Làm Sao Nhận Diện Được Du Khách Tây Ở Nước Ngoài ?

Pháp hằng năm có nhiều triệu du khách ngoại quốc tới chơi. Năm rồi 2022, đang mùa dịch Vũ Hán, Pháp vẫn đón nhận 75 triệu du khách, đứng hạng I thế giới, đem lại cho Pháp 57, 9 tỷ Euros.Theo quốc tịch, du khách Bỉ đông nhứt, tiếp theo là Đức, Thụy-sĩ và Hòa lan.

Riêng về du khách Á châu, ngày nay, những người đi với nhau từng đoàn có trật tự, ít ồn ào, ăn mặc đơn giản, ngắn gọn, mang máy hình, chụp hình nhiều trên đường đi dạo … người Pháp biết đó là du khách Nhựt-Bổn. Cũng Á châu, cũng đi từng đoàn, nhưng nói chuyện ồn ào, không cần để ý người khác có khó chịu hay không, ít người mang máy ảnh, thường ào vào các cửa hàng quần áo, mỹ phẩm  mua sắm, thì đó là du khách đến từ xứ Trung quốc.

Ngày trước, Tây không phân biệt được người Á châu với nhau. Họ đều gọi chung là «chinois» (Ba tàu). Có khi họ gọi miệt thị là «chintok» (hoặc chinetoque). Chinois nào dám đánh lộn với Tây thì họ gọi là Nhựt Bổn.

Còn người Á châu ăn nói đàng hoàng, dĩ nhiên bằng tiếng Pháp, thì họ gọi là “mít” (annamite).

Nhưng khi người Pháp ra nước ngoài du lịch như đi qua Huê kỳ, Canada hay những nước Âu châu không phải Bỉ hay Thụy sĩ, thì làm sao biết đó là người Pháp?

Rất đơn giản. Thấy đó là người Âu châu, tức Tây thứ thiệt, ta sẽ thấy Tây nổi bật những nét mang nặng quốc hồn quốc túy của dân “con gà trống”.

Thường nếu không phải cùng là Âu châu thì khó phân biệt người Pháp với những người Âu châu khác. Nhưng nếu để ý, ta sẽ phân biệt được ngay vì những đặc tính mà chỉ người Pháp chánh gốc mới có.

Thật vậy. Khi thấy một người Âu châu hay phàn nàn, cải cọ vì ít khi vừa ý về một thứ gì, không nói được tiếng ngoại quốc nơi mình tới hay nói rất kém, mua sắm gì cũng so đo kỷ, … thì đó đúng 100% là người Pháp!

Vậy mà mùa Hè năm nay có tới 30% người Pháp đi chơi ngoại quốc trong số đó có 60% đi qua các nước láng giềng nhưng khác ngôn ngữ. Chỉ trừ Tây, dân các nước Âu châu phần lớn đều nói thông thạo ngoại ngữ, ít nhứt là tiếng Anh. Người Hòa lan nói được vài ngoại ngữ vì họ cho rằng tiếng Hòa lan không giống ai hết nên tốt nhứt là họ đi học thêm tiếng người khác. Tây thì muốn thiên hạ học tiếng Pháp vì tiếng Pháp trong sáng, diễn tả chính xác ý người nói. Tiếng Pháp là chữ nghĩa của thánh hiền. Tiếng của Molière.

Theo ông Didier Arino, chuyên viên về du lịch, Tổng Giám đốc Protourisme, thì người Pháp, khi đi chơi ở ngoại quốc, thường có những cử chỉ hay cách ứng xử theo đó người ta không thể lầm họ với người Âu châu khác được. Như:

Ít khi để lại «tiền nước» (pourboires)

Vậy hóa ra Tây keo kiệt như Do thái sao? Xưa nay Tây có tiếng là văn minh và sang. Xài sang như Tây! Việt nam thường mơ ước đời sống lý tưởng “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhựt” kia mà!

Thế mà nay ở ngoại quốc, Tây là những người có tiếng không biết để lại  “tiền nước” sau khi ăn uống ở tiệm. Để thấy rõ hơn, viện điều tra Anh YouGov đã mở cuộc điều tra và công bố kết quả chỉ có 34% du khách Tây để lại “tiền nước” sau khi ăn ở nhà hàng trong lúc đó người Đức có 72% để pourboires, người Anh có 55% và người Tây ban nha có 46%. Phê phán như vậy thật ra cũng tội nghiệp cho Tây bỡi người Pháp cứ nghĩ “tiền nước” đã tính 15% trong hóa đơn rồi. Nếu muốn nói dân xài kỷ thì phải nói người Thụy điển (Suedois) có 31% cho “pourboire” và kỷ hơn nữa là dân I ta lò (Ý), chỉ có 24% mà thôi.

Dỡ tiếng ngoại quốc

Chẳng những nhiều người Pháp không nói được tiếng ngoại quốc, mà người nói được thì lại phát âm theo cách của họ thường bị chế diểu là giọng nói tiếng ngoại quốc của người Pháp “sexy” nhứt thế giới! Không phải nói để chê cười người Pháp mà nhiều nghiên cứu đã chứng minh điều đó.

Năm 2019, một báo cáo của Hội đồng quốc gia (Cnesco) về đánh giá hệ thống học đường khám phá ra có 75% học sinh học xong trung học không nói được ngoại ngữ đã chọn làm sinh ngữ chánh. Năm rồi đây, viện Éducation First phân tách khả năng nói viết tiếng Anh trên thế giới thì xếp Tây vào hạng 34 trên 35 nước của Âu châu.

Không ngần ngại vượt đèn đỏ

Người ta không biết dân Pháp là bất cẩn hay gan lì? Thấy họ lúc nào cũng vội vàng? Ít khi thấy người Pháp băng qua đường mà để ý tới đèn đỏ hay xanh. Theo kết quả điều tra năm 2017 ở Strasbourg (Thành phố Đông Bắc) có tới 41,9% trường hợp người Pháp băng qua đèn đỏ một cách ung dung tự tại. Nếu đem so sánh với dân Phù tang thì ở xứ Mặt Trời mọc này chỉ có 2,1% người muốn học theo trường phái Tây mà thôi.

Phàn nàn muôn năm

Người ta nói Tây là dân càm ràm nhứt thế giới. Theo kết quả của một cuộc điều tra của viện tâm lý IFPA (Institut français de la psychologie active) do báo Atlantico đăng, thì trung bình một người Pháp phải càm ràm từ 15 tới 30 lần trong ngày.

Chê khen bánh mì … đòi nước robinet (nước máy)

Nhà hàng ở ngoại quốc cũng làm bánh mì nhưng không bao giờ được khách hàng người Pháp từ trong nước tới ăn mà khen ngon. Thật ra thì đúng thôi. Như baguette là thứ đặc biệt của Tây, khó có người ngoại quốc bắt chước làm cho đúng “gu” tây được. Năm rồi, bánh mì Tây được UNESCO nhìn nhận là di sản phi vật thể của thế giới. Nên Tây đi chơi ở nước ngoài, khi trả tiền bánh mì, không thể không càm ràm vì nghĩ mình đang bị lừa, cho ăn thứ bánh gì đâu mà phải trả tiền bánh mì.

Còn chuyện uống nước. Với Tây không thể tính tiền bình nước lạnh được vì họ không bao giờ đồng ý trả tiền. Họ bảo đem cho họ “nước Robinet” (nước máy) đủ rồi.

Túi Quechua trên lưng và quyển sách hướng dẩn du lịch

Tiện lợi và giá rẻ. Đi xa hay chỉ đi dạo trong thành phố, người Pháp thích mang trên lưng túi Quechua trong đó họ bỏ đủ thứ cần thiết, từ kem chống nắng tới chai nước uống. Và không quên quyển sách hướng dẩn du lịch Routard có từ 50 năm nay. Đó là người bạn đường giúp họ đi tới đâu cũng tới được. Không như lãnh đạo cộng sản: “Đầu đội Nghị quyết, tay cầm chánh sách, chơn đi dép lập trường, đi hoài không biết đi đâu”!

Ăn đúng giờ và ngồi lâu

Với người Pháp, giờ ăn quan trọng. Giờ là giờ. Phải ăn đúng giờ.
Theo kết quả điều tra năm 2012 của Viện quốc gia thống kê và nghiên cứu kinh tế (Insee), người Pháp thường ngồi lâu ở bàn ăn. Không giống người Anh vì người Anh chỉ dành 2 giờ 13 phút cho 2 bửa ăn chánh.

Lãng mạn

Pháp là nước văn học. Người Pháp chiếm giải Nobel văn chương sớm và nhiều hơn các giải khác. Như Huê kỳ chiếm giải Nobel khoa học nhiều hơn các bộ môn khác. Lịch sử của nước Pháp có tiếng là phong phú. Ngày nay, Pháp còn giữ nhiều lâu đài cổ kính và nguy nga. Thư viện, văn khố và nhứt là bảo tàng viện của Pháp nhiều và đầy đủ tài liệu quí giá mà thế giới cần tới. Do ảnh hưởng đó, khi người Pháp du lịch ngoại quốc, một số khá quan trọng thường tìm thăm viếng bảo tàng viện để thỏa mản tánh muốn biết thêm của mình.

Và có phải chăng vì có nền văn học sáng chói lâu đời mà người Pháp có tiếng là dân lãng mạn?

Khi nói tới người Pháp, người ta không quên câu “Tôi thương em, Tôi thương bạn” (Je t’aime) thường ở cửa miệng người Pháp. Người ta cho đó là câu nói đẹp nhứt thế giới! Và nhiều người cho rằng người Pháp nói chuyện bằng ngôn ngữ của tình yêu. Người Pháp, đặc biệt hơn người Âu châu khác, là họ có cái “ôm hôn nhau” rất đặc biệt. Không có máu Tây trong người không thể làm giống được. Một nghệ thuật hoàn toàn Pháp! Người Anh gọi đó là “french kiss”.

Cái hôn cả thế giới biết mà không bắt chước được!

Nguyễn thị Cỏ May
Thư Paris
Theo saigonweeklyonline.com ngày 15-10-2023

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*