Các nhà nghiên cứu Nhật cho thấy tế bào gốc của phôi chuột có thể tạo thành tế bào trứng.
Lần đầu tiên các nhà khoa học tạo ra chuột con từ hai con chuột đực.
Điều này làm tăng khả năng sử dụng kỹ thuật tương tự cho con người – mặc dù các chuyên gia cho biết rất ít phôi phát triển được thành chuột con và chưa biết liệu phương pháp này có áp dụng được nơi con người hay không.
Tuy nhiên, “Đó là một chiến lược rất thông minh,” bà Diana Laird, một chuyên gia về tế bào gốc và sinh sản tại Đại học California, San Francisco, người không tham gia nghiên cứu, cho biết. “Đó là một bước quan trọng trong cả tế bào gốc và sinh học sinh sản.”
Các nhà khoa học đăng tải công trình nghiên cứu của họ hôm 15/3 trên tạp chí Nature.
Thoạt tiên, họ lấy tế bào da từ đuôi chuột đực và biến đổi thành “tế bào gốc đa năng cảm ứng” vốn có thể phát triển thành nhiều loại tế bào hoặc mô khác nhau. Sau đó, thông qua một tiến trình liên quan đến việc phát triển tế bào và xử lý chúng bằng một loại thuốc, họ chuyển đổi tế bào gốc của chuột đực thành tế bào cái và tạo ra các tế bào trứng có chức năng. Cuối cùng, họ thụ tinh cho những quả trứng đó và cấy phôi vào chuột cái. Khoảng 1% phôi – tức trong số 630 cái chỉ có 7 cái – phát triển thành chuột con.
Những con chuột con này dường như phát triển bình thường và có thể trở thành chuột cha, chuột mẹ bình thường, trưởng nhóm nghiên cứu Katsuhiko Hayashi của Đại học Kyushu và Đại học Osaka ở Nhật Bản nói với các nhà khoa học đồng nghiệp vào tuần trước tại Hội nghị Thượng đỉnh Quốc tế lần thứ 3 về Chỉnh sửa Bộ gen người.
Trong một bài bình luận được xuất bản cùng với nghiên cứu của Nature, bà Laird và đồng nghiệp của bà, Jonathan Bayerl, cho biết công trình này “mở ra những con đường mới trong sinh học sinh sản và nghiên cứu khả năng sinh sản” cho động vật và con người. Chẳng hạn như rốt cuộc có thể sinh sản các loài động vật có vú đang bị đe dọa từ một con đực duy nhất.
Họ nói điều này thậm chí có thể cung cấp một khuôn mẫu tạo điều kiện cho nhiều người, chẳng hạn như các cặp đồng giới nam, “có con ruột, đồng thời tránh được các vấn đề đạo đức và pháp lý của việc hiến tặng trứng”.
Nhưng họ cũng đưa ra một số cảnh báo. Một trong những đáng chú ý nhất? Kỹ thuật này cực kỳ kém hiệu quả. Họ nói không rõ tại sao chỉ một phần rất nhỏ phôi có thể sống sót; lý do có thể là kỹ thuật hoặc sinh học. Họ cũng nhấn mạnh rằng vẫn còn quá sớm để biết liệu quy trình này có hoạt động trong tế bào gốc của con người hay không.
Bà Laird nói các nhà khoa học cần chú ý đến các đột biến và các lỗi có thể xuất hiện trong đĩa nuôi cấy trước khi sử dụng tế bào gốc để tạo trứng.
Đây là nghiên cứu mới nhất thử nghiệm những cách mới để tạo phôi chuột trong phòng thí nghiệm. Mùa hè năm ngoái, các nhà khoa học ở California và Israel đã tạo ra phôi chuột “tổng hợp” từ tế bào gốc mà không cần tinh trùng của bố, trứng hay tử cung của mẹ. Những phôi này phản ánh phôi chuột tự nhiên cho đến 8 ngày rưỡi sau khi thụ tinh, chứa các cấu trúc giống nhau, bao gồm một cấu trúc giống như một trái tim đang đập. Các nhà khoa học cho biết kỳ tích này cuối cùng có thể đặt nền móng cho việc tạo ra phôi người tổng hợp để nghiên cứu trong tương lai.
Theo AP qua voatiengviet.com ngày 17/3/2023
Be the first to comment