Chính Quyền Biden Hai Năm Nhìn Lại

Vào lúc 9 giờ tối Thứ Ba, 7 Tháng Hai, giờ Washington DC, Tổng Thống Joe Biden đọc bài diễn văn quan trọng “State of the Union” trước lưỡng viện Quốc Hội và người dân Mỹ. Diễn văn năm nay – lần thứ hai của ông Biden trong cương vị tổng thống – được trình bày trong bối cảnh sự ủng hộ ông Biden đang ở mức thấp cho dù chính quyền của ông có những thành tích kinh tế và đối ngoại khá ấn tượng.

Tweet của Tổng Thống Joe Biden trước khi đọc bài diễn văn “State of the Union” ngày 7 Tháng Hai. (Hình minh họa: White House Twitter)

Như thường lệ, bài diễn văn đánh giá hiện tình liên bang, điểm lại những thành quả và thiếu sót đồng thời đề ra hướng đi cho những năm còn lại của nhiệm kỳ tổng thống. Với ông Biden, diễn văn giữa nhiệm kỳ còn là bước chuẩn bị cho việc ông tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, dự kiến sẽ được thông báo chính thức vào Tháng Ba hoặc Tháng Tư tới.

Người Mỹ đánh giá thế nào về hai năm cầm quyền của Tổng Thống Biden?

Theo kết quả thăm dò dư luận của Viện Gallup thực hiện cuối Tháng Giêng, chỉ có 41% dân Mỹ chấp nhận thành tích làm việc của ông Biden, gần 60% nghĩ rằng nửa nhiệm kỳ của ông đã làm được rất ít hoặc không được gì cả.

Nhìn chung tỉ lệ ủng hộ ông Biden trong năm thứ hai làm tổng thống thuộc hạng thấp nhất trong các tổng thống hiện đại, giảm 8% so với năm thứ nhất và chỉ khá hơn tỉ lệ 40.4% của cựu Tổng Thống Donald Trump một chút. Đáng chú ý là sự ủng hộ hoặc phản đối ông Biden phụ thuộc vào lập trường đảng phái. Có 83% người Dân Chủ ủng hộ ông trong khi chỉ có 5% người Cộng Hòa và 37% người độc lập làm như vậy.

Yếu tố quan trọng kéo sự ủng hộ ông Biden xuống thấp là kinh tế. Chỉ có 37% số cử tri được hỏi ý kiến chấp nhận việc điều hành kinh tế của chính quyền Biden, thấp hơn tỉ lệ ủng hộ chung. Theo khảo sát của Trung Tâm Pew Research, trong năm người Mỹ thì chỉ có một người (20%) cho rằng điều kiện kinh tế hiện nay của Mỹ là tốt hoặc tuyệt vời, hai người (40%) nói họ rơi vào tình cảnh tài chính tồi tệ hơn so với lúc ông nhậm chức.

Thành tích kinh tế nổi bật 

Vài giờ trước lúc đọc diễn văn, ông Biden đăng tweet liệt kê bảy thành tích nổi bật về kinh tế trong hai năm qua mà ông gọi là “phá kỷ lục.” Đó là (1) số việc làm tăng trong suốt hai năm, (2) tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong hơn 50 năm, (3) sản xuất công nghiệp hồi phục với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm, (4) số doanh nghiệp nhỏ được thành lập trong hai năm qua nhiều nhất trong lịch sử, (5) thâm hụt ngân sách giảm ở mức kỷ lục, (6) giá xăng giảm nhanh nhất trong tám năm, và (7) mức lạm phát hàng năm giảm trong suốt sáu tháng.

Những thành tích đó được củng cố bằng những số liệu cụ thể. Cục Thống Kê Lao Động chẳng hạn, báo cáo trong hai năm cầm quyền của ông Biden đã có 12.1 triệu việc làm được tạo ra, riêng Tháng Giêng, 2023 là 517,000 việc làm và tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3.4% – mức thấp nhất kể từ Tháng Năm, 1969. “Chúng tôi đã tạo ra nhiều việc làm mới trong hai năm qua so với bất kỳ tổng thống nào trong toàn nhiệm kỳ của họ,” ông Biden nói tại Philadelphia Thứ Sáu tuần trước.

Dựa trên thành tích tạo việc làm, bà Janet Yellen, bộ trưởng Bộ Tài Chính, khẳng định mạnh mẽ rằng nguy cơ kinh tế Mỹ bị suy thoái là rất thấp, phản bác dự báo mà nhiều chuyên gia kinh tế vẫn liên tục đưa ra trên truyền hình. “Bạn sẽ không thấy suy thoái khi có 500,000 việc làm mới [mỗi tháng] và tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất 53 năm,” bà Yellen nói trong chương trình “Good Morning America” của đài ABC News sáng Thứ Hai, 6 Tháng Hai.

Giảm thâm hụt ngân sách là một điểm sáng khác. Thâm hụt ngân sách là khoản vượt giữa số tiền chính phủ chi ra so với số tiền thu vào; và khoản thâm hụt này đã giảm được $1.7 ngàn tỷ trong hai năm, từ mức $3.1 ngàn tỷ năm 2020 xuống $1.4 ngàn tỷ năm 2022. Nhưng theo Ủy Ban Trách Nhiệm Ngân Sách Liên Bang thì thâm hụt ngân sách giảm phần lớn là do chính phủ không còn phải chi các khoản chống dịch COVID-19 chứ không hoàn toàn do chính quyền Biden tiết kiệm được.

Dù thâm hụt ngân sách giảm nhưng tổng nợ công của liên bang vẫn tăng từ $27.8 ngàn tỷ lúc ông Biden nhậm chức lên $31.4 ngàn tỷ hiện nay, đã đụng “trần nợ” và nước Mỹ có nguy cơ vỡ nợ nếu Quốc Hội không đồng ý nâng trần nợ vào Tháng Sáu tới như chúng tôi đã phân tích trong một bài trước.

Bà Anita Dunn, cố vấn cao cấp của tổng thống, nói rằng trong bài diễn văn tối nay, ông Biden sẽ nhấn mạnh vào chính sách tăng thuế đối với người có thu nhập cao, coi đó là biện pháp chính để tăng thu ngân sách liên bang, giảm thâm hụt, thậm chí có thể thặng dư để giảm bớt khối nợ công khổng lồ.

Trong hai năm qua, chính quyền Biden – cùng với lợi thế đảng Dân Chủ nắm đa số ở cả hai viện Quốc Hội, đã thông qua được một số luật lệ quan trọng về kinh tế nhằm thúc đẩy đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và năng lượng tái tạo.

Người dân vẫn cảm thấy bất an 

Nhưng điều trái khoáy là trong lúc nền kinh tế tiếp tục có dấu hiệu vững mạnh thì các cuộc thăm dò cho thấy cử tri không chia sẻ những đánh giá tích cực của chính quyền. Nỗi bi quan của người dân có thể liên quan trực tiếp tới tình trạng giá cả tăng nhanh khiến người tiêu dùng chật vật hơn trong việc trang trải cuộc sống kể từ giữa năm 2021. Tỷ lệ lạm phát đã giảm so với mức cao nhất 40 năm mà nó đạt tới hồi mùa Hè, nhưng hiện vẫn còn cao hơn mức trung bình nhiều năm, làm cho người tiêu dùng phải cố thắt lưng buộc bụng.

Chính giá cả leo thang làm thất bại những nỗ lực của chính quyền Biden trong việc thuyết phục người dân rằng kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh hơn kinh tế của các nước giàu khác. Tòa Bạch Ốc cho biết, Tổng Thống Biden thấu hiểu nỗi lo ngại của cử tri và đang “thảo luận những cách thức làm giá cả hạ xuống, giúp các gia đình dễ thở hơn thông qua việc giảm giá thuốc kê toa, giảm phí bảo hiểm y tế và hóa đơn năng lượng,…” Nhưng chính phủ Mỹ không có quyền can thiệp vào việc định giá của thị trường và doanh nghiệp như ở các nước độc tài nên nỗ lực giảm lạm phát của ông Biden bị nhiều hạn chế, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh Ukraine gây xáo trộn lớn đến thị trường năng lượng và lương thực thực phẩm toàn cầu.

Trong hai năm qua, ông Biden cũng thành công về mặt chính sách kinh tế, đã ban hành Luật Giảm Lạm Phát (Inflation Reduction Act) 2022, Luật Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng, Luật CHIPS và Khoa Học,… đặt nền tảng cho việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ và giảm chi phí cho cuộc sống người dân, nhưng cần có thời gian để các đạo luật thể hiện hiệu quả trong cuộc sống. Cho đến nay người tiêu dùng vẫn chưa cảm nhận được tác động của các đạo luật quan trọng này đến sinh hoạt bình thường của họ, từ đó họ cảm thấy chính quyền làm được rất ít hoặc không làm được gì cả.

Về đối ngoại, chính quyền Biden đã củng cố được các liên minh quốc tế của Mỹ ở Châu Á nhằm cạnh tranh với Trung Quốc, ở Châu Âu nhằm ủng hộ Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga và đã chấm dứt cuộc chiến tranh vô nghĩa của Mỹ ở Afghanistan. Vị thế lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ được củng cố và uy tín quốc gia được nâng cao rất nhiều so với thời của người tiền nhiệm. Nhưng dường như với cử tri Mỹ, những thành tích đối ngoại không được chú ý nhiều so với những vấn đề thiết thân như giá xăng dầu và tình hình tội phạm ngoài đường phố.

Công tâm mà nói, Tổng Thống Biden là một nhà lãnh đạo tốt. Ông đã hoàn thành được một số cam kết khi tranh cử.

Nhưng ở tuổi 80, nói năng vấp váp, ông không nên tiếp tục ra tranh cử tổng thống mà nên nhường cơ hội cho những chính trị gia trẻ tuổi hơn, năng động hơn. Bản thân ông Biden hiện đang là mục tiêu chống đối của đảng Cộng Hòa. Với lợi thế đa số mới giành được ở Hạ Viện, Cộng Hòa đang mở những cuộc điều tra về tài liệu mật ở nhà riêng và văn phòng cũ của ông, về cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan năm 2021, về hoạt động kinh doanh của con trai ông, Hunter Biden, và về chính sách biên giới của chính quyền… Sự kiện một Hạ Viện trong tay đảng đối lập thực hiện điều tra tổng thống đương quyền nhân danh sự kiểm soát quyền lực không phải là chuyện lạ, nhưng chắc chắn những cuộc điều tra đó sẽ gây khó khăn không ít cho Tổng Thống Biden và cản trở sự lãnh đạo của ông trong những năm tới.

Hiếu Chân
Theo Người Việt online ngày 7/2/2023

1 Comment

  1. Tóm lại là sau 2 năm cửa Nội các ông Biden, giá cả, bảo hiểm y-tế, lạm phát, thuế vụ, an ninh tồi tệ, biên giới bỏ ngỏ… tăng rất cao do đó dân tình mất niềm tin!
    Dân chúng hầu hết trở lại làm việc củ chứ không phải có việc làm mới trên 12 triệu như Bộ Lao động mô tả!

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*