Cách Trung Quốc Chiếm Đoạt Công Nghệ Của Mỹ – Bài 2: Cạnh Tranh Hay Chơi Bẩn ?

Với mức độ xâm nhập hết sức lớn của hàng trăm ngàn kỹ sư, khoa học gia người Trung Quốc (TQ) trong hàng chục ngàn công ty ngay trên đất Mỹ và cả trên đất TQ, thì không thể có một cơ quan an ninh nào có thể ngăn chặn được các vụ chiếm đoạt sản phẩm trí tuệ “hợp pháp” và bất hợp pháp.

Trong nhóm của tôi (người viết) có một nhà nghiên cứu trẻ TQ được nhận vào làm việc khoảng năm 2002. Anh rất chịu khó làm việc, có công bố chung với tôi một số kết quả nghiên cứu. Khoảng năm 2013 anh xin thôi việc. Anh cho biết sẽ về TQ làm việc trong một trường đại học (ĐH). Tôi ngạc nhiên vì biết anh mới được nhập quốc tịch Mỹ, công việc lại đang thuận lợi. Anh cho biết gia đình anh sẽ ở lại Mỹ, còn anh sẽ qua lại vài lần một năm.

‘Cơn bão’ cạnh tranh tài năng ngay tại Trung Quốc

Bẵng đi khoảng một năm, tôi ngạc nhiên thấy anh gõ cửa phòng làm việc và cho biết đang thăm và làm việc với tư cách khách nghiên cứu ngắn hạn của khoa. Ấn tượng đầu tiên là anh chạy một chiếc Mercedes mới toanh vì trước đây anh chỉ chạy cái xe Toyota cà tàng. Anh kể là về làm ở ĐH Thiên Tân – trong chương trình “Ngàn tài năng” (lúc bấy giờ tôi mới biết đến chương trình này), lương cao hơn nhiều so với ở Mỹ, chưa kể khoản trợ cấp sinh hoạt hàng năm rất lớn, đủ ăn tiêu và đi thăm vợ con ở Mỹ nhiều lần.

Quan trọng nhất là anh được cấp quỹ xây dựng một phòng thí nghiệm và nhóm nghiên cứu riêng của mình, với ngân sách đủ cho cả nhóm yên tâm nghiên cứu trong một thời gian dài, ít nhất trong 5 năm đầu anh không phải lo xoay xở xin kinh phí. Điều này quả thực là một ước mơ cho nhiều nhà khoa học ở các ĐH Hoa Kỳ, hằng năm phải bỏ rất nhiều thời gian viết dự án để xin tài trợ cho các chương trình nghiên cứu. Anh hỏi tôi có muốn thử sang TQ làm vài năm cho biết, bảo đảm tài chính hơn gấp nhiều lần ở đây nhưng thấy tôi không mặn mà, anh đổi sang đề tài khác.

Sau đó, tôi đã bỏ thời gian để tìm hiểu về chương trình “Ngàn tài năng” (NTN), chủ yếu để thỏa mãn sự tò mò. Tôi nhận ra rằng những gì anh ta nói thực ra là khiêm tốn hơn với thực tế (sẽ trình bày sau). Đứng trên phương diện bạn bè thì tôi thấy mừng cho anh. Tuy vậy, trên góc độ của một người có chút hiểu biết và lo lắng về sự cạnh tranh không lành mạnh của TQ với Mỹ, tôi thấy có cái gì không ổn.

Huawei vướng bê bối gián điệp.

Khác với cuộc chiến tranh lạnh với Liên Xô trước đây, đối thủ của Mỹ nhan nhản ngay chính trong lòng nước Mỹ. Hơn nữa, những người này lại là công dân Mỹ với rất nhiều quyền lợi pháp lý được hiến pháp bảo vệ: họ có thể ra vào nước Mỹ bất cứ lúc nào, có thể tiếp cận với nhiều cơ sở kinh doanh, công ty công nghệ cao và cả các trung tâm khoa học của Mỹ mà Liên Xô và đồng minh Đông Âu trước đây mơ cũng không có được. Đây là một vấn đề cực kỳ tế nhị.

Vốn cũng là một người nghiên cứu khoa học nước ngoài trở thành công dân Mỹ, tôi hiểu và vô cùng trân trọng chính sách mở cửa chào đón của xứ sở này từ bao năm nay. Và cũng không quá đáng nếu cho rằng chính sách đó đã đem lại sức mạnh hiếm có của Mỹ về mặt khoa học và công nghệ, góp phần đem lại sự phồn thịnh cho nước Mỹ. Nếu không cẩn thận trong khi đối phó với các chương trình của TQ, với những chính sách thiển cận có thể phá mất viên ngọc quý của Mỹ trong việc xây dựng nền khoa học vĩ đại của đất nước này. Những gì tôi tìm hiểu và biết được về NTN thật đáng kinh ngạc. Nếu đứng trên góc độ của một người Việt thì càng khó diễn tả vì ngay cả trên phương diện hoàn toàn hợp lệ, TQ đã đi trước quá xa. Xin đơn cử một vài ví dụ sau đây.

Trước hết, chương trình NTN vài năm trở lại đây đã được ví như một “cơn bão” lan tràn khắp TQ. Ban đầu chương trình do nhà nước trung ương quản lý. Ngày nay, chương trình này đã được chuyển giao cho các cấp chính quyền địa phương, nhưng ở mức độ còn cao hơn trước rất nhiều. Chẳng hạn như đầu tháng 3.2018 chính quyền thành phố Bắc Kinh ban hành hai chính sách đặc biệt nhằm thu hút và quản lý chương trình NTN, trong đó nhấn mạnh đến việc tạo điều kiện hơn nữa về nhà ở, trường học cho con cái, giúp tìm công việc cho vợ chồng của các nhà khoa học cũng như cấp thẻ xanh nhanh chóng, từ lúc nạp đơn cho đến khi cấp Green Card chỉ trong vòng 50 ngày…

Cuối tháng 3.2018 đến lượt Thượng Hải tổ chức các cuộc họp do đích thân Bí thư Thượng Hải tổ chức thông qua các chính sách tương tự. Thượng Hải đặc biệt chú trọng một số ngành khoa học mũi nhọn như khoa học và công nghệ quang tử (photonics), y – sinh học (biomedicine), khoa học thần kinh (neuroscience) và trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – AI)…

Để thu hút chất xám, ĐH Nankai ở Thiên Tân đãi ngộ mức lương cao, với nhiều trình độ khác nhau trong khoảng từ 600 ngàn NDT (92 ngàn USD) đến 1,2 triệu NTD (185 ngàn USD)/năm. (Ảnh mang tính minh hoạ)

Cuộc chạy đua thu hút nhân tài giữa các địa phương đã trở nên quyết liệt không chỉ giữa các thành phố hạng I như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Quyến… mà cả ở các thành phố mới được lên cấp I (new first-tier cities) như: Thành Đô, Vũ Hán, Nam Kinh và Tây Đô. Các thành phố cấp I mới này có sức thu hút rất mạnh do giá cả nhà ở và sinh hoạt rẻ hơn nhiều so với các thành phố hạng I cũ. Năm 2018, lần đầu tiên các thành phố cấp I mới này đã thu hút được nhiều tài năng hơn so với các thành phố hạng I cũ, khiến các thành phố này phải đưa ra chính sách mới để cạnh tranh – gây ra một cuộc chiến tranh thực sự trong việc thu hút tài năng giữa các thành phố cấp I.

Kế đến phải kể tới các thành phố hạng II và hạng III. Chẳng hạn như Hàng Châu đưa ra chương trình kêu gọi cực kỳ hấp dẫn trong đó nêu rõ các nhà khoa học đã từng đoạt giải thưởng Nobel, Turing Award và các giải thưởng khoa học lớn khác ở Âu Mỹ có thể nhận được các phần thưởng lên tới 100 triệu nhân dân tệ (tương đương 16 triệu USD).

Cần nói thêm rằng, chương trình NTN được thiết kế gắn liền với chiến lược phát triển quốc gia của TQ, nhắm đến mục tiêu đưa TQ thành cường quốc hàng đầu về khoa học và công nghệ vào năm 2050. Các nhà khoa học sẽ được mời gọi không chỉ làm việc cho các ĐH mà cả các công ty kỹ nghệ hàng đầu của TQ.

Bản thân người viết bài này cuối năm 2019, đầu 2020 được một hãng săn chuyên gia kỹ thuật cao đề nghị sang TQ làm việc cho công ty Huawei với mức lương cao hơn vài lần mức lương hiện có ở Mỹ. Điều đáng nói là việc này xảy ra sau khi nhóm nghiên cứu của chúng tôi công bố kết quả về một hệ máy tính quang học mới (optical Ising machine) trên tạp chí Nature Communication, thuộc hệ thống tạp chí khoa học Nature uy tín hàng đầu thế giới. Điều đó có nghĩa là sự “săn đầu người” này có tính chất hệ thống chứ không phải ngẫu nhiên. Tuy vậy, cũng như hầu hết người Việt khác, việc sang làm việc và sinh sống ở TQ không hề là sự lựa chọn đối với tôi. Chỉ mới nói ra, các con đã phản đối ầm ỹ.

Đơn cử một vài thông tin tuyển dụng trong chương trình NTN: Viện Công Nghệ Bắc Kinh (Beijing Institute of Technology– BIT) trả lương 420 ngàn nhân dân tệ (NDT) (khoảng 65 ngàn USD/năm) cho các nhà khoa học TQ dưới 40 tuổi, có 3 năm nghiên cứu sau tiến sĩ từ các ĐH có uy tín ở nước ngoài trở về, được mua 1 căn hộ giảm giá 1 triệu NDT, nếu tự túc nhà ở thì được cấp 2 triệu NDT, 2-6 triệu NDT/1 năm cho nghiên cứu khoa học và được cấp một phòng thí nghiệm. BIT còn có các chương trình dành cho các nhà khoa học có kinh nghiệm hơn – dưới 55 tuổi, hoặc ít kinh nghiệm hơn, dưới 35 tuổi.

Đại học Nankai ở Thiên Tân đưa ra mức lương cao hơn với nhiều trình độ khác nhau trong khoảng từ 600 ngàn NDT (92 ngàn USD) đến 1,2 triệu NTD (185 ngàn USD)/năm. Đặc biệt quỹ tài trợ cho nghiên cứu khoa học có thể lên tới 12 triệu NDT tùy lĩnh vực cụ thể. Riêng trợ cấp nhà cửa và ổn định chỗ ở từ 600 ngàn đến 3 triệu NDT tùy trình độ của nhà khoa học.

Cuối tháng 2.2020, Hongjin Tan đã bị kết án hai năm tù vì ăn cắp bí mật thương mại trị giá 1 tỷ USD. (Ảnh: SCMP)

Điểm đáng nói là các trường đều cố đưa ra các khoản có tính cách cạnh tranh, như ở Thẩm Quyến, ngoài mức lương tương đối giống ở Thiên Tân còn nhấn mạnh khoản phụ cấp sinh hoạt 2,75 triệu NDT do chính quyền tỉnh và thành phố cấp. Trường ĐH Tây An còn cấp một căn hộ từ 160m2 hoặc 190m2 tùy thuộc mức độ và một quỹ thiết lập phòng thí nghiệm lên tới 15 triệu NDT. Đặc biệt hơn, các công ty công nghệ có thể trả mức lương cho các chuyên gia cao cấp nhiều hơn vài lần mức lương của họ ở nước sở tại, chưa kể các trợ cấp sinh hoạt và nhà cửa…

Những điều trình bày trên đây về NTN cho thấy các chương trình thu hút chất xám của TQ thực sự là mối nguy lớn không chỉ cho nền khoa học mà cả nền kinh tế, quốc phòng của các nước Âu Mỹ. Đứng về mặt pháp lý, các chương trình được coi ít nhất là cạnh tranh không lành mạnh, dùng sức mạnh của một nhà nước để lũng đoạn quá trình trao đổi và cạnh tranh tự nhiên vốn đã xảy ra trong suốt lịch sử phát triển khoa học và công nghệ trên thế giới hàng trăm năm nay. Trên thực tế, TQ đã đánh cắp và chiếm đoạn các sản phẩm trí tuệ dưới rất nhiều hình thức khác mà tôi sẽ trình bày sau đây. Nguy hiểm hơn, các chương trình trá danh sự trao đổi khoa học này đã chiếm đoạt một tài sản trí tuệ khổng lồ của các nước tích tụ trong một thời gian hàng chục. thậm chí cả trăm năm.

Lợi nhuận trên hết và mối nguy với các công ty công nghệ của Mỹ

Sẽ là khiếm khuyến lớn nếu không nhắc đến các thủ đoạn vừa tinh vi vừa thô bạo của TQ với các công ty công nghệ cao của Mỹ (xin chỉ giới hạn với các công ty của Mỹ vì người viết có kinh nghiệm trực tiếp). Song nếu đi sâu vào chủ đề này sẽ quá giới hạn của bài viết này vì vốn chỉ muốn nhắm vào các chương trình thu hút chất xám NTN của TQ. Chỉ xin lướt qua một số vụ nổi bật nhằm giúp cho độc giả thấy được vì sao các hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ và thế giới đã để mất nhiều ưu thế đối với TQ chỉ trong vài chục năm gần đây.

Ai cũng biết rằng mục đích cuối cùng của các công ty, dù là công nghệ thấp hay cao vẫn là lợi nhuận. Với các công ty nhỏ thì lợi nhuận là nguồn sống và phát triển duy nhất, với các công ty lớn có niêm yết trên thị trường chứng khoán thì áp lực của các cổ đông, các nhà đầu tư còn cao hơn. Nhiều CEO của các công ty coi giá trị cổ phiếu tăng hay giảm từng quý là thước đo sự thành công của họ. Thông thường nếu cổ phiếu của công ty giảm trong khoảng 4-5 quý liên tục thì vị trí của CEO có thể bị lung lay (trừ trường hợp đặc biệt).

Chính vì áp lực lớn như vậy, nhiều công ty nhắm vào làm ăn với TQ bởi thị trường khổng lồ, sức mua đang không ngừng tăng cao của giới trung lưu những năm gần đây. Với mức lợi nhuận cao thu được từ TQ, các CEO sẵn sàng chấp nhận nhiều áp đặt của TQ miễn sao vào được thị trường TQ.

Tháng 7.2019, Yi-Chi Shih, 64 tuổi, đã bị Bộ tư Pháp Mỹ kết tội đánh cắp công nghệ chip bán dẫn sử dụng trong các hệ thống quân sự của Mỹ để chuyển về Trung Quốc. (Ảnh: Korea Times)

Là người làm trong một công ty công nghệ lớn của Mỹ có hơn 50 ngàn nhân viên trên toàn cầu, hàng quý được dự họp nghe báo cáo kết quả làm ăn của công ty, tôi cảm nhận rất rõ tầm quan trọng của thị trường TQ. Thoạt tiên, chỉ có các cơ sở sản xuất, ngày nay nhiều công ty đa quốc gia đã mở cả các trung tâm nghiên cứu ngay trên đất TQ để phục vụ các đòi hỏi cấp bách cho sản xuất. Điều này cũng dễ hiểu. Chi phí cho một nhà nghiên cứu ở Mỹ cao gấp rất nhiều lần ở TQ. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất sản phẩm công nghệ cao luôn đòi hỏi các nghiên cứu song hành để giải đáp và khắc phục các vấn đề kỹ thuật xảy ra trong quá trình sản xuất, và quan trọng hơn, để cải tiến chất lượng sản phẩm.

Các trung tâm nghiên cứu này tuyển dụng đa số là người TQ, những người này dễ dàng tiếp cận với các chuyên gia của công ty mẹ, với các kỹ thuật và công nghệ của công ty đã được tích lũy hàng chục, có khi hàng trăm năm. Vì vậy, đây chính là một quá trình chuyển giao hiểu biết về kỹ thuật và công nghệ từ các công ty nước ngoài cho các nhân viên người TQ của  họ.

Quá trình trên đây thực ra vẫn trong tầm kiểm soát. Các công ty có các luật lệ, quy tắc bảo mật rất cao để bảo vệ thông tin về kỹ thuật và công nghệ. Tuy nhiên, trên thực tế theo báo cáo của Phòng Thương mại Liên hiệp châu Âu thì mặc dù TQ không thực hiện các vụ gián điệp công nghệ như nhiều người vẫn tưởng nhưng các công ty của TQ đã tìm cách thưởng lớn hoặc trả lương cao hơn để thuê những nhân viên người TQ có trình độ và kinh nghiệm từ các trung tâm nghiên cứu nước ngoài. Nhờ đó, các công ty TQ có thể lấy được nhiều kỹ thuật và công nghệ cao của các công ty nước ngoài. Chẳng hạn tháng giêng năm 2019 công tố Liên bang Mỹ cáo buộc công ty khổng lồ Huawei đã đánh cắp các bí mật thương mại của công ty T-Mobil của Mỹ bằng cách trả thưởng rất cao để tuyển dụng nhân viên kỹ thuật của hãng này để chiếm đoạt công nghệ về robot Tappy dùng để phát hiện các khuyết tật sản phẩm của smartphone.

Một vụ khác liên quan đến một chương trình nghiên cứu tuyệt mật của Apple ngay tại Silicon Valley (California) liên quan đến công nghệ xe không người lái. Vào tháng 2.2019 FBI đã bắt được kỹ sư người TQ là Jizhong Chen, nhân viên của Apple với nhiều tài liệu kỹ thuật bí mật của công ty bị đánh cắp khi anh này chuẩn bị bay đi TQ. Theo bản cáo trạng của FBI, Jizhong Chen đang chuẩn bị chuyển sang làm cho một công ty mới được thành lập của TQ chuyên về xe không người lái – hãng XMotors, được đầu tư bởi các công ty khác của TQ như gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba và công ty Foxcom – nhà sản xuất hợp đồng lớn nhất của Apple.

Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội công ty điện tử Fujian Junhua – doanh nghiệp nhà nước của TQ, tìm cách đánh cắp công nghệ chip bán dẫn của hãng Micron Technology của Mỹ và chính thức cấm không cho công ty này nhập tất cả các loại linh kiện của các công ty Mỹ. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng khẳng định một số lớn trong 8.000 động cơ chạy gió phát điện của Công ty Sinovel Wind Group được điều khiển bằng các phần mềm đánh cắp từ một công ty liên doanh của Mỹ – Công ty American Superconductor Inc (ASI). Kết quả của việc liên kết làm ăn này là Công ty ASI bị thiệt hại 1 tỷ USD và sa thải 700 nhân công ở Mỹ….

Thực ra các vụ trên đây cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm mà thôi. Với mức độ xâm nhập hết sức lớn của hàng trăm ngàn kỹ sư, khoa học gia người TQ trong hàng chục ngàn công ty ngay trên đất Hoa Kỳ và cả trên đất TQ, thì không thể có một cơ quan an ninh nào có thể ngăn chặn được các vụ chiếm đoạt sản phẩm trí tuệ “hợp pháp” và bất hợp pháp.

* * *

Để kết thúc phần này xin được phác qua một vài nét về các công ty công nghệ vốn là niềm tự hào của mọi người dân Mỹ. Thực ra, nếu không có dịp làm việc tại các trung tâm nghiên cứu của các đại công ty công nghệ cao của Mỹ thì cũng khó hình dung nổi. Lối suy nghĩ thông thường hay cho rằng khoa học và công nghệ xuất phát từ các phòng thí nghiệm trong ĐH, viện nghiên cứu hàn lâm rồi sau đó được chuyển giao ra các công ty để phát triển và sản xuất sản phẩm thương mại.

Trụ sở của Apple ở thung lũng Silicon. (Ảnh: Cessna 172M)

Trên thực tế, các ĐH đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho sự hình thành và phát triển các công nghệ mới, chẳng hạn như ĐH Stanford được coi là hạt nhân của thung lũng điện tử Silicon. Tuy nhiên, cần thấy rằng có rất nhiều nghiên cứu ở mức độ đỉnh cao từ cơ bản đến công nghệ ứng dụng được tiến hành từ các trung tâm nghiên cứu của các công ty tư nhân của Mỹ. Một ví dụ điển hình là Bell Laboratories là tên một công ty nghiên cứu tư nhân huyền thoại của Hoa Kỳ, nơi có đến 9 nhà khoa học được nhận giải thưởng Nobel về vật lý. Trong đó có các nhà vật lý lý thuyết lừng danh như John Bardeen, một trong ba người thiết lập ra lý thuyết về hiện tượng siêu dẫn mang tên ba nhà khoa học (Bardeen, Cooper, Schrieffer) – BCS Theory, là nhà khoa học người Mỹ duy nhất được trao 2 giải thưởng Nobel (BCS Theory và phát minh ra transistor); P.W Anderson là cha đẻ lý thuyết vật lý mang tên ông – Anderson Localization; William Shockley về phát minh transistor và hàng loạt hiệu ứng vật lý mang tên ông (Shockley diode equation, Shockley states, Shockley– Ramo theorem, Shockley–Queisser limit, Read-Shockley equation, Van Roosbroeck-Shockley equation); hay như Robert B. Laughlin về lý thuyết hiệu ứng Hall lượng tử….

Bell Lab là cái tên gắn với nhiều phát minh có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển hoa học như transistor, siêu dẫn, laser khí, mạch bán dẫn, vật liệu nano-bán dẫn, solar cell cho năng lượng mặt trời, lý thuyết thông tin (Information Theory), hệ điều hành UNIX, các ngôn ngữ lập trình B, C, C++, S, SNOBOL, AWK, AMPL và rất nhiều phát minh khác nữa. Bản thân người viết khi đọc các công trình lý thuyết về các hệ dẫn truyền sóng (Waveguide Theory) công bố trong tạp chí nội bộ của Bell Lab từ những năm 1950-1960 và là tiền đề cho phát minh ra sợi cáp quang (optical fiber) sau này vào những năm 1970-1980 mới thấy Bell Lab đã đi trước các ĐH và các công ty khác khoảng 10 đến 20 năm. Hoặc như IBM cũng có đến 5 nhà khoa học được giải thưởng Nobel về vật lý và hóa học….

Nhờ có sự đầu tư lớn lao và sâu rộng như vậy cho nghiên cứu khoa học, các công ty Mỹ đã thực sự làm cho nền kinh tế xứ cờ hoa có hàm lượng khoa học và công nghệ cao nhất thế giới. Phát triển công nghệ mới đã trở thành một lối sống được xã hội khuyến khích cổ vũ và hỗ trợ. Không phải ngẫu nhiên mà các công ty công nghệ đua nhau ra đời ở Mỹ với các chủ nhân là các nhà khoa học và doanh nhân trẻ 20-30 tuổi, như: Microsoft, Apple, Google, Facebook, Amazon, Tesla…

Đa số các công ty luôn coi đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) là ưu tiên quan trọng nhất cho sự thành công của công ty. Riêng chi phí R&D của công ty tôi làm hằng năm trên 1 tỷ USD (1,2 tỷ năm 2020) đã là lớn nhưng chưa là gì so với các công ty nêu trên. R&D chính là chìa khóa cho sản phẩm mới với chất lượng cao hơn và giá thành rẻ hơn, và đó chính là hình thức cạnh tranh lành mạnh. Ngay trong lúc này đây, những “ông lớn” như: Google, IBM và Amazon, Microsoft đang dẫn đầu các nghiên cứu về máy tính lượng tử (quantum computing). Chỉ riêng Google hàng năm chi cho chương trình này hàng chục triệu USD và không có một ĐH nào có thể chạy đua nổi.

Thấy được sức mạnh lớn lao về khoa học và công nghệ như vậy của các công ty tư nhân mới có thể hiểu hết mức độ nguy hiểm trong việc các công ty của Hoa Kỳ đã để lao động chất xám TQ xâm nhập quá sâu, thậm chí có những công ty còn lệ thuộc vào lực lượng này. Điều đó cho thấy ngăn chặn thất thoát sản phẩm trí tuệ là điều cực kỳ khó chứ không đơn giản như nhiều người vẫn tưởng. Trong phần còn lại chúng tôi sẽ đưa ra một số dư luận đang tranh luận về cuộc chiến chống sự chiếm đoạt sản phẩm trí tuệ của TQ. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra trên mặt trận pháp lý mà truyền thông không đưa tin chính thức xin được miễn lạm bàn. Dẫu chỉ là những thông tin tổng hợp trên các phương tiện thông tin đại chúng, hy vọng người đọc sẽ thấy được phần nào sự khó khăn của cuộc chiến dường như là thiên la địa võng.

Nguyễn Trung Dân
Ngày 17/4/2021

* Tác giả bài viết là Phó Giáo sư nghiên cứu (Associate Research Professor) về lĩnh vực vật lý lý thuyết và quang tử tại Đại học Arizona từ năm 1998 đến tháng 2.2017. Từ 2.2017 cho đến nay là nghiên cứu viên cao cấp tại trung tâm nghiên cứu của một công ty công nghệ cao, đa quốc gia tại New York, đồng thời vẫn tiếp tục giữ cương vị Giáo sư ngoài biên chế (Adjunct Professor) của Đại học Arizona.

Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/trung-quoc-chiem-doat-cong-nghe-cua-my-bang-cach-nao-bai-2-canh-tranh-hay-choi-ban-28268.html

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*