Nàng Út Nhà Tôi

Không biết bố mẹ tôi bắt đầu cãi nhau từ lúc nào (chẳng lẽ từ lúc chàng mới đưa nàng về dinh) nhưng khi tôi đủ tuổi để nhận biết mọi việc thì hình như một tuần có bảy ngày, bố mẹ tôi đã cãi nhau hết năm ngày. Không những cãi nhau mà đôi khi còn có chén dĩa bay và hai bên đấm đá nhau tưng bừng. Những khi ấy ba chị em tôi, mỗi đứa chạy vào một góc nhà hoặc ở một gầm bàn nào đó, mặt mày xanh lè, vừa run vừa khóc.

Sau khi sang Mỹ mẹ sinh thêm Nàng Út thì gia đình có vẻ yên ổn hơn. Chuyện cãi nhau vẫn xảy ra hàng ngày nhưng tuyệt nhiên không có bạo động. Khi Út bắt đầu vào lớp mẫu giáo, “tình trạng chiến tranh” bỗng giảm bớt khá nhiều. Chắc quý vị nghĩ rằng hai đối thủ đã mệt mỏi hoặc vì con cái lớn rồi nên cũng vì chúng mà nhượng bộ nhau chăng?

Xin thưa, chính Út đã thay đổi cục diện gia đình. Mới năm tuổi nhưng Út lại làm quan tòa phán quyết mới oai cơ chứ.

Một hôm, Út đang ngồi ăn sáng, không rõ vì chuyện gì mà bố mẹ lại gấu ó nhau. Hai bên đang đấu khẩu thì Út leo xuống đất, dõng dạc hét to:
– Im ngay, lớn rồi mà sao cứ cãi nhau thế?

Bố mẹ dừng lại, chưa kịp có phản ứng thì Út đã bỏ đi sau khi liếc ngang một cái, giọng nói gằn từng tiếng một:
– Không biết xấu hổ!

Bình thường, đứa nào mà ăn nói trịch thượng như thế thì nát đít. Thế mà lần này bố mẹ lại im re. Chị em tôi vừa thích thú vì thấy cử chỉ của Út thật dễ thương, vừa thán phục sự can đảm “trừ gian diệt bạo” của Út.

Lần khác, trong lúc mẹ đang cằn nhằn chuyện gì đó thì bố đứng dậy, bước sang hồ cá ngắm nghía mấy chú cá đang thảnh thơi, vẫy đuôi bơi lội, chủ ý là không muốn nghe cái đài phát thanh cũ mèm, cứ  rỉ rả mãi một điệp khúc. Mẹ cáu tiết, phóng liền một chưởng vu khống:
– Có phải ông muốn bảo cái mặt tôi còn thua con mấy con cá không?

Bố gắt lên:
– Ơ hay! Cái bà này, tôi nói thế bao giờ?

Mẹ tru tréo:
– Ông không nói nhưng thái độ của ông đã nói lên điều đó.

Đang thưởng thức món kem dâu thơm phức, Út dừng lại, nhíu mày rồi gõ muỗng xuống bàn:
– Không được nói thêm nói thừa, phải tội đó!

Cuộc chiến tạm ngưng sau câu phán lạnh lùng của Út. Từ đó, bố mẹ rất dè dặt mỗi khi cãi nhau trước mặt Út. Cái lạ là khi vui đùa hay khóc la, vòi vĩnh thì Út là một đứa trẻ thật hồn nhiên, ngây thơ. Nhưng những lúc ấy, Út lại tỏ ra chững chạc như bà cụ non. Thế mới chết!

Một buổi tối, sau khi dự tiệc cưới về bố mẹ tôi chuyện trò rất vui vẻ nhưng không hiểu câu chuyện dẫn đến sự bất đồng ý kiến thế nào mà giữa khuya hai ông bà lại la toáng lên làm con cái giật mình thức giấc. Út lăn qua, trở lại một lúc rồi leo tuột xuống giường, bước ra khỏi phòng làm tôi phải vội vàng đi theo. Tôi vừa xoay chốt, Út hiên ngang xô cửa bước vào. Mẹ tôi một tay chống nạnh, một tay xỉ trán bố rít lên những câu mắng nhiếc nặng nề. Út thở dài, lắc đầu ra chiều ngán ngẩm:
– Chỉ làm gương xấu cho con cái!

Chỉ một câu nói ngắn ngủi của Út mà hiệu nghiệm vô cùng. “Mặt trận miền Tây” bỗng nhiên yên tĩnh lạ thường.

Tôi rất ngạc nhiên về phong cách già dặn này của Út. Mãi sau này tôi mới nhận thấy cử chỉ và lời nói của Út rập khuôn bà Ngoại. Thì ra, mỗi ngày ở với bà vài tiếng đồng hồ trong khi chờ anh chị hay bố mẹ đón, Út đã học lóm được những lời phê phán của ông bà ngoại khi nói về bố mẹ. Ðiều đáng nói là chẳng bao giờ bố mẹ rày la Út về những câu nói lộng ngôn đó. Có phải vì có tật giật mình chăng? Dù sao, đây cũng là phương thuốc hiệu nghiệm. Bởi vì, sau đó cuộc chiến bắt đầu lắng dịu và dần dần bố mẹ không còn cãi nhau bán sống, bán chết nữa mà chỉ ư ử vài câu cho có hương, có hoa trong chốc lát, rồi lại cười hề hà bỏ qua. Không biết có phải như lời bà ngoại nói, Út là chân mạng đế vương trong cái “vương quốc” nhỏ bé này, nên tuy tí xíu nhưng lại có tay “cầm quyền”.

Bố mẹ hưởng hạnh phúc – thật sự là thứ hạnh phúc êm ái, ngọt ngào – được mười hai năm thì mẹ qua đời sau cơn bạo bệnh. Lúc ấy, Út đã mười tám tuổi. Bé nhất nhà, nhưng Út lại là người xông xáo, hoạt bát. Một tay Út sắp xếp trong ngoài mỗi khi gia đình có chuyện gì xảy ra. Là một người có bản lãnh, lanh lẹ và thông minh nên Út giải quyết mọi chuyện rất nhanh chóng. Thế là đương nhiên Út nắm quyền gia trưởng trong tay.

Ðám cưới anh Ba, Út triệu tập phiên họp khoáng đại trong gia đình, phân chia công tác cho mỗi người. Giỏi tài giao thiệp, Út nhờ được người này làm đại diện đàng trai, người kia làm MC cho bữa tiệc cưới… Bố con chúng tôi chỉ có nước thi hành. Thế mà mọi việc trơn tru, đâu vào đó ngăn nắp, thứ tự, ai đi dự đám cưới cũng khen nức nở.

Khi các chị em lần lượt có gia đình thì Út cũng bắt đầu định đoạt số phận của Bố. Một ngày thứ bảy, nhân dịp bố sang Kansas thăm bác Thu, Út triệu hồi ba chị em tôi về nhà – nơi nàng Út đang sống với bố – và dõng dạc tuyên bố:
– Em sẽ tìm vợ cho bố.

Sáu con mắt trợn ngược, ba cái miệng há hốc, đồng loạt kêu lên:
– Hả! Cái gì!

Ðối với ba chị em tôi – những người đã có gia đình – thật khó chấp nhận chuyện bố mình cưới vợ ở cái tuổi sáu mươi lăm và đã có sui gia, cháu nội, cháu ngoại đầy đàn. Tôi lên tiếng phản đối:
– Bố gần bảy mươi rồi, có muốn người ta cười nát mặt không?

Hai đứa em trai cũng đồng ý với tôi. Nhưng Út vẫn cố gắng thuyết phục:
– Bố chỉ mới sáu mươi lăm. Nghe rõ nhá, sáu chứ không phải bảy. Bố vẫn còn khỏe mạnh, sao nỡ để bố sống một cuộc sống buồn tẻ, cả ngày thui thủi một mình. Bây giờ các anh chị đã có gia đình, có ai gần gũi, chăm sóc cho bố đâu. Em thì đi học, đi làm cả ngày, bố chẳng có ai để chuyện trò. Nhiều lúc trông thấy bố mà em não lòng. Nếu chỉ vì sợ mất mặt, sợ bị cười chê mà mình quyết chí bắt bố phải sống cô độc, như thế là ích kỷ, là chỉ nghĩ đến mình chứ có nghĩ gì cho bố đâu!

Ba chị em tôi im lặng. Dù điều Út nói không sai nhưng nghĩ đi, nghĩ lại tôi vẫn thấy kỳ kỳ làm sao khi nhớ đến những câu thiên hạ thường nói “già không nên nết, già dịch…”

Không để chúng tôi phân vân, Út bồi thêm:
– Nhớ năm ngoái bố nằm bệnh viện, các anh chị ai cũng bận bịu với gia đình, con cái, có ai dành trọn thì giờ để chăm sóc bố đâu. Cứ tính lại xem, mỗi ngày mình dành cho bố được mấy giờ.

Câu nói của Út làm tôi chột dạ. Sự thật là vậy, khi có gia đình thì mỗi chúng tôi đều có niềm vui riêng. Cho dù vẫn thương yêu bố nhưng sự gần gũi hầu như không còn nữa. Có chăng chỉ là vài giờ cuối tuần hoặc một vài cú điện thoại thăm hỏi qua loa cho có lệ. Tôi thắc mắc:
– Chẳng lẽ… bố có ai rồi à?

– Không, bố chẳng có ai. Em sẽ giới thiệu cho bố.

– Chắc bố không chịu đâu. Các em nên nhớ bố là người trọng mặt mày. Ðời nào bố lại làm cái việc mà người khác chê cười.

Út quyết liệt:
– Sang Mỹ rồi, cứ sống sao cho thoải mái chứ sợ gì ai. Miễn sao chị em mình không phản đối bố là được. Các anh chị OK chứ.

Ba chị em tôi nhìn nhau. Thì đành phải OK, chứ không thì làm được gì khi Út đã quyết định. Trước khi chia tay, Út không quên dặn dò:
– Anh chị đừng nói gì với bố nhá.

Một buổi sáng cuối tuần tôi có việc chạy ngang khu phố gần nơi bố ở thì thấy bố đứng đó. Ngạc nhiên vô cùng tôi ghé vào hỏi bố. Thì ra, bố đang chờ xe buýt để đi casino. Chết thật, sao bố lại mê cờ bạc thế này.

Tôi chạy về gọi điện thoại, Út trả lời tỉnh queo:
– Chuyện nhỏ.

Rồi Út tiết lộ, Minh Thy bạn Út có một người dì đã năm mươi lăm tuổi nhưng chưa có gia đình, vì thế Út và Minh Thy bàn bạc và đồng ý tạo cơ hội cho bố và dì Liên gặp nhau. Út rủ bố đi coi văn nghệ ở casino. Nghe nói có Khánh Ly hát, bố thích nên chịu đi ngay. Ðến đó, tình cờ (có sắp đặt) bố con Út gặp dì Liên và Minh Thy. Thế là bốn người rủ nhau đi ăn tối, xem văn nghệ. Hôm sau, hai cô nhỏ kiếm cớ đi “shopping”, còn lại bố và Dì Liên trò chuyện rất tương đắc rồi cùng nhau đi kéo máy. Thắng không được bao nhiêu tiền nhưng hai người thật vui vẻ. Thế là hai cô nhỏ đề nghị bố và dì Liên mỗi tuần nên theo xe buýt đến casino giải trí.

Thảo nào tôi thấy bố có vẻ tươi tỉnh, hồng hào ra. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy buồn buồn khi nghĩ rằng bố không còn nhớ đến mẹ nữa.

Út gạt phắt đi:
– Chị Cả à! thực tế một chút đi. Ðừng bắt bố thủ tiết với mẹ mãi như thế.

Quả là con bé lạ đời. Thường, tôi thấy con cái nào cũng phản đối việc cha mẹ tái hôn, nhất là ở tuổi đã về chiều, thế mà Út lại rất hân hoan, sung sướng đón nhận chuyện ấy. Chẳng lẽ Út không còn nhớ thương mẹ hay vì lớn lên ở đất Mỹ nên cách suy nghĩ của Út có khác.

Ngày tháng trôi qua, tôi cũng quen dần với sự có mặt của dì Liên trong cuộc sống gia đình. Dì Liên tuy không xinh đẹp như mẹ nhưng tính tình rất hiền lành, dịu dàng. Phải thành thật mà nói, về điểm này dì Liên hơn mẹ.

Có lần tôi hỏi bố:
– Chắc bố thương dì Liên nhiều hơn mẹ phải không?

Bố nhìn tôi một hồi lâu rồi nói:
– Sao con lại nghĩ thế?

– Tại vì mẹ là sư tử, còn dì Liên là con nai hiền lành.

Bố xoa đầu tôi cười:
– Sư tử cũng có cái đáng yêu của sư tử, tại con không nhìn thấy thôi.

Rồi bố nhỏ giọng:
– Tuy mẹ nóng nảy nhưng đối với bố, tình mẹ sâu, nghĩa mẹ nặng lắm con ạ. Nhất là trong thời gian bố sa cơ thất thế.

Út nháy mắt với tôi rồi bắt sang chuyện khác. Những lời tâm sự chân thành của bố làm tôi cảm động và thương bố thật nhiều. Tối hôm đó, tôi gọi điện thoại, nhắc Út nên sớm lo chuyện của bố và dì Liên. Thế là một buổi tiệc thân mật gồm họ hàng và một số bạn bè thân thiết của hai gia đình được tổ chức.

Trưa hôm đó, trước khi sang nhà dì Liên, bố đến bàn thờ mẹ lâm râm khấn vái rất lâu. Út ra vào mấy lượt, tỏ vẻ sốt ruột vì sợ trễ giờ, tôi nói khẽ:
– Bố phải xin phép mẹ. Chắc mẹ chưa ừ nên bố chưa dám đi.

Ðang cười khúc khích thì bố bước ra, chị em tôi phải dọn ngay một bộ mặt rất nghiêm trang.

Từ ngày dì Liên chính thức bước vào nhà, gia đình chúng tôi như có sinh khí hơn. Cuối tuần chị em lại kéo về, dì Liên lăng xăng nấu nướng, bày biện ăn uống thật vui vẻ.

Và mỗi năm một lần, cứ đến tháng tám, dì gọi điện thoại cho từng đứa:
– Cuối tuần giỗ mẹ đấy, mang mấy đứa nhỏ sang sớm để còn lạy bàn thờ.

Cám ơn dì Liên đã mang đến cho bố những ngày cuối đời thật ấm áp. Cám ơn Nàng Út, tuổi trẻ, tài cao, đã làm một chuyện hơn người.

Ngân Bình 

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*