỹ càng chung quanh xem có dấu hiệu gì nguy hiểm nay là không. Họ cần biết rằng một khi chính họ cũng trở thành nạn nhân thì họ không thể cứu giúp ai khác. Đó cũng là lý do tại sao kể từ đó khi học về cấp cứu, chúng ta được hướng dẫn về nguyên tắc DRABC.

Tại Nhà Hàng Mỹ Cảnh, bọn đặc công khủng bố F-100 cũng làm tương tự. Trái bom thứ nhất phát nổ trong nhà hàng. Đúng 15 phút sau, giữa lúc nhân viên cứu hoả, cứu thương, an ninh và cả thường dân tụ tập tại đây thì trái bom thứ hai đặt trong giỏ xách và treo trên một chiếc xe đạp dựng ở lề đường phát nổ.
Có tổng cộng 43 người thiệt mạng trong vụ này.

Tội ác của Bảy Lớp và đồng bọn

Ngay trong đêm Mồng Một Tết, tại khu vực Gò Vấp, cộng quân tấn công Trại Cổ Loa và Trại Nỏ Thần của Pháo Binh và Trại Phù Đổng của Thiết Giáp.

Khi tấn công Pháo Binh, địch đã bị giáng cho một đòn rất nặng. Tiểu Đoàn 61 Pháo Binh đã từ Trại Nỏ Thần dùng đại bác 105 trực xạ sang cả Trại Cổ Loa khiến địch quân tại hai nơi này chết như rạ.

Tuy nhiên, tại Trại Phù Đổng thì tình hình khác hẳn. Vì chỉ có khoảng 40 quân nhân hiện diện lại không phòng bị nên chúng xâm nhập dễ dàng. Nạn nhân đầu tiên bị chúng tàn sát là Trung Tá Huỳnh Ngọc Diệp và gia đình, bị chúng bắn chết hết tất cả ngay tại chỗ.

Sau đó, chúng kéo sang nhà Trung Tá Nguyễn Tuấn.
Tấn công Trại Phù Đổng gồm có ba thành phần. Thứ nhất là một đại đội của đơn vị đặc công F-100 do tên Bảy Lớp chỉ huy. Thành phần thứ hai là một đơn vị tác chiến. Thành phần thứ ba là một đơn vị thuộc Tiểu Đoàn 2 Cơ Giới R. Theo như kế hoạch thì chúng sẽ đánh cướp những chiến xa trong trại này để về tấn công Sài Gòn. Thế nhưng Trung Tá Tuấn nhất định không chỉ cho chúng các mã số để điều khiển chiến xa hầu hết còn mới ở trong trại. Ở đây, chúng ta cũng cần biết rõ thêm về mã số trên những chiếc chiến xa M-41.

Chiến xa M-41 tuy được sản xuất lần đầu vào năm 1951 nhưng những chiếc đem sang Việt Nam vào đầu năm 1965 thuộc Model M-41A3 với nhiều cải tiến. Pháo tháp của nó quay bằng điện thay vì thuỷ điều, động cơ của nó có hệ thống phun xăng (Mechanical Fuel Injection) thay vì bộ chế hoà khí (Carburettor). Không biết cách thức thì không thể nào nổ máy được và không biết không làm theo như đã cài đặt thì cũng không thể nào cho pháo tháp xoay chuyển phù hợp với tầm tác xạ của khẩu đại bác được. Vì thế nên tên Bảy Lớp và đồng bọn ép Trung Tá Tuấn chỉ dẫn cách sử dụng nhưng ông nhất mực từ chối. Chúng căm hận giết chết cả nhà, kể cả thân mẫu Trung Tá Tuấn đã gần 80 tuổi. Người duy nhất trong gia đình thoát chết là một bé 10 tuổi đêm đó ngủ ở nhà một người khác.

Sau khi tàn sát gia đình Trung Tá Tuấn, Bảy Lớp cùng đồng bọn đem tất cả những người còn lại ra góc trại và bắn chết hết. Sau đó, bọn chúng chạy về Chợ Lớn.

Từ lúc đó cho đến khi bị bắt, Bảy Lớp đã tàn sát gần 40 người khác nữa mà cũng hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Theo phóng viên Neil Davis của Úc (đã qua đời năm 1992) thì Bảy Lớp đã tự tay giết chết trọn gia đình của một sĩ quan cảnh sát. Trong số này, có một đứa bé mà Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan nhận đỡ đầu.

Bây giờ, chúng ta xem đến việc Tướng Loan hành quyết tên Bảy Lớp.

Năm 1965, sau khi Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu nhậm chức Chủ Tịch Uỷ Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ nhậm chức Chủ Tịch Uỷ Ban Hành Pháp Trung Ương, Việt Nam Cộng Hoà chúng ta ban hành thiết quân luật để đối phó với tình hình chiến sự và an ninh trên toàn quốc. Chúng tôi xin kể ra một vài thí dụ để các bạn trẻ hiểu thêm về án tử hình hoặc quyền bắn chết người trong một số trường hợp của quân luật của Việt Nam Cộng Hoà chúng ta lúc bấy giờ.

Trong lúc biến loạn, nếu có một kẻ len lỏi vào đám đông để giết người hoặc điềm chỉ cho kẻ khác giết người, kẻ đó sẽ bị bắn chết tại chỗ. Bảy Lớp nằm trong trường hợp này.
Về án tử hình, tất cả các vị tiểu khu trưởng và chỉ huy mặt trận đều có quyền ban án tử hình và cho hành quyết ngay lập tức những trường hợp làm nội tuyến, đào ngũ sang địch hay quân phiến loạn, địch quân giả dạng quân ta hoặc giả dạng thường dân để cướp của, giết người, hãm hiếp, khủng bố. Như thế, Tướng Loan hành quyết tên Bảy Lớp theo như nhận xét của chúng ta là chính đáng. Tuy nhiên, nó không phải như thế.

Ngay sau khi cộng quân tấn công vào đô thành Sài Gòn, bên ta đã phản công ngay lập tức. Những vị chịu trách nhiệm các mặt trận gồm có:
– Thiếu Tướng Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù;
– Đại Tá Nguyễn Thành Yên, Tư Lệnh Phó Thuỷ Quân Lục Chiến;
– Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia;
– Đại Tá Trần Văn Hai, Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân;
– Chuẩn Tướng Ngô Dzu, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

Tất cả các vị này đều có quyền ban án tử hình tại chỗ. Cái kẹt cho Tướng Loan là ông đã quên mất rằng ban án tử hình khác hẳn với việc thi hành án tử hình. Vì thế, nói về pháp lý, Tướng Loan đã không làm sai. Nói về mặt kỹ thuật, Tướng Loan ở vào thế kẹt.

Điều khốn nạn ở đây là những kẻ tường thuật sự việc đã nói sai, viết sai, vì chúng không biết rõ sự thật, hoặc vì chúng bất lương. Chính tôi đã thấy khá nhiều phóng viên ngoại quốc khi tường thuật đã nói hoặc viết rằng Bảy Lớp chỉ là một kẻ bị tình nghi là Việt Cộng.

Dẫu sao, chỉ những người trong cuộc mới hiểu được cái đau của nạn nhân, cái khó khăn của một quân đội phải đối phó với quân thù bất lương và hèn hạ. Vậy nên trong chúng ta có nhiều người đã nói rằng nếu họ ở vào trường hợp của Tướng Loan, tên Bảy Lớp sẽ bị ít nhất ba viên vào giữa mặt.
Năm 2002, anh em chúng tôi có gặp gỡ thân mật với Thiếu Tướng Lê Minh Đảo. Ông kể lại rằng có lần ông nói với Tướng Loan: Tôi như anh, tôi bắn bể sọ thêm một thằng nữa để răn đe cộng quân, đàng nào thì bọn báo chí bất lương cũng đã nói rồi, cho nó nói luôn.

(FB Khiet Nguyen)

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*