BÊN NHAU ĐI NỐT CUỘC ĐỜI
“Rượu uống mềm môi bao chiều rồi
Chỉ thấy dòng sông đỏ ráng trời
Chỉ thấy lòng ta mưa mưa mãi
Sóng sầu nghiêng ngả mảnh hồn trôi
Bạn cứ đi xin đừng lưu luyến
Là thương binh ta sống khổ đã thành quen
Như mãnh thú khép mình trong phố nhỏ
Đốt hết cuộc đời nghiệt ngã đau thương
Bao lần bên dòng sông soi mặt
Thoáng nhớ mây trời đỉnh Chu prông (Chu Pao cũ)
An Lộc, Khe Sanh, đèo Lao Bảo
Tử sinh ta thấy nhẹ như không
Chia với cỏ cây nỗi niềm tri kỷ
Nhân gian chừng như đã lãng quên ta
Rượu uống bên dòng sông tủi nhục
Buồn hát một mình bài quốc ca năm xưa”.
Lần đầu tiên nghe bài hát này trên clip tri ân người lính VNCH của một nhóm thiện nguyện bạn tôi gửi cho, tôi chợt hiểu lời người bạn cũ có ba là tử sĩ đã chia sẻ cách đây hai chục năm trước. Anh nói, may mắn ba anh ngã xuống trên chiến trường, quan tài vẫn được phủ quốc kỳ VNCH chứ không thành TPB để sống thời hậu chiến. Hồi đó, tôi mới chỉ biết về thương binh miền Bắc, thấy họ có cuộc sống không đến nỗi nào, nên khó hiểu tại sao ảnh bị mồ côi cha từ khi 3 tuổi mà lại tự nhận là may mắn. Lâu sau mới biết, với người lính, phải chết sau khi quân đội tan hàng hoặc bị sống trong thân phận chiến bại, không còn nguyên vẹn hình hài là một nỗi đau khổ tủi hận không dễ gì chịu đựng. Vậy mà trên khắp miền Nam, gần nửa thế kỷ qua, vẫn còn không ít TPB đang sống với đủ mọi cảnh đời oan trái.
Tôi nhớ lần về Huế, mấy chú cháu hẹn gặp nhau. Ông mất chân chở ông mất tay bằng xe ba bánh. Biết tính các chú không thích ồn ào, tôi đã chọn một quán ăn nhỏ, thưa khách nằm sâu trong ngõ vắng xế lăng Minh Mạng cho thoải mái. Tất nhiên cuộc trò chuyện dễ chịu, thân tình, không có e dè cách biệt bên này bên kia, không bị cản trở bởi tuổi tác, không có bất cứ rào cản nào. Tôi được nghe chuyện chiến tranh, nghe chuyện thời hậu chiến. Khúc nào cũng đầy đặn cảm xúc. Nhưng điều khiến tôi ấn tượng, là cả hai người đều chọn vị trí ngồi an toàn, có thể bao quát ở khoảng cách xa, và thường bất giác đảo mắt rất nhanh xung quanh đề phòng trong khi tôi biết rõ chẳng có gì đe dọa… Có lẽ, phải từng sống nhiều năm trong nghi kị, kiểm soát, canh chừng thì sự cảnh giác mới thành một phản xạ có điều kiện như vậy. Các chú cho hay, bây giờ đỡ hơn trước rồi song mỗi khi có chiến hữu ở hải ngoại gửi tiền về giúp đỡ thì vẫn người này người kia tới thăm dò, căn vặn, làm khó.
Tôi nhớ có lần gặp một TPB sống trên con đò nhỏ ngay dưới chân cầu Thanh Hà. Tôi xin phép xuống thăm nơi ông cư ngụ, nghe giọng Bắc, tay chân ông run rẩy, thấy rõ sự âu lo. Phải hỏi nhiều lần ông mới trả lời nhát gừng. Khi tôi nhắc tên một người quen, ông mới bình tĩnh trở lại.
Vài lần khác, tôi gặp TPB trong những tình huống không dự định. Họ hầu như đều mưu sinh bằng nghề bán vé số, một thứ nghề dành cho người không vốn liếng, không sức khỏe và cả không nhà cửa. Mỗi người bị thương ở một chiến trường khác nhau. Có người may mắn được chính phủ VNCH trợ cấp vài năm rồi tàn chinh chiến, tự bươn chải lần hồi. Có người bị bên thắng cuộc cầm súng xua khỏi Tổng y viện Duy Tân vào trưa 30/4, tự lết về hàng trăm cây số tìm về quê quán khi vết thương còn rỉ máu. Nhưng họ đều giống nhau ở điểm tự vượt lên số phận, không trông chờ, không than trách, hàng chục năm nay vẫn kiên cường sống dù bị phân biệt, đối xử kỳ thị. Gặp các chú trong những hoàn cảnh khác nhau, khi nào tôi cũng hỏi họ có hận thù đối phương, những người đã bắn vào mình, thì tôi đều nhận câu trả lời chung: Không hận thù gì cả, họ cũng như mình, đã ra trận thì phải làm vậy, không bắn thì sẽ bị bắn, và bản thân các chú tới tuổi thì đi quân dịch thôi chứ cũng không phải do căm ghét gì những người từ miền Bắc vào đòi giải phóng miền Nam. Bên thua cuộc thì suy nghĩ rất giản dị như vậy. Ngược lại, cho tới bây giờ, nhắc tới thân phận TPB, vẫn có những phát ngôn dùng từ hằn học, miệt thị, thiếu văn hóa để gọi họ, đặc biệt khi nói về chương trình “Tri ân TPB VNCH”. Đọc những bài viết này, thấy thật lòng ghê sợ cho cái gọi là hòa giải, hòa hợp.
Trước Tết Nguyên Đán năm 2019, vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế. Ngôi nhà chung, nơi những TPB “Bên nhau đi nốt cuộc đời” bị đập tan thành bình địa. Những mảnh đời đại diện cho bi kịch huynh đệ tương tàn thêm một lần tan tác. Sau đó, không thấy ai đề cập đến số phận của họ trôi giạt về đâu.
Liên tôn Phật giáo-Thiên Chúa giáo (Chùa Liên Trì và Dòng Chúa cứu thế Sài Gòn) từ năm 2013 tới nay đã có chương trình tri ân những TPB đã góp xương máu cho miền Nam trong chiến tranh, thông qua văn phòng “Công lý và hòa bình”. Từng có tới 6000 TPB được tặng quà, thăm hỏi mỗi dịp lễ tết, gần 2000 người được khám chữa bệnh, lắp chân giả, tặng xe lăn… giúp họ đỡ cơ cực nhắc rằng họ không bị lãng quên. Nhưng mỗi năm số người nhận quà tặng lại thưa vắng dần. Bởi người trẻ nhất trong đó cũng xấp xỉ 70. Rồi đây, không biết khi văn phòng “Công Lý và Hòa Bình” đóng cửa, chương trình này sẽ tiếp tục dưới hình thức nào.
Tôi nghĩ về dòng chữ “Bên nhau đi nốt cuộc đời”. Không cần phải giỏi chiết tự thì cũng hiểu đó là tâm nguyện giản dị, khiêm nhường của những con người đã cống hiến xương máu cho quê hương, nhưng lịch sử đã đẩy họ rơi về phía chiến bại, họ cần nương tựa vào nhau để sống nốt ngày tàn. Không phiền lụy, không đòi hỏi, không ăn bám, không than trách.
Nhưng ngay cả tâm nguyện nhỏ bé nhân văn đó cũng khó thực hiện, trong khi từng phận đời TPB như ngọn đèn trước bão. Mong rằng, họ không bị lãng quên. Mong rằng, người đời thấm được ý nghĩa nhân văn của câu cách ngôn “Không đánh kẻ ngã ngựa”. Hãy để họ được “Bên nhau đi nốt cuộc đời”.
Thảo Dân
(Một cô giáo, sinh trưởng ở miền Bắc)
Be the first to comment