Cũng một câu thơ trên, nhưng câu chuyện thì đã cũ hơn ngàn năm. Hơn ngàn năm đó biết bao sự tình. Đó là câu chuyện tình văn hóa giữa Trung Hoa và Nhật Bản hơn ngàn năm trước. Cũng câu thơ đó, mới đây, vừa xuất hiện trở lại sau Tết Nguyên Đán 2020 trong bối cảnh bệnh Dịch Covid-19 đang hoành hành tại Thành Phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc Trung quốc. Điều lạ là câu thơ xuất hiện trên những thùng quà của nước Nhật gởi cho Chính phủ Trung hoa để cứu trợ các nạn nhân đang nhiễm Coronavirus tại Vũ Hán. Người Nhật đã rất khôn ngoan trong bước đi ngoại giao và văn hóa qua cung cách viện trợ cho anh láng giềng hung hăng đang gặp nạn.
Tôi xin tạm dịch hai câu thơ cổ được người Nhật in lại trên các thùng quà cứu trợ nạn dịch Corona đang bùng phát dữ dội tại thành phố Vũ Hán và đang lây lan sang nhiều tỉnh, thành Trung quốc cùng 27 nước khác. (Theo bản tin Feb. 9/2020)
Núi sông tuy khác biệt nhau
Nhưng trăng với gió một bầu trời chung.
Theo thông tin từ các trang Mạng toàn cầu thì 8 chữ “Sơn xuyên dị vực – Phong nguyệt đồng thiên” được trích từ một bài tứ tuyệt 4 câu, 16 chữ, bắt nguồn từ một câu chuyện xa xưa có tính cách giao lưu văn hoá và truyền bá tôn giáo giữa Nhật Bản và Trung Hoa vào thế kỷ thứ 8 (Triều Đại Nhà Đường bên Trung hoa).
1. Chuyện kể:
Cuối thế kỷ thứ 8, để thắt chặc tình hữu nghị giữa các nước lân bang. Vương quốc Nhật Bản thời ấy đã cử người sang Trung hoa để tu học về Phật pháp. Trong chuyến đi nầy, Nhật đã tặng cho Vua Quan nhà Đường và các Chùa Phật giáo tại Trung hoa cả ngàn chiếc áo Cà sa, trên mỗi chiếc áo đều có ghi 16 chữ:
SƠN XUYÊN DỊ VỰC,
PHONG NGUYỆT ĐỒNG THIÊN,
KÝ CHƯ PHẬT TỬ,
CỘNG KẾT LAI DUYÊN.
Có lẽ cảm kích từ những việc làm nầy. Năm 742 sau Công nguyên, thời nhà Đường, Đại Sư Giám Chân người Trung hoa đã từ Dương Châu đến Nhật Bản 6 lần để hoằng dương Phật pháp, giới thiệu văn hóa thịnh Đường Trung hoa. Những chuyến đi nầy đã có ảnh hưởng sâu rộng đến các lĩnh vực chính trị, triết học, văn hóa, phong tục dân gian của Nhật Bản. Sau chuyến đi thứ 6, Đại sư Giám Chân viên tịch ở Nhật Bản. Ngoài di sản quý giá về tôn giáo, văn hóa, triết học… vật duy nhất Đại sư để lại cho đời sau chỉ là pho tượng điêu khắc bằng gỗ của ông với tư thế ngồi thiền cho các tín đồ chiêm ngưỡng.
Cuối tháng 11 năm 2010, cách nay gần 10 năm, sau khi kết thúc trưng bày những cổ vật văn hóa trong dịp Triển lãm Thế giới tại Thượng Hải, bức tượng Đại sư Giám Chân của chùa Đông Đại Tự – Một quốc bảo của Nhật Bản – Đã về thăm quê hương Dương Châu, Trung Quốc. Chiêm ngưỡng tượng Đại sư Giám Chân trở thành niềm hãnh diện của người dân thành phố Dương Châu thời đó. Nhà văn Đinh Gia Đồng, công dân của Thành Phố Dương Châu nói trong buổi phỏng vấn:
“Tượng Đại sư Giám Chân về thăm Dương Châu, đây là một hạt giống hữu nghị Trung-Nhật. Tượng điêu khắc này cũng phản ánh nghệ thuật Trung Quốc truyền sang Nhật Bản, rồi điêu khắc tượng Đại sư tại Nhật Bản. Tượng điêu khắc của Đại sư về thăm quê hương đã thể hiện sinh động tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, gợi ý thế hệ ngày nay truyền mối tình hữu nghị này cho các thế hệ mai sau.”
Kiến trúc Thư viện Giám Chân ở chùa Đại Minh mang đậm sắc thái truyền thống của Trung Quốc, từ mái hiên đến hành lang, đều thể hiện phong cách kiến trúc tôn nghiêm và phồn hoa của thời kỳ thịnh Đường. Đến nay, ngôi chùa cổ Đại Minh có lịch sử ngàn năm vẫn còn vang tiếng chuông như ngày xưa, và giờ nầy đang chờ đợi tượng cao tăng trở về thăm nhà.
Bà Shiori, thành viên trong đoàn Nhật Bản, cũng là người trình bày nghi thức trà đạo và nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản, Bà từ Nagoya đến Dương Châu, Bà nói:
“Tượng Đại sư Giám Chân vừa đến chùa Đại Minh, chúng tôi vừa cảm xúc, vừa cung kính chào đón bức tượng Đại sư. Hơn 1250 năm trước, Đại sư Giám Chân giới thiệu với người dân Nhật Bản nền văn hóa và kiến thức tôn giáo của thịnh Đường Trung Hoa đạt trình độ cao nhất lúc đó, chúng tôi rất cảm ơn Đại sư. Tôi nghĩ, Đại sư Giám Chân chắc sẽ rất vui mừng khi chứng kiến hình ảnh đón chào nồng nhiệt của người dân Dương Châu hôm nay.”
Bức Tượng Đại sư Giám Chân về thăm quê hương có chiều cao 80cm. Tượng ngồi được ghép bằng nhiều miếng gỗ nhỏ, vẫn duy trì độ bóng ban đầu của vật liệu gỗ, được trưng bày quanh năm tại chùa Đông Đại Tự ở Nara, Nhật Bản để mọi người đều có thể chiêm ngưỡng khi đến viếng chùa.
Tại buổi lễ khai mạc tượng Đại sư Giám Chân, Tỉnh trưởng tỉnh Nara, Nhật Bản, Ông Shogo Arai đã dùng tiếng Trung hoa nhắc lại 4 câu: “Sơn xuyên dị vực, phong nguyệt đồng thiên. Ký chư Phật tử, cộng kết lai duyên” đến mọi người tham dự buổi lễ:
“Hai bên Trung-Nhật đã khắc phục rất nhiều khó khăn mới thực hiện chuyến thăm quê hương Dương Châu lần này của tượng Đại sư Giám Chân, nhưng so với sự gian nan trên đường vượt biển đến Nhật Bản của Đại sư Giám Chân, thì những khó khăn đó không đáng kể. 16 chữ mang ý nghĩa là: tuy Nhật Bản và Trung Quốc là hai đất nước có non nước, phong cảnh khác nhau, nhưng hai nước chúng ta cùng chung một bầu trời.“
16 chữ mà ông Shogo Arai đọc trong buổi lễ, từng được thêu trên cổ áo cà sa do Nhật Bản tặng cho Triều đình và một số nhà sư Trung Quốc vào thế kỷ thứ 8 (Cách nay gần 1300 năm).
2. Chuyện mới:
Tháng 1/2020, Trung hoa bị bùng nổ cơn đại dịch Virus Corona, khởi xuất từ Thành Phố Vũ Hán tỉnh Hà Bắc. Chưa tròn 1 tháng, Virus Corona đã lây lan rất nhanh gây tử vong hơn 811 người Hoa và hơn 37.000 người bị bệnh, 27 quôc gia bị ảnh hưởng trực tiếp căn bệnh do lây lan với 2 người chết. (Bản tin 09 tháng 02, năm 2020).
Người viết xin mở một dấu ngoặc. Tôi viết bài tạp ghi nầy vào ngày 10 Tháng 02 Năm 2020 với số liệu như trên. Đúng 11 tháng sau, tôi bổ sung tin tức về căn bệnh quái ác Covid-19 nầy như một trận cuồng phong đang tàn phá thế giới. Tất cả các nước trên thế giới (191 nước) đều bị căn bệnh của thế kỷ Corona Virus Pandamic (Covid-19) lây lan với số liệu kinh hoàng cho nhân loại. 70 triệu người bị nhiễm Covid-19. Số tử vong là 1,580,867. (Bản tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Dec. 10/2020.)
Theo Tân Hoa xã, người phát ngôn chính phủ Trung quốc cho biết Nhật Bản đã tặng cho Trung Quốc khẩu trang, kính bảo vệ và đồ bảo vệ – những thứ rất cần thiết cho nhân viên y tế và người dân trong việc ngăn ngừa cơn dịch bệnh Corona Virus đang bắt đầu hoành hành tại Hà Bắc, Trung hoa. Ngoài ra, Nhật Bản còn thắp sáng tháp Tokyo Skytree ở Tokyo bằng màu đỏ và xanh để cầu nguyện cho Trung Quốc. Trên một số thùng hàng viện trợ Nhật gửi tặng đến tỉnh Hồ Bắc, còn có dòng chữ: “Sơn xuyên dị vực, phong nguyệt đồng thiên.”
Khi viết bài nầy, trong nhãn quan của tôi, người Nhật muốn thể hiện cái phong cách văn hóa riêng biệt của chính họ. Nhẹ nhàng, kín đáo và tế nhị trong cách cho. Ông Bà chúng ta lúc xưa cũng từng dạy bảo chúng ta là trong cuộc sống, Cách Cho quan trọng hơn Vật cho. Chúng ta vẫn thường Cho nhưng chưa biết “Cách Cho”. Người Nhật hơn nhiều dân tộc khác chính là chỗ biết Tri Hành hợp nhất.
Nước Nhật dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng đã nổi lên như một nước lớn, không phải chỉ riêng tại Á châu mà cả thế giới. Lớn cả về Kinh tế lẫn Quân sự. Điều đó không có gì phải bàn cãi. Thập niên 1936, Nhật từng đưa quân xâm chiếm Trung quốc, gieo rắc hờn căm trong dân chúng Trung Hoa khi cho phép binh lính Nhật tự do lấy vợ Trung Hoa để cấy dòng máu Nhật vào các khu vực chiếm đóng trong âm mưu Đại Đông Á của Nhật Bản thời gian đó. Khi Thế chiến thứ 2 bùng nổ, Nhật đứng vào phe Trục, cùng với Đức, Ý muốn thôn tính và khuynh đảo thế giới. Chỉ 6 năm, phe Trục bị thua cuộc và đầu hàng Đồng Minh năm 1945. Trung Hoa được giải thoát khỏi sự chiếm đóng của Nhật. Nhắc lại mấy dòng lịch sử để thấy anh Phù Tang Nhật đâu phải vừa. Khi mạnh thì tư tưởng bành trướng cũng mạnh theo. Chủ trương Đại Đông Á của Nhật là một thí dụ điển hình.
Sang thế kỷ 21, Trung Hoa trở thành cường quốc kinh tế lẫn quân sự. Nước mạnh, người đông thì phát sinh dã tâm bành trướng bằng cách khuynh đảo những quốc gia nhỏ láng giềng trước khi đưa vòi bạch tuột ra thế giới. Trong quá khứ, Trung Hoa đã từng vẽ ra Con Đường Tơ Lụa để dòm ngó thế giới, nhưng mới chỉ đi được gần nửa chặng thì Con Đường Tơ Lụa bị sụp đổ. Mười ba thế kỷ sau, năm 2015, khi đã bước vào vị thế tranh chấp ngôi nhất nhì thế giới. Trung cộng lại có tham vọng mới và Tập Cận Bình, Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí Thư Cộng sản Trung quốc đã đưa ra chính sách Nhất Đới Nhất Lộ (Một vành đai, một con đường) để tái thực hiện giấc mơ Con Đường Tơ Lụa xưa cũ. Trận đại dịch Coronavirus lần nầy sẽ ảnh hưởng ra sao đến chủ trương Nhất Đới Nhất Lộ của Tập? Chúng ta hãy chờ xem.
Trong một bài viết trước đây, tôi có đề cập đến sáng kiến Nhất Đới, Nhất Lộ của Trung cộng do ông Tập Cận Bình khởi xướng, lấy cảm hứng từ Con đường Tơ lụa năm xưa, nuôi tham vọng tái thực hiện hệ thống các tuyến đường buôn bán cách đây nhiều thế kỷ giữa châu Âu và châu Á, giữa Đông và Tây. Thực chất nó không phải là con đường thương mại thuần túy theo nghĩa đen mà là con đường bành trướng thế chính trị bá quyền của Trung cộng trong thời kỳ sung mãn của nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh.
Nhất Đới, Nhất Lộ được coi là đứa con tinh thần của Tập Cận Bình và là chính sách đối ngoại quan trọng nhất của nhà lãnh đạo này cho tới nay. Ông Tập Cận Bình gọi đây là “dự án thế kỷ”. Qua sáng kiến này có thể thấy ông Tập theo đuổi đường lối đối ngoại chủ động đầy tham vọng và có phần liều lĩnh. Tôi cho là liều lĩnh vì thực tế ông Tập cũng chưa nắm chắc được ý đồ của các nước khác. Chưa biết rõ về người khác thì chỉ năm ăn, năm thua. Tôi cho là ông Tập chỉ muốn thoát khỏi tư tưởng đối ngoại kiểu giấu mình chờ thời cơ của Đặng Tiểu Bình trước đây mà thôi.
Theo tôi, mục đích thực sự của Tập là muốn đặt nước Tàu vào trung tâm của các tuyến thương mại và mạng lưới truyền thông thế giới. Mặc dù ban đầu sáng kiến này được sự đón nhận nhiệt tình từ các quốc gia kém phát triển, kể cả vài nước đã và đang phát triển ở Âu châu khi những nước nầy nhìn thấy cơ hội tăng trưởng kinh tế cho nước họ thông qua dự án của Tàu. Nhưng rồi, qua thời gian rất ngắn, nhiều quốc gia trong số đó đã sớm nhận ra rằng đầu tư của Trung Quốc luôn đi kèm theo những sợi dây trói buộc về sau gây bất lợi cho nước họ nên một số quốc gia đã rút khỏi dự án của Tập. Mới đây nhất là tháng 4/2021, Australia và Bang Victoria đã chính thức hủy bỏ hợp đồng kinh tế với Trung quốc.
Trở lại chuyện Trung Nhật, trong thời gian miền Nam Trung hoa bị Nhật chiếm đóng, Nam Kinh là khu vực bị ảnh hưởng từ chính sách cai trị của Nhật bản nặng nề nhất. Do đó, Nam Kinh đã trở thành nơi chống Nhật dữ dội nhất từ non một thế kỷ nay. Họ bài Nhật ở khắp các thành phố, làng mạc, mọi lúc, mọi nơi, không một chút e dè. Điều đó cũng dễ hiểu vì Nam Kinh là khu vực địa chính chịu nhiều đau thương nhất trong thời gian bị Nhật chiếm cứ. Người Nhật ngày nay hiểu rõ điều đó hơn ai hết. Sống bên cạnh một anh hàng xóm hung hăng với lòng thù hận từ những mối hờn oán năm xưa. Nhật tuy mạnh về kinh tế nhưng chưa thể so sánh sức mạnh quân sự với Trung cộng hiện tại. Nhật phải đi những bước đi của một Võ sĩ đạo cứng cỏi nhưng cũng biết quyền biến trong từng giai đoạn. “Sơn Xuyên Dị Vực, Phong Nguyệt Đồng Thiên” cũng là bước đi mang tính ngoại giao, rất có ý nghĩa trong cách mượn đường qua Tôn giáo và Văn Hóa mà chính phủ Nhật đang làm ngay trong giai đoạn dịch Coronavirus đang hoành hành tại Trung quốc.
Nên nhớ một điều, trong trận đại dịch Coronavirus lần nầy, thành phố Vũ Hán Trung Hoa là trung tâm ổ dịch, Nhật cũng đang là ổ dịch lớn thứ 2 trên thế giới sau đó. Nhưng đến cuối năm 2021, Hoa Kỳ là quốc gia bị dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề nhất với hơn một triệu người chết và gần một trăm triệu người nhiễm bệnh phải điều trị. Con số theo thống kê tính đến ngày (Oct. 15, 2022) tại Hoa Kỳ đã có 1,065,841 người tử vong, 97,023.298 ca nhiễm vì Covid-19. Riêng với Trung Hoa, số liệu thống kê về Tổng số Ca tử vong và Ca nhiễm bệnh đều không được Trung Cộng công bố. Thế giới không ngạc nhiên vì từ lâu nay, sống sau bức màn sắt, Trung cộng không bao giờ công bố những tin tức thật nếu những tin tức đó có thể gây xôn xao trong dân chúng và bất lợi cho chính quyền.
Sau cơn đại dịch Coronavirus (Covid-19) Có một điều khả tín là anh Tàu bành trướng sẽ bị chậm phát triển ở nhiều lãnh vực, nhất là về mặt kinh tế và xã hội. Trung hoa sau trận đại dịch Covid-19 sẽ giống một bệnh nhân vừa thoát cửa ải tử thần, sẽ cần thời gian để phục hồi sức khỏe. Biết đâu hai câu thơ lại chẳng trở thành viên thần dược xoa dịu vết đau, làm giảm nhiệt cho khu vực Á châu vốn đang phải tìm thuốc “giảm đau” từ nhiều năm nay trước một gã khổng lồ Trung cộng hung hăng, đầy tham vọng bành trướng bá quyền, nham hiểm, bất chấp luật pháp quốc tế và dư luận thế giới.
Lê Tấn Dương
9 tháng 2/2020 – 11/2022
Be the first to comment