Trên trang Facebook của nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, người Huế, có đưa bức ảnh hàng người nằm ngồi ngổn ngang trước cửa hàng bánh Trung thu từ giữa đêm để chờ mua. Với giọng văn hài hước, ông Trần Đức Anh Sơn hỏi và không thể tìm câu trả lời.
“Những người này đang xếp hàng chờ phát chẩn? Không phải! Chờ mua thần dược cho thân nhân đang mắc bệnh nan y? Không phải! Chờ gặp một vị thánh / thần / quan chức… nào đó có thể giúp họ thoát khỏi nỗi khổ (tinh thần hay thể chất) mà họ đang oằn lưng gánh chịu? Cũng không phải!”, ông Sơn viết.
Bức hình mà ông Sơn đưa lên trang của mình, cho thấy trời tờ mờ sáng, nhưng hàng người lũ lượt ngồi chờ nơi bán bánh Trung thu mở cửa. Nhưng không phải chỉ riêng ông Sơn mới có tấm ảnh này, nhiều trang báo trong nước cũng đưa cảnh hàng dài người tụ tập, chen nhau mua bánh Trung thu, chủ yếu ở một vài tiệm lâu đời, được gọi là mang hương vị truyền thống. Bức ảnh được cho là chụp ở Hải Phòng, nhưng nhiều tin tức cho thấy có những cửa hàng ở Hà Nội cũng đông người chen nhau như vậy.
Cũng trên trang Facebook của ông Trần Đức Anh Sơn, nhiều người miền Bắc, ở tại ngay Hà Nội, vào bình luận và cũng chịu thua vì khung cảnh bị coi là lạ lùng này. Ông Ng, một người chơi nhiếp ảnh ở Hà Nội bình luận: “Dường như số kiếp của họ muôn đời phải thế. Đến như hưởng thụ cũng phải lầm than mới chịu”.
Một người khác, có tên Alice, viết: “Chả hiểu sao lại phải lăn lóc cực khổ đến vậy chỉ vì một cái bánh ăn”. Nhiều bình luận nói không thể hiểu. Nhiều bình luận khác có ý bênh vực, lại gây tranh cãi với quan điểm nhận định là thương phẩm ấy được marketing tốt, hoặc văn hoá xếp hàng tử tế như vậy cần được phát huy…
Phát số, đọc loa gọi đến lượt mua bánh Trung thu ở Hà Nội (Ảnh: VTC News)
Thật khó tìm thấy một lời giải thích cụ thể nào về hiện tượng người miền Bắc chen nhau xếp hàng, vật vạ trước cửa tiệm từ đêm để mua được mấy hộp bánh. Thậm chí mấy chục bài báo trong nước nói về mùa Trung thu cũng không câu giải thích cụ thể nào. Mọi thứ xoay vòng trở lại khung cảnh lạ lùng – không phải chỉ riêng năm nay – mà của từng mùa Trung Thu, về sự khác biệt của người miền Bắc nói chung, mà người miền Trung và miền Nam đều lắc đầu chịu thua, không hiểu.
Trò chuyện với những người xếp hàng, và tìm hiểu theo phát biểu của những người mua được hàng, có thể tìm thấy một ít lời giải thích từ đây.
Đầu tiên, đó là giá tiền. Những cửa hàng có truyền thống làm bánh được tiếng là lâu đời ở Hà Nội, Hải Phòng, có mức giá bán ra nhẹ nhàng hơn với hàng loạt công ty danh tiếng khác trên thị trường. Nói trên tờ Dân Trí, cô Nhung, một sinh viên đại học ở Hải Phòng, nói giá bánh ở đây rẻ hơn bên ngoài đến 10.000 hay 15.000 đồng là ít nhất.
Chẳng hạn loại bánh nhân thập cẩm 250g, có giá từ 60.000 đến 70.000 đồng/cái. Trong khi theo khảo sát của Saigon Nhỏ, bánh của Kinh Đô – công ty thuộc hàng lớn nhất Việt Nam – thì cùng cỡ và vào đợt hạ giá, cũng là 78.000 cho đến 85.000 đồng/cái. Tuy nhiên, những cửa hàng này cũng có những loại rất đắt tiền dần lên, tương đương với các cửa hàng bên ngoài.
Nhưng giá cả không phải là chuyện duy nhất. Việc bỏ thời gian xếp hàng, chờ đợi có khi đến 4-5 tiếng đồng hồ mới mua được mấy hộp bánh, không phải ai cũng làm được. Rõ là phải là người rảnh rỗi, và làm với mục đích cụ thể.
Một bài viết trên báo Los Angeles Times (Middle Kingdom’s Middle Class) nói về hiện tượng “sang cả” ở Trung Quốc, sau thời kỳ chính quyền soi mói từng chiếc áo cho đến tiện nghi của mỗi cá nhân, sự nhẹ thở của nền kinh tế mở khiến nhu cầu chứng tỏ sự sang trọng, đầy đủ và đẳng cấp của mình, cũng đã khiến việc mua sắm, ăn mặc và quà tặng giao tế cũng trở nên cầu kỳ.
Xã hội hình thành việc rất “tinh tế” trong các tiêu chuẩn, kiểu giao tiếp mới với vật chất cũng xuất hiện, mà không còn ngại việc bị xét nét về mặt chính trị. Bài báo này là một tham khảo thú vị cho một số chuyện lạ trong đời sống Việt Nam, không chỉ là chuyện xếp hàng mua bánh Trung thu.
Dòng người nằm chờ mua bánh từ đêm ở Hải Phòng (FB Trần Đức Anh Sơn)
Cô Nhung sinh viên, người xếp hàng không quản ngại mua bánh Trung thu từ nơi xuất xưởng, có hộp giấy không lộng lẫy như những công ty khác, cho biết là cô mua không phải để ăn, mà để bán lại hoặc nhận đặt hàng mua giùm từ trước. Đây có thể là món bánh dùng vào đêm hội Trung thu gia đình, nhưng cũng có thể là những hộp bánh được gửi tặng quà cho những mối quan hệ, mà chỉ nhìn qua hiệu bánh, thì biết người tặng đã có sự chuẩn bị rất đặc biệt, và rất “tâm tư”.
Nhung cho biết, chuyện xếp hàng không bỏ công, vì cô sẽ lấy tiền công từ 40.000 đến 80.000 đồng một hộp bánh, tuỳ loại. “Cũng có thời điểm khan hàng, tôi có thể lãi được 200.000 đồng mỗi hộp bánh”, Nhung cho biết. Trong dòng người “chen nhau, vật vạ” chờ mua bánh Trung thu, có không ít những người như cô Nhung. Biết rõ điều này, nhiều hiệu bánh được chờ mua, cho người phát số, thậm chí có quy định là người đã mua rồi, không được quay lại mua lần hai trong ngày, và có bán thì giới hạn số lượng 10 hoặc 20 cái cho một lần thôi.
Cũng có những người cố công mua cho gia đình, nhưng bên cạnh đó, nhân tiện có thêm để làm quà tặng, hoặc bán lại cho người quen nhờ mua giùm, là điều dễ thấy. Như cô Nhung mô tả, giá bánh bán có phần rẻ hơn thị trường, nên khi cộng tiền công vào, không làm người nhận hàng thấy “chát”.
Nhưng điểm mới và khác của xã hội Việt Nam hôm nay, với ngày hội có từ lâu đời của người Việt Nam thì thế nào? Đó là cuộc vui mang tính cộng đồng và gia đình mà giờ đây đã phải nhường chỗ cho chuyện lễ nghĩa, và có phần sinh hoạt riêng tư nhiều hơn, so với sinh hoạt mở nhiều thành phần của ông cha trước đây.
Trung thu của trẻ con xưa (Ảnh: Hình ảnh Việt Nam)
Trong sách ‘Việt Nam phong tục’, mục XII, Tứ thời tiết lạp, tác giả Phan Kế Bính đã miêu tả Tết Trung thu của người Việt xưa như sau, cũng là mô tả hình ảnh từ miền Bắc:
“Rằm tháng tám là tết trung thu. Tết này ta thường gọi là Tết trẻ con, nhưng có nhà tốn phí nhiều lắm.
Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả nhuộm các màu sắc sặc sỡ, xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm, con cá, coi cũng đẹp.
Đồ trẻ con chơi trong Tết này, toàn là các thứ bồi bằng giấy như là: voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm, cá, bươm bướm, bọ ngựa cho chí cành hoa, giàn mướp, đèn cù, đèn xẻ rãnh, đình chùa, ông nghè đất, con thiềm thừ…
Trẻ con tối hôm ấy, dìu dắt nhau từng đàn từng lũ, đám thì nhảy vô, đám thì kéo co, đám thì bắt cái hò khoan, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la đánh vang cả đường, tiếng reo hò, tiếng đùa rầm rĩ. Lại nơi nọ hát trống quân, nơi kia hát trống quýt, tổng chi gọi là Trung thu thưởng nguyệt…”.
Trước một cửa hàng bán lồng đèn Trung thu ngày xưa (Ảnh: Hình ảnh Việt Nam)
Những người Việt từng sống qua thời trước năm 1975 đều nhớ những ngày bọn trẻ háo hức xin đi mua lồng đèn, trẻ con hẹn nhau kéo đèn qua phố phường, bánh kẹo là hương vị rộn rã của mùa trăng. Thời thế, có những điều hôm nay phải thay đổi, nhưng cũng có những thứ của lễ hội thanh tao ấy lại biến thành dịp để chạy việc, nhắc tên gợi nhớ với quan trên.
Trẻ em thì dần hoàn toàn biến mất trong ý nghĩa Trung thu, có chăng là được phát góc bánh ăn cho vui miệng. Trống lân, ông địa… theo thời cũng nhạt dần trong ánh mắt trẻ thơ. Người Việt đã từng có một truyền thống như vậy, không phải chỉ là với miếng bánh ăn, mà truyền thống nhiều sinh hoạt đẹp trong tinh thần, trong văn hoá Việt.
Bánh Trung thu truyền thống được tranh mua âu cũng là điều đáng mừng. Có lúc nhìn mà thương, bởi cái “truyền thống” ở đâu hiếm, may còn sót lại, thì ắt phải được yêu quý như vậy. Di sản tinh thần của cha ông, cái ăn thì còn đó, nhưng còn biết bao nhiêu điều truyền thống đẹp đẽ khác của hôm qua đã bị xoá bỏ, bị thao túng, nhân danh, biến dạng thành hội, thành trò thu tiền không biết thương xót. Ngày sau, cứ nghe gọi tên là “truyền thống”, nhưng nào ai biết được sẽ ra sao?
Tuấn Khanh
Ngày 2/10/2023
Nguồn: https://nhacsituankhanh.com/2023/10/02/chuyen-nguoi-bac-xep-hang-mua-banh-trung-thu/
Be the first to comment